• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/12/2010
HĐND TỈNH HƯNG YÊN
Số: 217/NQ-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2010

NGHỊ QUYẾT

Về điều chỉnh, bổ sung một số mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020

_____________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2011 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 76/2006/NQ-HĐND ngày 19/7/2006 của HĐND tỉnh khóa XIV - Kỳ họp thứ 6;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1976/TTr-UBND ngày 23/11/2010 của UBND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung một số quan điểm, mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và ý kiến tham gia của các vị đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

I. Thông qua nội dung điều chỉnh, bổ sung một số mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020:

(Kèm theo nội dung chi tiết điều chỉnh, bổ sung)

II. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khoá XIV-Kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 10/12/2010, có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Cường

 

 

 

NỘI DUNG

Chi tiết điều chỉnh, bổ sung một số mục tiêu quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 217/NQ-HĐND ngày 13/12/2010 của HĐND tỉnh Hưng Yên)

A. Quan điểm phát triển:

1. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, GDP bình quân đầu người sớm đạt mức bình quân chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển mạnh công nghiệp và thương mại - dịch vụ theo hướng hiện đại, đạt hiệu quả cao.

2. Đảm bảo sự thống nhất, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên với vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng Sông Hồng. Phát huy lợi thế của một tỉnh giáp thủ đô Hà Nội để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nông sản cho thủ đô Hà Nội, các đô thị liền kề và đẩy mạnh xuất khẩu.

3. Tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển tương đối đồng đều giữa các địa bàn trong tỉnh; nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xây dựng Hưng Yên trở thành Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của khu vực.

5. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

B. Mục tiêu phát triển:

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực. Nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh để duy trì nền kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; khai thác lợi thế, huy động nguồn lực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 đạt bình quân trên 12,5%/năm và giai đoạn 2016-2020 đạt 12 - 13,2%/năm;

- GDP bình quân đầu người năm 2015 dự kiến đạt trên 43,6 triệu đồng. GDP bình quân đầu người năm 2020 dự kiến đạt trên 105 triệu đồng.

- Cơ cấu kinh tế năm 2015 là: dịch vụ 33%, công nghiệp - xây dựng là 50%, nông nghiệp, thủy sản 17,5%; năm 2020 tương ứng là: dịch vụ 37,8 - 39,2%, công nghiệp - xây dựng là 50 - 51% và nông nghiệp là 10,5 - 11,2%.

b) Về văn hóa - xã hội:

- Duy trì ổn định tỷ lệ phát triển dân số dưới 1%; từng bước giảm tỷ lệ mất cân đối giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.

- Đến năm 2015 có 97% hộ thành thị và 87% hộ nông thôn được dùng nước sạch; đến năm 2020 đạt 100% số hộ được dùng nước sạch.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm ít nhất mỗi năm 2%, đến năm 2015 còn 3% (theo tiêu chí mới); tạo thêm việc làm hàng năm cho trên 2,2 vạn lao động. Nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo lên 55% vào năm 2015 và 63 - 67% vào năm 2020. Phấn đấu đến năm 2015 có 25% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

- Đến năm 2015 tỷ lệ cơ quan, đơn vị và số hộ gia đình văn hóa đạt trên 85%, đến năm 2020 đạt trên 95%. Số làng và khu phố được công nhận là làng, khu phố văn hóa đạt 80% vào năm 2015 và đạt khoảng 90% vào năm 2020.

- Giữ vững thành quả phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, phấn đấu đến năm 2020 phổ cập giáo dục bậc trung học. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% phòng học bậc phổ thông được kiên cố cao tầng. Phấn đấu trường chuẩn Quốc gia đến năm 2015 đạt 30% ở mầm non, 80% tiểu học, 55% trường THCS và 30% trường THPT; đến năm 2020 đạt 55% ở mầm non, 100% tiểu học, 80% trường THCS và 55% trường THPT.

- Phấn đấu đến năm 2015, đạt tỷ lệ 6 bác sỹ/1 vạn dân, năm 2020 đạt hơn 7 bác sỹ. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

- Đến năm 2015 thành phố Hưng Yên cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại II; quy hoạch và xây dựng huyện Mỹ Hào thành thị xã công nghiệp - dịch vụ; khu vực Bô Thời thành đô thị loại IV; xây dựng các khu đô thị trên địa bàn huyện Văn Giang. Đến năm 2020 thành phố Hưng Yên thành đô thị loại I. Tiếp tục tăng cường phát triển các đô thị khác trong tỉnh.

C. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực chủ yếu:

1. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng chuyên canh, thâm canh, sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn; gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu. Chú trọng khai thác và phát triển kinh tế vùng bãi. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng năm thời kỳ 2011 - 2015 bình quân đạt 4%, thời kỳ 2016 - 2020 bình quân đạt từ 2,5 - 3%. Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và tốc độ đô thị hóa nông thôn.

2. Phát triển nhanh công nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng và hội nhập nhanh với nền kinh tế quốc tế. Tập trung ưu tiên mạnh những ngành, sản phẩm có nhiều lợi thế, có ý nghĩa chiến lược, hiệu quả và bền vững. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng hạ tầng các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn quy mô lớn từ bên ngoài (bao gồm cả nguồn vốn FDI), các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch chung của cả vùng. Hình thành các khu công nghiệp và đô thị mới làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thủ công nghiệp và làng nghề. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 đạt 19%, giai đoạn 2016 - 2020 từ 15 - 16%. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp.

3. Dịch vụ và du lịch: Ưu tiên đầu tư đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ trên địa bàn phù hợp với tốc độ phát triển công nghiệp, nông nghiệp trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm thương mại; thiết lập hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh. Đầu tư, nâng cấp, tôn tạo các quần thể di tích lịch sử văn hóa Phố Hiến, tạo bước đột phá để thu hút và phát triển du lịch. Từng bước hướng tới xây dựng và phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như tài chính, tín dụng, ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm, tư vấn pháp luật. Nâng cao chất lượng phúc lợi công cộng ở các đô thị, đặc biệt là thành phố Hưng Yên. Tốc độ giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành dịch vụ giai đoạn 2011-2015 là 16%, giai đoạn 2016-2020 là 16,5 - 17%.

4. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng:

- Tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai nhanh các công trình trọng điểm: cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng từ Hà Nội về thành phố Hưng Yên và tuyến đê sông Luộc; xây dựng đường nối với cao tốc quốc lộ 5 và quốc lộ 1; nâng cấp đường tỉnh lộ 200 lên cấp 3 đồng bằng. Nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn vào đúng cấp; dự án thoát lũ khẩn cấp sông Điện Biên, sông Đồng Quê -Cửu An; nạo vét, nâng cấp các trục sông, kênh mương đảm bảo giao thông đường thủy và thủy lợi; dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch; Khu Đại học Phố Hiến đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; quy hoạch cảng sông Hồng, sông Luộc; quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe phù hợp với xu thế phát triển.

- Xây dựng hệ thống cấp nước tập trung với quy mô phù hợp, khai thác tốt nguồn nước ngầm, đảm bảo 97% hộ đô thị và 87% hộ nông thôn được dùng nước sạch vào năm 2015, 100% hộ được dùng nước sạch vào năm 2020. Quan tâm xây dựng hệ thống thoát nước, đặc biệt là thoát nước ở các khu thành phố, thị trấn, thị tứ và các khu, cụm công nghiệp.

5. Giáo dục - Đào tạo phải đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phát triển Giáo dục và Đào tạo cân đối về quy mô, loại hình, tăng cường chất lượng, hiệu quả, tiếp cận tiến bộ và bền vững. Đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành xây dựng xong Khu Đại học Phố Hiến, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của khu vực; sớm tiếp nhận các trường Đại học, tiếp nhận một số cơ sở đào tạo nghề xây dựng một số trường Đại học thực hành đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao tại khu Đại học Phố Hiến.

6. Chú trọng công tác y tế, dân số, gia đình, trẻ em; là lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thực hiện tốt các chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng chống dịch bệnh. Tăng cường cơ sở vật chất cho các bệnh viện, các trung tâm y tế, xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện phụ sản, bệnh viện nhi ... gắn với các tuyến bệnh viện chuyên khoa ở thủ đô Hà Nội.

7. Văn hóa, thông tin: Nâng cao trình độ, năng lực và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh giàu mạnh về kinh tế và văn minh về xã hội. Giai đoạn 2011 - 2015 ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao. Đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Quy hoạch trùng tu, tôn tạo đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch.

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TDTT, nâng cao chất lượng thành tích cao, có lợi thế; phát triển bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn. Hoàn thành việc đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao tỉnh.

8. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là những đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, đảm bảo các gia đình chính sách có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân địa phương.

9. Kết hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Coi trọng việc xây dựng và phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, nhất là ở khu vực làng, xã, thôn, xóm. Thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

D. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

1. Giải pháp về vốn:

Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển của Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến khoảng 125 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), bình quân mỗi năm khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến khoảng 300 - 320 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm khoảng 60 - 64 nghìn tỷ đồng.

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận triển khai các dự án lớn của vùng trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh để tăng thu và tiết kiệm chi thường xuyên của tỉnh để tập trung cho đầu tư phát triển.

- Nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay: Tạo điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính để thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất và dịch vụ. Tạo điều kiện thu hút các ngân hàng lớn, phát triển thị trường vốn.

- Nguồn vốn trong dân cư: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

2. Giải pháp về nguồn nhân lực:

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và sớm đưa vào hoạt động khu Đại học Phố Hiến, nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả vùng nói chung và của tỉnh Hưng Yên nói riêng. Khai thác tối đa các cơ sở đào tạo hiện có trên địa bàn, triển khai thực hiện đào tạo nhân lực, nhất là thực hiện chương trình của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước bằng cách đào tạo, đào tạo lại theo đúng nhiệm vụ, chức danh; đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ, viên chức.

- Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo, đặc biệt là đối với hệ thống đào tạo nghề. Tăng cường đầu tư các cơ sở dạy nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế mở các trường đào tạo nghề trên địa bàn. Thông qua mạng lưới dạy nghề của tỉnh và của vùng, qua các chương trình khuyến nông, kết hợp với hoạt động của các tổ chức đoàn thể, hội trên địa bàn, phổ biến kiến thức về mô hình sản xuất mới, hiệu quả; về công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng mới; về tìm kiếm thị trường.

- Xây dựng và thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích (cả các chính sách khuyến khích vật chất và tinh thần), tạo môi trường làm việc và sinh sống phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, đặc biệt đối với con em của tỉnh học ở các trường đại học và cao đẳng trong và ngoài nước. Khuyến khích, hỗ trợ cán bộ trẻ đi đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học.

3. Giải pháp về cơ chế chính sách:

- Đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tăng cường phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp hành chính; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân.

- Vận dụng sáng tạo cơ chế, chủ trương, chính sách của nhà nước trên địa bàn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực như: Sản xuất công nghệ cao, du lịch, thương mại, những lĩnh vực thu hút nhiều lao động, bảo quản và chế biến nông sản, đào tạo nguồn nhân lực, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước.

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, có cơ chế thưởng phạt cụ thể đối với các doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều lao động địa phương, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

4. Giải pháp về thị trường:

- Coi trọng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là nhu cầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, của các thành phố lớn trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; khai thác lợi thế của tỉnh nằm trong 2 hành lang kinh tế Việt -Trung; đồng thời quan tâm đặc biệt đến sức mua của thị trường nông thôn rộng lớn; làm tốt công tác xúc tiến đầu tư và quảng bá sản phẩm hàng hóa sản xuất trên địa bàn với thị trường trong và ngoài nước.

- Củng cố mạng lưới thương mại, phát triển hệ thống chợ, khuyến khích các hoạt động thương mại, bán buôn, bán lẻ hàng hóa. Thu hút các doanh nghiệp kinh doanh thương mại lớn đầu tư các trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm triển lãm, trung chuyển hàng hoá lớn của vùng trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường, đặc biệt thị trường tiêu thụ các nông sản có lợi thế của tỉnh, thúc đẩy đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhằm gián tiếp thúc đẩy sản xuất phát triển.

5. Giải pháp về khoa học - công nghệ:

- Tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học - công nghệ trên địa bàn tỉnh gồm cả trang thiết bị và nguồn nhân lực; hoạt động trao đổi, chuyển giao các tiến bộ công nghệ sản xuất trong các lĩnh vực sản xuất nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng.

- Chú trọng việc quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn trong việc sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, sinh thái đảm bảo cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

- Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đẩy mạnh cải tiến công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

6. Quy hoạch phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

- Tiến hành lập quy hoạch phát triển nông thôn mới của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện tốt đề án xây dựng nông thôn mới; xây dựng quy hoạch chi tiết từng vùng nông thôn của tỉnh, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của nền văn minh đồng bằng sông Hồng, làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách phát triển nông thôn.

- Tăng cường đầu tư và kêu gọi đầu tư, có chính sách khuyến khích nhà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo quy hoạch. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, nhằm nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn.

7. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch:

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 được phê duyệt phải công bố công khai, tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương; khẩn trương xây dựng chương trình, đề án hành động thực hiện toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả kế hoạch phát triển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên đây là một số nội dung chủ yếu sau khi điều chỉnh, bổ sung báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh xin ý kiến Hội đồng nhân dân tỉnh, sau đó hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Cường

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.