QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Về việc ban hành Quy chế bảo đảm y tế cho vận động viên
các đội tuyển thể thao
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục thể thao;
Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Khoa học thể dục thể thao, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo đảm y tế cho vận động viên các đội tuyển thể thao.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh văn phòng, Thủ trưởng các vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban Thể dục Thể thao; Giám đốc Sở Thể dục thể thao, Sở Văn hóa Thông tin và Thể dục thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Đảm bảo y tế cho vận động viên các đội tuyển thể thao
(ban hành kèm theo Quyết định số 44/2005/QĐ-UB TDTT ngày 13/01/2005
của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban thể dục thể thao)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định việc kiểm tra và chăm sóc sức khỏe, phòng chống, cấp cứu xử lý chấn thương và sử dụng thuốc trong tập luyện và thi đấu của vận động viên các đội tuyển thể thao.
2. Đối tượng áp dụng: Vận động viên, huấn luyện viên, các tổ chức và cá nhân có liên quan; đội tuyển, tuyển trẻ thể thao tỉnh, thành, ngành, các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp tập luyện tập trung tại các cơ sở đào tạo vận động viên để tham gia các giải thể thao quốc gia và quốc tế.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kiểm tra sức khỏe: Là hoạt động chuyên môn của bác sỹ, cán bộ y tế nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe và Bệnh tật của vận động viên, huấn luyện viên trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao.
2. Kiểm tra y học - sư phạm: Là việc sử dụng các thí nghiệm y sinh, tâm lý và các Test để đánh giá trình độ tập luyện của vận động viên.
3. Cấp cứu: Là các thủ pháp ban đầu, dùng trong trường hợp khẩn cấp để cứu chữa cho một bệnh nhân bị chấn thương hoặc bị bệnh.
4. Doping: Là hành vi sử dụng các chất và phương pháp bị cấm nhằm đạt thành tích thể thao một cách giả tạo.
5. Cơ sở đào tạo vận động viên: Là nơi đào tạo, tập huấn đội tuyển, tuyển trẻ thể thao quốc gia; đội tuyển, tuyển trẻ thể thao tỉnh, thành, ngành.
6. Cơ quan y tế: Là bộ phận y tế tại các cơ sở đào tạo vận dộng viên, Tiểu ban y tế thuộc Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao, Trung tâm y học thể thao, Bệnh viện thể thao. Trung tâm y tế hoặc các Bệnh viện đa khoa từ cấp huyện trở lên.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục I. QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA SỨC KHỎE ĐỐI VỚI VẬN ĐỘNG VIÊN,
HUẤN LUYỆN VIÊN
Điều 3. Hình thức và nội dung kiểm tra sức khỏe cho vận động viên
1. Kiểm tra sức khỏe ban đầu bao gồm: Cân nặng, chiều cao, khám nội - ngoại khoa tổng quát, chuyên khoa răng hàm mặt - tai mũi họng, mắt, thần kinh, da liễu, khai thác tiền sử Bệnh tật của bản thân và gia đình. Các thăm khám cận lâm càng bắt buộc gồm: X quang tim phổi, điện tâm đồ, tế bào, sinh hóa máu và các xét nghiệm miễn dịch cần thiết.
2. Kiểm tra sức khỏe định kỳ bao gồm: Thăm khám y khoa (lâm sàng nội, ngoại khoa tổng quát); kiểm tra y học - Sư phạm và các chỉ định khác của bác sỹ khi cần thiết.
3. Kiểm tra sức khỏe bổ sung: Nội dung kiểm tra do bộ phận y tế của các cơ sở đào tạo vận động viên hoặc Ban tổ chức giải quyết định.
4. Vận động viên có nghĩa vụ phải kiểm tra sức khỏe theo quy định.
5. Bộ phận y tế tại các cơ sở đào tạo có trách nhiệm thông báo về tình trạng sức khỏe của vận động viên cho thủ trưởng cơ sở, đào tạo ban huấn luyện đội tuyển và cá nhân vận động viên để xây dựng kế hoạch tập luyện và thi đấu phù hợp.
Điều 4. Kiểm tra sức khỏe ban đầu cho vận động viên
1. Vận động viên phải kiểm tra sức khỏe ban đầu ngay khi được tuyển chọn vào các cơ sở đào tạo và các đội tuyển.
2. Người phụ trách công tác kiểm tra sức khỏe ban đầu cho vận động viên phải là bác sỹ và phải có kiến thức về y học thể thao.
3. Phiếu khám sức khỏe ban đầu của vận động viên phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Điều 5. Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho vận động viên
1. Trong quá trình tập luyện, vận động viên phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/1 lần, tùy theo đặc điểm từng môn thể thao.
2. Các cơ sở đào tạo vận động viên có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra sức khỏe định kỳ cho vận động viên và tổ chức thực hiện khi được phê duyệt.
Điều 6. Kiểm tra sức khỏe bổ sung đối với vận động viên
1. Bộ phận y tế tại các cơ sở đào tạo vận động viên và huấn luyện viên có quyền yêu cầu vận động viên kiểm tra sức khỏe bổ sung nếu thấy vận động viên có biểu hiện bất thường về sức khỏe hoặc phát hiện các yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe vận động viên như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm.
2. Ban tổ chức giải thi đấu thể thao có quyền yêu cầu kiểm tra sức khỏe bổ sung cho vận động viên trước trước và trong thi đấu khi thấy cần thiết.
3. Vận động viên có quyền yêu cầu được kiểm tra sức khỏe bổ sung nếu thấy cần thiết.
Điều 7. Hồ sơ kiểm tra sức khỏe của vận động viên
1. Hồ sơ kiểm tra sức khỏe của vận động viên do bộ phận y tế của các cơ sở đào tạo trực tiếp quản lý.
2. Khi thay đổi cơ sở tập luyện, hồ sơ kiểm tra sức khỏe của vận động viên phải được bàn giao cho cơ sở tập luyện mới để theo dõi và quản lý.
3. Khi cần thiết, kết quả kiểm tra sức khỏe được thông báo đến từng vận động viên, huấn luyện viên nhưng không được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 8. Kiểm tra sức khỏe đối với huấn luyện viên
1. Huấn luyện viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để tham dự các giải thi đấu thể thao quốc tế đều phải kiểm tra sức khỏe.
2. Nội dung kiểm tra sức khỏe đối với huấn luyện viên do bộ phận y tế của các cơ sở đào tạo vận động viên quy định và tổ chức thực hiện.
3. Chỉ những huấn luyện viên có đủ sức khỏe theo xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền mới được làm nhiệm vụ tại các đội tuyển thể thao quốc gia để tham dự các giải thi đấu quốc tế.
Mục II. QUY ĐỊINH VỀ VIỆC PHÒNG CHỐNG, CẤP CỨU
VÀ XỬ LÝ CHẤN THƯƠNG TRONG TẬP LUYỆN VÀ THI ĐẤU THỂ THAO
Điều 9. Cơ quan y tế tại các cơ sở đào tạo vận động viên
1. Mỗi cơ sở đào tạo vận động viên phải có bộ phận y tế được bố trí đủ bác sỹ nhân viên y tế và trang thiết bị.
2. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận này bao gồm: Kiểm tra sức khỏe cho vận động viên, huấn luyện viên; tổ chức và thực hiện công tác phòng chống bệnh tật, chấn thương, sơ cấp cứu, xử lý, điều trị bệnh tật, chấn thương trong tập luyện và thi đấu thể thao; tham gia ứng tác kiểm tra y học - sư phạm; kiểm tra theo dõi vệ sinh luyện tập, dinh dưỡng và các nhiệm vụ khác do thủ trưởng đơn vị quy định.
3. Mỗi đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao tỉnh, thành, ngành phải có cán bộ y tế, có nhiệm vụ thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho vận động viên.
Điều 10. Tiểu ban y tế của Ban tổ chức giải thi đấu thể thao
1. Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao phải thành lập tiểu ban y tế hoặc phân công cán bộ y tế thường trực làm nhiệm vụ chuyên môn tại giải. Tiểu ban y tế có trách nhiệm đảm bảo công tác y tế cho giải theo quy định của Ban tổ chức.
2. Trước khi thị đấu, tiểu ban y tế phải kiểm tra sức khỏe của vận động viên. Nếu thấy cần thiết thì khám bổ sung để xác nhận vận động viên đủ sức khỏe tham gia thi đấu.
Điều 11. Công tác cấp cứu, xử lý chấn thương cho vận động viên
1. Ban tổ chức giải phải bố trí xe cứu thương có đủ cán bộ y tế, thuốc và các trang thiết bị cần thiết khác, làm nhiệm vụ thường trực tại địa điểm thi đấu.
2. Tiểu ban y tế thuộc Ban tổ chức giải phải liên hệ trước với các bệnh viện đa khoa hoặc các bệnh viện gần địa điểm thi đấu để phối hợp cấp cứu, xử lý chấn thương.
3. Tiểu ban y tế phải thực hiện các biện pháp cấp cứu, sơ bộ điều trị và chuyển vận động viên kịp thời tới bệnh viện gần nhất khi cần thiết.
4. Hoạt động của cán bộ y tế phải tuân thủ các quy định của Ban Tổ chức và luật thi đấu các môn thể thao.
5. Bác sỹ của tiểu ban y tế thuộc Ban tổ chức giải có quyền kiến nghị không cho vận động viên tiếp tục thi đấu khi nhận thấy vận động viên có chấn thương nặng hoặc có dấu hiệu đe dọa tính mạng.
Mục III. QUY ĐỊNH VỀ VIỆC SỬ DỤNG THUỐC
VÀ NGHIÊM CẤM SỬ DỤNG DOPING
Điều 12. Nguyên tắc chung
Vận dộng viên, huấn luyện viên, cán bộ quản lý và bác sỹ các đội tuyển thể thao có trách nhiệm nghiên cứu danh mục các thuốc, chất, phương pháp bị cấm và phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Luật chống Doping quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Điều 13. Trách nhiệm của Hội đồng Y học thuộc Uỷ ban Olympic Quốc gia
1. Thường xuyên cung cấp các thông tin mới nhất về chương trình phòng chống Doping, danh mục các thuốc, các phương pháp bị cấm và các hành vi bị coi là phạm luật chống Doping cho vận động viên, huấn luyện viên, bác sỹ và các đối tượng khác có liên quan.
2. Phối hợp tổ chức định kỳ các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chống Doping trong thể thao cho vận động viên, huấn luyện viên, bác sỹ tại tát cả các cơ sở đào tạo vận động viên.
3. Thực hiện việc kiểm tra Doping và các điều tra cần thiết khác theo sự phân công, kiểm soát của Uỷ ban Olympic Quốc gia và theo quy định của Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC).
4. Triệu tập các đối tượng có liên quan tới việc vận động viên sử dụng Doping để tiến hành điều tra khi cần thiết.
Điều 14. Trách nhiệm của bác sỹ, huấn luyện viên
1. Tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn các hành vi sử dụng Doping của vận động viên.
2. Thường xuyên học tập, nâng cao kiến thức, thường xuyên cập nhật thông tin để biết được các thay đổi về danh mục thuốc và phương pháp bị cấm.
3. Tiến hành kiểm tra Doping cho vận động viên các môn thể thao khi được Ban Tổ chức giải chỉ định.
Điều 15. Trách nhiệm của vận động viên
1. Vận động viên chỉ được sử dụng thuốc, chất bổ dưỡng, đồ uống bổ sung và các phương tiện hồi phục sức khỏe đặc biệt khác khi được bác sỹ và huấn luyện viên cho phép.
2. Vận động viên phải tuân thủ mọi yêu cầu của cơ quan có thẩm quyển trong việc cung cấp mẫu thử kiểm tra Doping tại bất cứ thời điểm nào trong tập luyện và thi đấu.
Điều 16. Các hành vi bị cấm
1. Mua bán, tàng trữ, sử dụng thuốc bị cấm hoặc cố ý sử dụng các phương pháp bị cấm.
2. Che giấu hoặc khuyến khích người khác sử dụng Doping.
3. Gian dối trong lấy mẫu và vận chuyển mẫu thủ Doping tới nơi xét nghiệm.
Điều 17. Thủ tục xử lý các hành vi vi phạm
1. Việc tiến hành kỷ luật các đối tượng vi phạm chỉ được tiến hành sau khi có kết quả điều tra của Uỷ ban Olympic Quốc gia.
2. Kết quả kiểm tra Doping và kết quả điều tra phải được báo cáo lên Chủ tịch Uỷ ban Olympic quốc gia, các liên đoàn thể thao quốc tế và Hiệp hội chống Doping thế giới.
3. Vận động viên có quyền khiếu nại tới Uỷ ban Olympic quốc gia và Uỷ ban Olympic quốc tế về kết quả kiểm tra Doping và hình thức xử lý nếu thấy kết luận đó chưa thỏa đáng.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí kiểm tra sức khỏe vận động viên được lấy từ kinh phí đào tạo vận động viên và do cơ sở đào tạo vận động viên chi trả.
2. Kinh phí bảo đảm cho công tác y tế tại giải thi đấu thể thao do Ban tổ chức giải chi trả.
Điều 19. Khen thưởng và xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế này sử được xét khen thưởng theo quy định.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Trách nhiệm thi hành
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Vụ Thể thao thành tích cao II có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Uỷ ban Thể dục thể thao để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.