• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 17/06/1985
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 178-HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 17 tháng 6 năm 1985

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 178-HĐBT NGÀY 17 THÁNG 6 NĂM 1985
VỀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CÁC NGÀNH, CÁC ĐƠN VỊ SẢN XUẤT,
KINH DOANH THUỘC KHU VỰC NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Căn cứ Nghị định số 35-CP ngày 9-2-1981 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, Nghị định số 143-HĐBT ngày 22-11-1981 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp, Điều 5 và Điều 6 của Nghị định số 150-HĐBT ngày 13-12-1983 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước, Nghị định số 93-CP ngày 8-4-1977 ban hành Điều lệ Xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, Nghị định số 302/CP ngày 1/12/1978 ban hành Điều lệ Liên hiệp các xí nghiệp quốc doanh;

Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quản lý kinh tế và xã hội;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1

Nay quy định tổ chức pháp chế ở các ngành, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực Nhà nước:

1. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng (sau đây gọi tắt là Bộ) có khối lượng công tác pháp chế lớn thì thành lập Vụ chính sách và pháp chế; nếu nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đã giao cho các Vụ khác đảm nhiệm thì thành lập Vụ Pháp chế.

Các Bộ có khối lượng công tác pháp chế không lớn và chưa có Vụ chính sách và pháp chế thì thành lập Phòng pháp chế trực thuộc Bộ trưởng.

2. Các Sở chuyên môn, Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty có chuyên viên pháp lý.

3. Các xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp có chuyên viên hoặc cán sự pháp lý.

Điều 2

Các vụ, Phòng pháp chế thuộc các Bộ có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng:

1. Làm cố vấn pháp lý cho Bộ trưởng; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác của cơ quan trong việc dự thảo văn bản; theo dõi việc xây dựng các văn bản pháp luật thuộc ngành mình.

2. Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các đơn vị thuộc Bộ trình Bộ trưởng ban hành hoặc do Bộ trưởng trình cấp trên ban hành.

3. Tổ chức việc hệ thống hoá pháp luật.

4. Phối hợp các bộ phận có liên quan khác trong cơ quan tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong ngành; theo dõi, tổng hợp và phản ảnh với Bộ trưởng tình hình thực hiện pháp luật và kiến nghị các biện pháp nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong ngành.

5. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ trong ngành. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán bộ pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở Trung ương.

Phối hợp với các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong việc hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên và cán sự pháp lý ở các cơ quan, đơn vị thuộc ngành ở địa phương.

6. Soạn thảo các báo cáo để Bộ trưởng báo cáo với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp tình hình chấp hành pháp luật trong ngành và tình hình hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế trong ngành; kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế trong ngành và cải tiến hoạt động của hệ thống tổ chức pháp chế của ngành.

7. Thực hiện những công tác pháp lý khác do Bộ trưởng giao

Điều 3

Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế của các Bộ được quyền:

1. Thẩm tra tính hợp pháp của các văn bản do các cơ quan, đơn vị trong ngành ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ quan, đơn vị ấy.

2. Tham gia công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, kiến nghị với Bộ trưởng những biện pháp nhằm bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong ngành.

3. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc ngành tham gia vào việc dự thảo các văn bản pháp luật hoặc thực hiện những công tác pháp lý khác.

4. Kiểm tra hoạt động của các chuyên viên và cán sự pháp lý thuộc các cơ quan, đơn vị cấp dưới; yêu cầu báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 4

Việc thành lập Vụ Pháp chế hoặc Vụ Chính sách và Pháp chế do Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Việc thành lập Phòng pháp chế do Bộ trưởng quyết định.

Căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng cán bộ và tổng biên chế được Nhà nước giao, Bộ trưởng quyết định biên chế của Vụ chính sách và pháp chế, Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế.

Việc bổ nhiệm hoặc thay đổi cán bộ phụ trách Vụ pháp chế hoặc Phòng pháp chế do Bộ trưởng Bộ chủ quản quyết định.

Điều 5

Chuyên viên hoặc cán sự pháp lý ở các Sở chuyên môn, Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty, Xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp có nhiệm vụ giúp thủ trưởng đơn vị:

1. Nghiên cứu có hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của đơn vị: tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị.

2. Làm cố vấn pháp lý cho Thủ trưởng đơn vị; góp ý kiến về mặt pháp lý với các bộ phận khác thuộc đơn vị trong việc dự thảo các văn bản thuộc thẩm quyền Thủ trưởng đơn vị ban hành.

3. Theo dõi việc thực hiện pháp luật Nhà nước và các văn bản do Thủ trưởng đơn vị ban hành; phản ánh kịp thời với Thủ trưởng những vi phạm và sơ hở trong việc thực hiện pháp luật, kiến nghị những biện pháp tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong đơn vị.

4. Thực hiện những công tác pháp lý khác do Thủ trưởng đơn vị giao.

5. Hướng dẫn nghiệp vụ cho các chuyên viên hoặc cán sự pháp lý ở các xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp, cơ sở trực thuộc.

6. Báo cáo với người phụ trách pháp chế cơ quan cấp trên trực tiếp những vấn đề có liên quan đến hoạt động pháp lý ở đơn vị mình.

Điều 6

Chuyên viên pháp lý hoặc cán sự pháp lý ở các Sở chuyên môn, Liên hiệp các xí nghiệp, Tổng công ty, Công ty, xí nghiệp liên hợp, xí nghiệp được quyền:

1. Thẩm tra và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị chuẩn bị trình Thủ trưởng ban hành; kiến nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản hoặc quy định trái với pháp luật của các cơ sở, bộ phận ấy.

2. Tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật trong các cơ sở, bộ phận thuộc đơn vị; kiến nghị với Thủ trưởng những biện pháp bảo đảm việc tôn trọng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật trong các cơ sở, bộ phận ấy.

3. Yêu cầu các chuyên viên hoặc cán sự pháp lý ở các xí nghiệp liên hợp và xí nghiệp trực thuộc báo cáo công tác và cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Điều 7

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày công bố. Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể thi hành Nghị định này.

Điều 8

Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Tố Hữu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.