• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/12/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

TỈNH LÀO CAI 

Số: 23/2012/NQ-HĐND

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc 

Lào Cai,  ngày 14 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

Về chính sách hỗ trợ công tác tổ chức quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên các công trình kết cấu hạ tầng do cấp xã quản lý

_________________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi;

Căn cứ Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03/6/2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Chính phủ, Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 10/2010/TT-BGTVT ngày 19/4/2010 của Bộ giao thông vận tải quy định về quản lý và bảo trì đường bộ;

Căn cứ Nghị định 114/2010/NĐ-CP ngày 06/12/2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;

Căn cứ Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và Đề án xây dựng Chương trình xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn;

Sau khi xem xét tờ trình số 147TTr-UBND ngày 27/11/2012 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua chính sách hỗ trợ quản lý, khai thác bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên các công trình kết cấu hạ tầng do cấp xã quản lý; Báo cáo thẩm tra số 71/BC-HĐND ngày 05/12/2012 của Ban Kinh tế và Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua chính sách hỗ trợ công tác tổ chức quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên các công trình kết cấu hạ tầng do cấp xã quản lý  trên địa bàn tỉnh Lào Cai gồm các nội dung sau:

1. Phạm vi: Các công trình kết cấu hạ tầng được hưởng chính sách theo Nghị quyết này là các công trình giao cho UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên, gồm:

1.1. Công trình thủy lợi và phòng chống lụt bão: Gồm công trình phục vụ tưới tiêu, các tuyến kè chống sạt lở bờ sông suối không gắn với đường giao thông;

1.2. Công trình đường giao thông từ xã xuống các thôn, đường liên thôn đường trục thôn bản, đường ngõ xóm, đường trục chính ra đồng ruộng (bao gồm cả các công trình thoát nước và phòng hộ trên các tuyến đường.

1.3. Công trình cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn.

1.4. Công trình trụ sở làm việc các cơ quan: Trường học, trụ sở đảng uỷ, HĐND, UBND; Trạm y tế xã (bao gồm cả các công trình phụ và hệ thống điện nước tiêu dùng).

1.5. Công trình chợ khu vực nông thôn.

1.6. Hệ thống truyền thanh xã gồm trạm truyền thanh xã và cụm loa truyền thanh thôn bản, tổ dân phố.

1.7. Công trình nhà văn hoá, nghĩa trang và các công trình công cộng khác của xã hoặc thôn, bản, tổ dân phố.

2. Đối tượng thực hiện: Các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi và các tổ chức cá nhân có trách nhiệm liên quan đến quản lý, khai thác, bảo vệ công trình cơ sở hạ tầng của xã.

3. Nguyên tắc:

3.1. Về tổ chức quản lý:

- Chủ đầu tư xây dựng công trình, sau khi xây dựng xong phải bàn giao công trình và hồ sơ công trình cho UBND xã tiếp nhận và hướng dẫn công tác quản lý sau đầu tư bảo đảm công trình phát huy hiệu quả;

- UBND xã giao nhiệm vụ cho Ban thuỷ lợi xã chỉ đạo quản lý công trình thuỷ lợi tưới tiêu, công trình kè sông suối và công trình cấp nước sinh hoạt; các công trình còn lại giao cho Ban quản lý dự án phát triển nông thôn mới giúp UBND xã chỉ đạo tổ chức quản lý. Các phường, thị trấn được thành lập Ban quản lý khai thác công trình (kiêm nhiệm) giúp UBND chỉ đạo công tác quản lý khai thác, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên công trình.

- Mỗi công trình được giao cho một tổ chức, cá nhân trực tiếp vận hành, duy tu bảo dưỡng, bảo vệ và sửa chữa thường xuyên. Những công trình chưa có chủ thể quản lý, UBND xã phải giao bằng văn bản rõ ranh giới và ưu tiên cho các tổ chức hợp tác, Ban phát triển nông thôn mới của thôn hoặc các hội, đoàn thể quần chúng, người dân hưởng lợi được tham gia quản lý, tạo việc làm thu nhập. Công trình theo tuyến liên xã thì UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo các xã thống nhất biện pháp quản lý, phát huy hiệu quả chung.

3.2. Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, nguồn thu phí theo quy định của pháp luật cho từng loại hình công trình và nguồn hợp pháp khác.

3.3. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các công trình đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn tài trợ theo các chương trình, dự án.

3.4. Khi công trình bị sự cố hư hỏng đột xuất, UBND xã chủ động chỉ đạo huy động nhân dân đóng góp tự nguyện để khắc phục ngay đảm bảo sớm khôi phục sản xuất, an sinh xã hội. Ngân sách Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ vật tư kỹ thuật, máy móc thiết bị, lao động kỹ thuật để khắc phục khi nguồn kinh phí thường xuyên không đủ chi phí theo trình tự: Ngân sách cấp dưới giải quyết trước, khi thiếu nguồn thì lập dự toán báo cáo ngân sách cấp trên xem xét giải quyết.

4. Chính sách hỗ trợ công tác quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng của xã:

4.1. Công trình thuỷ lợi và phòng chống lụt bão:

- Đối với công trình thuỷ lợi tưới tiêu: Thực hiện theo Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của HĐND tỉnh.

- Đối với công trình kè sông biên giới, kè suối biên giới, kè sông nội địa xây kiên cố: Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/km/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước.

- Đối với kè suối nội địa xây kiên cố: Mức hỗ trợ 3 triệu đồng/km/năm từ nguồn ngân sách Nhà nước.

4.2. Công trình cấp nước sinh hoạt:

- Công trình cấp nước tập trung: Thực hiện theo Nghị quyết số 33/2011/NQ-HĐND ngày 16/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Khi đầu tư xây dựng mới công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, Chủ đầu tư lập dự toán trang bị một bộ dụng cụ sửa chữa đường ống từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng.

- Công trình cấp nước phân tán do ngân sách Nhà nước hỗ trợ xây dựng cho hộ, nhóm hộ thì do hộ, nhóm hộ đóng góp tự nguyện để bảo dưỡng, sửa chữa.

4.3. Công trình giao thông:

- Đối với đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn cấp B trở lên: Thực hiện theo Quyết định 262/QĐ-UBND ngày 08/2/2012 và điều chỉnh một số nội dung như sau: Mức hỗ trợ: 800.000đ/km/năm cho đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn có bề rộng nền đường Bn > 4m (mặt đường là đất hoặc rải cấp phối); 1.000.000 đ/km/năm cho đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn có Bn > 4m (mặt đường bê tông); 600.000đ/km/năm cho đường từ xã xuống thôn, đường liên thôn có bề rộng nền đường Bn từ 2,5 m đến < 4m;

- Bổ sung mức hỗ trợ cho đường trục giao thông nội đồng: 800.000đồng/km/năm đối với đường có bề rộng nền đường Bn từ 3,5m trở lên; 600.000 đ/km đối với đường có bề rộng nền từ 2,5m đến nhỏ hơn 3,5 m.

- Bổ sung mức hỗ trợ: 100.000đ/m đối với cầu, ngầm tràn trên các trục đường từ xã cuống thôn, đường liên thôn và đường trục chính nội đồng.

- Đối với đường của xã, thôn có chiều rộng nền đường nhỏ hơn 2,5m, UBND xã tổ chức phát động phong trào đoàn thể và nhân dân đóng góp tự nguyện để duy tu, bảo dưỡng công trình.

4.4. Công trình trụ sở xã, trường học, trạm y tế: Mức chi bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên được trích trong chi phí thường xuyên của đơn vị là 5.000đ/m2 xây dựng nhà 1 tầng; 7.000 đ/m2 sàn nhà khung 2 tầng trở lên.

4.5. Công trình chợ nông thôn: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ sửa chữa mức 3 triệu đồng/01 chợ/năm (chợ loại III) ngoài nguồn thu lệ phí chợ.

4.6. Hệ thống truyền thanh:

- Đối với trạm truyền thanh xã: Mức hỗ trợ 4 triệu đồng/trạm/năm để chi trả tiền điện và bảo dưỡng, sửa chữa nhà trạm, thiết bị (ngoài mức chi hoạt động 4 triệu đồng/trạm/năm đã thực hiện theo Nghị quyết số 25/2010/NQ-HĐND ngày 17/12/2010 của HĐND tỉnh);

- Đối với cụm loa truyền thanh thôn, bản, tổ dân phố: Mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/cụm/năm, trong đó kinh phí hỗ trợ hoạt động 1 triệu đồng/cụm/năm, kinh phí bảo dưỡng sửa chữa thiết bị và trả tiền điện 1 triệu đồng/cụm/năm.

4.7. Công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, nghĩa trang và các công trình công cộng khác của xã hoặc thôn, bản là công trình phúc lợi của cộng đồng, khuyến khích xã, thôn bản tổ chức các dịch vụ tạo nguồn thu để bù đắp chi phí bảo dưỡng công trình, UBND xã hỗ trợ chỉ đạo đơn vị quản lý lập kế hoạch và huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên.

4.8. Các tổ chức quản lý Nhà nước và các tổ chức trực tiếp quản lý, khai thác công trình kết cấu hạ tầng của xã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý.

5. Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí:

5.1. UBND xã lập kế hoạch huy động đóng góp tự nguyện của nhân dân, mở sổ sách theo dõi và công khai các khoản thu, chi theo quy định.

5.2. Hàng năm, UBND cấp xã xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, trình UBND cấp trên trực tiếp xét duyệt, chi theo luật ngân sách Nhà nước qua ngân sách xã. Các đơn vị quản lý trụ sở xã, trường học, trạm y tế xây dựng dự toán chi cho duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên trích từ nguồn chi thường xuyên và thông báo cho UBND xã giám sát thực hiện.

5.3. Căn cứ tình hình thực tế có thể lồng ghép nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân để thực hiện có hiệu quả công tác duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn.

5.4. Các sở, ngành chuyên môn hướng dẫn chi tiết quản lý sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Điều 2. HĐND tỉnh giao:

- UBND tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết này;

- Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIV thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2012, có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua và bãi bỏ Nghị quyết số 05/2007/NQ-HĐND ngày 16/7/2007 của HĐND tỉnh Lào Cai quy định về quản lý, khai thác, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 

 

 

CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

Phạm Văn Cường

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.