CHỈ THỊ
Về củng cố, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở
____________________
Thời gian qua, với hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư và nỗ lực của địa phương, đài truyền thanh cơ sở đã thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các tầng lớp nhân dân về các chủ trương chính sách của Trung ương, địa phương, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà, nâng cao hiểu biết, nhận thức của nhân dân về các vấn đề của xã hội, góp phần phát triển kinh tế, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội của tỉnh. Nhằm phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở đến năm 2010 và một số định hướng đến 2015; Kế hoạch phát triển và hiện đại hóa dịch vụ bưu chính, viễn thông và phát thanh truyền hình phục vụ phát triển KTXH và đảm bảo an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới tỉnh An Giang đến năm 2010. Ngày 16/02/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020, trong đó xác định chỉ tiêu đến năm 2010, phải phủ sóng phát thanh AM-FM tới 100% dân cư, đảm bảo hầu hết các hộ dân có thể thu, nghe được các kênh chương trình phát thanh quảng bá.
Thực tế hiện nay, tỷ lệ phủ sóng khu dân cư còn khá thấp, kể cả tại Long Xuyên và Châu Đốc; đặc biệt còn khá nhiều phường, xã thị trấn còn ở mức dưới 50% (thậm chí mới ở mức 20%). Công tác biên tập chưa được thường xuyên, nhiều xã vẫn chưa xây dựng được chương trình phát thanh định kỳ trong tuần, trong tháng; chưa nắm bắt và đưa tin kịp thời về những kết quả thiết thực trong phong trào thi đua cách mạng ở địa phương. Nguồn kinh phí cho họat động và đầu tư cho hệ thống truyền thanh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hiện trạng, chưa nói đến yêu cầu phát triển trong thời gian tới; cán bộ làm công tác đài kiêm nhiệm nhiều việc, đồng thời lại thường bị điều động, thay đổi, đa số chưa được bồi dưỡng kỷ năng nghiệp vụ, viết tin, bài cũng như kỹ thuật vận hành máy truyền thanh. Mặt khác, việc trang trang cấp thiết bị truyền thanh cơ sở thiếu đồng bộ, chất lượng còn hạn chế (loa không dây) tình trạng hư hỏng sau lắp đặt một thời gian ngắn còn xảy ra khá phổ biến”
Để củng cố, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, phục vụ ngày càng tốt công tác thông tin, tuyên truyền của địa phương, UBND tỉnh An Giang chỉ thị:
1. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở đến năm 2010 và một số định hướng đến 2015; Kế hoạch phát triển và hiện đại hóa dịch vụ bưu chính, viễn thông và phát thanh truyền hình phục vụ phát triển KTXH và đảm bảo an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới tỉnh An Giang đến năm 2010 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí.
b) Theo dõi, sơ tổng kết tình hình hoạt động của các đài truyền thanh cơ sở, thực hiện tốt công tác định hướng nội dung thông tin, tuyên truyền.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh để đầu tư Đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh và đài truyền thanh cấp huyện đủ khả năng hỗ trợ truyền thanh cơ sở. Đồng thời tranh thủ nguồn vốn viện trợ ODA đầu tư phát triển lĩnh vực này.
3. Sở Tài chính: Cân đối nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh hàng năm để đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực đối với hệ thống đài truyền thanh cơ sở nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở đến năm 2010 và một số định hướng đến 2015, cũng như Kế hoạch phát triển và hiện đại hóa dịch vụ bưu chính, viễn thông và phát thanh truyền hình phục vụ phát triển KTXH và đảm bảo an ninh quốc phòng trên tuyến biên giới tỉnh An Giang đến năm 2010.
4. Sở Nội vụ: tham mưu UBND tỉnh về tổ chức biên chế đài truyền thanh cơ sở theo Quyết định số 10/2007/QĐ-UBND ngày 27/2/2007 của UBND tỉnh An Giang ban hành Quy định về tổ chức, hoạt động của Nhà Văn hóa và Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn.
5. Đài phát thanh – truyền hình An Giang:
a) Có kế hoạch hỗ trợ đài truyền thanh huyện và cơ sở về kỹ thuật và nội dung thông tin, nội dung tiếng Khơme.
b) Phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn cho cán bộ Đài truyền thanh tuyến dưới.
c) Tạo điều kiện thuận lợi cho cộng tác viên cơ sở thường xuyên cung cấp tin, bài, phản ảnh kịp thời các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
6. UBND, phòng Văn hóa – Thông tin huyện, thị xã, thành phố và UBND phường, xã, thị trấn:
a) UBND huyện, thị xã, thành phố:
- Chuẩn bị tốt các điều kiện, phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai Đề án phát triển hệ thống đài truyền thanh cơ sở đến năm 2010 và một số định hướng đến 2015.
- Cũng cố lại hệ thống tổ chức hoạt động của đài truyền thanh huyện (nếu có). Chỉ đạo Đài huyện tích cực hỗ trợ về kỹ thuật và nội dung thông tin đối với các đài truyền thanh cơ sở.
- Hàng năm ghi vốn cấp phát kinh phí để sửa chữa, củng cố thường xuyên đối với các đài truyền thanh xã, phường, thị trấn và đài truyền thanh huyện (nếu có)
- Các huyện chưa có đài truyền thanh huyện thì tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình hoạt động của Tổ truyền thanh trực thuộc Trung tâm Văn hóa thông tin.
b) Phòng Văn hóa và Thông tin: Phối hợp cùng Ban tuyên giáo cấp huyện thực hiện chức năng định hướng thông tin đối với các đài truyền thanh cơ sở. Quản lý, đánh giá tình hình hoạt động của đài truyền thanh huyện (nếu có), đài truyền thanh cơ sở, định kỳ hàng tháng, quý báo cáo về Sở Thông tin và Truyền thông.
c) UBND phường, xã, thị trấn: quan tâm đào tạo, chuẩn hóa và ổn định đội ngũ cán bộ và kinh phí hoạt động Đài truyền thanh cơ sở.
Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đúng nội dung Chỉ thị này, trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời đến Ủy ban nhân tỉnh để có ý kiến chỉ đạo giải quyết.