• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 21/05/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 19/08/1999
BỘ GIÁO DỤC
Số: 7/TT-TC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 5 năm 1987

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc sáp nhập và tổ chức hoạt động của Sở giáo dục, Phòng giáo dục sau khi sáp nhập các cơ quan quản lý nhà trẻ vào ngành giáo dục

 

Tiếp theo Chỉ thị số 4-CT ngày 10-3-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tiến hành sáp nhập các cơ quan quản lý nhà trẻ vào các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, Bộ hướng dẫn một số điểm như sau:

I. Kế hoạch tiến hành sáp nhập cơ quan

Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục có trách nhiệm cùng với đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là tỉnh) xây dựng kế hoạch sáp nhập cơ quan để trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh xét duyệt, cụ thể là:

1. Dự thảo quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh sáp nhập Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh vào Sở giáo dục.

2. Dự thảo chỉ thị của Uỷ ban Nhân dân tỉnh và kế hoạch hướng dẫn Uỷ ban Nhân dân huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (dưới đây gọi chung là huyện) sáp nhập Phòng Bảo vệ bà mẹ và trẻ em vào Phòng Giáo dục huyện (ở những nơi chưa sáp nhập 2 tổ chức).

3. Nghiên cứu sắp xếp cơ cấu tổ chức và biên chế cán bộ Sở Giáo dục và Phòng Giáo dục khi đã tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà trẻ (xem hướng dẫn ở phần sau).

4. Sắp xếp cán bộ đảm nhiệm các phần việc thì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và chỉ tiêu biên chế được Uỷ ban Nhân dân tỉnh duyệt, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh cần rà soát đội ngũ cán bộ cơ quan mình để sắp xếp cán bộ có phẩm chất và năng lực phù hợp với nhiệm vụ công tác, đồng thời đề xuất với Uỷ ban Nhân dân tỉnh có chủ trương, biện pháp giải quyết số cán bộ dôi ra.

Đối với các Sở Giáo dục nếu có sự thay đổi hoặc bổ sung cán bộ lãnh đạo Sở thì tỉnh cần khẩn trương làm việc với Bộ để sớm có quyết định bổ nhiệm chính thức.

5. Trong khi tiến hành sáp nhập cần chú ý thực hiện tốt các chế độ chính sách hiện hành đối với cán bộ, nhanh chóng ổn định tư tưởng đội ngũ cán bộ của hai cơ quan để bảo đảm công tác quản lý chỉ đạo nhà trẻ cũng như các mặt công tác giáo dục khác được tiến hành liên tục, kịp thời ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực.

6. Tài sản, hồ sơ, tài liệu của Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, Phòng Bảo vệ bà mẹ và trẻ em huyện cần được kiểm kê và lập biên bản bàn giao đầy đủ, rõ ràng cho Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục để tiếp tục sử dụng vào việc quản lý chỉ đạo công tác nuôi dạy trẻ; hết sức tránh để xẩy ra những sơ hở trong quản lý tài sản, tài chính và hồ sơ giấy tờ, v.v...

7. Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục tiếp tục sử dụng con dấu hiện hành. Con dấu của Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh và Phòng Bảo vệ bà mẹ và trẻ em huyện hết hiệu lực và nộp lại Uỷ ban Nhân dân tỉnh, huyện từ ngày ký biên bản bàn giao nhiệm vụ và tài sản, v.v...

II. Tổ chức hoạt động của Sở Giáo dục

Về cơ cấu tổ chức hoạt động của Sở Giáo dục, các địa phương tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 29-TT/TC ngày 5-9-1985 của Bộ ban hành và thay đổi một số điểm cho phù hợp với nhiệm vụ mới, cụ thể là:

Để tổ chức bộ máy quản lý gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả và thông suốt từ trung ương đến các địa phương nên các mặt công tác kế hoạch, tài vụ, tổ chức cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, vật tư, thiết bị, hành chính quản trị, v.v... của Uỷ Ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh trước đây nay giao cho các phòng, ban có liên quan của Sở Giáo dục đảm nhiệm. Để thống nhất việc chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ nhà trẻ và mẫu giáo các Sở thành lập Phòng Bảo vệ-giáo dục trẻ em.

a) Phòng Bảo vệ-giáo dục trẻ em có nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở Giáo dục thực hiện chức năng quản lý Nhà nước (hướng dẫn, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện) công tác nuôi dạy trẻ trước tuổi học phổ thông, cụ thể là:

1. Căn cứ vào chủ trương của Bộ và tình hình thực tế địa phương, để xuất với Giám đốc Sở làm tham mưu cho tỉnh Uỷ , Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định những chủ trương, biện pháp phát triển và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ phù hợp với từng địa bàn ở địa phương.

2. Chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trẻ và trường, lớp mẫu giáo:

- Tham mưu với Phòng kế hoạch, tài vụ để hướng dẫn việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch nuôi dạy trẻ từ cơ sở lên.

- Hướng dẫn cơ sở tạo những điều kiện cần thiết để có xin thành lập nhà trẻ và trường, lớp mẫu giáo.

- Tổ chức phong trào thi đua và theo dõi, kiểm tra đôn đốc thực hiện quy hoạch, kế hoạch nuôi dạy trẻ đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh xét duyệt.

3. Chỉ đạo chuyên môn nghiệp cụ nuôi dạy trẻ:

- Hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện chương trình, nội dung và phương pháp nuôi dạy trẻ, điều lệ và quy chế nuôi dạy trẻ.

- Phối hợp với Phòng Đào tạo bồi dưỡng để chỉ đạo việc bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ, giáo viên, cô nuôi dạy trẻ, việc hướng dẫn, kiểm tra các trường bồi dưỡng cán bộ quản lý, trường đào tạo giáo viên mẫu giáo và cô nuôi dạy trẻ ở địa phương.

- Thông qua việc chỉ đạo điểm và theo dõi nắm tình hình chung, kịp thời hướng dẫn và phổ biến những sáng kiến, kinh nghiệm về nuôi dạy trẻ.

4. Tham gia chỉ đạo việc tổ chức xây dựng và trang bị nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo:

- Tham gia với Phòng Kế hoạch tài vụ hướng dẫn, kiểm tra các địa phương và cơ sở kinh tế - xã hội xây dựng nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo theo mẫu thiết kế hoặc cải tạo các nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo cũ cho phù hợp với yêu cầu nuôi dạy trẻ có khoa học.

- Kiểm tra theo dõi việc thực hiện kế hoạch phân phối, bảo quản, sử dụng các thiết bị và các nhu yếu phẩm cho nhà trẻ, trường, lớp mẫu giáo.

5. Tổ chức tuyên truyền phát triển công tác nuôi dạy trẻ:

- Tổ chức các hình thức thích hợp để tuyên truyền, phổ biến những kiến thức khoa học và kinh nghiệm nuôi dạy trẻ ở trong và ngoài ngành giáo dục.

- Hướng dẫn tổ chức các hình thức nuôi dạy trẻ ở gia đình, liên gia đình và xã hội.

- Phối hợp với các đơn vị tổ chức có liên quan ở trong và ngoài ngành giáo dục để tiến hành chủ trương, biện pháp nuôi dạy trẻ ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững chắc.

6. Tổ chức sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ và báo cáo chuyên đề đột xuất, bảo đảm thông tin hai chiều thường xuyên thông suốt.

b) Biên chế cán bộ Phòng Bảo vệ - giáo dục trẻ em có 1 trưởng phòng; 1 phó trưởng phòng; từ 5 đến 10 cán bộ chuyên môn.

Phân công:

- Trưởng phòng và phó trưởng phòng, ngoài trách nhiệm điều hành công tác chung của phòng, còn phân công mỗi người đi sâu phụ trách lĩnh vực chuyên môn nhà trẻ, mẫu giáo và một số chuyên đề.

- Các cán bộ chuyên môn phân công mỗi người đảm nhiệm một số mặt công tác chuyên môn nhà trẻ, mẫu giáo và một số địa bàn để theo dõi nắm tình hình và đôn đốc thực hiện các mặt công tác nuôi dạy trẻ. Tuỳ theo năng lực cán bộ và tình hình thực tế địa phương, có thể phân công cán bộ đảm nhiệm một số mặt công tác chuyên môn xuyên suốt từ nhà trẻ đến mẫu giáo kể cả việc tuyên truyền vận động công tác bảo vệ - giáo dục trẻ em ở gia đình và xã hội, hoặc chia thành hai tổ mẫu giáo và nhà trẻ. Sau một thời gian thực hiện sẽ rút kinh nghiệm chọn lấy cách phân công tốt hơn.

- Các đồng chí lãnh đạo Sở giáo dục phân công một đồng chí phụ trách lĩnh vực công tác bảo vệ và giáo dục trẻ em trước tuổi học phổ thông.

- Các phòng, ban của Sở phân công cán bộ đảm nhiệm những công tác có liên quan với nhà trẻ, mẫu giáo.

- Công ty sách và thiết bị trường học cần lập một tổ dịch vụ nuôi dạy trẻ để tổ chức gia công, tiếp nhận, phân phối các thiết bị và nhu yếu phẩm cho nhà trẻ, mẫu giáo theo kế hoạch đã được đồng chí lãnh đạo Sở phụ trách lĩnh vực nuôi dạy trẻ xét duyệt. Tuỳ tình hình thực tế, tổ dịch vụ này trước mắt có thể chịu sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí lãnh đạo Sở phụ trách nuôi dạy trẻ.

Trung tâm phương pháp giáo dục cần lập tổ nghiên cứu, biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và sáng kiến kinh nghiệm về nội dung, hình thức tổ chức nuôi dạy trẻ ở trong và ngoài ngành giáo dục.

III. Tổ chức hoạt động của ngành giáo dục

Về tổ chức hoạt động của các phòng Giáo dục, các địa phương tiếp tục thực hiện Thông tư số 41-TT/LB ngày 15-11-1978 của Bộ Giáo dục và Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Trung ương ban hành và cuốn sách tổ chức quản lý giáo dục cấp huyện của Bộ Giáo dục ban hành kèm theo công văn số 6-TC ngày 22-1-1985 gồm những kinh nghiệm về quản lý giáo dục trên địa bàn huyện được đúc kết sau thời gian Bộ chỉ đạo thực nghiệm ở huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình và một số huyện khác.

Trong Phòng Giáo dục có tổ Bảo vệ - giáo dục trẻ em để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác chuyên môn nuôi dạy trẻ. Các mặt công tác kế hoạch, tài vụ, tổ chức cán bộ v v... của nhà trẻ, mẫu giáo do các tổ có liên quan trong Phòng Giáo dục đảm nhiệm.

Tổ Bảo vệ - giáo dục trẻ em do một đồng chí lãnh đạo phòng phụ trách, biên chế có từ 3 đến 5 cán bộ, phân công mỗi người phụ trách một số mặt công tác chuyên môn và một số địa bàn.

IV. Các trường lớp mẫu giáo và nhà trẻ

- Các trường đào tạo cô nuôi dạy trẻ, các trường sư phạm mẫu giáo ở các tỉnh, thành phố tiếp tục hoạt đồng bình thường theo sự quản lý của Sở Giáo dục.

- Các trường bồi dưỡng giáo dục huyện, theo sự phân công và hướng dẫn của Sở Giáo dục, tiến hành nhiệm vụ đào tạo ngắn ngày và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cô nuôi dạy trẻ.

- Các trung tâm phương pháp giáo dục và trường cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh, thành phố cần có bộ phận chuyên về công tác nuôi dạy trẻ.

- Các nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo ở cơ quan xí nghiệp, hợp tác xã, phường, xã v.v... tiếp tục hoạt động bình thường theo sự chỉ đạo chuyên môn của Phòng Giáo dục. Các cơ sở liên hợp nhà trẻ - mẫu giáo sẽ được tổ chức trong điều kiện nhu cầu và khả năng thực tế, theo văn bản hướng dẫn của Bộ (sẽ gửi sau), tránh làm tràn lan không chuẩn bị kỹ.

Bộ yêu cầu Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em các tỉnh khẩn trương thực hiện tốt những việc nói trên, trong khi tiến hành, nếu có những khó khăn trở ngại, cần kịp thời báo cáo để Bộ có ý kiến giải quyết.

Cuối tháng 5 năm 1987, các Sở Giáo dục gửi báo cáo sơ kết việc sáp nhập ở tỉnh và huyện về Bộ (Vụ tổ chức cán bộ). Báo cáo cần ghi rõ:

- Cơ cấu tổ chức, biên chế cán bộ của Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em tỉnh, phòng Bảo vệ bà mẹ trẻ em huyện, quận trước đây.

- Cơ cấu tổ chức, biên chế và sắp xếp cán bộ của Sở Giáo dục và Phòng Giáo dục sau khi sáp nhập.

- Tình hình bàn giao nhiệm vụ, tài sản, v.v...

- Tình hình tư tưởng và tinh thần, thái độ công tác của hai cơ quan trước, trong và sau khi sáp nhập.

- Những vấn đề còn tồn tại và đề nghị.

                                                                                                                                 Phạm Minh Hạc

                                                                                                                   (Đã ký)

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Minh Hạc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.