• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/03/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/2014
UBND TỈNH TIỀN GIANG
Số: 04/2012/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 2012

CHỈ THỊ

Về tăng cường các biện pháp thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

_____________________

 

Thời gian qua công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được tổ chức thực hiện nề nếp. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tại các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã về cơ bản đã tuân thủ theo đúng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Lãnh đạo một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt và việc quán triệt tại đơn vị chưa đạt hiệu quả; chưa cập nhật kịp thời và chậm công bố những thủ tục hành chính ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ; chưa niêm yết công khai đầy đủ thủ tục hành chính; cán bộ, công chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu nộp thêm một số thành phần hồ sơ ngoài quy định, một số trường hợp giải quyết thủ tục hành chính còn chậm trễ so với thời hạn quy định…

Để thực hiện tốt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính được thể chế hóa tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, Quyết định số 945/QĐ-TTg ngày 20/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công các bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010, Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và các văn bản hướng dẫn được thực hiện một cách nghiêm túc, thống nhất, đồng bộ, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ, đúng pháp luật các nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định. Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính thuộc phạm vi thẩm quyền, nhiệm vụ được giao.

b) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 945/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và của Ủy ban nhân dân tỉnh về kiểm soát thủ tục hành chính.

c) Thực hiện nghiêm việc không trình và trả lại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa được thực hiện đánh giá tác động hoặc đánh giá tác động còn hình thức, chưa đúng quy định; chủ trì việc lấy ý kiến, tham vấn của tổ chức hoặc đối tượng chịu sự tác động của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính; cập nhật trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính những nội dung mới đã được công bố đúng quy định.

d) Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh là đầu mối tiếp nhận và công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:

a) Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính đến cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của cơ quan để thống nhất nhận thức, thực hiện đúng quy định, xác định công tác kiểm soát thủ tục hành chính là công việc trọng tâm, thường xuyên và liên tục trong chỉ đạo điều hành của cơ quan, đơn vị. Xây dựng kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm tại cơ quan, đơn vị; tổ chức tập huấn, tập huấn lại, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức nắm vững công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

b) Nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch, đầy đủ thủ tục hành chính; về hình thức bắt buộc công khai niêm yết tại trụ sở cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả phải dễ nhìn, dễ đọc và dễ tiếp cận. Giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức phải thực hiện đúng nội dung đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định công bố.

Cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức không được yêu cầu thêm hoặc bổ sung thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định; phải nhận đúng, nhận đủ, cấp biên nhận hồ sơ phải ghi rõ thời gian tiếp nhận và trả kết quả.

c) Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp; hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đối với quy định hành chính không còn phù hợp, thiếu đồng bộ, dễ nảy sinh tiêu cực và gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.

d) Tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các đơn vị trực thuộc, các đơn vị thuộc quyền quản lý; củng cố, lựa chọn bố trí cán bộ làm đầu mối đủ năng lực tham mưu công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức làm đầu mối được tham gia tập huấn để nâng cao kỹ năng công tác khi có yêu cầu.

đ) Niêm yết công khai tại trụ sở địa chỉ cơ quan, email, số điện thoại chuyên dùng của đường dây nóng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định tại Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ đã được Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh công bố công khai.

e) Đẩy mạnh công tác truyền thông, tạo chuyển biến nhận thức xã hội về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; huy động các cá nhân, tổ chức, đoàn thể tham gia tích cực vào sự nghiệp cải cách thủ tục hành chính; hưởng ứng cuộc thi “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” do Văn phòng Chính phủ phát động.

g) Nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị theo chỉ đạo tại Công văn số 4031/UBND-KS ngày 31/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh:

a) Cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động đối với từng thủ tục hành chính theo hướng dẫn tại Công văn số 7416/VPCP-TCCV ngày 15/10/2010 của Văn phòng Chính phủ và gửi lấy ý kiến của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định.

b) Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (kể cả Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh) chịu trách nhiệm tự kiểm tra, thường xuyên đôn đốc cán bộ, công chức thuộc quyền cập nhật các văn bản mới ban hành quy định về thủ tục hành chính, dự thảo các quyết định công bố trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành đúng theo quy định tại Quyết định số 1916/QĐ- UBND ngày 25/7/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh với các sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Tổ chức rà soát quy định, thủ tục hành chính và báo cáo kết quả rà soát theo đúng tiến độ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Sở Tư pháp:

a) Thực hiện thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính theo đúng Quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ban hành kèm theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 19/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Quyết định số 25/2011/QĐ-UBND ngày 15/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 19/8/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Không thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa được đánh giá tác động, chưa có ý kiến của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các đơn vị có liên quan đề xuất xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chưa phù hợp hoặc trái quy định.

5. Sở Nội vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung nội dung thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính là một tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách hành chính” hàng năm.

b) Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung quy định xét kết quả thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính là một tiêu chí trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh:

Chỉ đạo thực hiện việc giám sát hoạt động cải cách thủ tục hành chính phát huy vai trò giám sát hoạt động cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính các cấp; tập hợp và gửi những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời xem xét, chỉ đạo tháo gỡ, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi như: từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; sách nhiễu, gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm; không công khai, minh bạch thủ tục hành chính hoặc công khai không đầy đủ các thủ tục hành chính tại nơi giải quyết thủ tục hành chính...

Chỉ thị này được triển khai phổ biến đến các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét giải quyết./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Khang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.