• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/1996
CHÍNH PHỦ
Số: 89/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 15 tháng 12 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

Của Chính phủ số 89-CP ngày 15 tháng 12 năm 1995 về việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xuất, nhập khẩu hàng hoá từng chuyến

______________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị định 33-CP ngày 19 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất, nhập khẩu;
Căn cứ Nghị định số 38-CP ngày 04 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Thương mại, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Bãi bỏ thủ tục Bộ Thương mại cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu cho từng chuyến hàng (lô hàng).

Điều 2. Căn cứ chỉ tiêu chung của Nhà nước về xuất, nhập khẩu, Bộ Thương mại cấp giấy phép xuất, nhập khẩu đối với những mặt hàng và nhóm hàng sau đây:

1- Hàng xuất nhập khẩu quản lý bằng hạn ngạch.

2- Hàng tiêu dùng nhập khẩu theo kế hoạch hàng năm bằng hiện vật hoặc bằng giá trị kim ngạch được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

3- Máy móc, thiết bị (bao gồm thiết bị lẻ và thiết bị toàn bộ) nhập khẩu bằng nguồn vốn ngân sách theo quyết định số 91/TTg ngày 13 tháng 11 năm 1992 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý nhập khẩu máy móc thiết bị bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

4- Hàng của các doanh nghiệp được thành lập theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

5- Hàng để phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí theo giấy phép liên doanh, đầu tư.

6- Hàng dự hội chợ triển lãm.

7- Hàng gia công.

8- Hàng tạm nhập để tái xuất, hàng quá cảnh, hàng nhập khẩu theo quy chế đại lý bán hàng cho nước ngoài, hàng nhập khẩu cho các cửa hàng miễn thuế.

9- Hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện cần điều hành để bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, thực hiện theo danh mục do Bộ Thương mại công bố, sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi có văn bản cho phép của Bộ Thương mại đối với những loại hàng hoá nêu trên, doanh nghiệp đến cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan để xuất hoặc nhập khẩu, không cần giấy phép chuyến.

Điều 3. Các cơ quan quản lý chuyên ngành sau đây, theo chức năng quản lý của mình, thoả thuận với Bộ Thương mại để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố công khai hàng năm danh mục các mặt hàng cần có ý kiến xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành trước khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu, đồng thời chỉ định cơ quan chức năng trực thuộc chịu trách nhiệm xem xét, xác nhận đối với các đơn hàng xuất, nhập khẩu hàng hoá (kể cả hàng mẫu) thuộc danh mục này:

1- Bộ Công nghiệp:

- Khoáng sản hàng hoá, (Phụ lục 1 - đối với xuất khẩu).

- Phế liệu kim loại đen và màu (đối với xuất khẩu).

2- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Động vật rừng, thực vật rừng. (Phụ lục 2- đối với xuất khẩu).

- Công nghệ chế biến gỗ và lâm sản (đối với nhập khẩu).

- Sản phẩm xuất khẩu chế biến từ gỗ (trừ hàng mỹ nghệ).

- Động vật sống, thực vật tươi sống dùng làm giống trong nông nghiệp (đối với nhập khẩu).

- Thức ăn gia súc (đối với nhập khẩu).

3- Bộ Y tế (đối với nhập khẩu):

- Thuốc và nguyên liệu làm thuộc chữa bệnh cho người (Phụ lục 3).

- Thiết bị, máy móc, dụng cụ khám, chữa bệnh cho người. (Phụ lục 4).

4- Bộ Tài chính, (Ban quản lý và tiếp nhận hàng viện trợ quốc tế - đối với nhập khẩu):

- Hàng viện trợ

5- Bộ Thuỷ sản (đối với xuất, nhập khẩu):

- Thuỷ sản sống dùng làm giống (Phụ lục 5).

- Thuỷ sản quý hiếm (Phụ lục 6).

- Các loại thuốc và thức ăn sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản.

6- Bộ Văn hoá - Thông tin (đối với xuất, nhập khẩu):

- Sách báo, tranh ảnh và các sản phẩm khác (trừ nhãn hiệu và ca-ta-lô hàng hoá).

- Các tác phẩm mỹ thuật có giá trị cao do Nhà nước quản lý.

- Thiết bị ngành in, băng hình có ghi chương trình.

- Các tác phẩm điện ảnh.

7- Bộ Quốc phòng (đối với xuất, nhập khẩu):

- Vũ khí, khí tài trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

- Đạn dược, vật liệu nổ dùng cho Quốc phòng.

- Tài liệu và dây chuyền công nghệ sản xuất, sửa chữa vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

- Quân trang, quân dụng.

8- Ngân hàng Nhà nước (đối với xuất, nhập khẩu):

- Thiết bị, máy móc chuyên ngành ngân hàng.

9- Tổng cục Bưu điện (đối với xuất, nhập khẩu - Phụ lục 7):

Sau khi có xác nhận của các cơ quan nói trên, các doanh nghiệp đến cơ quan Hải quan làm thủ tục hải quan để xuất hoặc nhập khẩu, không phải xin giấy phép chuyến.

Đối với động vật rừng, thực vật rừng (Phụ lục 2) phải có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của Công ước quốc tế CTTES và Nghị định số 18-HĐBT ngày 17 tháng 01 năm 1992 của Chính phủ; đối với thuốc chữa bệnh, chất gây nghiện, chất hướng tâm thần và tiền chất (Phụ lục 3A) khi nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Y tế theo quy định của công ước quốc tế NARCOTIC DRUGS, 1961.

Đối với hàng trả nợ nước ngoài, sau khi được Bộ Tài chính thông báo là đơn vị trúng thầu (đối với mặt hàng tổ chức đấu thầu) hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chỉ tiêu (đối với mặt hàng còn phân phổ chỉ tiêu), các doanh nghiệp đến Hải quan làm thủ tục hải quan để xuất khẩu.

Những đơn hàng, hợp đồng xuất nhập khẩu thuộc các doanh mục trong Điều 3 này đã ký trước ngày 01 tháng 01 năm 1996 vẫn có hiệu lực thực hiện đến khi xong hợp đồng.

Điều 4. Hàng hoá ngoài danh mục cấm xuất, nhập khẩu và ngoài phạm vi quy định ở Điều 2 và Điều 3 Nghị định này được phép xuất, nhập khẩu tuỳ theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Khi tiến hành hoạt động xuất, nhập khẩu các loại hàng hoá này, các doanh nghiệp đã có giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu do Bộ Thương mại cấp và có ngành hàng phù hợp, không phải xin giấy phép xuất, nhập khẩu của bất kỳ cơ quan nào, mà chỉ cần đến cơ quan Hải quan làm thủ tục Hải quan để xuất hoặc nhập khẩu.

Điều 5. Việc giao trách nhiệm quản lý và cung cấp các thông tin về hoạt động xuất, nhập khẩu, về hàng hoá xuất, nhập khẩu, về giám sát thu chi ngoại tệ... được phân công cụ thể như sau:

1- Bộ Thương mại chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp, nhất là xuất khẩu, nhập khẩu những mặt hành trọng yêu của nền kinh tế quốc dân. Trên cơ sở báo cáo của Tổng cục Hải quan, Bộ Thương mại thông báo cho các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tình hình xuất, nhập khẩu từng thời kỳ để các doanh nghiệp định hướng hoạt động của mình cho phù hợp với thị trường trong nước và ngoài nước. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Thương mại đề nghị với các ngành và trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế, kể cả áp dụng biện pháp tình thế đối với việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng chuyến đối với một vài mặt hàng quan trọng.

2- Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng hoá và thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu; cung cấp kịp thời cho Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê và Văn phòng Chính phủ tình hình và số liệu xuất khẩu, nhập khẩu từng mặt hàng, theo định kỳ 10 ngày 1 lần, của từng bộ, tỉnh, thành phố, từng doanh nghiệp, với từng nước.

3- Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thu, chi ngoại tế của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Điều 6. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 1996. Bãi bỏ Điều 22 Nghị định 33/CP ngày 19 tháng 4 năm 1994 của Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và Quy định số 297/TMDL/XNK ngày 09 tháng 4 năm 1992 của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch về giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá, và các văn bản trái với Nghị định này.

Bộ Thương mại phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành Thông tư liên Bộ hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này đúng thời hạn đã định.

Điều 7. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.