• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/06/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 15/02/2022
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 10/2012/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 12 tháng 4 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ

___________________________

 

Căn cứ khoản 5 Điều 51 Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ,

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tổ chức và hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Chức năng:

Trạm kiểm tra tải trọng xe (sau đây gọi là Trạm) là nơi cơ quan quản lý đường bộ thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng xe, khổ giới hạn xe đến an toàn cầu, đường bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép (kể cả xe chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Sổ chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) tham gia giao thông trên đường bộ và xe bánh xích lưu hành trên đường bộ; Trạm có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ:

a) Kiểm tra tại Trạm đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ về việc chấp hành các quy định tại Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải “quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ” và các Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT;

b) Thu thập, cập nhật, tổng hợp, lưu trữ các số liệu liên quan đến tải trọng, khổ giới hạn của xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông qua Trạm và công tác xử lý vi phạm tại Trạm để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc khi được yêu cầu.

3. Quyền hạn:

a) Phát tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu người điều khiển đưa xe vào nơi quy định để kiểm tra khi phát hiện xe có dấu hiệu quá khổ giới hạn, quá tải trọng cho phép của cầu, đường và xe bánh xích tự hành trên đường bộ;

b) Yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình: Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (hoặc Giấy phép lưu hành xe đối với xe quân sự); Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; Giấy phép lưu hành xe bánh xích tự hành trên đường bộ;

c) Thực hiện việc kiểm tra về: tải trọng trục xe, tổng trọng lượng và khổ giới hạn của xe (bao gồm cả hàng hóa, hành khách trên xe) đối với xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ (trừ xe quân sự chở vũ khí, phương tiện, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh); việc tuân thủ các quy định trong Giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe bánh xích tự hành trên đường bộ;

d) Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được phát hiện tại Trạm. Trường hợp hành vi vi phạm ở mức phạt vượt quá thẩm quyền, phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt;

đ) Đình chỉ lưu hành phương tiện cho đến khi người vi phạm thực hiện xong các biện pháp khắc phục theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 3. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý đối với các Trạm đặt trên quốc lộ, trừ các Trạm đặt trên những đoạn, tuyến quốc lộ đã ủy thác cho địa phương quản lý.

2. Sở Giao thông vận tải quản lý đối với các Trạm đặt trên những đoạn, tuyến đường bộ do địa phương quản lý hoặc được ủy thác quản lý.

Điều 4. Các lực lượng hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Lực lượng trực tiếp quản lý, vận hành cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của Trạm (sau đây gọi là lực lượng trực tiếp vận hành Trạm): các chức danh và số lượng biên chế cụ thể theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này.

2. Lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm tại Trạm (sau đây gọi là lực lượng phối hợp) gồm: Thanh tra giao thông hoặc lực lượng được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ; Kiểm soát quân sự thuộc Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cảnh sát giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công an các quận, huyện, thị xã tại nơi đặt Trạm. Tùy vào điều kiện và tình hình hoạt động thực tế của từng Trạm, lực lượng phối hợp có thể gồm một, hai hoặc tất cả các lực lượng trên và được quy định cụ thể trong “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm”.

3. Các lực lượng hoạt động tại Trạm làm việc theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và theo phân công trách nhiệm tại “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm” do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi đặt Trạm) ban hành đối với Trạm đặt trên quốc lộ hoặc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (nơi đặt Trạm) ban hành đối với Trạm đặt trên đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị.

Điều 5. Các chức danh và biên chế của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Các chức danh thuộc lực lượng trực tiếp vận hành Trạm bao gồm: Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng, Ca trưởng, các nhân viên kỹ thuật và nhân viên khác của Trạm.

2. Việc bổ nhiệm các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với các Trạm do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý hoặc theo quy định của Giám đốc Sở Giao thông vận tải đối với các Trạm do Sở Giao thông vận tải quản lý.

3. Biên chế của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (đối với các Trạm do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý) hoặc do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải (đối với các Trạm do Sở Giao thông vận tải quản lý).

4. Trường hợp Trạm được đầu tư xây dựng bằng hình thức không phải 100% vốn ngân sách Nhà nước, việc bổ nhiệm các chức danh và biên chế của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm sẽ được quy định cụ thể trong các thỏa thuận về đầu tư xây dựng Trạm.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng trực tiếp vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Trạm trưởng:

a) Chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, điều hành hoạt động của Trạm theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Phân công nhiệm vụ cho các Phó Trạm trưởng, Ca trưởng và nhân viên của Trạm;

c) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được giao trong “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm”;

d) Chịu trách nhiệm nước ngoài đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý Trạm và trước pháp luật về việc tổ chức, vận hành Trạm.

2. Phó Trạm trưởng:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Trạm trưởng;

b) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được giao trong “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm”.

c) Chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và trước pháp luật về những hành vi của mình.

3. Ca trưởng và các nhân viên của Trạm:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Trạm trưởng, Phó Trạm trưởng;

b) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được giao trong “Quy chế phối hợp các lực lượng hoạt động tại Trạm”;

c) Chịu trách nhiệm trước Trạm trưởng và trước pháp luật về những hành vi của mình.

Điều 7. Trang phục, phù hiệu của các lực lượng hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Cán bộ, nhân viên, thành viên thuộc lực lượng phối hợp, trong khi thực hiện nhiệm vụ phải mặc trang phục, đeo phù hiệu theo chức danh và quy định của từng ngành.

2. Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam quy định về trang phục, phù hiệu của các chức danh thuộc lực lượng trực tiếp vận hành Trạm.

Điều 8. Kinh phí hoạt động của Trạm và chế độ chính sách đối với những người làm việc hoặc tham gia phối hợp hoạt động tại Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Kinh phí hoạt động của Trạm được cấp từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế đường bộ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật. Đối với những Trạm được đầu tư xây dựng bằng những hình thức không phải 100% vốn ngân sách Nhà nước, kinh phí hoạt động của Trạm sẽ được quy định cụ thể trong các thỏa thuận về đầu tư xây dựng Trạm.

2. Chế độ chính sách đối với những người làm việc hoặc tham gia phối hợp hoạt động tại Trạm:

a) Cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng trực tiếp vận hành Trạm được hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành;

b) Các thành viên thuộc lực lượng phối hợp được hưởng lương và phụ cấp do cơ quan cử người trả. Phụ cấp làm việc tại Trạm (nếu có) do cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý Trạm giải quyết theo quy định hiện hành.

Điều 9. Thời gian hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe

Trạm hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ; mỗi ngày chia thành 03 ca làm việc. Trong trường hợp vì lý do sự cố kỹ thuật hoặc thiên tai, Trạm phải tạm ngừng hoạt động, Trạm trưởng phải có văn bản (hoặc gửi trước qua Fax) báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý Trạm. Thời gian báo cáo không được chậm quá 01 giờ, kể từ khi Trạm tạm ngừng hoạt động.

Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng việc kiểm tra xe để thu giữ hàng hóa vận chuyển trên xe.

2. Sách nhiễu, gây phiền hà, nhận hối lộ của chủ xe, người điều khiển phương tiện hoặc người môi giới; có thái độ hống hách, thiếu văn hóa hoặc có hành vi gây tổn hại đến thân thể, sức khỏe, tài sản của người điều khiển và người đi theo xe.

3. Môi giới, chỉ dẫn hoặc có hành động tiếp tay cho người điều khiển phương tiện nhằm trốn tránh việc bị kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn theo quy định của pháp luật.

4. Tác động, điều chỉnh làm sai lệch kết quả kiểm tra; sửa chữa làm sai lệch biên bản, hồ sơ vi phạm.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Các Trạm kiểm tra tải trọng xe có trách nhiệm định kỳ hàng tháng, quý, 06 tháng, hàng năm báo cáo tình hình hoạt động của Trạm về cơ quan trực tiếp quản lý để theo dõi và Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải.

2. Các Sở Giao thông vận tải và các Khu Quản lý đường bộ có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và thông báo tình hình cầu, đường trong phạm vi quản lý, đồng thời báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam để Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông báo và chỉ đạo các Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ kịp thời phối hợp trong công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các quy định tại Thông tư này.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012 và thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-BGTVT ngày 02 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.