THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2011
của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa
và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương
_____________________________
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 16/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2011/TT-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Công Thương như sau:
1. Sửa đổi Điều 18 như sau:
“Điều 18. Trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản
1. Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc và tổ chức thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản liên quan đến lĩnh vực Công Thương.
2. Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm phối hợp với Vụ Pháp chế và thực hiện rà soát văn bản điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao của các đơn vị”.
2. Sửa đổi khoản 3 Điều 19 như sau:
“3. Định kỳ 6 (sáu) tháng, thực hiện rà soát, hệ thống hóa, xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Quyết định công bố danh mục văn bản trong lĩnh vực Công Thương hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần và thực hiện đăng Công báo; đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ sau khi được Bộ trưởng phê duyệt”.
3. Bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 20 như sau:
“3. Điều lệ, Nghị quyết, Thông tri, Chỉ thị và văn kiện, tài liệu chính thức khác của Đảng Cộng sản Việt Nam; văn bản, tài liệu chính thức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh và các nội dung cụ thể của văn bản được rà soát.
4. Kết quả điều tra, khảo sát; thông tin, chỉ số, định mức về phát triển kinh tế - xã hội; số liệu, kết quả và báo cáo thống kê; các thông tin và số liệu về thực tiễn liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh và các nội dung cụ thể của văn bản rà soát do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố”.
4. Sửa đổi tên Điều 21 như sau:
“Điều 21. Nội dung rà soát văn bản”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 24 như sau:
“Điều 24. Trách nhiệm theo dõi thi hành pháp luật
1. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật hàng năm của Bộ trình Lãnh đạo Bộ ký ban hành;
b) Tổ chức kiểm tra, điều tra, khảo sát, đánh giá việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực Công Thương đối với các chuyên đề do Vụ chủ trì thực hiện theo Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật hàng năm của Bộ;
c) Phối hợp, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực Công Thương do các đơn vị chủ trì theo Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật hàng năm của Bộ;
d) Báo cáo Bộ trưởng và đề xuất biện pháp xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật;
đ) Định kỳ hàng năm tổng hợp, xây dựng báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực Công Thương gửi theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ
a) Lập Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật hàng năm của đơn vị, gửi Vụ Pháp chế tổng hợp trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm của Bộ;
b) Tổ chức kiểm tra, điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;
c) Tổ chức thực hiện chuyên đề kiểm tra, điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật do đơn vị chủ trì theo Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật năm của Bộ;
đ) Phối hợp với Vụ Pháp chế báo cáo Bộ trưởng và đề xuất biện pháp xử lý;
d) Gửi Vụ Pháp chế báo cáo định kỳ 6 (sáu) tháng về công tác theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị”.
6. Sửa đổi Điều 25 như sau:
“Điều 25. Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Công Thương
1. Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Công Thương được xây dựng theo từng năm.
2. Kế hoạch bao gồm các nội dung chuyên đề theo dõi thi hành pháp luật; đối tượng kiểm tra, điều tra, khảo sát, cung cấp thông tin; địa điểm triển khai; phương thức triển khai.
3. Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Công Thương được ban hành chậm nhất trước ngày 30 tháng 01 hàng năm và có thể được sửa đổi, bổ sung chậm nhất trước ngày 15 tháng 7 hàng năm”.
7. Sửa đổi Điều 26 như sau:
“Điều 26. Nội dung theo dõi thi hành pháp luật
1. Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật.
3. Tình hình tuân thủ pháp luật”.
8. Bổ sung các Điều 26a, 26b, 26c như sau:
“Điều 26a. Nội dung đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật
1. Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết.
2. Tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của văn bản.
3. Tính khả thi của văn bản.
Điều 26b. Nội dung đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật
1. Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn, phổ biến pháp luật.
2. Tính phù hợp của tổ chức bộ máy; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật.
3. Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.
Điều 26c. Nội dung đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật
1. Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.
2. Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền.
3. Mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
9. Sửa đổi Điều 27 như sau:
“Điều 27. Cách thức theo dõi thi hành pháp luật
1. Thu thập thông tin về thi hành pháp luật.
2. Kiểm tra thi hành pháp luật.
3. Điều tra, khảo sát thi hành pháp luật”.
10. Bổ sung các Điều 27a, 27b, 27c, 27d như sau:
“Điều 27a. Thu thập thông tin về thi hành pháp luật
1. Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ tổng hợp thông tin về tình hình thi hành pháp luật từ báo cáo của các cơ quan nhà nước theo các nội dung sau đây:
a) Số lượng, hình thức và tên văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; số lượng, hình thức và tên văn bản ban hành chậm tiến độ và lý do chậm tiến độ; số lượng văn bản không thống nhất, không đồng bộ và tính khả thi không cao;
b) Nội dung, hình thức tập huấn, phổ biến pháp luật đã được thực hiện; thực trạng về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, các điều kiện về kinh phí và cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật;
c) Tình hình hướng dẫn áp dụng pháp luật, tình hình áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền;
d) Tình hình xử lý vi phạm pháp luật.
2. Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ thu thập thông tin về tình hình thi hành pháp luật được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp. Thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp phải được kiểm tra, đối chiếu trước khi sử dụng để đánh giá tình hình thi hành pháp luật.
Điều 27b. Kiểm tra thi hành pháp luật
1. Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc kiểm tra thi hành pháp luật nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật và khiếm khuyết, bất cập của hệ thống pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của cơ quan tiến hành kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Điều 27c. Điều tra, khảo sát thi hành pháp luật
1. Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ điều tra, khảo sát theo yêu cầu tình hình thi hành pháp luật về từng lĩnh vực, địa bàn và đối tượng cụ thể thông qua phiếu khảo sát, tọa đàm, phỏng vấn trực tiếp và các hình thức phù hợp khác.
2. Hoạt động điều tra, khảo sát có thể được thực hiện theo cơ chế cộng tác viên.
Điều 27d. Xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật
1. Căn cứ kết quả thu thập thông tin, kết quả kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật, Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo các nội dung sau đây:
a) Ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
b) Thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật; bảo đảm về tổ chức, biên chế, kinh phí và các điều kiện khác cho thi hành pháp luật;
c) Kịp thời tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực;
d) Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật;
đ) Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật;
e) Thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
2. Vụ Pháp chế, các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền. Các đơn vị có trách nhiệm gửi kết quả xử lý về Vụ Pháp chế tổng hợp theo dõi chung”.
Điều 2. Trách nhiệm thi hành
Lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 02 năm 2014./.