• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/04/1991
BỘ LÂM NGHIỆP
Số: 134-QĐ/KT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 4 tháng 4 năm 1991

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy phạm kỹ thuật xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn
(QPN 13 - 91)

BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 196-HĐBT ngày 11/12/1989 của Hội đồng Bộ truởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ;

Căn cứ Nghị định số 141-HĐBT ngày 24/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành điều lệ về công tác tiêu chuẩn hoá;

Theo đề nghị của các ông Vụ trưởng vụ Khoa học Kỹ thuật, Vụ Lâm sinh Công nghiệp rừng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm nhân dân và Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1:

Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy phạm Kỹ thuật xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn" áp dụng cho tất cả các loại rừng phòng hộ đầu nguồn trong cả nước. Quy phạm này có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định.

Điều 2:

UBND các tỉnh, thành phố, đặc khu chỉ đạo các Sở Nông- Lâm nghiệp và các đơn vị liên quan, các liên hiệp Lâm - Nông - Công nghiệp thực hiện đúng quy phạm này trong quá trình xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn.

Điều 3:

Các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ Lâm nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn quản lý và kiểm tra thực hiện quy phạm này.

QUY PHẠM

KỸ THUẬT XÂY DỰNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN (QPN 13-91)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 134-QĐ/KT ngày 4/4/1991
của Bộ Lâm nghiệp)

 

CHƯƠNG I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1:

Quy phạm này quy định những tiêu chuẩn, nguyên tắc xác định khu phòng hộ, mức độ phòng hộ, các giải pháp kỹ thuật lâm sinh để xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn có kết cấu kín rậm, nhiều tầng, bền vững và ổn định nhằm điều tiết nguồn nước, chống xói mòn bảo vệ đất.

Điều 2:

Quy phạm này áp dụng cho tất cả các khu phòng hộ đầu nguồn được ghi ở Điều 4a, 5a, 6 của quy chế quản lý sử dụng rừng phòng hộ do Bộ Lâm nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 1174 ngày 30/12/1986.

Điều 3:

Quy phạm là cơ sở pháp lý về mặt kỹ thuật để xây dựng quy trình kỹ thuật cụ thể, luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật; hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhằm xây dựng và quản lý phòng hộ đầu tư nguồn lưu vực sông, hồ.

 

CHƯƠNG II
PHẠM VI VÀ PHÂN CẤP PHÒNG HỘ

Điều 4:

Phạm vi khu phòng hộ đầu nguồn bao gồm toàn bộ đất và rừng dành cho việc sử dụng khả năng phòng hộ là chính, trên một phần hoặc toàn bộ diện tích gom nước được giới hạn từ đường phân huỷ đến chỗ tiếp giáp trung du và đồng bằng đối với sông và cửa đập đối với hồ.

Điều 5:

Khu phòng hộ đầu nguồn được chia thành ba cấp theo mức độ xung yếu vể phòng hộ.

Cấp I: Gọi là xung yếu: Bao gồm những nơi đầu nguồn nước, gần bờ sông hồ, có nguy cơ xói mòn mạnh, có yêu cầu cao nhất về điều tiết nước: Có nhu cầu cấp bách nhất về phòng hộ được dành để xây dựng rừng chuyên phòng hộ, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng trên 70%.

Cấp II: Gọi là xung yếu: Bao gồm những nơi có mức độ xói mòn và điều tiết nguồn nước trung bình, có điều kiện kết hợp phát triển sản xuất lâm nghiệp, có yêu cầu về sử dụng bảo vệ đất cao, cần xây dựng rừng phòng hộ kết hợp sản xuất, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng tối thiểu 50%.

Cấp III: Gọi là ít xung yếu: Bao gồm những nơi có mức độ xói mòn thấp, có khả năng và nhu cầu phát triển sản xuất nông lâm nghiệp; có yêu cầu về sử dụng và bảo vệ đất hợp lý. Cần xây dựng rừng sản xuất kết hợp phòng hộ nông lâm kết hợp; đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng tối thiểu 30%.

Các cấp xung yếu này tương ứng với các vùng rất xung yếu, xung yếu và ít xung yếu của khu phòng hộ đầu nguồn.

Điều 6:

Mức độ xung yếu về phòng hộ được xác định theo các nhân tố: độ cao tương đối, độ dốc, chiều dài dốc, cự ly xa bờ sông, hồ; độ dày tầng đất, thành phần cơ giới, lượng mưa, cường độ mưa.

Mỗi nhân tố trên được phân chia theo 3 mức độ tác hại rất nguy hiểm, nguy hiểm, ít nguy hiểm đến phòng hộ.

Tuỳ điều kiện cụ thể từng khu vực, cần lựa chọn những nhân tố tác động chủ yếu đến dòng chảy, xói mòn để phân chia cấp phòng hộ bằng cách cho điểm hoặc chồng ghép bản đồ.

Điều 7:

Phương pháp cho điểm hoặc chồng ghép bản đồ để phân cấp phòng hộ dựa theo các nguyên tắc sau:

a. Phương pháp cho điểm:

Cho điểm từng nhân tố tăng dần theo mức độ tác hại đến dòng chảy, xói mòn: rất nguy hiểm, nguy hiểm, ít nguy hiểm. Tỷ trọng điểm giữa các nhân tố thay đổi tuỳ theo mức độ tác hại của từng nhân tố. Dựa vào tổng số điểm từ nhiều đến ít để phân định các cấp xung yếu về phòng hộ.

b. Phương pháp chồng ghép bản đồ:

Sử dụng bản đồ về mức độ tác hại của các nhân tố đến dòng chảy, xói mòn: rất nguy hiểm, nguy hiểm, ít nguy hiểm có cùng tỷ lệ thích hợp để chồng ghép lên nhau và khoanh vẽ ranh giới cấp xung yếu trên bản đồ.

Phương pháp này cho điểm và chồng ghép bản đồ cụ thể, xem hướng dẫn kèm theo quy phạm này.

 

CHƯƠNG III
XÂY DỰNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN VÙNG
RẤT XUNG YẾU

Điều 8:

Rừng phòng hộ đầu nguồn vùng rất xung yếu (vùng I) là hệ thống rừng chuyên phòng hộ được ưu tiên xây dựng và quản lý chặt chẽ, nhằm điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt, cung cấp nước cho dòng chảy sông, hồ trong mùa khô; hạn chế xói mòn, bảo vệ đất; hạn chế bồi lấp lòng sông, hồ.

Rừng chuyên phòng hộ tối ưu có kết cấu hỗn loài, nhiều tầng, kín rậm, bền vững và ổn định; có độ tàn che trên 0,6; có lớp thảm tươi và thảm mục che phủ mặt đất; có tỷ lệ che phủ rừng trên 70% và phân bố đều trên toàn vùng.

Điều 9:

Khoanh nuôi bảo vệ để phục hồi tự nhiên áp dụng cho các trạng thái thảm thực vật từ trạng thái cây bụi hoặc cây gỗ rải rác (Ib) đến trạng thái rừng thành thục chưa khai thác (IV) và rừng tre nứa theo phân chia trạng thái thảm thực vật.

Giải pháp kỹ thuật là: Triệt để tận dụng khả năng tái sinh và diễn thế tự nhiên để phục hồi rừng thông qua những biện pháp ngăn chặn phá hoại của lửa rừng, sâu bệnh gia súc và chặt phá của con người.

Phải có thiết kế khoanh nuôi được phê duyệt, xác định rõ ranh giới tiểu khu, khoảnh, lô: lập hồ sơ quản lý; xây dựng và tổ chức quản lý bảo vệ rừng.

Điều 10

Trồng rừng trên các trạng thái đồi trọc, cỏ thưa cỏ lau (Ia). Nếu có điều kiện cho phép trồng trên các trạng thái cây bụi, cây gỗ rải rác (Ib) theo phân chia trạng thái thảm thực vật. Ưu tiên trồng ở nơi có độ tàn che thấp, nơi có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi.

Trồng rừng phải có quy hoạch và thiết kế hàng năm được phê duyệt.

Giải pháp kỹ thuật bao gồm:

Cây trồng phải phù hợp lập địa; chú trọng cây bản địa, cây có tán lá rậm, có chu kỳ kinh doanh dài kết hợp cây mọc nhanh, cải tạo đất tốt và cây đặc sản.

Phải trồng theo phương thức trồng hỗn loài theo băng hoặc theo đám.

Nơi thực bì thưa được phép cuốc hố trồng không phải xử lý thực bì. Nơi thực bì dày thì phát theo băng nhưng không đốt và gom lại từng giải dọc theo đường đồng mức.

Phải tận dụng chừa lại đai cây xanh ở đỉnh dông, ven khe suối, bờ sông hồ.

Cuốc hố trồng theo hình nanh sấu.

Kỹ thuật về giống, cây con, trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ áp dụng theo theo quy phạm và quy trình đã được Bộ Lâm nghiệp ban hành.

Đối với những rừng dễ cháy, cần áp dụng các biện pháp phòng chống cháy nhưng nhất thiết phải xây dựng các băng xanh cản lửa kết hợp phòng chống xói mòn.

Điều 11:

Sử dụng rừng chuyên phòng hộ ở vùng rất xung yếu phải đảm bảo các quy định sau:

Được phép thu hái hạt giống, tận thu lâm đặc sản, củi nhưng không ảnh hưởng xấu đến tác dụng phòng hộ của rừng.

Đối với rừng tự nhiên đã thành thục sinh học được phép khai thác lâm sản theo thiết kế được cấp có thẩm quyển phê duyệt và phải đảm bảo tái sinh sau khai thác.

Đối với rừng trồng khi đã trồng xong trên toàn bộ diện tích theo quy hoạch, được phép khai thác rừng thành thục theo đám hoặc theo băng theo thiết kế được phê duyệt và phải trồng lại ngay.

 

CHƯƠNG IV
XÂY DỰNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN VÙNG XUNG YẾU

Điều 12:

Rừng phòng hộ đầu nguồn vùng xung yếu (vùng II) là hệ thống rừng phòng hộ kết hợp sản xuất, nhằm điều tiết nguồn nước, chống xói mòn bảo vệ đất kết hợp với sản xuất gỗ và lâm sản khác.

Rừng phòng hộ kết hợp sản xuất cần đạt đến, có kết cấu hỗn loài với loài cây có giá trị phòng hộ và kinh tế; có tỷ lệ che phủ rừng tối thiểu 50% và được phân bổ đều trên toàn vùng.

Điều 13:

Khoanh nuôi bảo vệ để phục hồi tự nhiên đối với các trạng thái thảm thực vật từ trạng thái cây thân gỗ rải rác có độ tàn che dưới 0,3 có cây tái sinh trên 1.000 cây/ha (Ic) đến trạng thái rừng thành thục chưa khai thác (IV) và rừng tre nứa theo phân chia trạng thái thảm thực vật nhưng ở nơi có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội ít thuận lợi.

Giải pháp kỹ thuật khoanh nuôi bảo vệ rừng áp dụng theo Điều 9 của quy phạm này.

Điều 14:

Nuôi dưỡng làm giàu rừng đối với các trạng thái thảm thực vật như Điều 13 của quy phạm này, nhưng ở nơi có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi.

Giải pháp kỹ thuật bao gồm:

Dùng cây có tác dụng che phủ và cải tạo đất; cây bản địa và cây có khả năng tái sinh tự nhiên mạnh.

Luỗng dây leo, không phát cây bụi thảm tươi.

Đối với tầng cây cao, chặt những cây không đạt tiêu chuẩn phòng hộ và kinh tế, nhưng không hạ thấp độ tàn che xuống dưới 0,6.

Nơi mật độ thưa và rừng phân bố không đều thì xúc tiến tái sinh theo rạch, thêo đám, nhưng không đốt khi xử lý thực bì.

Phải có thiết kế nuôi dưỡng làm giàu rừng được phê duyệt.

Điều 15:

Trồng rừng trên các trạng thái đồi trọc, cỏ thưa, cỏ lau, trảng cây bụi hoặc cây gỗ rải rác (Ia, Ib) theo phân chia trạng thái thảm thực vật.

Trồng rừng phải có quy hoạch và thiết kế hàng năm được phê duyệt.

Giải pháp kỹ thuật bao gồm:

Cây trồng phải phù hợp lập địa, chú trọng cây có giá trị phòng hộ kết hợp kinh tế.

Phương thức trồng và xử lý thực bì áp dụng theo Điều 10 của quy phạm này.

Làm đất theo băng: nơi đất dốc có điều kiện phải làm bậc thang.

Kỹ thuật giống, cây con, trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng bảo vệ áp dụng theo quy phạm và quy trình đã được Bộ Lâm nghiệp ban hành.

Đối với những rừng dễ cháy cần áp dụng, chăm sóc, nuôi dưỡng bảo vệ áp dụng các biện pháp phòng chống cháy, nhưng nhất thiết phải xây dựng các băng xanh cản lửa kết hợp chống xói mòn.

Điều 16:

Sử dụng rừng phòng hộ kết hợp sản xuất ở vùng xung yếu phải đảm bảo các quy định sau:

Được phép lợi dụng sản phẩm tỉa thưa trung gian và tận dụng những lâm sản khác nhưng không được phá hoại kết cấu tầng tán, duy trì lớp thảm tươi để thúc đẩy rừng đạt mục tiêu phòng hộ - sản xuất.

Được phép khai thác lâm sản chính đối với rừng đã thành thục, cụ thể:

Rừng tự nhiên áp dụng phương thức chặt chọn, theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không làm thiệt hại cây tái sinh; sau khai thác phải dọn vệ sinh rừng.

Rừng trồng khi đã trồng xong toàn bộ diện tích theo quy hoạch, áp dụng phương thức chặt trắng theo băng, theo đám, thiết kế khai thác phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi chặt phải trồng lại rừng ngay.

 

CHƯƠNG V
XÂY DỰNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN
VÙNG ÍT XUNG YẾU

Điều 17

Xây dựng rừng vùng ít xung yếu (vùng III) là xây dựng hệ thống rừng sản xuất kết hợp phòng hộ, nhằm cung cấp gỗ và các lâm sản là chính, đồng thời kết hợp điều tiết nguồn nước, chống xói mòn bảo vệ đất.

Rừng sản xuất kết hợp phòng hộ cần đạt đến, có kết cấu hỗn loài với các loài cây có giá trị kinh tế là chính và có tác dụng phòng hộ; có tỷ lệ che phủ rừng tối thiểu là 30% phân bố đều trên toàn vùng.

Điều 18

Khoanh nuôi bảo vệ, nuôi dưỡng làm giầu rừng; trồng và khai thác rừng theo các đối tượng và các giải pháp kỹ thuật của quy phạm tạm thời về các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất, do Bộ Lâm nghiệp ban hành, kèm theo quyết định số 02-QĐ/KT ngày 2-1-1988.

 

CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19

Tất cả các tổ chức và cá nhân có liên quan đến khu phòng hộ đầu nguồn phải nghiêm chỉnh chấp hành quy phạm này.

Căn cứ vào quy phạm này và tình hình cụ thể từng nơi, các địa phương phải xây dựng những quy trình cụ thể nhưng không được trái với những quy định trong quy phạm này. Dự thảo quy trình cụ thể của các địa phương trước khi ban hành phải có ý kiến của Bộ Lâm nghiệp và phải đăng ký tại Bộ Lâm nghiệp sau khi ban hành.

Điều 20

Những điều quy định trong các văn bản hướng dẫn về xây dựng phòng hộ đầu nguồn đã ban hành trước đây trái với quy phạm này đều bãi bỏ.

Điều 21

Những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt quy phạm này đều được khen thưởng thích đáng. Những đơn vị, cá nhân vi phạm những điều khoản quy định trong quy phạm này tùy theo mức độ thiệt hại bị truy cứu trách nhiệm và xử lý theo pháp luật hiện hành.

Điều 22

Cục Kiểm lâm nhân dân, Vụ Khoa học Kỹ thuật, Vụ Lâm sinh Công nghiệp Rừng Bộ Lâm Nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện và từng bước hoàn thiện quy phạm này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Phan Xuân Đợt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.