THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 2/8/2001
của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài
________________
Căn cứ Nghị định số 44/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hoá với nước ngoài;
Bộ Thương mại hướng dẫn một số điểm cụ thể để thực hiện Nghị định số 44/2001/NĐ-CP như sau:
I. KINH DOANH XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
1. Đối với thương nhân Việt Nam
1.1 Thương nhân Việt Nam nói trong Thông tư này được hiểu là:
+ Các doanh nghiệp được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước và Luật Hợp tác xã;
+ Các hộ kinh doanh cá thể được tổ chức và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
1.2. Thương nhân Việt Nam được quyền xuất khẩu, uỷ thác và nhận uỷ thác xuất khẩu tất cả các loại hàng hoá, không phụ thuộc ngành nghề, ngành hàng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trừ hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu và hàng hoá theo quy định tại mục 1.3 dưới đây; được nhập khẩu, uỷ thác và nhận uỷ thác nhập khẩu hàng hoá theo ngành nghề, ngành hàng ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
1.3. Đối với hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ thương mại hạn chế kinh doanh; Danh mục hàng hoá, dịch vụ thương mại kinh doanh có điều kiện, thương nhân phải thực hiện đầy đủ quy định hiện hành của pháp luật về kinh doanh các hàng hoá đó trước khi tiến hành xuất khẩu, nhập khẩu và uỷ thác xuất khẩu, phập khẩu.
1.4. Chi nhánh thương nhân được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo uỷ quyền của thương nhân.
1.5. Việc xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo Thông tư số 22/2000/TT-BTM ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Bộ Thương mại hướng dẫn thực hiện Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam về xuất nhập khẩu và các hoạt động thương mại khác của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
2. Đối với chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thực hiện việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá theo quy định của Nghị định số 45/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2000 của Chính phủ quy định về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài và của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam, Thông tư liên tịch số 20/2000/TTLT-BTM-TCDL ngày 20 tháng 10 năm 2000 của Bộ Thương mại - Tổng cục Du lịch hướng dẫn thực hiện Nghị định số 45/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2000 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
3. Đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu: Trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, các chủ thể kinh doanh quy định tại điểm 1, 2 phần I Thông tư này phải đăng ký mã số kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
II. XUẤT NHẬP KHẨU TẠI CHỖ HÀNG GIA CÔNG VÀ THANH LÝ HỢP ĐỒNG GIA CÔNG VỚI THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
1. Điều kiện, thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ hàng gia công
1.1. Thương nhân Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đáu tư nước ngoài (gọi tắt là doanh nghiệp FDL) đều được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu; vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu (gọi tắt là hàng hoá gia công) cho thương nhân Việt Nam hoặc doanh nghiệp FDI khác có nhu cầu nhập khẩu.
1.2. Cơ sở pháp lý của hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hoá gia công là hai hợp đồng riêng biệt:
- Hợp đồng gia công hoặc Phụ lục hợp đồng ký giữa thương nhân Việt Nam hoặc doanh nghiệp FDI với thương nhân nước ngoài đặt gia công, trong đó quy định rõ tên và địa chỉ giao hàng của thương nhân Việt Nam hoặc doanh nghiệp FDI nhập khẩu tại chỗ hàng hoá gia công thuộc quyền sở hữu của Bên đặt gia công.
- Hợp đồng mua bán ngoại thương ký giữa thương nhân nước ngoài đặt gia công và thương nhân Việt Nam hoặc doanh nghiệp FDI nhập khẩu tại chỗ hàng gia công.
1.3. Điều kiện. xuất nhập khẩu tại chỗ hàng hoá gia công:
- Hàng hoá gia công không thuộc Danh mục hàng hoá cấm nhập khẩu.
- Đối Với hàng nhập khẩu có giấy phép, trước khi ký hợp đồng thương nhân phải xin giấy phép nhập khẩu của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với hàng nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hoá quản lý chuyên ngành phải đáp ứng các điều kiện về nhập khẩu hàng quản lý chuyên ngành.
Hàng hoá đã qua sử dụng sau khi gia công; phế liệu, phế phẩm nhập khẩu tại chỗ phải tuân thủ quy định của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đối với hàng hoá nhập khẩu đã qua sử dựng.
1.4. Thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ hàng gia công
Thương nhân Việt Nam hoặc doanh nghiệp FDI được uỷ quyền xuất khẩu tại chỗ hàng hoá gia công phải làm thủ tục xuất khẩu lô hàng theo đúng quy định của Hải quan và làm thủ tục thanh khoản hợp đồng với cơ quan Hải quan nhận đăng ký hợp đồng gia công.
Thương nhân Việt Nam hoặc doanh nghiệp FDI nhập khẩu tại chỗ hàng hoá gia công phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định của Hải quan, nộp thuế nhập khẩu và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.
2. Thanh lý hợp đồng gia công
Sau khi kết thúc một phần hoặc toàn bộ hợp đồng gia công, hàng hoá gia công được xử lý theo thoả thuận của các Bên tham gia hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật. Thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ, tái xuất, mua bán, biếu, tặng, tiêu huỷ, chuyển sang thực hiện hợp đồng khác được thực hiện tại cơ quan Hải quan. Trường hợp mua bán, biếu, tặng, tiêu huỷ hàng hoá gia công thuộc Danh mục hàng cấm nhập khẩu, Danh mục hàng nhập khẩu có giấy phép phải được Bộ Thương mại chấp thuận bằng văn bản.
III. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 04 tháng 9 năm 2001. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với những quy định tại Thông tư này.