• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 10/12/2024
BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 17/2007/TTLT-BVHTT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 14 tháng 6 năm 2007

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương

và địa phương giai đoạn 2006 - 2010

______________________

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học - Nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương giai đoạn 2006 - 2010;

Liên tịch Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương giai đoạn 2006 - 2010 như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Nhà nước tiếp tục hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương giai đoạn 2006 - 2010 thông qua Hội Nhà báo Việt Nam và các Hội Nhà báo địa phương, theo những nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 926/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2006 về việc phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương giai đoạn 2006 - 2010 (sau đây gọi tắt là Đề án 926), trong đó:

a) Báo chí ở Trung ương ưu tiên các đề tài phản ánh:

+ Về lịch sử, về các thời kỳ kháng chiến cứu nước, truyền thống văn hoá dân tộc.

+ Công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước, những nhân tố tích cực, những con người tiêu biểu trong xã hội, của thời đại.

+ Thiếu niên, nhi đồng, dân tộc thiểu số.

b) Báo chí địa phương tập trung vào các mảng đề tài:

+ Về Đảng, Bác Hồ, các anh hùng dân tộc; phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, phản ánh kịp thời, sâu sắc các sự kiện chính trị đặc biệt, các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc tại địa phương; về lịch sử cách mạng, kháng chiến trong đó chú trọng vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở địa phương.

+ Về đoàn kết dân tộc; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; xoá đói giảm nghèo; về con người mới, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn an ninh, chính trị ở địa phương...; về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu niên, nhi đồng.

Việc hỗ trợ kinh phí của Nhà nước để tăng thêm nguồn tài chính và nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương, không vì sự hỗ trợ này mà giảm mức kinh phí hỗ trợ thường xuyên hàng năm cho Hội Nhà báo Việt Nam và các Hội Nhà báo địa phương.

2. Tiêu chí đánh giá tác phẩm báo chí chất lượng cao:

Tác phẩm báo chí chất lượng cao là những tác phẩm mang lại hiệu quả thiết thực cho toàn xã hội hoặc một vùng miền, địa phương; có nhiều tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày; có nội dung phù hợp, hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem; phù hợp với quan điểm chỉ đạo, tuyên truyền, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Hình thức hỗ trợ kinh phí : Đặt hàng sáng tác hoặc hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao.

4. Đối tượng và phạm vi hỗ trợ:

- Hỗ trợ tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao kịp thời phản ánh các sự kiện lớn, quan trọng đến các mặt đời sống - xã hội của các địa phương, vùng, miền, đất nước; tác giả, nhóm tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam thuộc các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có tác phẩm báo chí chất lượng cao đã đăng ký, phê duyệt đề cương và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, phù hợp với tiêu chí hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án 926.

- Hỗ trợ các đợt đi thực tế sáng tác tác phẩm báo chí, các lớp tập huấn, hội thảo để nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm báo hiện đại và bồi dưỡng tài năng trẻ trong hoạt động nghiệp vụ báo chí .

- Hỗ trợ xét duyệt, chọn lọc đề cương, thẩm định, nghiệm thu, đánh giá tác phẩm; bình chọn, đề nghị khen thưởng các tác phẩm báo chí xuất sắc.

- Hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu.

- Hỗ trợ phổ biến, công bố tác phẩm.

- Hỗ trợ các công việc liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức thực hiện hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao.

5. Nguồn kinh phí hỗ trợ:

- Nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương theo Quyết định 926/QĐ-TTg ngày 06/07/2006 của Thủ tướng Chính phủ;

- Nguồn hỗ trợ hợp pháp khác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Chi hỗ trợ trực tiếp cho tác giả, nhóm tác giả:

- Là hội viên (có tên trong danh sách) ở các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có đề cương đăng ký đã được duyệt và tác phẩm báo chí chất lượng cao được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thuộc các mảng đề tài quy định tại điểm 1, mục I của Thông tư này (tác giả, nhóm tác giả vẫn được nhận tiền nhuận bút theo quy định hiện hành);

- Có tác phẩm báo chí chất lượng cao được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời phản ánh các sự kiện lớn, quan trọng đến các mặt đời sống - xã hội của các địa phương, vùng, miền, đất nước.

Mức hỗ trợ do Hội đồng hoặc Ban xét duyệt, nghiệm thu tác phẩm báo chí chất lượng cao của các cấp Hội Nhà báo (được thành lập như quy định tại tiết c điểm 9 mục II Thông tư này) thông qua và được Chủ tịch của các cấp Hội Nhà báo phê chuẩn, quy định tại "Quy chế chi tiêu hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2006 - 2010" (sau đây gọi tắt là "Quy chế chi tiêu hỗ trợ") và thực hiện theo phương thức ký hợp đồng trực tiếp giữa tác giả, nhóm tác giả với Hội Nhà báo các cấp (hoặc ký uỷ quyền qua các Liên Chi hội và Chi hội trực thuộc có tư cách pháp nhân).

2. Chi hỗ trợ các đợt đi thực tế sáng tác các tác phẩm báo chí, các lớp tập huấn, hội thảo. Nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho các thành viên tham gia được vận dụng theo quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/03/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chi hỗ trợ mua tư liệu, tài liệu, vật tư, thuê máy móc thiết bị phục vụ trực tiếp các lớp tập huấn, hội thảo, đợt đi thực tế sáng tác tác phẩm báo chí chất lượng cao.

3. Chi hỗ trợ cho các hoạt động trực tiếp hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao. Bao gồm: tiền công; in ấn tài liệu; photocopy; văn phòng phẩm; điện thoại; bưu phẩm;... căn cứ vào tình hình thực tế hàng năm và các quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Chi hỗ trợ cho công tác tổ chức thẩm định đề cương, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm báo chí chất lượng cao. Mức chi trực tiếp cho các thành viên Hội đồng hoặc Ban xét duyệt, thẩm định đề cương, đánh giá, nghiệm thu tác phẩm báo chí chất lượng cao, do Ban Thường vụ (đối với Hội Nhà báo Việt Nam); Ban chấp hành, Ban Thư ký các cấp Hội Nhà báo xem xét, quyết định căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao và được quy định trong "Quy chế chi tiêu hỗ trợ" của các Hội.

5. Chi hỗ trợ phổ biến, công bố tác phẩm báo chí chất lượng cao. Mức chi hỗ trợ được căn cứ vào "Quy chế chi tiêu hỗ trợ" và thực hiện dưới hình thức ký kết hợp đồng.

6. Chi hỗ trợ khác liên quan trực tiếp đến hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao.

7. Các khoản chi hỗ trợ đặc thù (nếu có) ngoài các mức chi hỗ trợ tại Thông tư này và các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành phải được thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính (đối với Hội Nhà báo Việt Nam) hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với các Hội Nhà báo địa phương).

8. Chi tổ chức, hướng dẫn, thẩm định tác phẩm, đánh giá, sơ kết, tổng kết chính sách hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương của Hội Nhà báo Việt Nam.

9. Hội Nhà báo Việt Nam và các Hội Nhà báo địa phương thực hiện:

a) Lập kế hoạch sử dụng kinh phí hỗ trợ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

b) Xây dựng và ban hành "Quy chế chi tiêu hỗ trợ" sau khi thảo luận, công khai và thống nhất trong Ban Thường vụ (đối với Hội Nhà báo Việt Nam); Ban chấp hành, Ban Thư ký các cấp Hội. "Quy chế chi tiêu hỗ trợ" được phổ biến công khai đến toàn thể hội viên và gửi cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, quản lý giám sát thực hiện; gửi Kho bạc nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.

Nội dung xây dựng "Quy chế chi tiêu hỗ trợ" theo hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

c) Chủ tịch các cấp Hội Nhà báo thành lập Hội đồng hoặc Ban xét duyệt, nghiệm thu để xét duyệt, chọn lọc đề cương, đánh giá, nghiệm thu, thẩm định tác phẩm báo chí chất lượng cao và xem xét việc sử dụng kinh phí theo "Quy chế chi tiêu hỗ trợ" đã ban hành đảm bảo kinh phí hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm.

d) Thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22/03/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với đơn vị dự toán ngân sách nhà nước và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ; và các quy định hiện hành.

e) Thực hiện việc tự kiểm tra tài chính, kế toán tại đơn vị theo quy định tại Luật Kế toán, Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/08/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

g) Thực hiện "Quy chế chi tiêu hỗ trợ" đơn vị phải bảo đảm có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định.

10. Kinh phí thực hiện:

- Đối với Hội Nhà báo Việt Nam: Kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các cơ quan báo chí Trung ương thông qua Hội Nhà báo Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 là 7.240 triệu đồng.

- Đối với các Hội Nhà báo địa phương: Kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2006 - 2010 là 27.500 triệu đồng.

11. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và các quy định tại Thông tư này.

Cuối năm kinh phí hỗ trợ chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau theo quy định hiện hành.

12. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

13. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

a) Hội Nhà báo địa phương:

- Định kỳ hàng năm tiến hành tổng kết, đánh giá, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao gửi Hội Nhà báo Việt Nam và đồng gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để theo dõi, chỉ đạo.

- Phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc đăng tải, công bố tác phẩm báo chí chất lượng cao; có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương để tổ chức tốt các hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương.

b) Hội Nhà báo Việt Nam:

- Làm đầu mối tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm của các cấp Hội Nhà báo ở Trung ương và địa phương; lựa chọn, thẩm định các tác phẩm xuất sắc để xem xét hỗ trợ công bố tác phẩm và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng theo quy định; làm đầu mối phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các quy định về hỗ trợ ở Trung ương và địa phương theo các quy chế, quy định hiện hành.

- Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận cho các hội viên theo vùng, miền, khu vực, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

- Hàng năm tổng kết, đánh giá và kịp thời phát hiện khó khăn vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam:

Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thực hiện Đề án 926. Tiếp nhận báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam để tổng kết, đánh giá, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.

d) Bộ Văn hóa - Thông tin:

- Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, các Bộ, Ban, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện và có ý kiến điều chỉnh kịp thời những nội dung không đúng với mục tiêu, định hướng của Đảng và Nhà nước.

- Tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả sử dụng kinh phí hỗ trợ ở Trung ương và địa phương; kiến nghị các hình thức khen thưởng thích hợp đối với các tác phẩm báo chí xuất sắc lên Thủ tướng Chính phủ.

e) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện kiểm tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và địa phương.

g) Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kế hoạch hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở địa phương theo đúng các quy định hiện hành; tạo điều kiện cho các Hội Nhà báo địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao.

14. Thông tư này được áp dụng từ năm ngân sách 2007. Riêng năm 2006, Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện theo Thông tư liên tịch số 52/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 29/08/2003 của liên Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Tài chính hướng dẫn việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí theo cơ chế nhà nước đặt hàng; các Hội Nhà báo địa phương thực hiện theo Công văn số 5139/BVHTT-KHTC ngày 19/12/2005 Bộ Văn hóa - Thông tin hướng dẫn hỗ trợ hoạt động sáng tạo báo chí chất lượng cao năm 2005 đối với các Hội Nhà báo địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Văn hoá - Thông tin
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đỗ Quý Doãn

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.