• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/09/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 28/06/2010
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 63/2005/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 5 tháng 8 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí

bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

 

Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;

Căn cứ Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007; Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 và kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ.

3. Kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và quy định tại Thông tư này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nội dung chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

a) Chi hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp:

- Chi tổ chức các cuộc hội thảo nghiệp vụ.

- Chi văn phòng phẩm và biên soạn tài liệu phục vụ các hoạt động của Hội đồng.

- Chi các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra.

- Chi sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng.

b) Chi thông tin, tuyên truyền:

- Chi thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm: Các báo, tạp chí, tập san, chuyên san, phát thanh, truyền hình, thông tin lưu động, triển lãm chuyên đề.

- Chi biên soạn, in, phát hành đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới; các tài liệu, ấn phẩm phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp theo từng đối tượng. Chi biên dịch, xuất bản, in và phát hành tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc.

- Chi hỗ trợ xây dựng trang Web về hỏi, đáp pháp luật.

c) Chi xây dựng và củng cố tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, trường học, xã phường, thị trấn.

d) Chi tổ chức thu thập thông tin, tư liệu, lập hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác giải đáp, phổ biến, giáo dục pháp luật.

đ) Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thi hoà giải viên giỏi; giao lưu, sinh hoạt văn hoá có lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật.

e) Chi tổ chức các khoá bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên.

f) Chi tổ chức các hội nghị cộng tác viên; hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật; thực hiện Chương trình, Đề án; các cuộc hội thảo khoa học để trao đổi nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật.

g) Chi thù lao cho đội ngũ cộng tác viên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, gồm các đối tượng: báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.

h) Chi cho công tác hoà giải ở cơ sở:

- Chi thù lao cho hoà giải viên.

- Chi sơ kết, tổng kết các hoạt động hoà giải.

- Chi thi đua, khen thưởng.

- Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ cho hoà giải viên; chi in ấn các biểu mẫu, sổ sách báo cáo.

i) Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát trong nước để thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai thực hiện các Đề án đã được phê duyệt.

k) Chi cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho giáo viên và học sinh:

- Chi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên.

- Chi biên soạn tài liệu tham khảo và hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Chi tổ chức các hoạt động hỗ trợ tìm hiểu pháp luật trong nhà trường.

- Chi xây dựng chương trình, rà soát cập nhật chương trình bài giảng.

- Chi tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát nhận thức pháp luật của học sinh, sinh viên; điều tra, khảo sát việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa môn giáo dục công dân và pháp luật.

l) Chi sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng theo ngành, lĩnh vực, địa phương và toàn quốc về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

m) Chi phí quản lý, điều hành Chương trình, đề án, gồm: xây dựng Chương trình, kế hoạch triển khai Chương trình, đề án; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật; viết báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện Chương trình, đề án; bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ; chi văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp hoạt động của bộ phận giúp việc Chương trình, đề án...

2. Quy định về mức chi:

Chế độ chi cho các nội dung liên quan để thực hiện các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo quy định hiện hành.

Thông tư này hướng dẫn một số mức chi cụ thể theo phụ lục đính kèm.

Căn cứ vào khung mức chi quy định tại Thông tư này và trong phạm vi nguồn kinh phí được giao hàng năm, Thủ trưởng các Bộ, ngành ở Trung ương và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức chi cụ thể nhưng không được vượt quá mức tối đa quy định tại thông tư này.

3. Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật:

- Hàng năm các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 và Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào mục tiêu Chương trình hàng năm, có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương về nội dung công việc thực hiện Chương trình tại Bộ, ngành, địa phương làm căn cứ để các Bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí thực hiện Chương trình vào dự toán ngân sách hàng năm.

- Căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và yêu cầu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Căn cứ nội dung, kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và các cơ quan, đơn vị có thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, lập dự toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng cùng với dự toán chi thường xuyên của đơn vị gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giao dự toán ngân sách hàng năm cho đơn vị. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước; Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì 4 đề án được phê duyệt tại Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào mục tiêu của từng đề án lập dự toán gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành chủ trì đề án thực hiện.

Các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện 4 đề án trong Chương trình phê duyệt tại Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào mục tiêu của từng đề án lập dự toán (phần kinh phí do trung ương bảo đảm) gửi Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành chủ trì đề án thực hiện.

Việc quản lý, chi tiêu, thanh quyết toán kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật; kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Riêng đối với năm 2005, các Bộ, ngành, địa phương chủ động sắp xếp trong dự toán ngân sách năm 2005 đã được giao để thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Huỳnh Thị Nhân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.