• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/04/2000
BỘ TƯ PHÁP-BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN-UỶ BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Số: 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2000

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước

của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư

_________________

Ngày 11 tháng 05 năm 1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, ngày 19 tháng 6 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Thực hiện Nghị định và Chỉ thị nói trên, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước (sau đây gọi chung là hương ước) ở cơ sở đã được chấn chỉnh một bước so với trước đây. Phần lớn các hương ước mới đã có nội dung phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo lý và đạo đức truyền thống của dân tộc, hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở. Được sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, việc xây dựng và thực hiện hương ước đã trở thành công việc tự quản của cộng đồng dân cư với nhiều hình thức phong phú, sinh động.

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định số 29/1998/NĐ-CP và Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg nhưng ở một số địa phương việc xây dựng và thực hiện hương ước vẵn còn những hạn chế, thiếu sót; việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra chưa đồng bộ, thống nhất; nội dung của một số hương ước thiếu cụ thể hoặc có những quy định vi phạm pháp luật; việc soạn thảo, thông qua hương ước chưa thực sự dân chủ; việc phê duyệt hương ước chưa đúng thẩm quyền và thuếu thống nhất về thể thức, thủ tục.

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót nói trên, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện hương ước ở cơ sở, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp hướng dẫn một số vấn đề về xây dựng và thực hiện hương ước như sau:

I. VỀ NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THỂ HIỆN CỦA HƯƠNG ƯỚC:

1. Nội dung của hương ước:

Hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống của cộng đồng dân cư, nội dung của hương ước tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau đây:

a) Đề ra các biện pháp, phương thức thích hợp giúp dân cư trên địa bàn tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân; động viên và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân;

b) Bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, ăn, ở, đi lại, xoá bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hoá lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt các chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước;

c) Đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản Nhà nước, tài sản công cộng và tài sản công dân, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ rừng, biển, sông, hồ, danh lam thắng cảnh, đền chùa miếu mạo, các nguồn nước, đê điều, đập nước, kênh mương, kè cống, đường dây tải điện; xây dựng và phát triển đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh;

d) Đề ra các biện pháp bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan trong việc cưới hỏi, việc tang, lễ hội, thờ phụng ở địa phương; khuyến khích những lễ nghi lành mạnh, tiết kiệm, hạn chế ăn uống lãng phí, tốn kém;

đ) Góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, xây dựng làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư văn hoá, hình thành các quy tắc đạo đức mới trong gia đình và cộng đồng; khuyến khích mọi người đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, ốm đau; vận động thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình, xây dựng các gia đình theo tiêu chuẩn gia đình văn hoá;

e) Xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, vận động các thành viên trong gia đình, họ tộc, xóm làng đoàn kết nhau để xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, khuyến học, khuyến nghề ở địa phương; vận động các thành viên trong cộng đồng thạm gia tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm phát triển sản xuất. Khuyến khích phát triển các làng nghề; đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng: điện, đường, trường học, trạm xã, nghĩa trang, các công trình văn hoá thể thao trên địa bàn. Lập, thu chi các loại quỹ trong khuôn khổ pháp luật và phù hợp khả năng đóng góp của nhân dân;

g) Đề ra các biện pháp cụ thể bảo vệ trật tự, trị an trên địa bàn góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, rượu chè bê tha, trộm cắp, mại dâm và các hành vi khác vi phạm pháp luật nhằm xây dựng địa bàn trong sạch. Phát động trong nhân dân ý thức phòng gian, bảo mật, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tạm trú, tạm vắng; tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Đề ra các biện pháp cần thiết hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trên địa bàn; bảo đảm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức tự quản ở cơ sở như tổ chức, hoạt động của Tổ hoà giải, Ban an ninh, Tổ bảo vệ sản xuất, Ban kiến thiết và các tổ chức tự quản khác;

h) Đề ra các biện pháp thưởng, phạt phù hợp để đảm bảo thực hiện hương ước:

Hương ước quy định các hình thức và biện pháp thưởng đối với cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện hương ước như: lập sổ vàng truyền thống nêu gương người tốt, việc tốt, ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân; bình xét, công nhận gia đình văn hoá và các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng tự thoả thuận hoặc đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Đối với những người có hành vi vi phạm các quy định của hương ước thì chủ yếu áp dụng các hình thức giáo dục, phê bình của gia đình, tập thể cộng đồng, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở cơ sở. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định của hương ước thì trên cơ sở thảo luận thống nhất trong tập thể cộng đồng, có thể thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc áp dụng các biện pháp phạt nhưng không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. Trong hương ước không đặt ra các khoản phí, lệ phí.

Hương ước có thể đề ra các biện pháp nhằm góp phần giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; giáo dục, cảm hoá, giúp đỡ người phạm tội sau khi ra tù trở thành những người lương thiện, có ích cho xã hội.

Những hành vi vi phạm pháp luật phải do các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hương ước không thay thế các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Hình thức thể hiện của hương ước;

a) Về tên gọi: có thể dùng tên gọi chung là Hương ước hoặc Quy ước (làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư).

b) Về cơ cấu và nội dung: Hương ước có thể có lời nói đầu ghi nhận truyền thống văn hoá của từng làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư và mục đích của việc xây dựng hương ước.

Nội dung của hương ước được chia thành các chương, mục, điều, khoản, điểm. Các quy định cụ thể của hương ước cần xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong cộng đồng. Các biện pháp thưởng, phạt có thể quy định ngay tại các điều, khoản cụ thể.

Các quy định của hương ước cần ngắn gọn, cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Tuỳ theo đặc điểm và yêu cầu tự quản của từng địa bàn mà hương ước có thể quy định bao quát toàn bộ hoặc một số điểm thuộc các nội dung được hướng dẫn tại Điểm 1 Phần I nói trên.

II. THỦ TỤC SOẠN THẢO, THÔNG QUA, PHÊ DUYỆT,TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HƯƠNG ƯỚC

1. Hương ước phải được xây dựng một cách thực sự dân chủ, công khai, phù hợp với các quy định của pháp luật, được chia theo các bước cơ bản như sau:

Bước 1. Thành lập Nhóm soạn thảo và tổ chức soạn thảo hương ước;

Trưởng thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư (sau đây gọi chung là Trưởng thôn) chủ trì cùng Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thống nhất các nội dung cơ bản cần soạn thảo, đồng thời chỉ định các thành viên Nhóm soạn thảo. Thành viên Nhóm soạn thảo là những người có uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hoá, hiểu biết về pháp luật và phong tục, tập quán ở địa phương, có phẩm chất đạo đức tốt. Nhóm soạn thảo cần có sự tham gia của đại diện một số cơ quan, tổ chức và đại diện của các thành phần trong cộng đồng dân cư như: cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, trưởng tộc và những người khác có uy tín, trình độ trong cộng đồng.

Trưởng thôn chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng ở cơ sở chỉ đạo Nhóm soạn thảo xây dựng hương ước.

Việc dự thảo hương ước cần tập trung vào các vấn đề được nêu tại điểm 1 Phần I của Thông tư này. Đồng thời, cần tham khảo nội dung các hương ước cũ (nếu có) cũng như nội dung của các hương ước của địa phương khác để lựa chọn, kế thừa được những nội dung tích cực, phù hợp đã trở thành phong tục, tập quán tốt đẹp. Ở những nơi phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện bằng Luật tục thì chọn lọc đưa vào hương ước những quy định của Luật tục phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục.

Bước 2. Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân vào dự thảo hương ước:

Dự thảo hương ước được gửi đến cơ quan chính quyền, cấp uỷ, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; nếu điều kiện cho phép thì gửi đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến đóng góp.

Việc thảo luận đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo hương ước có thể được tổ chức bằng các hình thức thích hợp như họp thảo luận ở tổ, đội sản xuất, tổ dân phố, ngõ xóm, nhóm các hộ gia đình, họp thảo luận ở các tổ chức đoàn thể ở thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư; niêm yết, phát trên đài truyền thanh, mở hộp thư để thu thập ý kiến đóng góp.

Dự thảo hương ước có thể được Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã thảo luận, tham gia ý kiến nhưng không thông qua như một nghị qiyết của Hội đồng hoặc quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Bước 3. Thảo luận và thông qua hương ước:

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp trên, Nhóm soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và gửi các thành viên sẽ được dự kiến mời tham gia Hội nghị để thảo luận và thông qua hương ước.

Dự thảo hương ước phải được thảo luận kỹ, thực sự dân chủ và thông qua tại Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình ở làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Đại biểu hộ gia đình là chủ hộ hoặc người có năng lực hành vi dân sự được chủ hộ uỷ quyền. Hội nghị này chỉ tiến hành khi có ít nhất là hai phần ba tổng số thành phần cử tri hoặc đại biểu hộ gia đình tham dự. Hương ước được thông qua khi có ít nhất quá nửa số người dự họp tán thành. Trưởng thôn phối hợp với Ban công tác Mặt trận chủ trì Hội nghị. Hội nghị quyết định hình thức biểu quyết thông qua hương ước bằng cách giơ tay biểu quyết trực tiếp hoặc bỏ phiếu.

Bước 4. Phê duyệt hương ước:

Sau khi hương ước được thông qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã cùng Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã xem xét nội dung của hương ước bảo đảm phù hợp với pháp luật, thuần phong, mỹ tục và trao đổi thống nhất với Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã về nội dung của hương ước trước khi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

Hương ước chính thức trình phê duyệt cần có chữ ký của Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận và làng (nếu có) kèm theo Biên bản thông qua tại Hội nghị.

Hương ước gửi lên Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phải có Công văn đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, phê duyệt hương ước trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản hương ước và Công văn đề nghị phê duyệt.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định phê duyệt hương ước. Hương ước đã được duyệt phải có dấu giáp lai.

Trong trường hợp hương ước không được phê duyệt thì Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với Phòng Văn hoá - Thông tin hướng dẫn để cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện các hương ước đó để trình lại.

2. Tổ chức thực hiện và sửa đổi, bổ sung hương ước.

Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chuyển hương ước đã được phê duyệt để Trưởng thôn niêm yết, tuyên truyền, phổ biến đến từng thành viên trong cộng đồng dân cư và tổ chức thực hiện hương ước.

Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cơ sở chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của hương ước; kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc thực hiện hương ước, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện hương ước ở địa phương.

Hàng năm, cần tổ chức kiểm điểm việc thực hiện hương ước. Trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung thì do Hội nghị cử tri hoặc Hội nghị đại biểu hộ gia đình thảo luận. Việc sửa đổi, bổ sung hương ước cũng phải tuân theo trình tự, thủ tục như khi soạn thảo hương ước mới. Không được tuỳ tiện sửa đổi, bổ sung hương ước sau khi đã được phê duyệt.

III. TRÁCH NHIỆM GIÚP UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP QUẢN LÝ VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN HƯƠNG ƯỚC

1. Ở cấp tỉnh: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và Mặt trận Tổ quốc tỉnh giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh định hướng nội dung hương ước cho phù hợp pháp luật và hoàn cảnh thực tế của địa phương; tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ cơ sở; chỉ đạo triển khai, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hương ước trên phạm vi toàn tỉnh.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Sở Tư pháp và Sở Văn hoá - Thông tin phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ giúp các Phòng Tư pháp, Phòng Văn hoá - Thông tin thực hiện việc tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt hương ước.

Hàng năm, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin và Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình xây dựng và thực hiện hương ước trên địa bàn; báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Ở cấp huyện: Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc xem xét tính hợp pháp, loại bỏ những nội dung của hương ước trái với các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm kỹ thuật xây dựng hương ước.

Phòng Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện bảo đảm các nội dung của hương ước phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy tắc xây dựng nếp sống văn hoá.

Trong trường hợp phát hiện hương ước chưa được phê duyệt, Phòng Tư pháp chủ trì phối hợp với Phòng Văn hoá - Thông tin hướng dẫn để cơ sở thực hiện thủ tục phê duyệt. Trường hợp phát hiện có nội dung sai trái thì báo cáo để Uỷ ban nhân dân cấp huyện tạm đình chỉ thi hành và hướng dẫn để chỉnh lý, hoàn thiện các hương ước đó.

3. Ở cấp xã: Cán bộ tư pháp phối hợp với cán bộ văn hoá - thông tin giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các công việc sau đây:

- Chỉ đạo, hỗ trợ các làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư xây dựng hương ước phù hợp với nội dung được hướng dẫn tại Phần I của Thông tư này;

- Chuẩn bị hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cấp xã kiểm tra, tạo điều kiện cho việc phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện hương ước.

- Phát hiện và chấn chỉnh mọi biểu hiện sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc xây dựng và thực hiện hương ước, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên và Hội đồng nhân dân cùng cấp về việc xây dựng và thực hiện hương ước ở địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, Sở Tư pháp, Sở Văn hoá - Thông tin và Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh cần kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xem xét, giải quyết.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin

Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Đình Lộc

Nguyễn Khoa Điềm

Trần Văn Đăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.