Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ khoản 21 Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 63/TTr-SLĐTBXH, ngày 04/3/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định việc hỗ trợ đối với hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và những người bán quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh theo Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
1. Đối tượng hỗ trợ
a) Hộ gia đình sản xuất nông nghiệp.
b) Những người bán quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh
- Người bán quà vặt: hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định.
- Người buôn chuyến: hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ.
- Người kinh doanh lưu động: hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.
- Người làm dịch vụ: chữa khóa, sửa chữa xe gắn máy, xe đạp, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
2. Điều kiện hỗ trợ
Đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này phải đảm bảo đủ các điều kiện như sau:
a) Đang cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo quy định của Luật cư trú khi tạm dừng hoạt động theo điểm c khoản 2 Điều này.
b) Có thời gian làm công việc tại khoản 1 Điều này từ 01 tháng trở lên (tính đến thời điểm phải dừng hoạt động) và có thu nhập chính từ công việc này.
c) Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.
d) Thuộc hộ nghèo, cận nghèo theo kết quả rà soát cuối năm 2020.
đ) Các thành viên trong hộ gia đình chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (bao gồm chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND ngày 23 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long).
3. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần với mức 3.000.000 đồng/hộ (tính theo hộ khẩu). Trường hợp trong hộ có một hoặc nhiều người thuộc đối tượng tại điểm b khoản 1 Điều này thì cũng được hỗ trợ chung cho cả hộ là 3.000.000 đồng.
4. Thời hạn tiếp nhận đề nghị hỗ trợ: chậm nhất đến hết ngày 15 tháng 5 năm 2022.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
Theo quy định của Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ).
Điều 3. Trình tự thực hiện
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hợp pháp của đối tượng tại khoản 1 Điều 1 tiếp nhận đề nghị hỗ trợ của đối tượng, tổ chức rà soát đảm bảo đúng đối tượng và điều kiện hỗ trợ, lập danh sách đề nghị hỗ trợ, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời hạn 05 ngày làm việc và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định (Thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện). Trường hợp đối tượng không đủ điều kiện hỗ trợ, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, tổng hợp danh sách, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị hỗ trợ của Ủy ban hân dân cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, tổng hợp danh sách, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.
4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc hỗ trợ, Sở Tài chính chuyển kinh phí hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện.
5. Đơn vị chi trả: Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được kinh phí hỗ trợ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng trong thời hạn 03 ngày làm việc.
6. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương căn cứ vào trình tự thực hiện quy định tại điều này và các điều kiện cần thiết khác hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách này, đảm bảo yêu cầu kịp thời, chính xác, đúng quy định.
2. Giao Giám đốc Sở Tài chính bố trí kinh phí sẵn sàng để thực hiện việc hỗ trợ, thực hiện chuyển nguồn kinh phí kịp thời cho các địa phương theo tiến độ được giao; hướng dẫn các thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ.
3. Giao Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh triển khai các giải pháp rút ngắn thời gian chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ cho các địa phương tương ứng với tiến độ quy định tại Điều 2 Quyết định này.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn phụ trách; chỉ đạo, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Điều 3; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tính chính xác và kịp thời trong công tác hỗ trợ theo quy định; khi cần thiết, tạm ứng ngân sách địa phương để thực hiện việc hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng.
5. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách đến người dân.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể tuyên truyền nội dung chính sách đến đoàn viên, hội viên và nhân dân; đồng thời, giám sát quá trình thực hiện chính sách trên địa bàn.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2022.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kho Bạc Nhà nước, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.