• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/07/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 08/02/2009
UỶ BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM
Số: 02/2005/TT-DSGĐTE
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 10 tháng 6 năm 2005

THÔNG TƯ

Của Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em số 02/2005/TT-DSGĐTE

 ngày 10 tháng 6 năm 2005 về việc Hướng dẫn việc cấp, quản lý

 và sử dụng Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi

 không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập

________________________

 

Căn cứ Nghị định số 94/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;

Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng trẻ em được Nhà nước cấp thẻ khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập (sau đây gọi tắt là Thẻ khám bệnh, chữa bệnh) là trẻ em chưa đủ bảy mươi hai tháng tuổi tính đến ngày cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, là công dân Việt Nam hiện cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Thẻ có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp Thẻ cho đến ngày trẻ em đó đủ bảy mươi hai tháng tuổi.

3. Trẻ em thực tế thường trú tại địa phương nào thì được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đó (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh.

4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện việc cấp, cấp lại, đổi, thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi đúng đối tượng và báo cáo tình hình thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.

5. Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản Thẻ khám bệnh, chữa bệnh; không để mất, không tẩy xoá, viết lên mặt Thẻ; chỉ sử dụng Thẻ để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi tại các cơ sở y tế công lập.

6. Nghiêm cấm việc mượn, cho mượn, làm Thẻ giả, sử dụng Thẻ giả để khám bệnh, chữa bệnh; người nào mượn Thẻ, làm Thẻ giả, sử dụng Thẻ giả hoặc lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi để trục lợi thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Thủ tục cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Cha mẹ, người giám hộ xuất trình giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thực tế thường trú để làm căn cứ cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi.

b. Trường hợp trẻ em chưa có giấy khai sinh thì cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em; Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em cùng với việc cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh. Đối với những khu vực có điều kiện đi lại khó khăn, người dân còn bị chi phối bởi những phong tục, tập quán thì Cán bộ Tư pháp hộ tịch, cán bộ Dân số, Gia đình và Trẻ em phải có lịch định kỳ đến tận nhà dân để làm thủ tục giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã đăng ký khai sinh và cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi.

c. Trường hợp trẻ em chưa có Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, chưa có giấy khai sinh, không có giấy chứng sinh, nhưng cần đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của trẻ em và xác nhận trẻ em hiện đang thực tế thường trú tại địa bàn xã làm căn cứ cho các cơ sở y tế công lập không thu tiền khám bệnh, chữa bệnh của trẻ em.

d. Đối với trẻ em thực tế thường trú ở khu dân cư do cơ quan, tổ chức của Trung ương, địa phương, ngành quốc phòng, công an trực tiếp quản lý đóng trên địa bàn xã thì ngoài giấy khai sinh phải có giấy xác nhận đúng người, đang thực tế thường trú ở khu dân cư của ban quản lý khu dân cư để làm căn cứ cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi.

2. Cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Trường hợp bị mất Thẻ khám bệnh, chữa bệnh thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp lại Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, nêu lý do bị mất, nơi cấp, số thẻ và chịu trách nhiệm về việc khai báo của mình.

b. Trường hợp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh bị rách nát; thông tin ghi trên Thẻ không đọc được; thông tin hiện tại đã thay đổi so với thông tin ghi trên Thẻ thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thực tế thường trú đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh kèm theo các thông tin hiện tại và Thẻ cũ.

c. Trường hợp trẻ em thay đổi nơi thực tế thường trú thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đến để đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh, có ghi rõ địa chỉ nơi đi và kèm theo Thẻ cũ.

d. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị của công dân và giải quyết từng trường hợp cụ thể, lập danh sách trẻ em được cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh và gửi Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện kiểm tra, xác định số Thẻ đúng với số Thẻ đã được cấp lần đầu, điền đầy đủ thông tin vào Thẻ khám bệnh, chữa bệnh và chuyển đến Uỷ ban nhân dân cấp xã ký tên, đóng dấu và tiến hành cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em.

d. Thời hạn cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp xã nhận được đề nghị.

3. Thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau: trẻ em đủ bảy mươi hai tháng tuổi, trẻ em dưới sáu tuổi bị chết, thôi quốc tịch Việt Nam, đi cư trú không thời hạn ở nước ngoài.

b. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp trên và lập danh sách gửi đến Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện, kèm theo các Thẻ khám bệnh, chữa bệnh đã thu hồ.

4. Mẫu Thẻ, cách ghi thông tin vào Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Hình thức của Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

Thẻ khám bệnh, chữa bệnh có hình chữ nhật, kích thước 10 cm x 7 cm, giấy trắng cứng, nền in chìm biểu tượng của Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Mẫu Thẻ và các thông tin ghi trên Thẻ theo Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này.

b. Cách ghi thông tin vào Thẻ khám bệnh, chữa bệnh theo thứ tự từ trên xuống như sau:

- Ghi tên xã, phường, thị trấn bằng chữ in (Ví dụ: Xã TÂN TIẾN, CẨM BÌNH, HẢI DƯƠNG)

- Số Thẻ khám bệnh, chữa bệnh có dạng LnnnLnnnL, trong đó “L” là một chữ cái từ A đến Z, “n” là một chữ số từ 0 đến 9. Số Thẻ khám bệnh, chữa bệnh không mang thông tin, chỉ là số để nhận biết chính xác, đúng về một cá nhân trong xã hội.

- Ghi họ, chữ đệm, tên trẻ em bằng chữ in (ví dụ: NGUYỄN VĂN ANH).

- Ghi rõ số ngày, tháng, năm sinh (ví dụ: ngày 21 tháng 3 năm 2002).

- Ghi rõ giới tính trẻ em là nam hoặc là nữ.

- Nơi thực tế thường trú: Ghi địa chỉ đầy đủ, nơi trẻ em đang thực tế thường trú (Ví dụ: Thôn Xuân Đại (nếu ở nông thôn) hoặc số nhà 73, đường Hùng Vương (nếu ở thành thị).

- Ghi họ, chữ đệm, tên mẹ (Ví dụ: Nguyễn Thị Minh)

- Trường hợp không ghi họ tên mẹ thì ghi họ tên cha; nếu không ghi họ tên mẹ và cha thì ghi họ tên người giám hộ.

- Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày: ghi đúng ngày, tháng sinh của trẻ em nhưng số năm thì bằng năm sinh của trẻ em cộng thêm 6 (Ví dụ: sinh ngày 21/3/2002, thì Thẻ sẽ có giá trị sử dụng đến ngày 21/3/2008).

5. Báo cáo cấp, cấp lại, đổi, thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh

a. Hàng tháng, theo thời gian quy định về chế độ báo cáo thống kê chuyên ngành dân số, gia đình và trẻ em, Uỷ ban nhân dân cấp xã lập báo cáo tình hình trẻ em dưới sáu tuổi được cấp, cấp lại, đổi, thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu báo cáo tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này, gửi đến Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện.

b. Hàng quý, theo thời gian quy định về chế độ báo cáo thống kê chuyên ngành dân số, gia đình và trẻ em, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện lập báo cáo về tình hình cấp, cấp lại, đổi, thu hồi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi của huyện gửi đến Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp tỉnh để tổng hợp và báo cáo Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em theo mẫu báo cáo tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

d. Uỷ ban Dân số gia đình và Trẻ em cấp huyện, tỉnh và Trung ương lập cơ sở dữ liệu riêng về trẻ em được cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng hệ thống đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành dân số, gia đình và trẻ em để quản lý trên máy vi tính và theo dõi tình hình cấp, cấp lại, đổi, thu hồi, sử dụng Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi trên địa bàn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em ở Trung ương tổ chức việc in phôi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tính thống nhất về nội dung, hình thức và chuyển đến Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp tỉnh. Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp tỉnh chuyển đến Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện tương ứng số lượng trẻ em dưới sáu tuổi trên địa bàn huyện.

2. Đối với việc cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh đợt đại trà trong năm 2005 thì quy trình in, cấp phát Thẻ như sau:

- Uỷ ban nhân dân cấp xã lập danh sách trẻ em từ 0 đến dưới 72 tháng tuổi thực tế thường trú trên địa bàn xã theo mẫu tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này và gửi danh sách đến Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện.

- Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện nhập thông tin từ danh sách trẻ em do Uỷ ban nhân dân cấp xã giử đến vào máy vi tính bằng chương trình phần mềm chuyên dụng, cấp số định danh cho mỗi trẻ em, in Thẻ (số định danh và các thông tin mới cập nhật lên phôi thẻ đã có sẵn) và chuyển Thẻ đã in đến Uỷ ban nhân dân cấp xã.

- Khi nhận Thẻ đã in từ Uỷ ban Dân số, Gia đình và trẻ em cấp huyện chuyển đến, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra các thông tin trên từng thẻ, ký tên, đóng dấu, ép plastic, cấp phát Thẻ cho trẻ em và ghi vào sổ theo dõi, quản lý Thẻ khám bệnh, chữa bệnh.

3. Đối với việc cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên thì quy trình in, cấp phát Thẻ như sau:

- Sau khi nhận được đề nghị của cha, mẹ, người giám hộ về việc cấp, cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi, Uỷ ban nhân dân cấp xã lập danh sách trẻ em được cấp, cấp lại, đổi Thẻ khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này. Trường hợp mất Thẻ khám bệnh, chữa bệnh thì cần ghi rõ số Thẻ đã bị mất; trường hợp trẻ em thay đổi nơi thực tế thường trú thì cần ghi rõ tên xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em dưới sáu tuổi chuyển đi.

- Sau khi nhận được danh sách của Uỷ ban nhân dân cấp xã, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện có trách nhiệm nhập thông tin từ danh sách trẻ em do Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi đến vào máy vi tính bằng chương trình phần mềm chuyên dụng, cấp số định danh cho mỗi trẻ em được cấp Thẻ lần đầu. Đối với trường hợp cấp lại Thẻ thì Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện phải tìm số Thẻ (số định danh) trong hệ cơ sở dữ liệu của huyện hoặc liên hệ với Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp tỉnh để tìm số

Thẻ trong hệ cơ sở dữ liệu của các huyện liên quan, bảo đảm số Thẻ được nhập vào máy vi tính đúng với số Thẻ của trẻ em đó đã được cấp lần đầu. Đối với trường hợp đổi Thẻ thì Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện nhập số Thẻ cũ vào máy vi tính, không được cấp số Thẻ mới.

- Sau khi nhập đủ các thông tin, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em cấp huyện in Thẻ và chuyển Thẻ đã in đến Uỷ ban nhân dân cấp xã. Khi đã nhận được Thẻ đã in, Uỷ ban nhân dân cấp xã kiểm tra các thông tin trên từng Thẻ, ký tên, đóng dấu, ép plastic, cấp phát Thẻ cho trẻ em và ghi vào sổ theo dõi, quản lý Thẻ khám bệnh, chữa bệnh.

4. Đối với trẻ em dưới sáu tuổi đang được hưởng chính sách khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền theo các quy định khác, được cấp và sử dụng Thẻ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này.

5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em để xem xét, giải quyết.

 

Bộ trưởng (Chủ nhiệm)

(Đã ký)

 

Lê Thị Thu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.