• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/12/2006
CHÍNH PHỦ
Số: 148/2006/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 4 tháng 12 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ

Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ,

 nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý

______________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự ngày 19 tháng 5 năm 1994;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

NGHỊ ĐỊNH

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về Vành đai an toàn và việc quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ (sau đây gọi tắt là Vành đai an toàn kho).

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều chịu sự điều chỉnh và chấp hành các quy định của Nghị định này.

Điều 3. Nguyên tắc quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho

 Xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Mọi tổ chức, cá nhân khi quy hoạch, xây dựng công trình liên quan đến phạm vi Vành đai an toàn kho quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định này phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng và chấp hành các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ (sau đây gọi tắt là kho đạn dược) là nơi sản xuất và dự trữ đạn dược, vật liệu nổ của Quân đội nhân dân Việt Nam, là công trình quốc phòng và khu quân sự loại 2.

2. Vành đai an toàn kho là phạm vi vùng bao quanh các nhà kho thuộc kho đạn dược, gồm trên mặt đất và trong lòng đất, nằm giữa giới hạn trong và giới hạn ngoài với khoảng cách bằng bán kính an toàn.

3. Giới hạn trong của Vành đai an toàn kho là tường rào hoặc hàng rào khép kín khu vực các nhà kho thuộc kho đạn dược.

4. Giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho là một đường khép kín tập hợp bởi các điểm ngoài cùng của bán kính an toàn.

5. Bán kính an toàn là khoảng cách nhỏ nhất tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trở ra xung quanh, bảo đảm an toàn cho người và các công trình kinh tế dân sinh trên mặt đất hoặc trong lòng đất nếu kho đạn dược xảy ra sự cố cháy, nổ.

Điều 5. Quy định Vành đai an toàn kho

1. Tất cả các kho đạn dược phải xác định Vành đai an toàn kho. Vành đai an toàn kho phải bảo đảm ngăn chặn được các yếu tố xâm hại, gây mất an toàn cho kho đạn dược và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nếu kho đạn dược xảy ra sự cố cháy, nổ.

 2. Vành đai an toàn kho được xác định trên thực địa bằng hàng rào, cột mốc, biển báo và có bản đồ địa chính, trong đó xác định rõ vị trí, diện tích chiếm đất của kho đạn dược và Vành đai an toàn kho.

3. Các kho đạn dược, ngoài hồ sơ quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự phải có hồ sơ quản lý Vành đai an toàn kho; việc lập hồ sơ quản lý thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Điều 6. Bán kính an toàn của các kho đạn dược

Bán kính an toàn của các kho đạn dược phụ thuộc vào đương lượng nổ của từng kho, tính chất của nền đất và công trình, các chướng ngại vật ngăn cách giữa kho đạn dược với người và các công trình, quy định cụ thể như sau:

1. Đối với kho cấp Bộ Quốc phòng và kho cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, vùng hải quân và tương đương: từ 1.200 mét đến 1.500 mét.

2. Đối với kho cấp sư đoàn, kho cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương: từ 800 mét đến 1.000 mét.

3. Đối với các kho cấp lữ đoàn, trung đoàn, huyện, thị, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ và tương đương do Bộ Quốc phòng quy định.

4. Trường hợp xung quanh sát hàng rào khu vực các nhà kho thuộc kho đạn dược có đồi núi che chắn, nếu lấy đỉnh núi thấp nhất kéo một đường thẳng tới chân tường của nhà kho xa nhất tạo với mặt bằng nền nhà kho một góc lớn hơn 450 thì các khoảng cách quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được phép giảm 50%.

Điều 7. Bảo vệ Vành đai an toàn kho

1. Trong phạm vi Vành đai an toàn kho, cấm những hoạt động sau:

    a) Người không có trách nhiệm vào Vành đai an toàn kho;

    b) Xây dựng nhà ở, công trình kinh tế, dân sinh;

    c) Sử dụng lửa, vật liệu nổ, thiết bị, các vật liệu dễ gây cháy, gây nổ, vật thể bay mang lửa;

    d) Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp trong phạm vi 50 mét tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trở ra xung quanh;

    đ) Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản;

    e) Săn bắn, nổ mìn;

    g) Neo đậu các phương tiện vận chuyển;

    h) Tham quan du lịch, các hoạt động tập thể (trừ các hoạt động phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn).

2. Trong phạm vi bán kính 50 mét tính từ giới hạn trong trở ra xung quanh đến giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho, được phép:

    a) Xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động trực tiếp của kho;

    b) Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều này;

    c) Xây dựng các công trình thủy nông quy mô vừa và nhỏ, các công trình phục vụ phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn;

    d) Xây dựng công trình hạ tầng giao thông quy mô vừa và nhỏ để phục vụ hoạt động trực tiếp của kho và phục vụ phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn.

3. Trong phạm vi bán kính 500 mét tính từ giới hạn trong trở ra xung quanh đến giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho, được xây dựng đường điện cao thế dưới 110 KV.

4. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng vùng đất, vùng nước, khoảng không vào các mục đích khác ngoài quy định của khoản 2, khoản 3 Điều này, phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.

5. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này, việc cư trú, sản xuất, kinh doanh, ra vào, đi lại, quay phim, chụp ảnh và các hoạt động khác trong Vành đai an toàn kho phải tuân theo pháp luật về bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự.

6. Nghiêm cấm việc cấp giấy phép, tổ chức xây dựng nhà ở, các công trình kinh tế dân sinh vi phạm các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này.

7. Khi có sự cố cháy, nổ hoặc nguy cơ xảy ra cháy, nổ kho đạn dược, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trên địa bàn phải phối hợp với người chỉ huy kho đạn dược tổ chức ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nghiêm cấm mọi cá nhân không có trách nhiệm vào Vành đai an toàn kho trong thời gian có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ hoặc đang xảy ra sự cố cháy, nổ, hoặc đang khắc phục sự cố cháy, nổ đối với kho đạn dược.   

8. Các tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Vành đai an toàn kho có nghĩa vụ và trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh Nghị định này. Khi phát hiện các biểu hiện, hành vi vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

9. Mọi hành vi xâm hại đến Vành đai an toàn kho phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Quy hoạch, xây dựng các kho đạn dược

1. Quy hoạch, xây dựng hệ thống kho đạn dược phải phù hợp với nhiệm vụ quốc phòng và các quy định tại Điều 6 Nghị định này, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Khi quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng mới các kho đạn dược và  sắp xếp, bố trí các nhà kho thuộc kho đạn dược phải lựa chọn vị trí có địa hình, địa vật che chắn, bảo đảm phạm vi Vành đai an toàn kho; phải tính toán sự ảnh hưởng của động đất, lũ lụt, sụt lở đất và các hiện tượng tự nhiên khác.

3. Việc xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho phải gắn liền với việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và phải tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

4. Khu vực, vị trí xây dựng kho đạn dược phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tuân theo quy định của pháp luật về đất đai, về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

5. Các loại đạn hoả lực, thuốc nổ không được để ở các nhà kho gần khu dân cư. Các kho đạn dược hiện đang nằm gần các khu tập trung đông dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, đường quốc lộ, lưới điện quốc gia và các công trình quan trọng khác phải điều chỉnh trữ lượng phù hợp; trường hợp không điều chỉnh được phải di dời đến vị trí khác để bảo đảm quy định về phạm vi Vành đai an toàn kho. Các nhà kho thuộc kho đạn dược không bảo đảm đủ tiêu chuẩn phòng, chống cháy, nổ phải gia cố, sửa chữa hoặc xây mới.

6. Không xây dựng mới kho đạn dược ở khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, khi quyết định xây dựng phải tính toán, thiết kế bảo đảm cự ly an toàn và phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.

Chương II

TRÁCH NHIỆM QUY HOẠCH, XÂY DỰNG,

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề án quy hoạch hệ thống kho đạn dược toàn quốc và xác định Vành đai an toàn cho từng loại kho đạn dược, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Căn cứ nội dung đề án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo lập dự án đầu tư xây dựng và cải tạo các kho đạn dược, tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất thuộc Vành đai an toàn kho theo quy định của pháp luật về đất đai và giải toả, di dời nhà ở, các công trình nằm trong Vành đai an toàn kho.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (phần chi ngân sách quốc phòng thường xuyên) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (phần chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung) trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước bảo đảm cho xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Chỉ đạo các đơn vị quản lý kho đạn dược phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xác định Vành đai an toàn kho.

5. Chỉ đạo các đơn vị quản lý kho đạn dược phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nơi có các công trình kinh tế dân sinh, nhà ở hiện đang tồn tại không phù hợp với khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định này, để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý của Bộ liên quan đến Vành đai an toàn kho.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng lập đề án quy hoạch hệ thống kho đạn dược toàn quốc.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước phần chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung bảo đảm cho xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 11.Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước phần chi ngân sách quốc phòng thường xuyên bảo đảm cho xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng đề án quy hoạch hệ thống kho đạn dược toàn quốc.

Điều 12. Trách nhiệm của các bộ, ngành khác

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành gắn với xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Căn cứ nội dung đề án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành các thủ tục giao đất để xây dựng kho, tổ chức quản lý và sử dụng đất thuộc Vành đai an toàn kho theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý kho đạn dược xác định Vành đai an toàn kho và lập bản đồ địa chính khu vực.

3. Tổ chức di dời, tái định cư các hộ dân, các công trình kinh tế dân sinh để xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương gắn với xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.   

5. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, chỉ đạo các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội khác tuyên truyền, giáo dục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

6. Xử lý các vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho theo thẩm quyền.

Điều 14. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm Vành đai an toàn kho

1. Đơn vị quản lý kho đạn dược chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

2. Khi phát hiện những hành vi xâm hại hoặc nguy cơ xâm hại đến kho đạn dược và vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho, đơn vị quản lý kho đạn dược chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan liên quan trên địa bàn tổ chức ngăn chặn và có biện pháp phù hợp để đình chỉ kịp thời các hành vi xâm phạm đến an toàn kho, Vành đai an toàn kho.

3. Hàng năm Bộ Quốc phòng tổ chức thanh tra, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.

Điều 15. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo

1. Các tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm Vành đai an toàn kho có quyền khiếu nại đối với những quyết định xử lý của người có thẩm quyền.

2. Công dân có quyền tố cáo các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Vành đai an toàn kho.

3. Khiếu nại, tố cáo và thẩm quyền, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 17. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.