THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán và kiểm toán đối với doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam
_____________________________
- Căn cứ Luật Kế toán ngày 17 tháng 06 năm 2003, Nghị định số 129/2004/NĐ-CP ngày 31/05/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh và Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
- Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 17/06/1996, Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 27/06/2000 và Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/07/2000, Nghị định số 27/2003/NĐ-CP ngày 18/03/2003 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Căn cứ Nghị định số 48/2000/NĐ-CP ngày 12/09/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí;
- Căn cứ Nghị định số 42/CP ngày 8/7/1995 của Chính phủ về quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán và kiểm toán đối với doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài gồm:
1.1. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài; bên nước ngoài hợp doanh theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
1.2. Chi nhánh, Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam hoạt động theo quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của Tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam; Chi nhánh thương mại; Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo Luật Dầu khí.
1.3. Các doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài là cơ sở thường trú của Công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân nước ngoài khác hoạt động kinh doanh tại Việt Nam không thuộc các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
2. Tất cả doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán Việt Nam; việc tổ chức công tác kế toán phải tuân thủ các nguyên tắc, nội dung, phương pháp kế toán, phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính theo quy định của chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.
3. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định về kế toán khác với quy định của Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam thì được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
4. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài, khi áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam nếu không có nhu cầu bổ sung, sửa đổi thì không phải đăng ký chế độ kế toán áp dụng với Bộ Tài chính.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài khi áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu bổ sung, sửa đổi như quy định tại Mục 1.1 Phần II Thông tư này phải được Bộ Tài chính đồng ý bằng văn bản trước khi thực hiện.
5. Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài phải được doanh nghiệp kiểm toán hoạt động hợp pháp tại Việt Nam kiểm toán trước khi nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính vì mục đích thuế.
6. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài phải nộp báo cáo tài chính hàng năm đã được kiểm toán cho Cục Thuế địa phương, Cơ quan cấp giấy phép đầu tư hoặc giấy phép hoạt động, Cục Thống kê, Bộ Tài chính và cho bên góp vốn phía Việt Nam (nếu có). Các doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài có trụ sở nằm trong Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao phải nộp báo cáo tài chính cho Ban quản lý Khu Chế xuất, Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao nếu được yêu cầu.
7. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài phải chịu sự kiểm tra kế toán của cơ quan tài chính và các cơ quan quản lý chức năng trong việc thực hiện công tác kế toán theo quy định của Luật Kế toán và không quá một lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm tài chính.
8. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí hoặc thuê người làm kế toán, bố trí hoặc thuê người làm kế toán trưởng. Trường hợp chưa bố trí hoặc thuê được người làm kế toán trưởng thì phải cử người phụ trách kế toán. Việc cử người phụ trách kế toán chỉ được thực hiện trong thời gian tối đa là 1 năm tài chính, sau đó phải bố trí, hoặc thuê người làm kế toán trưởng. Kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán phải có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Luật Kế toán và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kế toán.
9. Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng Việt Nam (ký hiệu tại Việt Nam là “đ” hoặc VND). Trường hợp nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh bằng ngoại tệ phải ghi theo nguyên tệ và Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái thực tế (được xác định trên cơ sở tỷ giá hối đoái niêm yết tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh ngoại tệ theo quy định của pháp luật Việt Nam) hoặc theo tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố (tỷ giá giao dịch bình quân liên Ngân hàng) trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp phát sinh loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái trực tiếp với Đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với Đồng Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài hoạt động thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ kế toán và phải được Bộ Tài chính đồng ý bằng văn bản trước khi thực hiện. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài thực hiện ghi chép kế toán và lập báo cáo tài chính theo loại ngoại tệ đã được Bộ Tài chính đồng ý làm đơn vị tiền tệ trong kế toán, riêng báo cáo tài chính nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá hối đoái quy định.
10. Chữ viết sử dụng trong kế toán là Tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính ở Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
11. Chữ số sử dụng trong kế toán là chữ số Ả rập: 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; sau số hàng nghìn, triệu, tỷ, nghìn tỷ, triệu tỷ, tỷ tỷ phải đặt dấu chấm (.); sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,).
12. Kỳ kế toán của doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài được quy định như sau:
12.1. Kỳ kế toán năm là mười hai tháng tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
Trường hợp có đặc thù riêng về tổ chức hoạt động, doanh nghiệp, tổ chức được chọn kỳ kế toán năm là mười hai tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 của tháng đầu quí này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quí trước năm sau và phải thông báo đến Cục Thuế địa phương.
Sau ngày Thông tư này có hiệu lực, các trường hợp đã đăng ký kỳ kế toán năm khác với quy định trên phải thay đổi lại kỳ kế toán năm phù hợp với quy định tại điểm này.
12.2. Trường hợp mới thành lập, kỳ kế toán năm đầu tiên tính từ ngày được cấp Giấy phép đầu tư đến hết ngày cuối cùng của kỳ kế toán năm theo quy định tại điểm 12.1 nêu trên.
12.3. Trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản, kỳ kế toán năm cuối cùng tính từ đầu ngày kỳ kế toán năm đến hết ngày trước ngày ghi trên quyết định chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc phá sản đơn vị kế toán có hiệu lực.
12.4. Trường hợp kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng có thời gian ngắn hơn chín mươi ngày thì được phép cộng (+) với kỳ kế toán năm tiếp theo, hoặc cộng (+) với kỳ kế toán năm trước đó để tính thành một kỳ kế toán năm. Kỳ kế toán năm đầu tiên hoặc kỳ kế toán năm cuối cùng tối đa là bằng mười lăm tháng.
13. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài được lựa chọn chương trình phần mềm kế toán phù hợp Chế độ kế toán Việt Nam và không phải đăng ký với Bộ Tài chính nhưng phải đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Bộ Tài chính.
14. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài phải thực hiện lưu trữ tài liệu kế toán theo quy định của Luật Kế toán và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Kế toán.
15. Doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài phải chịu sự kiểm tra kế toán của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán thì bị xử phạt theo quy định của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.
II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Các trường hợp bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán phải được Bộ Tài chính chấp thuận
1.1. Bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán áp dụng:
- Sửa đổi nội dung và kết cấu mẫu chứng từ kế toán bắt buộc;
- Bổ sung hoặc sửa đổi tài khoản cấp I hoặc tài khoản cấp II về tên, ký hiệu và nội dung, phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù;
- Sửa đổi sổ kế toán về nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép sổ kế toán;
- Sửa đổi chỉ tiêu báo cáo tài chính hoặc thay đổi kết cấu, phương pháp lập báo cáo tài chính;
1.2. Sử dụng đơn vị tiền tệ trong kế toán không phải là Đồng Việt Nam;
1.3. Đang thực hiện chế độ kế toán Việt Nam nay cần bổ sung, sửa đổi như quy định tại điểm 1.1 mục này.
1.4. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức đã được chấp thuận thực hiện chế độ kế toán khác với chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam nay chuyển đổi sang áp dụng chế độ kế toán Việt Nam có bổ sung, sửa đổi theo quy định tại điểm 1.1 mục này.
2. Tài liệu đề nghị sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán
Trong các trường hợp đề nghị bổ sung, sửa đổi Chế độ kế toán áp dụng, doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài phải chuẩn bị ba (3) bộ tài liệu, mỗi bộ gồm:
- Công văn đề nghị bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán (quy định tại Phụ lục số 01); Công văn chấp thuận chế độ kế toán áp dụng các lần trước của Bộ Tài chính (nếu có).
- Bản sao Giấy phép đầu tư hoặc Giấy phép hoạt động;
- Tài liệu giải trình các nội dung bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán áp dụng. Doanh nghiệp, tổ chức phải gửi kèm các tài liệu cụ thể đề nghị bổ sung, sửa đổi như: Chứng từ kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, hệ thống sổ kế toán, phương pháp hạch toán kế toán, hệ thống báo cáo tài chính, có kèm theo mẫu biểu và giải thích các điểm bổ sung, sửa đổi.
Các tài liệu bổ sung, sửa đổi Chế độ kế toán áp dụng đúng yêu cầu sẽ được đóng dấu xác nhận của Bộ Tài chính trước khi lưu hành:
- 01 bộ: Lưu tại Bộ Tài chính (Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán);
- 01 bộ: Lưu tại Cục Thuế địa phương;
- 01 bộ: Lưu tại doanh nghiệp, tổ chức.
3. Thời hạn trả lời
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ công văn, tài liệu bổ sung, sửa đổi Chế độ kế toán của doanh nghiệp, tổ chức có vốn nước ngoài, Bộ Tài chính sẽ có ý kiến trả lời chính thức bằng văn bản;
- Trường hợp tài liệu của doanh nghiệp, tổ chức không đầy đủ, rõ ràng theo quy định tại Mục 2 Phần II Thông tư này, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức giải thích và bổ sung tài liệu. Thời gian chờ doanh nghiệp, tổ chức giải thích và bổ sung tài liệu không tính vào thời hạn trả lời như đã nêu ở mục này.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, thay thế cho Thông tư 60 TC/CĐKT, ngày 01/09/1997 về Hướng dẫn thực hiện công tác kế toán, kiểm toán đối với các doanh nghiệp, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư 155/1998/TT-BTC ngày 08/12/1998 về Bổ sung, sửa đổi Thông tư 60 TC/CĐKT của Bộ Tài chính.
Các quy định khác trái với quy định của Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.