CHỈ THỊ
CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Về việc tăng cường công tác
thanh tra, điều tra, xử lý các việc tham nhũng và buôn lậu
Thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về chống tham nhũng, chống buôn lậu, trong thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật (Thanh tra, Nội vụ, Kiểm sát, Toà án), các ngành, các địa phương đã có nhiều cố gắng tập trung phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử một số việc tham nhũng, buôn lậu trọng điểm.
Qua việc triển khai, đã thấy bộc lộ rõ nhiều mặt yếu kém, trong các văn bản pháp luật chưa hoàn chỉnh, trong hoạt động của các cơ quan pháp luật, trong sự điều hành của Bộ máy Nhà nước. Cán bộ thiếu và nói chung, trình độ và khả năng chưa đáp ứng kịp yêu cầu; phương tiện hoạt động quá thiếu thốn; đáng chú ý nhất là việc xử lý bằng pháp luật còn quá chậm, không kịp thời và có những trường hợp xử lý không nghiêm.
Trong việc xác định trách nhiệm về tham nhũng, buôn lậu, còn có tình trạng đổ lỗi cho cơ chế, chính sách có sơ hở; viện cớ buôn lậu, làm trái quy định là để giải quyết ngân sách thiếu thốn, có thu nhập cho cơ quan, cho tập thể; cho rằng không tham ô cá nhân thì không coi là có tội, v.v...
Việc hướng dẫn, giải thích pháp luật để xác định đúng các tội danh vi phạm pháp luật cũng chưa thông nhất, thiếu sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, cho nên các ngành, các địa phương gặp nhiều lúng túng trong việc xác định tội danh và hình thức xử lý. Trong quá trình xử lý, còn có sự can thiệp, bao che của một số cơ quan, cấp uỷ hoặc cá nhân, nhất là các đối tượng sai phạm là cán bộ, đảng viên.
Hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật như Thanh tra, Nội vụ, Kiểm sát, Toà án còn có nhiều khó khăn về lực lượng cán bộ và phương tiện hoạt động v.v... nhất là ở cấp cơ sở quận, huyện, thị xã. Tình trạng phổ biến là thiếu cán bộ được đào tạo có hệ thống về pháp lý; trình độ, năng lực của một số thanh tra viên, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hiện có không đáp ứng nhiệm vụ yêu cầu cấp bách hiện nay.
Giữa các cơ quan chức năng trong khối Nội chính còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu, do đó thời gian giải quyết bị kéo dài, chậm trễ, vẫn còn tình trạng phổ biến là hồ sơ bị trả đi, trả lại.
Để khắc phục những nhược điểm nói trên, thực hiện thắng lợi cuộc vận động chống tham nhũng, chống buôn lậu là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất có ý nghĩa toàn diện về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng trong tình hình hiện nay; bảo đảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, góp phần làm trong sạch Đảng, bộ máy Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Phải khẩn trương tổ chức việc thanh tra, điều tra và xử lý trước pháp luật những vụ phạm pháp hình sự về tham nhũng, buôn lậu, lãng phí gây hậu quả nhiêm trọng; nhất là xét xử ngay những vụ trọng điểm mà đã có đầy đủ chứng cứ đang gây ra sự bất bình trong nhân dân và công luận, những vụ tham nhũng, buôn lậu thuốc lá ngoại, bia ngoại, kim loại màu đã bắt quả tang và đã đủ chứng cứ.
Các cơ quan chức năng các cấp (Thanh tra, Công an, Tư pháp, Hải quan, Trọng tài Kinh tế) cần phối hợp chặt chẽ với ngành Kiểm sát, Toà án khẩn trương chuẩn bị và đưa truy tố, xét xử tội phạm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp phải thực hiện nhiệm vụ đúng chức năng theo Luật định và chỉ tuân theo pháp luật.
Phải thực hiện đúng như Chỉ thị 64 ngày 10 tháng 10 năm 1990 của Ban Bí thư Trung ương Đảng: Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật đều phải xử lý theo đúng luật pháp, bất kể người đó ở cương vị nào. Không một cơ quan tổ chức hoặc cá nhân nào được can thiệp trái phép hoặc cản trở hoạt động thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật Nhà nước.
2. Các cơ quan có trách nhiệm cần kịp thời sơ kết, tổng kết các vụ án, nghiên cứu hướng dẫn, giải thích để vận dụng pháp luật hiện hành phù hợp với thực tế; đồng thời có ngay đề nghị để báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung kịp thời. Khắc phục tình trạng không thống nhất về chứng cứ, tội danh v.v... mà kéo dài việc khởi tố, xét xử.
3. Các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương cần đề ra quy chế phối hợp chặt chẽ đảm bảo giải quyết các vụ án nhanh gọn, thống nhất và kịp thời; có kế hoạch hướng dẫn các cơ quan chức năng ở địa phương tập hợp tất cả các vụ việc đang tồn đọng để phân ra từng loại và xác định biện pháp xử lý. Đối với những vụ vi phạm kỷ luật Nhà nước chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý hành chính; đối với những vụ có dấu hiệu phạm pháp hình sự thì phải chuyển cho cơ quan điều tra xử lý. Thông qua việc phân loại các vụ vi phạm, phải chỉ đạo giải quyết tập trung các vụ việc tồn đọng trong một thời gian nhất định. Đối với những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, cần huy động lực lượng cán bộ có năng lực giúp địa phương giải quyết. Theo tinh thần nói trên, các ngành, chính quyền các cấp, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần lập ngay kế hoạch hành động từ nay cho đến cuối năm và cho quý I năm 1991.
4. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu trong ngành mình, địa phương mình, thật sự coi đây là một công tác trung tâm; đồng thời có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật làm tròn nhiệm vụ. Ngành nào, địa phương nào thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo chống tham nhũng, buôn lậu mà để xảy ra những việc tham nhũng, buôn lậu nghiêm trọng, thì Thủ trưởng trực tiếp của ngành đó, địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật, khi làm nhiệm vụ có liên quan đến ngành nào hoặc địa phương nào, cần có sự phối hợp với Thủ trưởng đơn vị đó để cùng thực hiện đúng pháp luật.
Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, các cơ quan có trách nhiệm tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật làm việc, góp thêm tài liệu làm sáng tỏ vấn đề và nghiêm túc xem xét, thực hiện những kiến nghị xử lý do các cơ quan bảo vệ pháp luật đề ra. Thủ trưởng quản lý ngành cấp trên không được can thiệp trái pháp luật vào việc xét xử của cơ quan pháp luật địa phương đối với đơn vị thuộc ngành mình đóng trên địa bàn địa phương.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động chống tham nhũng, chống buôn lậu, khắc phục tình trạng khoán trắng cho các cơ quan pháp luật. Phải khẩn trương thực hiện các kiến nghị xử lý các vụ vi phạm của các tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý; đồng thời cần thực hiện quyền quản lý trên địa bàn lãnh thổ đối với các đơn vị thuộc trung ương hoặc địa phương khác quản lý đóng trên địa phương mình.
5. Tăng cường cán bộ, phương tiện, kinh phí bảo đảm hoạt động cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, Thủ trương các cơ quan Bộ, ngành có liên quan phải gấp rút ưu tiên bổ sung lực lượng cán bộ cho các cơ quan Toà án, Kiểm sát, Tư pháp, Thanh tra, Điều tra ở các cấp, trước mắt phải bảo đảm đủ theo chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương. Đồng thời, phải bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động nghiệp vụ cần thiết cho các cơ quan bảo vệ pháp luật Nhà nước. Cần quan tâm thu xếp ngay nơi làm việc cho các cơ quan còn thiếu, điều chỉnh ngay các cơ sở hiện có nếu chưa có điều kiện xây dựng mới, chấm dứt ngay tình trạng ở và làm việc quá luộm thuộm của cơ quan pháp luật, đặc biệt là phải gấp rút chấn chỉnh ngay nơi xét xử của Toà án để bảo đảm sự uy nghiêm của Toà án.
Kiên quyết xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi chống lại nhân viên Nhà nước thi hành công vụ, nhất là các hành vi gây rối cản trở việc xét xử của Toà án.
6. Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thanh phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.
Thủ trưởng các cơ quan chức năng thuộc Hội đồng Bộ trưởng báo cáo hàng tháng cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về kết quả xử lý các vụ vi phạm. Đề nghị đồng chí Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cùng phối hợp với các cơ quan Thanh tra, Nội vụ thuộc Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, các cấp chính quyền Nhà nước để thực hiện tốt Chỉ thị này.