PHÁP LỆNH
CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI
VÀO VIỆT NAM
Để không ngừng nâng cao năng lực công nghệ của đất nước, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội, phù hợp với chính sách mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật với nước ngoài;
Căn cứ vào Điều 16, Điều 43 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định việc chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài chuyển giao công nghệ vào Việt Nam trên nguyên tắc bình đẳng và các bên cùng có lợi.
Nhà nước Việt Nam bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao đó.
Điều 2
Trong pháp lệnh này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1- "Bên giao công nghệ" là một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế, khoa học, công nghệ và tổ chức khác có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân ở nước ngoài có công nghệ chuyển giao vào Việt Nam.
2- "Bên nhận công nghệ" là một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế, khoa học, công nghệ và tổ chức khác có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân ở Việt Nam tiếp nhận công nghệ.
3- "Hai bên" là bên giao công nghệ và bên nhận công nghệ.
Điều 3
Những hoạt động dưới đây được coi là chuyển giao công nghệ:
1- Chuyển giao quyền sở hữu hoặc sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác;
2- Chuyển giao các bí quyết hoặc kiến thức kỹ thuật chuyên môn dưới dạng phương án công nghệ, tài liệu thiết kế, công thức, thông số kỹ thuật có hoặc không kèm theo thiết bị;
3- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn công nghệ, kể cả đào tạo và thông tin.
Điều 4
Trong việc chuyển giao công nghệ vào Việt Nam không được vi phạm những yêu cầu dưới đây:
1- Nâng cao trình độ công nghệ, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm hoặc tạo ra những sản phẩm mới;
2- Không làm phương hại an toàn sản xuất;
3- Sử dụng hợp lý năng lượng, các nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực;
4- Không làm hại đến môi trường.
Những lĩnh vực được khuyến khích chuyển giao công nghệ do Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố.
CHƯƠNG II
HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Điều 5
Việc chuyển giao công nghệ có tính chất thương mại hoặc có ràng buộc về quyền và nghĩa vụ đều phải được thực hiện thông qua hợp đồng viết.
Điều 6
Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải có các điều khoản chính dưới đây:
1- Đối tượng chuyển giao công nghệ: tên, nội dung, đặc điểm công nghệ và kết quả phải đạt được;
2- Giá cả, điều kiện và phương thức thanh toán;
3- Địa điểm, thời hạn và tiến độ chuyển giao;
4- Điều khoản liên quan đến sở hữu công nghiệp;
5- Thời hạn hiệu lực, điều kiện sửa đổi và kết thúc hợp đồng;
6- Cam kết của hai bên về chất lượng, độ tin cậy, bảo hành, phạm vi bí mật của công nghệ và các cam kết khác để bảo đảm không có những sai sót trong công nghệ và chuyển giao công nghệ;
7- Việc đào tạo liên quan đến chuyển giao công nghệ;
8- Thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ; luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp.
Điều 7
Những điều khoản dưới đây không được đưa vào hợp đồng, trừ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép:
1- Ràng buộc bên nhận công nghệ mua nguyên liệu, vật liệu, tư liệu sản xuất, sản phẩm trung gian hoặc sử dụng nhân lực từ nguồn do bên giao công nghệ chỉ định.
2- Khống chế quy mô sản xuất, giá cả và phạm vi tiêu thụ sản phẩm của bên nhận công nghệ, kể cả việc chọn đại lý tiêu thụ sản phẩm hoặc đại diện thương mại.
3- Hạn chế thị trường xuất khẩu của bên nhận công nghệ, trừ những thị trường mà bên giao công nghệ đang tiến hành sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cùng loại hoặc đã cấp lixăng độc quyền cho bên thứ ba.
4- Hạn chế bên nhận công nghệ nghiên cứu và phát triển công nghệ được chuyển giao hoặc tiếp nhận từ các nguồn khác những công nghệ tương tự.
Điều 8
Giá cả của công nghệ được chuyển giao do hai bên thoả thuận.
Điều 9
Hai bên có thể thoả thuận việc thanh toán công nghệ theo phương thức trả gọn hoặc trả theo kỳ vụ hoặc kết hợp cả hai phương thức này.
Điều 10
Thời hạn của hợp đồng không dài quá bảy năm kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể cho phép một thời hạn hợp đồng dài hơn.
Điều 11
Mỗi bên có thể yêu cầu được thông báo về những cải tiến và đổi mới liên quan đến công nghệ được chuyển giao do bên kia tạo ra trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực.
Trong trường hợp một bên quan tâm đến những cải tiến hoặc đổi mới nói tại đoạn 1 Điều này thì bên kia có nghĩa vụ chuyển giao những cải tiến hoặc đổi mới được yêu cầu, trên nguyên tắc có đi có lại.
Điều 12
Mọi tranh chấp giữa hai bên phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng.
Trong trường hợp các bên tranh chấp không thoả thuận được với nhau, vụ tranh chấp được đưa ra trước tổ chức trọng tài kinh tế Việt Nam hoặc một tổ chức trọng tài hoặc cơ quan xét xử khác do hai bên thoả thuận.
CHƯƠNG III
CHUẨN Y HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Điều 13
Hợp đồng chuyển giao công nghệ chỉ có hiệu lực sau khi được chuẩn y.
Bên giao công nghệ hoặc bên nhận công nghệ hoặc cả hai bên có thể gửi đơn xin chuẩn y hợp đồng.
Điều 14
Hồ sơ xin chuẩn y hợp đồng gửi cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam bao gồm:
1- Đơn xin chuẩn y hợp đồng;
2- Hợp đồng chuyển giao công nghệ và các phụ lục kèm theo;
3- Bản giải trình về mục tiêu và khả năng thực hiện của công nghệ được chuyển giao;
4- Những thông tin liên quan đến tư cách pháp lý của các bên tham gia hợp đồng.
Hợp đồng và các văn bản kèm theo phải làm bằng tiếng Việt Nam và tiếng nước ngoài thông dụng do hai bên thoả thuận. Văn bản tiếng Việt Nam và văn bản tiếng nước ngoài có giá trị ngang nhau.
Điều 15
Cơ quan có thẩm quyền thông báo quyết định chuẩn y hợp đồng trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh này. Quyết định chuẩn y được thông báo dưới hình thức cấp giấy phép chuyển giao công nghệ.
Điều 16
Giấy phép chuyển giao công nghệ có thể bị thu hồi và hợp đồng đương nhiên không có giá trị nếu có sự khai man khi xin chuẩn y hợp đồng.
Điều 17
Hai bên có thể thoả thuận sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc gia hạn hợp đồng. Những thay đổi này chỉ có hiệu lực sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chuẩn y.
Điều 18
Hội đồng bộ trưởng quy định việc phân cấp chuẩn y hợp đồng chuyển giao công nghệ và chỉ định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chuẩn y.
CHƯƠNG IV
QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN
TRONG HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Điều 19
Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành các chính sách và thực hiện các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, ưu đãi đối với những trường hợp cần được ưu tiên.
Điều 20
Các thứ thuế liên quan đến việc chuyển giao công nghệ được áp dụng theo các văn bản pháp luật về thuế của Việt Nam.
Điều 21
Bên giao công nghệ được chuyển ra nước ngoài những khoản thanh toán bằng tiền hoặc hiện vật do hai bên thoả thuận trong hợp đồng.
Điều 22
Bên giao hoặc bên nhận công nghệ được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho hưởng các biện pháp khuyến khích hoặc ưu đãi cùng lúc xin chuẩn y hợp đồng hoặc sau đó.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối biện pháp khuyến khích hoặc ưu đãi trong thời hạn hai tháng kể từ khi nhận được yêu cầu.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 23
Căn cứ vào những nguyên tắc quy định trong Pháp lệnh này, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành những quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài chuyển giao công nghệ về nước, góp phần xây dựng Tổ quốc.
Điều 24
Pháp lệnh này không áp dụng cho việc chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ các hiệp định hợp tác và tương trợ về khoa học và kỹ thuật ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, trừ trường hợp các hiệp định này có quy định khác.
Điều 25
Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.
Hà Nội, ngày 5 tháng 12 năm 1988