• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2015
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 20/2015/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 29 tháng 5 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định về quản lý tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải

_______________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố, tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải;

Căn cứ Quyết định số 11/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 125/2004/QĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về công bố, tiếp nhận truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về quản lý tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về quản lý tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải theo quy định của Sửa đổi, bổ sung năm 2002 Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển 1974 (gọi tắt là Công ước SOLAS 74) và Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (gọi tắt là Bộ luật ISPS).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho:

1. Tàu biển Việt Nam hoạt động trên tuyến quốc tế và tàu biển nước ngoài hoạt động tại vùng nội thủy, lãnh hải của Việt Nam, bao gồm:

a) Tàu khách;

b) Tàu hàng có tổng dung tích từ 500 trở lên;

c) Giàn khoan di động ngoài khơi.

2. Các cảng biển tiếp nhận tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài khai thác tàu biển quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi là công ty tàu biển).

4. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài quản lý, khai thác cảng biển quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi là doanh nghiệp cảng biển).

5. Tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý thông tin an ninh hàng hải.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải là hoạt động kết nối liên lạc giữa các doanh nghiệp cảng biển, công ty tàu biển với Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải và các cơ quan có trách nhiệm về phòng, chống khủng bố đối với tàu biển, cảng biển nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt khi có tình huống xảy ra.

2. Cấp độ an ninh hàng hải là mức độ nguy hiểm của một sự cố an ninh sẽ được thực hiện hoặc sẽ xảy ra. An ninh hàng hải được phân thành 3 cấp độ:

a) Cấp độ 1 là cấp độ mà các biện pháp an ninh bảo vệ phù hợp tối thiểu phải được duy trì tại mọi thời điểm;

b) Cấp độ 2 là cấp độ mà các biện pháp an ninh bảo vệ được bổ sung thêm cho phù hợp và phải được duy trì trong khoảng thời gian có nguy cơ cao xảy ra sự cố an ninh;

c) Cấp độ 3 là cấp độ mà các biện pháp an ninh bảo vệ cụ thể tiếp theo phải được duy trì trong khoảng thời gian nhất định khi một sự cố an ninh có khả năng xảy ra hoặc hầu như chắc chắn xảy ra, mặc dù có thể không xác định được mục tiêu cụ thể nào.

Chương II

TIẾP NHẬN, TRUYỀN PHÁT VÀ XỬ LÝ THÔNG TIN AN NINH HÀNG HẢI

Điều 4. Tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải của Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải và Cảng vụ Hàng hải

1. Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải

Ngay sau khi nhận được thông báo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về cấp độ an ninh, thay đổi cấp độ an ninh, Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải phải chuyển tiếp các thông tin đó đến:

a) Cảng vụ Hàng hải;

b) Doanh nghiệp cảng biển, cán bộ an ninh cảng biển;

c) Công ty tàu biển, cán bộ an ninh công ty tàu biển;

d) Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan, đồng thời thông báo cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Trong trường hợp không thể liên lạc được với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài mà tàu mang cờ quốc tịch, Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải đề nghị Cục Lãnh sự thông qua con đường ngoại giao để thông báo cho các cơ quan có liên quan của nước ngoài.

2. Cảng vụ Hàng hải

Ngay sau khi nhận được thông tin của Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải, Cảng vụ Hàng hải phải thông báo cho:

a) Cán bộ an ninh cảng biển;

b) Các tàu biển dự kiến sẽ đến hoặc đang hoạt động tại cảng biển thuộc khu vực trách nhiệm của mình;

c) Bộ đội Biển phòng cửa khẩu cảng biển.

Điều 5. Tiếp nhận, truyền phát, xử lý thông tin an ninh hàng hải của cán bộ an ninh công ty tàu biển Việt Nam, an ninh tàu biển thuộc công ty và các cơ quan có liên quan

1. Ngay sau khi nhận được thông tin của Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải, công ty tàu biển, cán bộ an ninh công ty tàu biển có trách nhiệm thông báo kịp thời các thông tin về cấp độ an ninh hàng hải và thay đổi cấp độ an ninh hàng hải cho sỹ quan an ninh tàu biển của mình biết để áp dụng cho tàu biển trong chuyến đi dự kiến tiếp theo.

2. Trên cơ sở đánh giá rủi ro có thể xảy ra đối với con người, tài sản hoặc môi trường từ các hoạt động giao tiếp giữa tàu biển và cảng biển, sỹ quan an ninh tàu biển có thể yêu cầu cán bộ an ninh cảng biển hoặc cơ quan có thẩm quyền tại cảng biển nước ngoài ký kết Cam kết an ninh trong các trường hợp sau đây:

a) Tàu biển đang hoạt động ở cấp độ an ninh cao hơn so với cảng biển hoặc tàu biển khác mà nó đang giao tiếp;

b) Có thỏa thuận về cam kết an ninh giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ các nước khác là thành viên của Công ước SOLAS 74 đối với một số tuyến quốc tế hoặc đối với một số con tàu cụ thể hoạt động trên các tuyến đó;

c) Đang tồn tại một mối đe dọa an ninh hoặc sự cố an ninh liên quan đến tàu biển hoặc cảng biển;

d) Tàu biển đang ở tại cảng biển mà cảng này không được yêu cầu phải có và thực hiện một Kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt;

đ) Tàu biển đang giao tiếp với tàu biển khác mà tàu biển đó không được yêu cầu phải có và thực hiện một Kế hoạch an ninh tàu biển đã được phê duyệt.

3. Bản cam kết an ninh quy định tại khoản 2 Điều này được lưu giữ trên tàu biển với khoảng thời gian tối thiểu tàu ghé vào 10 cảng kế tiếp, kể từ khi ký bản cam kết.

4. Trước khi tàu biển đi qua khu vực được cảnh báo có nguy cơ đe dọa an ninh, thuyền trưởng, sỹ quan an ninh tàu biển phải liên lạc với các Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải thông báo cướp biển quốc tế tại khu vực đó để phối hợp phòng, chống cướp biển.

Điều 6. Tiếp nhận, truyền phát, xử lý thông tin an ninh hàng hải của tàu biển và các cơ quan có liên quan tại cảng biển

1. Trường hợp tàu biển nước ngoài đến cảng biển Việt Nam

a) Chậm nhất 24 giờ trước khi vào lãnh hải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thuyền trưởng, chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu, đại lý của người khai thác tàu biển phải liên lạc trực tiếp với Cảng vụ Hàng hải tại nơi có cảng biển dự kiến tàu sẽ đến để thông báo về cấp độ an ninh đang được duy trì trên tàu mình và các thông tin khác có liên quan về an ninh hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này; Nhận thông báo từ Cảng vụ Hàng hải về cấp độ an ninh đang được áp dụng tại cảng biển và biện pháp an ninh cần áp dụng trên tàu biển;

b) Sau khi nhận được các thông tin có liên quan về an ninh của tàu biển nêu tại điểm a khoản 1 Điều này, Cảng vụ Hàng hải phải thông báo cho cán bộ an ninh cảng biển nơi mà tàu biển đang ghé vào;

c) Trên cơ sở đánh giá rủi ro có thể xảy ra đối với con người, tài sản hoặc môi trường từ các hoạt động giao tiếp giữa tàu biển và cảng biển, cán bộ an ninh cảng biển phải ký kết cam kết an ninh với tàu biển. Bản cam kết an ninh được lưu giữ tại cảng biển;

d) Khi có sự thay đổi về cấp độ an ninh trên tàu biển hoặc tại cảng biển từ thời điểm đã liên lạc trước đó, sỹ quan an ninh tàu biển và cán bộ an ninh cảng biển phải thông báo ngay cho nhau biết để kịp thời xử lý.

2. Trường hợp tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài rời cảng biển Việt Nam

Khi có yêu cầu, Cảng vụ Hàng hải nơi có tàu rời cảng thông báo về các thông tin an ninh hàng hải có liên quan cho sỹ quan an ninh tàu biển trước khi tàu biển rời cảng biển Việt Nam để cập nhật thông tin có liên quan đến chuyến đi.

Điều 7. Trách nhiệm báo cáo thông tin an ninh hàng hải trong vùng nước cảng biển

Thuyền trưởng, thuyền viên trên tàu khi tàu đang hành trình hoặc neo đậu trong vùng nước cảng biển, các doanh nghiệp cảng, các tổ chức và cá nhân khác nhận được thông tin đe dọa hoặc có nguy cơ đe dọa an ninh hàng hải phải thông báo ngay cho Cảng vụ Hàng hải và Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải.

Điều 8. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo khẩn

a) Ngay sau khi nhận được thông báo cấp độ an ninh của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Trung tâm thông tin an ninh hàng hải phải báo cáo tình hình cho Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định;

b) Khi nhận được thông tin chính xác về sự cố an ninh của tàu biển và cảng biển, Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải phải báo ngay cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để kịp thời xử lý, giải quyết.

2. Báo cáo năm

Hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông vận tải về công tác quản lý thông tin an ninh hàng hải.

3. Phương thức gửi báo cáo

Báo cáo an ninh được gửi bằng một trong ba phương thức thông tin: fax, điện thoại, thư điện tử, sau đó gửi báo cáo bằng văn bản theo đường, bưu chính.

Chương III

DIỄN TẬP, THỰC TẬP, ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN THÔNG TIN AN NINH HÀNG HẢI

Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải

1. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam

a) Tổng hợp, trình Bộ Giao thông vận tải kế hoạch diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải giữa Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải với các cơ quan, đơn vị trong nước và các tổ chức phòng, chống khủng bố trong việc tổ chức diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải;

b) Chỉ đạo Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải trong việc diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải.

2. Trách nhiệm của Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải

a) Hàng năm xây dựng kế hoạch diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải với các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và các tổ chức phòng, chống khủng bố của nước ngoài báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Thông báo cho các cơ quan liên quan về việc tổ chức diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc các Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Bảo vệ Chính trị V, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ Hàng hải và doanh nghiệp cảng biển, công ty tàu biển lập danh bạ điện thoại, quy trình liên lạc và thống nhất phương thức, tần số thông tin liên lạc khẩn cấp để ứng phó kịp thời khi tình huống khủng bố xảy ra.

3. Trách nhiệm của công ty tàu biển, doanh nghiệp cảng biển

Hàng năm, phối hợp với Trung tâm thông tin an ninh hàng hải, Cảng vụ Hàng hải và các cơ quan có liên quan tại cảng biển tổ chức diễn tập, thực tập kết nối thông tin an ninh theo kế hoạch được phê duyệt.

4. Trách nhiệm của Cảng vụ Hàng hải

Phối hợp với Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải, doanh nghiệp cảng biển, công ty tàu biển và tàu biển trong việc diễn tập, thực tập kết nối an ninh hàng hải theo Kế hoạch an ninh cảng biển và tàu biển được phê duyệt.

Điều 10. Thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải

1. Mục đích, yêu cầu

a) Duy trì thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ giữa cảng biển, tàu biển với Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải và các cơ quan có trách nhiệm về an ninh tàu biển, cảng biển;

b) Bảo đảm đầy đủ về trang thiết bị thông tin liên lạc;

c) Nhân viên an ninh cảng biển, sỹ quan an ninh tàu biển phải sử dụng thành thạo trang thiết bị và hiểu biết về quy trình thông tin liên lạc.

2. Nội dung thực tập

a) Vận hành hệ thống báo động an ninh, thiết bị liên lạc trên tàu biển;

b) Vận hành trang thiết bị thông tin liên lạc tại cảng biển;

c) Tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải.

3. Quy định về thực tập kết nối thông tin an ninh đối với cảng biển

a) Hàng năm, doanh nghiệp cảng biển có trách nhiệm thực tập kết nối thông tin với Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải tối thiểu 01 lần;

b) Thực tập kết nối thông tin an ninh được thực hiện trong thời gian tổ chức họp thẩm định đánh giá nội bộ an ninh cảng biển;

c) Cán bộ an ninh cảng biển thực hiện kết nối thông tin an ninh qua fax và điện thoại với Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải và các cơ quan tham gia họp thẩm định đánh giá nội bộ an ninh cảng biển theo quy định và kết quả thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải được ghi vào biên bản;

d) Sau khi thực tập kết nối thành công, Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải gửi Giấy xác nhận kết quả thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải về Cục Hàng hải Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Quy định về thực tập kết nối thông tin an ninh đối với tàu biển

a) Hàng năm, công ty tàu biển có trách nhiệm thực tập kết nối, xử lý thông tin với Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải tối thiểu 01 lần;

b) Trước khi thực hiện thực tập, thuyền trưởng hoặc công ty tàu biển phải thông báo với Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải về kế hoạch thực tập theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Sau khi thực tập kết nối thành công, Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải xác báo kết quả thực tập kết nối thông tin an ninh cho tàu biển bằng phương thức thông tin phù hợp.

Điều 11. Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ thông tin an ninh hàng hải

1. Hàng năm, Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện;

b) Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tuyên truyền pháp luật và huấn luyện nghiệp vụ về thông tin an ninh hàng hải đối với nhân viên an ninh cảng biển, sỹ quan an ninh tàu biển báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam và tổ chức thực hiện.

2. Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải phối hợp với các đơn vị có liên quan của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong việc tổ chức tuyên truyền pháp luật và huấn luyện nghiệp vụ về thông tin an ninh hàng hải đối với sỹ quan an ninh tàu biển.

Điều 12. Kinh phí đào tạo, huấn luyện, diễn tập, thực tập thông tin an ninh hàng hải

Kinh phí đào tạo, huấn luyện, diễn tập, thực tập nâng cao nghiệp vụ về thông tin an ninh hàng hải được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2015 và thay thế Thông tư số 47/2011/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiếp nhận, truyền phát và xử lý thông tin an ninh hàng hải.

Điều 14. Trách nhiệm thực hiện

1. Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.