THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc sử dụng nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp,
thuỷ lợi phí và các nguồn khác để thực hiện kiên cố hoá kênh mương
Căn cứ Nghị quyết số 18/1998/QH 10 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá X, kỳ họp thứ 4 về dự toán ngân sách nhà nước năm 1999;
Căn cứ Nghị quyết số 08/1999/NQ-CP ngày 9/7/1999 của Chính phủ về giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 1999;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc sử dụng nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuỷ lợi phí và các nguồn thu khác để thực hiện kiên cố hoá kênh mương như sau:
1/ Nguồn để thực hiện kiên cố hoá kênh mương gồm:
- Thuế sử dụng đất nông nghiệp: Theo cơ chế hiện hành được để lại 100% để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là tỉnh) phải tập trung toàn bộ nguồn thu này cho mục tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó dành tối thiểu 40% cho mục tiêu kiên cố hoá kênh mương nhằm thực hiện dứt điểm trong 2 năm - 3 năm tới. Đối với những địa phương có nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp thấp hoặc khả năng kiên cố hoá kênh mương còn khó khăn thì mức thuế sử dụng đất nông nghiệp giành cho mục tiêu kiên cố hoá kênh mương có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức quy định trên.
- Thuỷ lợi phí:
+ Đối với các địa phương (chủ yếu đồng bằng Nam bộ) thuỷ lợi phí là khoản đóng góp nộp vào ngân sách nhà nước để phát triển thuỷ lợi, được sử dụng như thuế sử dụng đất nông nghiệp cho mục tiêu kiên cố hoá kênh mương.
+ Đối với các địa phương số thuỷ lợi phí quản lý qua các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ nông (gọi tắt là doanh nghiệp thuỷ nông) được sử dụng để trang trải các chi phí sản xuất kinh doanh: tiền lương, phụ cấp cho cán bộ công nhân viên; tiền điện, xăng dầu phục vụ công tác tưới tiêu nước và sửa chữa hệ thống kênh mương. Các địa phương cần chỉ đạo các ngành liên quan chấn chỉnh công tác quản lý của các công ty đảm bảo thu đủ thuỷ lợi phí, tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ, dành nguồn kinh phí chủ động sửa chữa kênh mương theo hướng kiên cố hoá.
- Nguồn huy động đóng góp của nhân dân để kiên cố hoá kênh mương, nhất là kênh mương liên thôn, nội đồng.
- Vốn tín dụng ưu đãi đầu tư: Trường hợp ngân sách địa phương gặp khó khăn, Nhà nước sẽ dành một khoản vốn tín dụng ưu đãi cho ngân sách cấp tỉnh vay để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiên cố hoá kênh mương; Ngân sách cấp tỉnh cần chủ động bố trí trả nợ gốc tiền vay trong một số năm từ nguồn thuế sử dụng đất nông nghiệp và các nguồn khác (ngân sách Trung ương chi hỗ trợ lãi suất tiền vay).
- Các nguồn khác: viện trợ trực tiếp, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế (nếu có), ....
Toàn bộ các nguồn trên phải đưa vào dự toán thu, chi ngân sách địa phương; Riêng đối với nguồn thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, việc quản lý sử dụng nguồn thu này phải đảm bảo đúng mục đích.
2/ Nội dung chi để thực hiện kiên cố hoá kênh mương
Toàn bộ các nguồn thu theo quy định tại điểm 1 của Thông tư này được sử dụng cho các nội dung:
- Đầu tư xây dựng kênh mương mới theo hướng kiên cố hoá.
- Kiên cố hoá kênh mương hiện có, kể cả việc kiên cố hóa đập giữ nước, các cống điều tiết nước, bờ bao hoặc hệ thống đường ống cấp nước tưới phù hợp với điều kiện mỗi vùng theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hỗ trợ vật tư (xi măng, sắt, thép, ...) cho các xã để kiên cố hoá kênh mương liên thôn, nội đồng, còn dân đóng góp ngày công lao động.
- Chi khác phục vụ chương trình kiên cố hoá kênh mương.
3/ Công tác quản lý
- Để thực hiện tốt chủ trương kiên cố hoá kênh mương, các địa phương cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan tiến hành ngay việc khảo sát, điều tra thực trạng hệ thống kênh mương hiện có; Nhu cầu đầu tư các kênh mương mới, từ đó lập quy hoạch tổng thể và các dự án đầu tư trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định. Việc lựa chọn và quyết định phương án đầu tư trước hết phải chú ý đến những vùng trọng điểm để với chi phí thấp nhưng tạo được năng lực tưới tiêu cao.
- Phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư:
Việc phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện theo phân cấp chung của tỉnh và có thể phân cấp theo hướng:
+ Đối với công trình liên huyện, liên xã: tỉnh trực tiếp đầu tư, kể cả đối với công trình thuỷ nông do các công ty thuỷ nông quản lý.
+ Đối với công trình nội đồng, liên thôn: phân cấp cho cấp xã.
- Công tác quản lý: Thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn quản lý tài chính ngân sách hiện hành của Nhà nước. Trong đó chú ý một số nội dung:
+ Lập dự toán: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể và nguồn vốn cho phép, tỉnh quyết định các dự án và mức đầu tư cụ thể hàng năm theo quy định hiện hành. Đối với các công trình thuỷ lợi nội đồng do các xã thực hiện khi lập dự án cần xác định rõ phần vốn Nhà nước hỗ trợ và huy động tại xã (gồm cả ngày công lao động). Riêng năm 1999 cần rà soát lại nguồn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã bố trí để có kế hoạch điều chỉnh và bố trí khoảng 50% - 60% phần vốn còn lại cho kiên cố hoá kênh mương. Đối với một số tỉnh có điều kiện đặc thù theo quy định tại điểm 1 của Thông tư này thì mức có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức quy định chung.
+ Chấp hành dự toán: Để thực hiện tốt chủ trương kiên cố hoá kênh mương trong 2 năm - 3 năm tỉnh cần giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, có kế hoạch triển khai kịp thời. Cơ quan Tài chính (Sở Tài chính - Vật giá, Cục Đầu tư và phát triển) có trách nhiệm theo dõi đảm bảo cấp phát vốn kịp thời cho các công trình theo quy định hiện hành.
+ Quyết toán: Việc quyết toán chi ngân sách, quyết toán công trình thực hiện theo các quy định hiện hành. Hàng quý và kết thúc năm địa phương có báo cáo tình hình cấp phát vốn và kết quả thực hiện kiên cố hoá kênh mương về Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư và phát triển, Vụ Ngân sách nhà nước). Trong đó cần phân tích đánh giá một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế đã đạt được như: số Km kênh mương, số Km bờ bao, số cống điều tiết nước, số Km đường ống cấp, tưới nước được kiên cố hoá đã thực hiện, diện tích đất canh tác được cung cấp nước sản xuất, thoát lũ, hiệu quả kiên cố hoá kênh mương,....
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày ký.
Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.