• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/03/2020
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2024
THE STATE BANK
Số: 37/2019/TT-NHNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 31 tháng 12 năm 2019

THÔNG TƯ

Hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng,

chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm

 

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 9 tháng 12 năm 2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 48/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (sau đây gọi chung là doanh nghiệp bảo hiểm).  

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng (trừ ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng).

 2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm.   

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng

1. Tổ chức tín dụng phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ các quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

2. Tổ chức tín dụng không được sử dụng phí bảo hiểm thu được cho các mục đích khác ngoài các thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.   

3. Hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng phải được ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cho tổ chức tín dụng.

 Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng

Hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm gồm một hoặc một số các hoạt động sau đây:

1. Giới thiệu khách hàng:

Tổ chức tín dụng giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chào bán bảo hiểm.

2. Chào bán bảo hiểm:

Tổ chức tín dụng chào bán trực tiếp, giải thích điều kiện, điều khoản của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm; hoặc chào bán bảo hiểm thông qua các phương thức điện tử, bảo hiểm trực tuyến hoặc các phương thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm:

Tổ chức tín dụng hướng dẫn, hỗ trợ cho khách hàng lập hợp đồng bảo hiểm, tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.  

4. Thu phí bảo hiểm:

Tổ chức tín dụng thu hộ các khoản phí bảo hiểm từ khách hàng theo thỏa
thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm.

5. Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm:

Tổ chức tín dụng hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng về thủ tục yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm, nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm từ khách hàng và chuyển lại cho doanh nghiệp bảo hiểm để thẩm định, ra quyết định bồi thường, trả tiền bảo hiểm. Trường hợp được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền, tổ chức tín dụng bồi thường, chi trả tiền bảo hiểm cho khách hàng.

6. Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.   

Điều 5. Hợp đồng đại lý bảo hiểm

1. Hợp đồng đại lý bảo hiểm được lập bằng văn bản phù hợp với quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Hợp đồng đại lý bảo hiểm phải có các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và thỏa thuận về cung cấp và đối chiếu thông tin, thanh toán phí bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức tín dụng.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng trong hoạt động đại lý bảo hiểm

1. Tổ chức tín dụng có các quyền của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

2. Tổ chức tín dụng có các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng;  

b) Quản lý, lưu trữ danh sách các nhân viên trong tổ chức tín dụng trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm;

c) Cung cấp đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp bảo hiểm thông tin về các khoản phí bảo hiểm thu được, các khoản chi trả quyền lợi bảo hiểm và các khoản thanh toán khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm;

d) Thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm thu được cho doanh nghiệp bảo hiểm sau khi trừ đi hoa hồng đại lý bảo hiểm, các khoản chi trả quyền lợi bảo hiểm và các khoản thanh toán khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm;  

đ) Cung cấp đầy đủ, chính xác và đối chiếu với doanh nghiệp bảo hiểm về các thông tin cần thiết từ khách hàng mà tổ chức tín dụng có nghĩa vụ thu thập theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Điều 7. Cung cấp và đối chiếu thông tin

1. Việc cung cấp thông tin khách hàng phải phù hợp với quy định của pháp luật về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tín dụng cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm các thông tin tối thiểu sau đây:

a) Đối với hoạt động giới thiệu khách hàng, chào bán bảo hiểm: Trường hợp khách hàng là cá nhân, thông tin bao gồm tên, tuổi, giới tính, địa chỉ liên lạc, số điện thoại, địa chỉ email của khách hàng; Trường hợp khách hàng là tổ chức, thông tin bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email, người liên lạc của tổ chức đó;

b) Đối với hoạt động thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm: Thông tin liên quan đến khách hàng mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm và các thông tin cần thiết cho việc thẩm định ra quyết định phát hành hợp đồng bảo hiểm;

c) Đối với hoạt động thu phí bảo hiểm: Bảng kê số lượng khách hàng đã thu phí, tổng số phí thu được;

d) Đối với hoạt động thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm: Bảng kê số tiền phải bồi thường, số tiền bảo hiểm phải trả và các hồ sơ yêu cầu bồi thường, hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm.

3. Ít nhất mỗi tháng một lần theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm, tổ chức tín dụng có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm đối chiếu thông tin về hợp đồng bảo hiểm mới, doanh thu phí bảo hiểm, biến động hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, thông tin liên quan đến hoạt động thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do tổ chức tín dụng thực hiện.  

Điều 8. Chế độ báo cáo

Định kỳ hằng quý chậm nhất vào ngày 25 của tháng cuối quý, tổ chức tín dụng phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư này hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này) báo cáo về hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo mẫu biểu tại Phụ lục ban hành kèm Thông tư này. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 15 của tháng liền kề trước quý báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý.

 Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Trách nhiệm của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, giám sát đối với hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng có trụ sở trên địa bàn, thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02  tháng 3 năm 2020.

Điều 11.  Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.   

KT. THỐNG ĐỐC
Phó Thống đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hồng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.