CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh
_________
Hằng năm, vào mùa khô ngành lâm nghiệp cùng các địa phương, các đơn vị chủ rừng đã chủ động thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy rừng, hạn chế được những thiệt hại do cháy rừng gây ra. Tuy nhiên do tập quán canh tác của nhân dân địa phương còn lạc hậu, ý thức bảo vệ rừng chưa cao và diễn biến bất lợi của thời tiết, nên mỗi năm xảy ra nhiều vụ cháy rừng tuy mức độ không lớn nhưng cũng gây thiệt hại về tài nguyên rừng, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Để chủ động phòng cháy chữa cháy hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị như sau:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng ở địa phương, như:
- Kiểm tra lại việc thành lập Ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương mình; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức phối hợp lực lượng, đơn vị chức năng để từng ngành, từng cấp, từng đơn vị thực hiện tốt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện tốt việc cảnh báo, dự báo và kiểm soát lửa rừng.
- Chỉ đạo phương án xây dựng lực lượng chữa cháy ở cấp huyện và cấp xã để chủ động ngăn chặn đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra; tổ chức diễn tập chữa cháy rừng ở các xã, phường trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để kịp thời rút kinh nghiệm trong chỉ đạo chữa cháy rừng.
- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền trong nhân dân để nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Trong trường hợp cấp thiết, khi xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND các cấp được quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện để chữa cháy rừng; quyết định huy động nghĩa vụ công ích tại địa phương mình quản lý để tham gia chữa cháy theo Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích.
2. Chi cục kiểm lâm là Thường trực Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh có trách nhiệm:
Thường xuyên kiểm tra, giám sát và chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; khi có tình huống cháy rừng xảy ra Chi cục kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành của tỉnh huy động lực lượng chữa cháy kịp thời, đồng thời báo cáo ngay UBND Tỉnh những vấn đề cần thiết phục vụ chữa cháy.
- Phối hợp các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phương án, giải pháp và các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa phương, các đơn vị chủ rừng trong tỉnh, kịp thời phát hiện các vi phạm để chấn chỉnh và xử lý theo quy định; điều tra, xử lý kịp thời và nghiêm minh các vụ vi phạm gây cháy rừng để giáo dục, răn đe.
- Phối hợp với các ngành chức năng, UBND cấp huyện xây dựng và triển khai dự án tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng của lực lượng kiểm lâm, mà nòng cốt là Đội kiểm lâm cơ động.
- Phối hợp với các ngành tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT/BNNPTNT-BCA-BQP ngày 13-12-2002 của Bộ Nông nghiệp & PTNT- Bộ Công an - Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng.
- Đề xuất UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng những tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn phối hợp với UBND các cấp hướng dẫn, chỉ đạo các chủ rừng:
- Xây dựng và thực hiện có hiệu quả các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đã được phê duyệt.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng trong nhân dân, quản lý chặt chẽ việc canh tác nương rẫy, tăng cường canh gác lửa rừng ở những vùng có nguy cơ cháy rừng, cần bố trí lực lượng trực 24/24 giờ trong ngày trong các tháng cao điểm mùa khô.
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến rừng:
4. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh xây dựng phương án tác chiến, bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị sẵn sàng cùng với lực lượng Kiểm lâm, UBND các cấp ứng cứu chữa cháy, xử lý tình huống khẩn cấp khi xảy ra cháy lớn. Coi đây là nhiệm vụ thường trực chiến đấu của lực lượng vũ trang và chỉ thị cho các đơn vị thuộc ngành mình quản lý ở các địa bàn huyện, thị xã, thành phố phải có biện pháp phòng cháy và chủ động tham gia chữa cháy rừng.
Các ngành cùng phối hợp tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT/BNNPTNT-BCA-BQP ngày 13-12-2002.
Công an tỉnh (Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy) phối hợp với các ngành: Kiểm lâm, Quân đội, UBND các địa phương tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phương án ứng cứu chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Thủ trưởng cơ quan cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy là người Chỉ huy trực tiếp chữa cháy khi xảy ra cháy lớn.
5. Sở Giao thông - Vận tải, Sở Y tế trên cơ sở phương án chung của tỉnh, xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành mình và chỉ đạo các đơn vị trong ngành bố trí phương tiện, dụng cụ y tế phục vụ sơ, cấp cứu người tham gia chữa cháy rừng khi có tình huống cháy lớn xảy ra.
6. Sở Tài chính - Vật giá phối hợp chặt chẽ với Chi cục kiểm lâm, Sở Nông nghiệp & PTNT để giải quyết kịp thời kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng.
7. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn thực hiện tốt công tác cảnh báo, dự báo, cung cấp thường xuyên, kịp thời tình hình diễn biến thời tiết khô hạn trong mùa khô trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các địa phương, đơn vị, mọi người dân biết để chủ động đối phó các tình huống xấu có thể xảy ra; thường xuyên tuyên truyền mọi người ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng bằng nhiều loại hình phong phú thiết thực.
8. Các ngành và các địa phương trong quá trình thực hiện chỉ thị này phải báo cáo về Chi cục kiểm lâm và UBND tỉnh hàng tuần vào ngày thứ sáu để UBND tỉnh theo dõi và kịp thời chỉ đạo tiếp theo./.