NGHỊ ĐỊNH
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Nghị định số 80/2006/NĐ-CP)
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
"Điều 4. Quy định chuyển tiếp, rà soát, chuyển đổi tiêu chuẩn môi trường thành quy chuẩn kỹ thuật môi trường
1. Các tiêu chuẩn môi trường do Nhà nước công bố bắt buộc áp dụng được chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định sau đây:
a) Tiêu chuẩn về chất lượng môi trường xung quanh chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh;
b) Tiêu chuẩn về chất thải được chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rà soát, chuyển đổi các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh và tiêu chuẩn quốc gia về chất thải đã ban hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.
3. Việc rà soát, chuyển đổi tiêu chuẩn về chất lượng môi trường xung quanh và tiêu chuẩn về chất thải thành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật".
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
"Điều 5. Trách nhiệm, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và quy định áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải và quy định lộ trình, hệ số áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải theo khu vực, vùng, ngành.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất thải phù hợp với đặc thù của địa phương mình.
Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất thải phải nghiêm ngặt hơn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải và áp dụng theo lộ trình, hệ số khu vực, vùng, ngành tương ứng quy định trong quyết định ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải.
3. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
4. Tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành".
3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 như sau:
"1. Thay thế danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 80/2006/NĐ-CP bằng danh mục quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Đối với dự án phải lập báo đánh giá tác động môi trường phát sinh ngoài danh mục quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này, giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ".
4. Bổ sung Điều 6a như sau:
"Điều 6a. Lấy ý kiến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và đại diện cộng đồng dân cư trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã) đại diện cho cộng đồng dân cư tham gia ý kiến trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư trên địa bàn.
2. Chủ dự án gửi văn bản thông báo về các hạng mục đầu tư chính, các vấn đề môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án và đề nghị Ủy ban nhân dân, Ủy Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi thực hiện dự án tham gia ý kiến.
3. Trong thời hạn mười lăm ngày (15) làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị tham gia ý kiến, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã có trách nhiệm trả lời chủ dự án bằng văn bản ý kiến của mình và công bố công khai để nhân dân biết.
Quá thời hạn nêu trên, nếu không nhận được văn bản trả lời thì được xem là Ủy ban nhân dân cấp xã và đại diện cộng đồng dân cư đồng ý với chủ dự án.
4. Các dự án sau đây không phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã và đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường:
a) Dự án đầu tư nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong trường hợp dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đó đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được phê duyệt sau ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì phải được cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường có thẩm quyền theo quy định của pháp luật kiểm tra, xác nhận là thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường nêu trong Quyết định phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
b) Dự án trên vùng biển không xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;
c) Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng liên quan đến bí mật quốc gia".
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:
"Điều 11. Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức hội đồng thẩm định hoặc uỷ quyền cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cùng cấp tổ chức hội đồng thẩm định hoặc lựa chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư trên địa bàn, trừ các dự án quy định tại điểm a và điểm b khoản 7 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường.
2. Thời điểm trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định như sau:
a) Chủ dự án đầu tư khai thác khoáng sản trình báo cáo đánh giá tác động môi trường để được thẩm định, phê duyệt trước khi xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản;
b) Chủ dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc có hạng mục xây dựng công trình trình báo cáo đánh giá tác động môi trường để được thẩm định, phê duyệt trước khi xin cấp giấy phép xây dựng, trừ các dự án quy định tại điểm a khoản này;
c) Chủ các dự án đầu tư không thuộc các đối tượng quy định tại các điểm a và b khoản này trình báo cáo đánh giá tác động môi trường để được thẩm định, phê duyệt trước khi khởi công dự án.
3. Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định có chức năng tư vấn giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá về chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ xem xét phê duyệt theo quy định.
4. Trường hợp cần thiết, trước khi tiến hành phiên họp chính thức của hội đồng thẩm định, cơ quan có trách nhiệm tổ chức việc thẩm định có thể tiến hành các hoạt động hỗ trợ như sau:
a) Khảo sát địa điểm thực hiện dự án và các khu vực phụ cận;
b) Lấy mẫu phân tích kiểm chứng;
c) Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án;
d) Lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia ngoài hội đồng thẩm định, cơ quan khoa học, công nghệ, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ liên quan;
đ) Tổ chức các phiên họp đánh giá theo chuyên đề.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định hoạt động của hội đồng thẩm định và tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường".
6. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 13 như sau:
"b) Sau 24 tháng kể từ ngày báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, dự án mới được triển khai thực hiện.
Trường hợp không có sự thay đổi về công suất thiết kế, công nghệ và môi trường xung quanh thì không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung nhưng phải có văn bản giải trình với cơ quan phê duyệt".
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:
"Điều 17. Đăng ký và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường
1. Thời điểm đăng ký, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường được quy định như sau:
a) Chủ dự án đầu tư khai thác khoáng sản đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường để được xác nhận trước khi xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản;
b) Chủ dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc có các hạng mục xây dựng công trình đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường để được xác nhận trước khi xin cấp Giấy phép xây dựng, trừ các dự án quy định tại điểm a khoản này;
c) Chủ các dự án đầu tư không thuộc các đối tượng quy định tại các điểm a và b của khoản này đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường để được xác nhận trước khi khởi công dự án.
2. Việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn từ hai (2) huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) trở lên được quy định như sau:
a) Chủ dự án đầu tư đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi môi trường chịu tác động tiêu cực lớn nhất từ dự án;
Trường hợp dự án tác động tiêu cực như nhau đến môi trường của một số địa phương thì chủ dự án được lựa chọn một trong số các địa phương đó để đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi chủ dự án đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp huyện liên quan trước khi xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường và thông báo với các địa phương này việc xác nhận của mình.
3. Chủ dự án trên vùng biển không xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đăng ký xử lý, thải bỏ chất thải.
Trường hợp dự án trên vùng biển không xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện và không có chất thải thì không phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn hình thức, nội dung của giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường".
8. Bổ sung Điều 17a như sau:
"Điều 17a. Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường được uỷ quyền cho Ban Quản lý khu kinh tế thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong khu kinh tế khi Ban Quản lý khu kinh tế đó có tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường được uỷ quyền cho Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Ban Quản lý có tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường;
b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được phê duyệt sau ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận là đã thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường nêu trong Quyết định phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường.
3. Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được uỷ quyền có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, kết quả xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện nơi có khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao".
9. Bổ sung Điều 17b như sau:
"Điều 17b. Lập, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã hoạt động trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 mà không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường
1. Chủ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã hoạt động trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 mà không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường thì phải lập đề án bảo vệ môi trường trình cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều này phê duyệt hoặc xác nhận trước ngày 30 tháng 6 năm 2008.
2. Trách nhiệm phê duyệt, xác nhận đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ môi trường của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:
a) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh phê duyệt đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường;
Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh nơi bị tác động tiêu cực lớn nhất từ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh của các địa phương liên quan trước khi phê duyệt đề án bảo vệ môi trường đối với trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn từ hai (2) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
b) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện xác nhận đề án bảo vệ môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn trừ các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm a khoản này.
Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện nơi bị tác động tiêu cực lớn nhất từ khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện của các địa phương liên quan trước khi phê duyệt đề án bảo vệ môi trường đối với trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn từ hai (2) huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trở lên.
3. Đề án bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có các nội dung chính sau:
a) Khái quát về quy mô, đặc điểm, các hoạt động chính của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến môi trường;
b) Tổng quan về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường liên quan;
c) Hiện trạng môi trường khu vực bị tác động tiêu cực trực tiếp từ hoạt động của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
d) Thống kê, đánh giá các nguồn tác động tiêu cực đối với môi trường;
đ) Các giải pháp tổng thể, các hạng mục công trình bảo vệ môi trường và kế hoạch thực hiện.
4. Đề án bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường có các nội dung chính sau:
a) Thống kê và đánh giá các nguồn thải chính;
b) Các giải pháp, các hạng mục công trình bảo vệ môi trường và kế hoạch thực hiện.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án bảo vệ môi trường của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này".
10. Bổ sung điều 17c như sau:
"Điều 17c. Quản lý hồ sơ, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã được cấp giấy xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường trước ngày 01 tháng 7 năm 2006
1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh quản lý hồ sơ xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường của các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý hồ sơ xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp có trách nhiệm chuyển giao hồ sơ xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hiện đang lưu giữ cho các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý hồ sơ đó quy định tại các khoản 1 và khoản 2 Điều này trước ngày 30 tháng 6 năm 2008".
11. Bổ sung Điều 17d như sau:
"Điều 17d. Quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng
1. Dự án đầu tư, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng phải thực hiện các yêu cầu và các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trách nhiệm thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường của các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng".
12. Bổ sung Điều 21a như sau:
"Điều 21a. Quy định về đổ chất thải xuống biển
1. Nghiêm cấm việc đổ chất thải nguy hại xuống vùng biển nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Cấm đổ các loại chất thải xuống vùng biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên, di sản tự nhiên, vùng có hệ sinh thái tự nhiên mới, khu vực sinh sản thường xuyên hoặc theo mùa của các loài thuỷ, hải sản.
3. Chất thải thông thường của các phương tiện vận tải, các giàn khoan hoạt động trên biển đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải được đổ xuống biển, trừ các vùng biển quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Việc đổ chất thải rắn từ đất liền đã được xử lý theo quy định của pháp luật, chất thải từ hoạt động nạo vét luồng, lạch xuống biển phải được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh".
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 22 như sau:
"3. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc kiểm tra, đánh giá và thẩm định thiết bị, công trình xử lý chất thải trước khi đưa vào hoạt động".
14. Bổ sung Điều 23a như sau:
"Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập quy hoạch môi trường lồng ghép với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực".
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Việc xử lý hồ sơ tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.