• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1996
CHÍNH PHỦ
Số: 96/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tuyên Quang, ngày 27 tháng 12 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

Của Chính phủ số 96-CP ngày 27 tháng 12 năm 1995 Quy định chi tiết thi hành Luật thuế doanh thu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế doanh thu

__________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật thuế doanh thu đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế doanh thu đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 05 tháng 7 năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế doanh thu đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH

Chương 1:

PHẠM VI ÁP DỤNG THUẾ DOANH THU

Điều 1.- Đối tượng nộp thuế doanh thu theo quy định tại Điều 1, Điều 8 của Luật thuế doanh thu bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là cơ sở kinh doanh), thuộc mọi ngành nghề, thành phần kinh tế, không phân biệt hình thức kinh doanh, có cơ sở kinh doanh ở Việt Nam hay ở nước ngoài, có doanh thu phát sinh ở Việt Nam đều phải nộp thuế doanh thu.

Điều 2.- Những hoạt động sau đây không thuộc diện chịu thuế doanh thu:

1. Sản xuất nông nghiệp thuộc diện chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Không thu thuế doanh thu đối với sản phẩm nông nghiệp do cơ sở sản xuất nông nghiệp bán ra chưa qua chế biến, hoặc chỉ sơ chế như: phân loại, bỏ vỏ, phơi, sấy khô (trừ cao su).

2. Sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà cơ sở sản xuất đã kê khai nộp thuế TTĐB thì không phải nộp thuế doanh thu đối với mặt hàng này ở khâu sản xuất.

3. Sản xuất hàng hoá xuất khẩu bao gồm:

a. Hàng hoá do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc trực tiếp gia công cho nước ngoài theo hợp đồng ký với nước ngoài (kể cả các trường hợp đưa hàng hoá ra nước ngoài để bán giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm).

b. Hàng hoá do cơ sở sản xuất bán hoặc uỷ thác cho cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế phù hợp với giấy phép xuất khẩu của cơ sở kinh doanh xuất khẩu.

Trường hợp cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá của cơ sở sản xuất để xuất khẩu, nếu bán trong nước thì ngoài việc nộp thuế doanh thu theo thuế suất kinh doanh thương nghiệp, còn phải nộp thuế doanh thu hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất ngành nghề sản xuất.

c. Hàng hoá do cơ sở nhận gia công lại của cơ sở trực tiếp ký hợp đồng gia công với nước ngoài.

4. Hoạt động tín dụng của các tổ chức ngân hàng, tín dụng, công ty tài chính.

Chương 2:

CĂN CỨ TÍNH THUẾ VÀ BIỂU THUẾ DOANH THU

Điều 3.- Doanh thu tính thuế doanh thu theo quy định tại Điều 3 và Điều 8 Luật thuế doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cước, tiền hoa hồng, tiền dịch vụ... (kể cả phụ thu nếu có) phát sinh trong kỳ nộp thuế, không phân biệt số tiền đó đã thu được hay chưa thu được.

Doanh thu tính thuế đối với một số hoạt động kinh doanh quy định cụ thể như sau:

1. Đối với hoạt động sản xuất (bao gồm sản xuất, chế biến, lắp ráp, khai thác) doanh thu là tiền bán sản phẩm hàng hoá do cơ sở sản xuất ra (kể cả phụ thu nếu có).

Riêng đối với hoạt động in sách, báo, doanh thu tính thuế không tính tiền giấy in.

2. Đối với hoạt động gia công doanh thu là tiền gia công, bao gồm tiền công, tiền nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và các chi phí khác để gia công (trừ nguyên liệu chính và bán thành phẩm đưa gia công).

3. Đối với hoạt động xây dựng:

a. Đối với hoạt động xây lắp (không phân biệt có bao thầu hay không bao thầu vật tư, nguyên liệu) doanh thu tính thuế là tổng giá trị công trình, hạng mục công trình xây lắp, không kể giá trị máy móc thiết bị toàn bộ và đồ trang trí nội thất gắn với công trình (nếu có).

b. Đối với hoạt động khảo sát, thiết kế và các hoạt động khác trong xây dựng doanh thu là toàn bộ tiền thu từ hoạt động này.

c. Đối với hoạt động xây dựng một công trình hoặc một hạng mục công trình, thuế doanh thu chỉ tính một lần trên tổng giá trị công trình hay hạng mục công trình.

d. Đối với xây dựng các công trình phải thanh toán theo nhiều giai đoạn, doanh thu tính thuế từng kỳ được tính theo giá trị hạng mục công trình hay phần việc đã hoàn thành.

4. Đối với hoạt động vận tải doanh thu là tiền cước phí vận chuyển hàng hoá, hành khách, hành lý và thu khác từ hoạt động vận tải.

Đối với hoạt động vận tải hàng không, tàu biển, đường sắt... có hoạt động vận tải quốc tế, doanh thu tính thuế được xác định như sau:

- Đối với các cơ sở vận tải thuộc đối tượng được cấp giấy phép hoạt động vận tải, đã đăng ký kê khai nộp thuế ở Việt Nam, doanh thu tính thuế là tiền cước vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam và từ Việt Nam (cảng đi đầu tiên) tới cảng cuối cùng ở nước ngoài, nơi mà hành khách, hành lý, hàng hoá đến. Riêng hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế, doanh thu tính thuế đối với hoạt động này là phần doanh thu được hưởng theo các quy ước vận chuyển hàng không Quốc tế.

- Đối với các cơ sở vận tải nước ngoài không có cơ sở kinh doanh ở Việt Nam nhưng có hoạt động vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá từ các cảng Việt Nam đi nước ngoài, doanh thu tính thuế là tiền cước vận chuyển tính từ cảng Việt Nam (cảng đi đầu tiên) tới cảng cuối cùng ở nước ngoài nơi mà hành khách, hành lý, hàng hoá đến, không phân biệt nơi mua vé cước hay hình thức thanh toán tiền cước vận chuyển.

Các cảng theo quy định trên đây bao gồm các cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, ga tàu, bến xe.

5. Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống doanh thu là toàn bộ tiền thu về bán hàng ăn, uống, thuốc hút (không phân biệt hàng tự chế hay mua ngoài), tiền phụ thu và các khoản thu khác gắn với hoạt động kinh doanh ăn uống.

6. Đối với hoạt động kinh doanh thương nghiệp, doanh thu tính thuế được xác định theo từng hình thức như sau:

a. Tính thuế trên doanh thu là toàn bộ tiền thu về bán hàng (kể cả phụ thu nếu có).

b. Tính thuế trên chênh lệch là số chênh lệch giữa giá bán hàng với giá mua hàng.

- Giá bán hàng là giá bán ghi trên chứng từ, hoá đơn bán hàng (kể cả phụ thu nếu có).

- Giá mua hàng là giá thực tế thanh toán cho bên bán ghi trên chứng từ hoá đơn mua hàng. Đối với hàng nhập khẩu là giá mua tại cửa khẩu Việt Nam (CIF) cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), không kể tiền phụ thu (nếu có).

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể giá bán hàng, giá mua hàng để tính thuế cho từng phương thức mua, bán hàng.

7. Đối với hoạt động nhận đại lý, nhận uỷ thác mua bán hàng doanh thu là tiền hoa hồng và các khoản thu khác được hưởng từ hoạt động này. Trường hợp bên nhận đại lý, nhận uỷ thác vừa làm đại lý mua, đồng thời làm luôn đại lý bán hàng cho chủ hàng thì bên nhận đại lý ngoài việc nộp thuế doanh thu về hoạt động đại lý còn phải nộp thuế doanh thu thay cho chủ hàng theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp; doanh thu tính thuế hàng bán đại lý là tiền thu về bán hàng trừ (-) tiền hoa hồng.

8. Đối với hoạt động dịch vụ doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu từ hoạt động dịch vụ:

a. Đối với hoạt động sửa chữa bao gồm tiền công sửa chữa, vật tư, nhiên liệu và chi phí khác để sửa chữa.

b. Đối với hoạt động kinh doanh phòng nghỉ là tiền thuê phòng và tiền thu về phí phục vụ (nếu có).

c. Đối với dịch vụ bưu điện, bưu chính viễn thông là tiền thu cước phí bưu điện, bán tem bưu điện, tiền thu lắp đặt và thuê bao máy điện thoại, máy nhắn tin, máy fax..., thu về truyền dẫn mạng thông tin kể cả các khoản phụ thu (nếu có) và các khoản thu khác về dịch vụ bưu điện.

Đối với hoạt động bưu chính viễn thông Quốc tế, doanh thu tính thuế là số tiền mà đối tượng nộp thuế của Việt Nam được hưởng theo thông lệ quốc tế.

Đối với các cơ sở không thuộc ngành bưu chính viễn thông, có hoạt động dịch vụ bưu điện như điện thoại, fax v.v... doanh thu tính thuế là tiền hoa hồng được hưởng hoặc số tiền thu tăng thêm so với giá cước phải trả cho ngành bưu điện.

d. Đối với hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm doanh thu là tiền thu về kinh doanh bảo hiểm (thu về phí bảo hiểm gốc, phí nhận tái bảo hiểm, phí giám định và thu khác từ hoạt động này).

đ. Đối với hoạt động cầm đồ, doanh thu tính thuế là số chênh lệch giữa tiền thu được với tiền ứng trước cho người đến cầm đồ. Trường hợp bán tài sản cầm đồ của khách hàng để thu hồi vốn, doanh thu tính thuế hoạt động này là số tiền thực thu được từ bán tài sản.

e. Đối với hoạt động cho thuê nhà, đồ dùng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải v.v... doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu được từ hoạt động này.

g. Đối với xổ số kiến thiết và các loại xổ số khác là doanh thu thực thu về bán vé, bán thẻ (doanh thu theo giá vé, giá thẻ trừ (-) tiền hoa hồng trả cho đại lý bán vé, bán thẻ nếu có).

h. Đối với kinh doanh sân gôn (golf) doanh thu tính thuế là tiền thu về bán thẻ hội viên, bán vé vào chơi gôn, tiền thu về hướng dẫn tập, cho thuê dụng cụ, đồ dùng chơi gôn và các khoản thu khác. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác như: kinh doanh phòng nghỉ, ăn uống, du lịch v.v... gắn với kinh doanh sân gôn, doanh thu tính thuế được xác định theo từng hoạt động.

Doanh thu bán thẻ hội viên được xác định bằng (=) số thẻ thực tế đã bán (bao gồm thẻ bán ở Việt Nam và thẻ bán ở nước ngoài) nhân (x) với giá bán ghi trên thẻ.

i. Doanh thu đối với hoạt động đại lý tàu biển là toàn bộ tiền thu từ hoạt động này, trừ các khoản chi hộ cho chủ phương tiện theo hợp đồng.

k. Đối với hoạt động quảng cáo doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền thu từ hoạt động quảng cáo: quảng cáo trên đài truyền thanh, truyền hình, sách, báo, đặt biển hay biểu tượng quảng cáo, trình diễn quảng cáo và các hình thức quảng cáo khác.

l. Cơ sở kinh doanh có doanh thu bằng ngoại tệ được nộp thuế bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng tiền Việt Nam. Nếu nộp bằng đồng Việt Nam phải quy đổi theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm tính thuế. Nếu nộp bằng ngoại tệ phải nộp bằng ngoại tệ chuyển đổi được.

Điều 4.- Thuế suất thuế doanh thu áp dụng đối với từng ngành nghề, hoạt động kinh doanh thực hiện theo biểu thuế doanh thu ban hành kèm theo.

Thuế doanh thu áp dụng đối với một số trường hợp quy định như sau:

1. Cơ sở kinh doanh hoạt động trong nhiều ngành nghề, chịu thuế suất thuế doanh thu khác nhau thì nộp thuế doanh thu theo thuế suất đối với từng ngành nghề. Nếu cơ sở không hạch toán riêng được doanh thu đối với từng ngành nghề thì áp dụng thuế suất cao nhất đối với ngành nghề có kinh doanh.

2. Cơ sở sản xuất mặt hàng thuộc nhóm thuế suất theo ngành nghề, nhưng có mức thuế suất theo công dụng sản phẩm thì được áp dụng mức thuế suất theo công dụng sản phẩm.

3. Cơ sở khai thác trực tiếp dùng sản phẩm khai thác để sản xuất ra sản phẩm khác thì áp dụng thuế suất theo sản phẩm sản xuất.

4. Sản xuất, lắp máy móc thiết bị điện tử chuyên dùng, máy vi tính, thuế suất, thuế doanh thu 4% bao gồm:

- Sản xuất lắp ráp máy móc thiết bị điện tử (tổng đài, thu phát sóng, tiếp sóng) chuyên dùng cho điện thoại, điện báo vô tuyến, vô tuyến truyền thanh và vô tuyến truyền hình.

- Sản xuất, lắp ráp các thiết bị ra đa.

- Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử chuyên dùng điều khiển hệ thống tín hiệu đèn báo, biển báo, còi báo giao thông, hệ thống bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy.

- Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử điều hành để lắp đặt ở các cơ sở sản xuất, hoặc trong các máy móc thiết bị, phương tiện vận tải.

- Sản xuất, lắp ráp máy móc thiết bị điện tử chuyên dùng phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm, y tế.

- Sản xuất, lắp ráp máy vi tính và máy in kèm theo máy vi tính.

5. Cơ sở sản xuất nông nghiệp có hoạt động chế biến sản phẩm nông nghiệp phải nộp thuế doanh thu theo thuế suất ngành nghề, sản phẩm chế biến tiêu thụ.

6. Cơ sở sản xuất có tổ chức các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm phải nộp thuế doanh thu, hoặc tiêu thụ đặc biệt theo thuế suất ngành nghề, mặt hàng sản xuất tại nơi sản xuất và nộp thuế doanh thu theo thuế suất kinh doanh thương nghiệp tại nơi có cửa hàng tiêu thụ sản phẩm.

7. Cơ sở kinh doanh thương nghiệp bán những mặt hàng không xác định được là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu dùng cho sản xuất hay hàng hoá thông thường thì áp dụng thuế suất kinh doanh bán hàng hoá là 2%. Hoạt động buôn chuyến nộp thuế doanh thu theo thuế suất nhóm mặt hàng, nếu không xác định được doanh thu theo nhóm mặt hàng thì áp dụng thuế suất 2% trên tổng doanh thu cả chuyến hàng.

8. Hoạt động kinh doanh đua ngựa thuế suất 20% áp dụng đối với doanh thu bán vé chọn ngựa đua, thuế suất 4% áp dụng đối với doanh thu bán vé cho người vào xem đua ngựa.

9. Hoạt động dịch vụ trục vớt cứu hộ (khảo sát, trục vớt, lai dắt vào bờ) áp dụng thuế suất 2%.

10. Hoạt động hoa tiêu, lai dắt tầu biển áp dụng thuế suất 30%.

Căn cứ vào biểu thuế doanh thu và những quy định trên đây, Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định thuế suất áp dụng đối với từng ngành nghề, hoạt động kinh doanh.

Chương 3:

ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI, NỘP THUẾ DOANH THU

Điều 5.- Theo quy định tại Điều 10 của Luật thuế doanh thu, cơ sở kinh doanh phải kê khai đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế tại nơi kinh doanh. Quy định này được áp dụng cụ thể như sau:

1. Các đơn vị trực thuộc: Công ty, xí nghiệp, chi nhánh, cửa hàng... của Tổng công ty, công ty, cơ sở kinh doanh phải đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế nơi kinh doanh. Cơ sở kinh doanh thuộc ngành thương nghiệp có địa điểm cố định đem bán hàng ngoài khu vực được phép kinh doanh đã nộp thuế về hoạt động buôn chuyến thì phần doanh thu đã nộp thuế này không phải nộp thuế doanh thu ở cơ sở kinh doanh cố định.

Cơ sở làm đại lý, bán hàng hoá cho cơ sở khác phải đăng ký kê khai với cơ quan thuế về hàng bán đại lý, doanh thu bán hàng và tiền hoa hồng được hưởng, nếu không thực hiện đúng các quy định đại lý bán hàng, cơ sở phải nộp thuế doanh thu theo hoạt động kinh doanh thương nghiệp tính trên doanh thu bán hàng.

Mỗi cơ sở kinh doanh thương nghiệp chỉ được áp dụng tính và nộp thuế doanh thu hoạt động kinh doanh thương nghiệp theo một trong hai hình thức: tính trên doanh thu hoặc tính trên chênh lệch giữa giá bán hàng với giá mua hàng. Cơ sở theo quy định này là đối tượng nộp thuế đã đăng ký kê khai nộp thuế và quyết toán thuế doanh thu với cơ quan thuế địa phương.

2. Cơ sở sản xuất có cửa hàng, chi nhánh phụ thuộc tiêu thụ sản phẩm do cơ sở sản xuất ra, khi tính thuế doanh thu của cơ sở sản xuất phải tính trên giá bán thực tế tại chi nhánh, cửa hàng nhưng được trừ số thuế doanh thu mà chi nhánh, cửa hàng đã nộp đối với sản phẩm này.

3. Các đối tượng nộp thuế của Việt Nam bán hàng hoá cho bên nước ngoài; đi thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của nước ngoài; thực hiện dịch vụ cho nước ngoài phải đăng ký, kê khai, nộp thuế doanh thu và thuế lợi tức thay cho bên nước ngoài.

Bộ Tài chính quy định mức thu gộp thuế doanh thu, thuế lợi tức cho từng hoạt động kinh doanh.

Điều 6.- Cơ sở kinh doanh phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ chứng từ, hoá đơn mua bán hàng, cung ứng dịch vụ thu tiền, chế độ kế toán thống kê theo các quy định hiện hành.

Điều 7.- Bộ Tài chính thống nhất phát hành, quản lý các hoá đơn mua, bán hàng, tờ khai, chứng từ nộp thuế.

Điều 8.- Khi cơ quan thuế có yêu cầu về tài liệu và các căn cứ có liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế doanh thu, cơ sở kinh doanh có nhiệm vụ:

1. Nộp đủ, đúng hạn các tài liệu và các căn cứ cần thiết theo yêu cầu của cơ quan thuế;

2. Giải thích, chứng minh các khoản chưa rõ trong tờ khai hoặc sổ sách kế toán, chứng từ hoá đơn và các căn cứ liên quan.

Cơ sở kinh doanh không được viện lý do bí mật nghề nghiệp và các lý do khác để từ chối xuất trình, cung cấp hoặc giải thích các tài liệu và các căn cứ theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Cơ quan thuế phải giữ bí mật về những tài liệu do cơ sở kinh doanh cung cấp.

Điều 9.- Thuế doanh thu được nộp theo định kỳ hoặc nộp hàng tháng theo thời gian quy định của cơ quan thuế cho từng cơ sở; nhưng thời gian quy định nộp thuế của tháng trước chậm nhất không quá ngày 15 tháng sau.

Những hộ kinh doanh nhỏ nộp thuế doanh thu hàng tháng vào những ngày cuối tháng theo quy định của cơ quan thuế.

Điều 10.- Căn cứ vào Điều 14 của Luật thuế doanh thu về việc hộ kinh doanh nhỏ được tính và nộp theo chế độ khoán doanh thu từng thời kỳ; giao cho Bộ Tài chính xác định mức doanh thu bình quân tháng của hộ kinh doanh nhỏ được áp dụng chế độ khoán doanh thu phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh và tình hình giá cả từng thời kỳ.

Chương 4:

GIẢM THUẾ - MIỄN THUẾ

Điều 11.- Những trường hợp được xét giảm thuế, miễn thuế doanh thu theo quy định Điều 18 Luật thuế doanh thu được quy định cụ thể như sau:

1. Miễn thuế đối với: Những người già yếu, tàn tật, người sản xuất kinh doanh nhỏ, lặt vặt, làm nghề phụ, làm kinh tế phụ gia đình... có mức thu nhập hàng tháng tương đương với mức lương tối thiểu Nhà nước quy định.

Hộ kinh doanh được nộp thuế theo chế độ khoán doanh thu theo Điều 14 Luật thuế doanh thu nếu số ngày thực tế kinh doanh trong tháng dưới 5 ngày được miễn nộp thuế doanh thu của tháng đó; nếu số ngày thực tế kinh doanh trong tháng dưới 15 ngày, được giảm 50% số thuế phải nộp của tháng đó, nếu kinh doanh từ 15 ngày trở lên thì phải nộp đủ mức thuế khoán.

2. Cơ sở kinh doanh gặp khó khăn do thiên tai, địch hoạ, tai nạn bất ngờ được xét giảm thuế doanh thu. Mức giảm được tính theo tỷ lệ (%) thiệt hại về tài sản, nhưng tối đa không quá 50% số thuế doanh thu phải nộp và số tiền thuế được giảm không quá 30% giá trị tài sản bị thiệt hại. Thời gian giảm thuế không quá 12 tháng kể từ tháng có doanh thu tiếp sau tháng xảy ra thiệt hại.

3. Các trường hợp được xét giảm thuế kheo khoản 3 Điều 18 Luật thuế doanh thu như sau:

a. Cơ sở kinh doanh hoạt động ở miền núi, hải đảo; khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa bờ; cơ sở hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, chạy thử dây chuyền công nghệ mới nếu gặp khó khăn, phát sinh lỗ được xét giảm thuế doanh thu trong thời gian đầu. Số thuế được xét giảm từng năm (tính theo năm dương lịch) tương ứng với số lỗ, nhưng tối đa không quá 50% số thuế phải nộp và thời gian giảm thuế không quá hai năm (24 tháng).

b. Cơ sở sản xuất mặt hàng cần thay thế hàng nhập khẩu, được công bố hàng năm thì được xét giảm 50% thuế doanh thu trong thời gian đầu, kể từ khi mặt hàng sản xuất bán ra được xác định đủ tiêu chuẩn thay thế hàng nhập khẩu và giới hạn trong thời gian hiệu lực của bảng danh mục mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu. Đối với mặt hàng có chu kỳ sản xuất dưới 6 tháng, thời gian giảm thuế là một năm (12 tháng) đối với mặt hàng có chu kỳ sản xuất từ 6 tháng trở lên, thời gian giảm thuế là hai năm (24 tháng).

c. Cơ sở sản xuất mới thành lập (thuộc các ngành nghề quy định tại mục I - Biểu thuế doanh thu), gặp khó khăn được xét giảm 50% thuế doanh thu trong thời gian một năm (12 tháng) kể từ tháng có doanh thu; những cơ sở gặp nhiều khó khăn, phát sinh lỗ được giảm thuế tiếp theo, nhưng số thuế được xét giảm tối đa không quá 50% số thuế phải nộp và tổng số thời gian được xét giảm thuế không quá hai năm (24 tháng), riêng cơ sở sản xuất ở miền núi, hải đảo không quá 3 năm (36 tháng), kể từ tháng giảm thuế đầu tiên.

Cơ sở sản xuất mới thành lập là cơ sở mới được đầu tư xây dựng, được cấp giấy phép sản xuất, trực tiếp đăng ký kê khai nộp thuế doanh thu với cơ quan thuế. Những cơ sở đã thành lập trước đây khi chia, tách, sát nhập, đổi tên hoặc có đầu tư cải tạo mở rộng sản xuất, thay đổi mặt hàng sản xuất không thuộc đối tượng xét giảm thuế theo quy định này.

4. Cơ sở sản xuất kinh doanh nếu trong cùng một thời gian được xét giảm thuế doanh thu theo các trường hợp khác nhau theo Luật thuế doanh thu, theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước và các quy định khác thì chỉ được giảm thuế theo một trường hợp.

Bộ Tài chính quy định thủ tục kê khai xin miễn giảm thuế quy định tại Khoản 1 và quy định cụ thể thủ tục, thẩm quyền xét giảm thuế quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này. Bộ Kế hoạch và đầu tư trao đổi thống nhất với Bộ Tài chính và các công bố danh mục mặt hàng cần khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu từng thời kỳ.

Điều 12.- Tạm thời chưa thu thuế doanh thu đối với:

- Phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình kế hoạch bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

- Phát hành tạp chí, bản tin chuyên ngành phục vụ nội bộ.

- Hoạt động trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp của các trạm thuỷ nông, duy trì đàn giống gốc gia súc, gia cầm.

- Các hoạt động sửa chữa, duy tu bảo dưỡng đường sá, nạo vét luồng lạch, càng, cầu cống, đê đập, xây dựng nhà tình nghĩa; phục chế các công trình văn hoá nghệ thuật; giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh bằng nguồn vốn sự nghiệp do Ngân sách Nhà nước cấp hoặc tiền đóng góp của nhân dân.

- Thăm dò địa chất, đo đạc lập bản đồ.

- Bán tài sản cố định (để đổi mới tài sản cố định).

- Bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê.

- Bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động.

- Bán phế liệu, phế phẩm, thu hồi đã hạch toán giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

- Các hoạt động tự phục vụ bữa ăn trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang.

- Những trường hợp cụ thể khác theo quy định của Chính phủ.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 13.- Chính phủ có quy định riêng về chế độ khen thưởng đối với tổ chức cá nhân có công trong việc thi hành Luật thuế doanh thu, và chế độ xử phạt đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật thuế doanh thu.

Điều 14.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1996 thay thế các quy định hiện hành của Chính phủ về thuế doanh thu. Những quy định khác về thuế doanh thu trước đây trái với các quy định của Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 15.- Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.