NGHỊ ĐỊNH
Về tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt.
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính ngày 23 tháng 5 năm 1990;
Để mở rộng và cải tiến thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, ổn định giá trị đồng tiền;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các ngành liên quan;
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. - Nghị định về tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt này áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt; cho các tổ chức làm dịch vụ và nhiệm vụ thanh toán trong nước.
Điều 2. - Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Ngân hàng thương mại cổ phần, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng liên doanh (gọi chung là các Ngân hàng) làm dịch vụ thanh toán.
Đối với quỹ tín dụng nhân dân đang được tổ chức lại, trước mắt Ngân hàng Nhà nước xét chọn các quỹ có khả năng để cho áp dụng từng bước dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Kho bạc Nhà nước làm nhiệm vụ thanh toán.
Các Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện thanh toán trong hệ thống phù hợp với thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, thuận lợi và an toàn.
Điều 3. - Các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, đơn vị vũ trang và công dân Việt Nam, các tổ chức và người nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (gọi chung là đơn vị và cá nhân) được quyền lựa chọn Ngân hàng để mở tài khoản giao dịch và thực hiện thanh toán.
Các đơn vị dự toán Ngân sách Nhà nước mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
Đơn vị và cá nhân sử dụng công cụ thanh toán không dùng tiền mặt phải có đủ tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán.
Điều 4. - Việc chi trả tiền mặt và chuyển khoản được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
1. Các Ngân hàng có trách nhiệm chi trả tiền mặt và chuyển khoản trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi theo yêu cầu của các đơn vị và cá nhân. Kho bạc Nhà nước chi trả tiền mặt và chuyển khoản cho các đơn vị và cá nhân kịp thời theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành.
2. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chi trả tiền mặt và chuyển khoản cho các Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước theo yêu cầu trong phạm vi số dư tài khoản tiền gửi.
3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều hành quỹ dự trữ tiền mặt để chi trả tiền gửi cho các tổ chức tín dụng và kho bạc Nhà nước; bảo đảm phương tiện thanh toán và yêu cầu của chính sách tiền tệ, ổn định sức mua của đồng tiền.
Điều 5. - Việc kiểm tra và cung cấp số liệu ở tài khoản của các đơn vị và cá nhân tại các Ngân hàng và kho bạc Nhà nước thực hiện theo điều 43 Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng, công ty Tài chính ban hành theo lệnh số 38-LCT/HĐNN8 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ngày 24-5-1990. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan hữu quan qui định cụ thể việc cung cấp số liệu ở tài khoản.
Điều 6. - Giao cho Thống đốc ngân hàng Nhà nước ban hành, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt; quy định thống nhất phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Điều 7. - Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, các đơn vị và cá nhân, khi thực hiện thanh toán có trách nhiệm chấp hành đúng các qui định của Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt và đều bình đẳng trước pháp luật.
Điều 8. - Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế Nghị định số 4-CP ngày 7-3-1960 ban hành Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng Nhà nước và Nghị định số 80-HĐBT ngày 27-5-1987 về việc bổ sung Thể lệ thanh toán không dùng tiền mặt qua Ngân hàng.
Điều 9. - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết việc thi hành Nghị định này./.