THÔNG TƯ
Quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai
____________________________________
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh số 27/2000/PL-UBTVQH10 ngày 24 tháng 8 năm 2000 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão;
Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;
Căn cứ Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 187/2007/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Viễn thông,
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư Quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai của Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương (được viết tắt là Ban Chỉ đạo PCLBTW) đến Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn (được viết tắt là Ban Chỉ huy PCLB-TKCN) các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, cá nhân có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai là việc huy động, tổ chức, sử dụng mạng bưu chính, viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
2. Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai là mạng viễn thông dùng riêng do Nhà nước đầu tư, thiết lập để phục vụ việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai. Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai bao gồm:
a. Hệ thống viễn thông cố định vệ tinh (VSAT băng tần C) chuyên dùng;
b. Hệ thống viễn thông di động vệ tinh (INMARSAT) chuyên dùng;
c. Hệ thống viễn thông vô tuyến điện (HF, VHF, UHF) chuyên dùng;
d. Các xe ô tô thông tin chuyên dùng.
e. Các hệ thống viễn thông khác theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 4. Nguyên tắc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai
1. Đảm bảo thông tin liên lạc phòng, chống thiên tai với ưu tiên cao nhất, an toàn, tin cậy, nhanh chóng.
2. Tổ chức, quản lý điều hành thông tin liên lạc phòng, chống thiên tai tập trung, thống nhất và trực tiếp.
3. Khai thác, sử dụng Mạng viễn thông chuyên dùng phòng, chống thiên tai đúng mục đích và hiệu quả.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ ĐẢM BẢO THÔNG TIN LIÊN LẠC PHỤC VỤ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI
Điều 5. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc trong điều kiện bình thường và trước khi có thiên tai
Thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong điều kiện bình thường và trước khi có thiên tai được tổ chức như sau:
1. Thông tin liên lạc từ trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW đến Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng dịch vụ của mạng viễn thông di động, cố định mặt đất công cộng, mạng bưu chính công cộng.
2. Thông tin liên lạc khi di chuyển ra ngoài trụ sở nêu ở Khoản 1 Điều này được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng dịch vụ của mạng viễn thông di động mặt đất công cộng.
3. Thông tin liên lạc cho các đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLBTW trong trường hợp cần thiết, được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống thiết bị viễn thông trên xe ô tô thông tin chuyên dùng.
Điều 6. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc trong thiên tai
1. Tại các khu vực thiên tai không ảnh hưởng đến hoạt động mạng bưu chính, viễn thông công cộng thì việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Tại các khu vực thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động mạng bưu chính, viễn thông công cộng, việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai được tổ chức như sau:
a. Thông tin liên lạc từ trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW đến trụ sở Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các huyện xảy ra thiên tai được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông cố định vệ tinh (VSAT) chuyên dùng và hệ thống viễn thông vô tuyến điện chuyên dùng.
b. Thông tin liên lạc khi di chuyển ra ngoài trụ sở nêu ở Điểm a Khoản 2 Điều này được đảm bảo chủ yếu bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông di động vệ tinh (INMARSAT) chuyên dùng.
c. Thông tin liên lạc cho các đoàn công tác của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo PCLBTW được đảm bảo bằng việc sử dụng hệ thống viễn thông trên xe ô tô thông tin chuyên dùng.
Điều 7. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc trong giai đoạn khắc phục hậu quả thiên tai
1. Tại các khu vực thiên tai không gây ra thiệt hại ảnh hưởng đến hoạt động mạng bưu chính, viễn thông công cộng thì việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Tại các khu vực thiên tai gây ra thiệt hại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của mạng bưu chính, viễn thông công cộng, việc đảm bảo thông tin liên lạc trong thời gian khắc phục hậu quả được tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
3. Tại các khu vực thiệt hại do hậu quả thiên tai, sau khi mạng bưu chính, viễn thông công cộng được khôi phục hoạt động trở lại bình thường thì việc tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP
Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông
1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và hoạt động của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
2. Quy định tiêu chuẩn chất lượng, giá cước dịch vụ viễn thông của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
3. Trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy PCLB-TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hàng năm.
4. Ban chỉ huy PCLB-TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo tổ chức triển khai hoạt động của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai; trực ban, xử lý báo cáo, tổng hợp tình hình và điều hành công tác tổ chức thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Điều 9. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn xây dựng và tổ chức thực hiện phương án, kế hoạch đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, thành phố hàng năm.
2. Chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức thông tin liên lạc của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Tham mưu giúp Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, thành phố thực hiện việc huy động, bố trí và sử dụng các trang thiết bị của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giao cho các Viễn thông tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, khai thác.
3. Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông khi có yêu cầu về tình hình mạng bưu chính, viễn thông và việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.
Điều 10. Trách nhiệm của Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông
1. Xây dựng, tổ chức triển khai phương án và kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai cho mạng bưu chính, viễn thông của mình.
2. Tổ chức và đảm bảo thông tin liên lạc tại các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN và Sở Thông tin và Truyền thông của địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
3. Chủ động hỗ trợ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
4. Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình mạng bưu chính, viễn thông và việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai về Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin và Truyền thông.
Điều 11. Trách nhiệm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
Ngoài các trách nhiệm chung quy định tại Điều 10 Thông tư này, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam còn có trách nhiệm:
1. Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW và chính quyền các cấp an toàn, tin cậy, nhanh chóng thông qua mạng bưu chính, viễn thông công cộng, Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
2. Chỉ đạo Bưu điện Trung ương xây dựng, tổ chức và quản lý Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai thống nhất trên phạm vi cả nước bao gồm:
a. Tiếp nhận, xử lý thông tin và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ tại trụ sở cũng như các đoàn công tác của Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLBTW theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW và Bộ Thông tin và Truyền thông.
b. Xây dựng và triển khai thực hiện các phương án tổ chức đảm bảo thông tin liên lạc của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
c. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông và các chủ mạng viễn thông dùng riêng khác để khai thác hiệu quả Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai và đảm bảo an toàn cao nhất cho thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai.
3. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động (vận hành, khai thác, bảo dưỡng, trực ban, báo cáo,...) đối với Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
4. Chỉ đạo Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam phối hợp với Bưu điện Trung ương đảm bảo thông tin liên lạc bưu chính phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn qua mạng bưu chính công cộng theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Bộ Thông tin và Truyền thông.
5. Chỉ đạo, điều hành các đơn vị thành viên tại các địa phương tổ chức thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN và Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương.
6. Báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông hoạt động của Mạng thông tin chuyên dùng phòng, chống thiên tai định kỳ hàng năm và đột xuất theo yêu cầu.
Điều 12. Trách nhiệm của Tập đoàn Viễn thông Quân đội
Ngoài các trách nhiệm chung quy định tại Điều 10 Thông tư này, Tập đoàn Viễn thông Quân đội còn có trách nhiệm:
1. Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng vũ trang theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng.
2. Phối hợp và hỗ trợ việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn.
3. Hỗ trợ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai của Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW và chính quyền địa phương các cấp.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2012.
Điều 14. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Viễn thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, cần phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.