THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014
của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung
__________________________
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16/6/2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 156/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (sau đây gọi tắt là Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Các hộ gia đình thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg được vay vốn Ngân hàng Chính sách để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (sau đây gọi là hộ gia đình).
3. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.
Điều 3. Nguyên tắc cho vay
1. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đúng đối tượng trên cơ sở danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và cung cấp.
2. Căn cứ tình hình nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phân bổ cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, cho vay hộ gia đình theo thứ tự ưu tiên và thời gian thực hiện hỗ trợ quy định tại Điều 3, khoản 2 Điều 8 Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.
3. Đảm bảo vốn cho vay trực tiếp đến với từng hộ gia đình.
4. Hộ gia đình vay vốn đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn vay và lãi vốn vay đúng thời hạn theo cam kết.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nguồn vốn và mức cho vay
1. Nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg gồm:
a) 50% do ngân sách trung ương cấp;
b) 50% do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động.
2. Trên cơ sở các quy định về nguồn vốn, cấp bù chênh lệch lãi suất, Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng kế hoạch nguồn vốn để đảm bảo thực hiện giải ngân cho vay theo quy định tại Thông tư này.
3. Căn cứ nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét và quyết định mức cho vay, nhưng không vượt quá 15 triệu đồng/hộ gia đình.
Điều 5. Lãi suất cho vay
Lãi suất cho vay áp dụng là 3%/năm.
Điều 6. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc, lãi là 05 năm tính từ thời điểm hộ gia đình bắt đầu nhận khoản vốn vay đầu tiên.
Điều 7. Trả nợ gốc và lãi vốn vay
1. Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ gia đình vay vốn thỏa thuận về số tiền và các kỳ hạn trả nợ gốc; các kỳ hạn trả nợ lãi.
2. Hộ gia đình vay vốn thực hiện trả nợ gốc, lãi vốn vay từ năm thứ 6. Mức trả nợ mỗi năm tối thiểu bằng 20% tổng số vốn đã vay.
3. Hộ gia đình vay vốn được trả nợ gốc và lãi vốn vay trước hạn.
Điều 8. Phương thức cho vay
1. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho vay.
2. Trường hợp thực hiện theo phương thức ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, cơ chế ủy thác cho vay được thực hiện như cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Điều 9. Hồ sơ, thủ tục vay vốn
1. Ngân hàng Chính sách xã hội quy định cụ thể và niêm yết công khai về hồ sơ, thủ tục vay vốn phù hợp với quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, Thông tư này và quy định của pháp luật hiện hành; đảm bảo đơn giản, rõ ràng và dễ thực hiện.
2. Căn cứ hồ sơ vay vốn của hộ gia đình, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay theo quy định tại Thông tư này.
3. Trường hợp từ chối cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội phải thông báo bằng văn bản tới hộ gia đình vay vốn, trong đó nêu rõ lý do từ chối cho vay.
Điều 10. Giải ngân vốn vay
1. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân trực tiếp cho hộ gia đình vay vốn, kể cả trường hợp thực hiện ủy thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 100% vốn vay đã cam kết cho vay:
a) Sau khi hoàn thành phần móng đối với những hộ gia đình vay vốn để xây dựng mới;
b) Sau khi hoàn thành 30% khối lượng công việc xây dựng sàn vượt mức ngập lụt đối với hộ gia đình vay vốn để cải tạo, nâng tầng nhà ở đã có.
3. Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào bản tổng hợp xác nhận hoàn thành theo giai đoạn xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt do Ủy ban nhân dân cấp xã gửi để thực hiện giải ngân vốn vay theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 11. Thu hồi nợ gốc và lãi vốn vay
1. Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ gốc, nợ lãi vốn vay của từng hộ gia đình.
2. Hộ gia đình có nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc và lãi vốn vay. Trường hợp đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng mà hộ gia đình vay vốn không trả được nợ do nguyên nhân khách quan thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ trên cơ sở khả năng trả nợ của hộ gia đình vay vốn trong thời gian tiếp theo. Tổng thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn đã cho vay.
3. Khi kết thúc thời hạn cho vay mà hộ gia đình không trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đã cam kết và không được Ngân hàng Chính sách xã hội cho gia hạn nợ thì số dư nợ gốc được chuyển sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất cho vay quá hạn là 3,9%/năm; không áp dụng phạt chậm trả.
Điều 12. Xử lý rủi ro
Việc xử lý rủi ro đối với các khoản vay xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung được thực hiện theo quy định hiện hành về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 13. Thông tin báo cáo
1. Hàng tháng (trước ngày 10 của tháng tiếp theo), Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp tình hình cho vay đối với hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) theo Biểu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Hàng tháng (trước ngày 10 của tháng tiếp theo), Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo tình hình cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg tại địa phương về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đóng trụ sở theo Biểu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội
1. Xây dựng kế hoạch tín dụng, kế hoạch huy động vốn để đảm bảo thực hiện cho vay hộ gia đình xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
2. Quy định và niêm yết công khai hồ sơ, thủ tục vay vốn đối với hộ gia đình vay vốn xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
3. Tổ chức thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc cho vay, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi nợ theo quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 15. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế:
a) Đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này.
2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện việc thanh tra, giám sát và xử lý theo thẩm quyền đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc chấp hành các quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg và Thông tư này khi thực hiện cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
3. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Theo dõi, tổng hợp tình hình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg trên địa bàn;
b) Thực hiện việc kiểm tra, giám sát và thanh tra theo thẩm quyền đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn trong việc cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg;
c) Tham mưu và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg tại địa phương. Trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) để được xem xét, xử lý.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2014
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm tổ chức, thi hành Thông tư này./.