• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2013
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Số: 524/2012/UBTVQH13
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 20 tháng 9 năm 2012

NGHỊ QUYẾT

Về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội

_________________

 

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11; Luật ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11; Nghị quyết số 27/2012/QH13 của Quốc hội về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;

Xét Tờ trình của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Chế độ chi tiêu quy định tại Nghị quyết này được áp dụng đối với hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Chế độ chi tiêu cho kỳ họp Quốc hội, hội nghị do Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

Điều 2. Nguyên tắc chung

1. Việc chi tiêu phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải có trong dự toán, bảo đảm đúng chế độ, định mức, đối tượng theo quy định tại Nghị quyết này và quy định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động được phân bổ, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.

3. Căn cứ quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước, chế độ chi tiêu được quy định tại Nghị quyết này và căn cứ nhiệm vụ được giao, Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm phân bổ kinh phí hoạt động cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Việc phân bổ kinh phí hoạt động cho Đoàn đại biểu Quốc hội có xem xét, ưu tiên đến địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Chi cho công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết

1. Căn cứ phạm vi, tính chất và mức độ phức tạp của dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi chung là dự án luật) và nguồn kinh phí được giao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội quyết định mức chi cụ thể, bảo đảm không vượt quá mức tối đa và trong phạm vi dự toán được giao.

2. Chi soạn thảo báo cáo thẩm tra; báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật:

a) Đối với cơ quan chủ trì thẩm tra:

- Đối với dự án luật ban hành mới hoặc thay thế: mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo;

- Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều: mức chi từ 2.400.000 đồng đến 4.000.000 đồng/báo cáo.

b) Đối với cơ quan phối hợp thẩm tra:

Chi soạn thảo báo cáo tham gia thẩm tra: mức chi bằng 50% mức chi báo cáo thẩm tra quy định tại điểm a khoản này.

3. Chi cho cá nhân tham gia cuộc họp thẩm tra, chỉnh lý, cho ý kiến về báo cáo nội dung cần tập trung thảo luận, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do các cơ quan của Quốc hội tổ chức:

a) Chi họp:

- Người chủ trì cuộc họp: 200.000 đồng/người/buổi;

- Các thành viên dự họp theo danh sách họp: 100.000 đồng/người/buổi.

b) Chi viết báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia thẩm tra, chỉnh lý dự án luật: 800.000 đồng/báo cáo.

4. Chi cho việc chuẩn bị nội dung cần tập trung thảo luận cho ý kiến về dự án luật:

- Đối với dự án luật ban hành mới hoặc thay thế: 1.000.000 đồng/dự án;

- Đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều: 500.000 đồng/dự án.

5. Chi cho việc xây dựng báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan tham gia đóng góp ý kiến về dự án luật; chi xây dựng báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau: mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/dự án luật.

Riêng đối với việc xây dựng báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến nhân dân về các dự án luật theo chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội: 5.000.000 đồng/dự án luật.

6. Chi cho việc rà soát nội dung, kỹ thuật, hoàn thiện dự án luật trước và sau khi thông qua: mức chi từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng/dự án luật.

Điều 4. Chi cho công tác thẩm tra khác theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Đối với công tác thẩm tra theo quy định của pháp luật hoặc theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nội dung chi và mức chi áp dụng như đối với thẩm tra các dự án luật ban hành mới quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này.

Điều 5. Chi lấy ý kiến tham gia dự án luật

Chi lấy ý kiến tham gia dự án luật bao gồm các khoản: chi cho các tổ chức, cá nhân để nghiên cứu, tham gia ý kiến với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án luật; chi tổ chức các cuộc họp để lấy ý kiến của các ban, ngành ở Trung ương, địa phương, các chuyên gia tham gia vào dự án luật. Mức chi cụ thể được quy định như sau:

1. Chi cho việc nghiên cứu góp ý bằng văn bản: Áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị quyết này.

2. Chi họp góp ý:

a) Ý kiến tham luận bằng văn bản của thành viên tham dự: mức chi từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/văn bản;

b) Chi các cuộc họp: áp dụng theo chế độ chi họp thẩm tra quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này.

3. Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia: mức chi tối đa là 800.000 đồng/báo cáo/dự án.

Điều 6. Chi cho công tác giám sát, khảo sát

1. Chi cho đoàn giám sát, khảo sát:

a) Chi xây dựng văn bản giám sát:

- Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội:

+ Chi xây dựng Nghị quyết thành lập đoàn giám sát: 2.000.000 đồng/nghị quyết (bao gồm cả kế hoạch và nội dung giám sát);

+ Chi xây dựng đề cương giám sát: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/đề cương do Trưởng đoàn giám sát quyết định;

+ Chi xây dựng báo cáo kết quả giám sát của các đoàn công tác giám sát : mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/báo cáo theo từng đợt giám sát ; từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo chung của Đoàn giám sát. Mức chi cụ thể do Trưởng đoàn xem xét, quyết định;

+ Chi xây dựng nghị quyết về giám sát trên cơ sở kết quả giám sát: Mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/nghị quyết của Quốc hội; từ 2.400.000 đồng đến 4.000.000 đồng/nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Đối với hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội: định mức chi xây dựng các văn bản tương ứng bằng 60% định mức chi đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Chi cho việc xây dựng văn bản về điều hoà giám sát: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/văn bản.

b) Chi xây dựng văn bản khảo sát:

Chế độ chi cho việc xây dựng các văn bản (nếu có) được áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này. Riêng báo cáo kết quả khảo sát: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/báo cáo.

c) Chi cho thành viên tham gia đoàn giám sát, khảo sát:

Trong thời gian thực hiện giám sát, khảo sát, ngoài chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật hiện hành, chế độ chi đối với các đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội được quy định như sau:

- Trưởng đoàn: 200.000 đồng/người/buổi;

- Thành viên của đoàn: 100.000 đồng/người/buổi;

- Cán bộ, công chức và người lao động phục vụ đoàn: 80.000 đồng/người/buổi.

d) Chi các cuộc họp giám sát, khảo sát:

Chi các cuộc họp giám sát, khảo sát (ngoài thời gian hưởng theo quy định tại điểm c khoản này) thực hiện theo chế độ chi họp thẩm tra quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này.

2. Chi giám sát văn bản quy phạm pháp luật:

Mức chi áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước về chi cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Riêng báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật: mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/báo cáo.

3. Chi giám sát hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Chi cho việc nghiên cứu tổng hợp, báo cáo về công tác xử lý đơn thư: 500.000/báo cáo;

- Chi xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/báo cáo;

- Chi đi xác minh, thu thập thông tin: 80.000 đồng/người /buổi.

4. Chi giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri:

Chi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo đề xuất xử lý, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri: mức chi từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/báo cáo.

Riêng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội: mức chi tối đa là 5.000.000 đồng/báo cáo.

5. Chi cho hoạt động chất vấn, giải trình:

a) Chi cho hoạt động chất vấn:

- Chi cho việc xây dựng các văn bản phục vụ hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội: các báo cáo; kế hoạch chi tiết; văn bản điều phối; biên bản tóm tắt nội dung chất vấn, trả lời chất vấn và các văn bản khác liên quan đến hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/văn bản.

Riêng báo cáo tổng hợp ý kiến chất vấn trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi tối đa là 5.000.000 đồng/báo cáo;

- Chi cho việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn: mức chi tối đa là 5.000.000 đồng/nghị quyết.

b) Chi cho hoạt động giải trình:

- Chế độ chi phục vụ hoạt động giải trình (điều trần) áp dụng như chi họp thẩm tra quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này.

Riêng kế hoạch chi tiết phiên giải trình: mức chi tối đa là 1.000.000 đồng/văn bản;

- Chi cho việc xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả giải trình: mức chi tối đa là 3.000.000 đồng/báo cáo.

Điều 7. Chi tiếp xúc cử tri theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội (bao gồm cả tiếp xúc cử tri ngoài địa phương ứng cử của đại biểu Quốc hội)

1. Tùy theo điều kiện của điểm tiếp xúc cử tri, khả năng kinh phí của Đoàn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định mức chi hỗ trợ cho mỗi điểm tiếp xúc cử tri, nhưng không quá 5.000.000 đồng/điểm nhằm trang trải chi phí cần thiết như: trang trí, thuê địa điểm, nước uống, bảo vệ và các khoản chi khác. Riêng kinh phí hỗ trợ điểm tiếp xúc cử tri cho đại biểu Quốc hội (ngoài địa phương ứng cử) không quá 15.000.000 đồng/đại biểu/năm.

2. Ngoài chế độ thanh toán công tác phí theo quy định, thực hiện khoán chi tiếp xúc cử tri với mức chi như sau:

- Đại biểu Quốc hội: 7.000.000 đồng/đại biểu/năm;

- Cán bộ, công chức, nhân viên tham gia phục vụ tiếp xúc cử tri: 500.000 đồng/đợt tiếp xúc cử tri.

3. Chi xây dựng báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri: Đối với báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri theo từng nhóm: 300.000 đồng/báo cáo/đợt tiếp xúc cử tri; đối với báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri chung của cả Đoàn: 500.000 đồng/báo cáo.

Điều 8. Chi tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo

1. Chi tiếp công dân:

a) Trường hợp đại biểu Quốc hội tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở Trung ương, trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân tại địa phương, chế độ chi được quy định như sau:

- Đại biểu Quốc hội, đại diện lãnh đạo cơ quan liên quan được phân công tiếp công dân: 150.000 đồng/người/buổi;

- Cán bộ, công chức phục vụ trực tiếp đại biểu Quốc hội tiếp công dân: 80.000 đồng/người/buổi;

- Cán bộ, công chức phục vụ gián tiếp đại biểu Quốc hội tiếp công dân: 50.000 đồng/người/buổi.

b) Trường hợp cán bộ, công chức tiếp công dân không có sự tham gia của đại biểu Quốc hội thì chế độ chi thực hiện theo quy định của pháp luật về chế độ chi đối với việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

c) Chi xây dựng báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình và kết quả tiếp công dân: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/báo cáo.

2. Chi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ chi xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Riêng đối với xây dựng báo cáo đề xuất giải quyết vụ khiếu nại, tố cáo trình hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền: mức chi tối đa là 1.000.000 đồng/báo cáo.

Điều 9. Chi phục vụ hoạt động đối ngoại

Ngoài chế độ chi phục vụ hoạt động đối ngoại theo quy định hiện hành của Nhà nước, chế độ chi trong một số trường hợp được quy định như sau:

1. Chi xây dựng văn bản phục vụ đoàn ra của lãnh đạo Quốc hội; đoàn vào là khách mời của lãnh đạo Quốc hội, tiếp khách quốc tế của lãnh đạo Quốc hội, hội nghị quốc tế cấp Chủ nhiệm Ủy ban trở lên:

- Chi xây dựng đề án, kế hoạch tổ chức: mức chi từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng/văn bản;

- Chi xây dựng đề cương hội đàm: mức chi từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng/văn bản;

- Chi xây dựng các thỏa thuận hợp tác (nếu có): mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/văn bản.

2. Chế độ chi tặng quà đối với đoàn đi công tác nước ngoài được quy định như sau:

a) Đối với đoàn do Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn: Chi tặng quà theo kế hoạch, chương trình công tác;

b) Đối với đoàn do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn: mức chi tối đa là 15.000.000 đồng/nước;

c) Đối với đoàn do Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và tương đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Trưởng ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn: mức chi tối đa là 10.000.000 đồng/nước;

d) Đối với đoàn do Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp làm trưởng đoàn: mức chi tối đa là 8.000.000 đồng/nước.

3. Chi tiếp chiêu đãi đoàn vào được căn cứ theo cấp của người chủ trì tiếp để xác định cấp hạng đoàn khách làm cơ sở áp dụng mức chi chiêu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi tổ chức mời cơm thân mật đối với các đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong thời gian công tác tại Việt Nam: mức chi tối đa không quá mức chi tổ chức mời cơm chia tay đại sứ khi kết thúc nhiệm kỳ theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Chế độ hỗ trợ tiền tiêu vặt cho đoàn vào của những nước có quan hệ đặc biệt; chế độ bồi dưỡng lực lượng tham gia phục vụ hoạt động đối ngoại của Quốc hội từ cấp Chủ nhiệm Ủy ban trở lên do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

Điều 10. Chế độ chi cho công tác xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ, hàng năm; chi xây dựng báo cáo trình Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội

1. Chi xây dựng đề án trình Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: thực hiện theo chế độ chi đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

2. Chi xây dựng chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ, hàng năm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi tối đa là 5.000.000 đồng/văn bản.

3. Chi xây dựng văn bản hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội có nội dung quy phạm pháp luật: thực hiện theo chế độ hiện hành về chi ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, mức chi như mức chi xây dựng thông tư.

4. Chi xây dựng báo cáo, tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội; báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội; báo cáo định kỳ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, mức chi được quy định như sau:

- Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo;

- Báo cáo của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội: mức chi từ 1.800.000 đồng đến 3.000.000 đồng/báo cáo;

- Báo cáo của Đảng đoàn Quốc hội: mức chi từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/báo cáo.

Riêng báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Đảng đoàn Quốc hội: mức chi tối đa là 1.200.000 đồng/báo cáo.

Điều 11. Chế độ công tác phí, hội nghị

Ngoài chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc họp theo quy định hiện hành của Nhà nước, chế độ chi trong một số trường hợp được quy định như sau:

1. Đối với các đoàn công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

a) Trong thời gian tập trung công tác theo đoàn, cơ quan chủ trì đoàn công tác bảo đảm thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền thuê chỗ ở nơi đến công tác, cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có) cho các thành viên tham gia đoàn công tác.

b) Chế độ chi công tác phí đi, về từ nơi cư trú, làm việc đến địa điểm tập trung công tác theo đoàn, trừ trường hợp cơ quan chủ trì đoàn công tác quyết định bảo đảm vé máy bay và một số khoản chi công tác phí khác (được thông báo cụ thể trên giấy mời, giấy triệu tập, chương trình, kế hoạch công tác…), được quy định như sau:

- Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm điều kiện đi lại và công tác phí cho đại biểu Quốc hội của Đoàn mình. Riêng đại biểu Quốc hội ở Trung ương thực hiện như sau:

+ Đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương do Văn phòng Quốc hội bảo đảm;

+ Đối với đại biểu Quốc hội không chuyên trách ở Trung ương do cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác bảo đảm.

- Các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước bảo đảm công tác phí cho cán bộ, công chức của đơn vị mình.

2. Đoàn đại biểu Quốc hội thanh toán toàn bộ tiền công tác phí theo quy định cho đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn mình khi tham gia các hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát hoặc thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Đoàn đại biểu Quốc hội. Riêng đại biểu Quốc hội ở Trung ương, khi tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương nơi ứng cử, tiền công tác phí đi, về giữa Trung ương và địa phương, thực hiện như sau:

- Đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương do Văn phòng Quốc hội bảo đảm;

- Đối với đại biểu Quốc hội không chuyên trách ở Trung ương do cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác bảo đảm.

3. Chi tiền ăn, nghỉ tại hội nghị và khi đi công tác:

a) Các hội nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội: trong trường hợp tổ chức ăn, nghỉ tập trung, cơ quan chủ trì tổ chức hội nghị chi tiền ăn, nghỉ đối với tất cả các đại biểu tham dự hội nghị.

b) Định mức chi tiền ăn tại các hội nghị quy định tại điểm a, khoản 3 Điều này và chi tiền ăn dọc đường của các đoàn công tác (nếu có) tối đa theo mức tiền ăn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Các ngày tham dự hội nghị, ngày đi công tác đã được thanh toán tiền ăn thì không được thanh toán phụ cấp lưu trú (kinh phí hỗ trợ tiền ăn và tiêu vặt).

c) Chế độ phòng nghỉ của đại biểu Quốc hội khi đi công tác:

Đại biểu Quốc hội được bố trí phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 01 người/phòng, mức chi thanh toán áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.

4. Các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đảng Đoàn Quốc hội, Đoàn Thư ký kỳ họp áp dụng mức chi theo mức chi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết này. Chi giải khát thực hiện theo mức chi giải khát đối với Đoàn Chủ tịch tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

5. Các cuộc họp toàn thể (không bao gồm họp về thẩm tra dự án luật, góp ý vào dự án luật) của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; sinh hoạt chính trị của các tổ chức Đảng, đoàn thể cơ quan Văn phòng Quốc hội; các cuộc họp toàn thể của Đoàn đại biểu Quốc hội: mức chi cho người chủ trì là 200.000 đồng/người/buổi, thành viên tham dự là 100.000 đồng/người/buổi.

6. Đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức được đi công tác bằng máy bay nếu tự túc phương tiện từ nơi ở, cơ quan đến sân bay và ngược lại thì được thanh toán chi phí thuê taxi theo thực tế hoặc thực hiện khoán theo hướng dẫn của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

7. Các chức danh có tiêu chuẩn xe đưa, đón từ nơi ở đến nơi làm việc, nếu không yêu cầu phục vụ xe hoặc trường hợp cơ quan chưa kịp bố trí xe phục vụ thì được hỗ trợ tiền thuê phương tiện đi lại hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc (trụ sở cơ quan, nơi hội nghị, hội họp trong phạm vi nội thành, nội thị) với mức khoán là 10.000.000 đồng/tháng.

Điều 12. Chi hỗ trợ đối với đại biểu Quốc hội

1. Chi hỗ trợ đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu để tham gia ý kiến vào các dự án luật:

Mức chi đối với dự án luật ban hành mới, dự án luật thay thế là 1.000.000 đồng/dự án/năm; đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều là 500.000 đồng/dự án/năm.

2. Chế độ chi mời chuyên gia:

Đại biểu Quốc hội được mời chuyên gia nghiên cứu để phục vụ công tác đại biểu.

Kinh phí mời chuyên gia của đại biểu Quốc hội do Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm. Riêng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương do Văn phòng Quốc hội bảo đảm.

Mức chi mời chuyên gia theo thỏa thuận bằng văn bản giữa đại biểu Quốc hội và chuyên gia nhưng tối đa không quá 2.000.000 đồng/bài và không quá 50.000.000 đồng/đại biểu/năm. Riêng năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ không quá 25.000.000 đồng/đại biểu/năm. Hồ sơ quyết toán cần có hợp đồng, thanh lý hợp đồng và sản phẩm kèm theo.

3. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Quốc hội được cấp tiền may 02 bộ lễ phục với mức chi 5.000.000 đồng/bộ.

4. Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Quốc hội được trang cấp một máy vi tính xách tay.

Các phương tiện khác phục vụ công tác của đại biểu Quốc hội được trang bị, quản lý theo quy định hiện hành của Nhà nước.

5. Chế độ trang bị, sử dụng điện thoại di động, điện thoại công vụ tại nhà riêng:

Ngoài các đối tượng được trang bị điện thoại và định mức sử dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước, đối với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách, chế độ chi được áp dụng như đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

6. Đại biểu Quốc hội được cấp tài liệu bao gồm: Công báo, báo Nhân dân, báo địa phương, phí khai thác internet theo mức khoán bằng 1.000.000 đồng/người/tháng. Riêng báo Đại biểu nhân dân, báo Kiểm toán và Tạp chí Nghiên cứu lập pháp được chuyển trực tiếp đến từng đại biểu Quốc hội.

7. Chế độ hỗ trợ khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ, nghỉ dưỡng hàng năm:

Ngoài các chế độ theo quy định (nếu có), đại biểu Quốc hội được hỗ trợ kinh phí khám, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng hàng năm theo mức là 5.000.000 đồng/người/năm. Riêng năm chuyển giao nhiệm kỳ, đại biểu Quốc hội (không bao gồm đại biểu tái cử) được hỗ trợ bằng 50% mức trên.

Điều 13. Chi hỗ trợ đối với cán bộ, công chức và người lao động phục vụ hoạt động Quốc hội

1. Cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Quốc hội được hỗ trợ kinh phí xây dựng luật tối đa đối với dự án luật ban hành mới, dự án luật thay thế là 800.000 đồng/dự án/năm; đối với dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều là 400.000 đồng/dự án/năm nhưng không quá 15.000.000 đồng/người/năm.

Đối tượng và mức chi cụ thể do Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí được giao.

Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội, căn cứ chế độ quy định và khả năng cân đối nguồn kinh phí, trong phạm vi dự toán kinh phí chi hoạt động của bộ máy văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội hàng năm, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định mức chi hỗ trợ kinh phí xây dựng các dự án luật cho cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trực tiếp giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội), nhưng tối đa không quá định mức chi trên.

2. Chế độ chi may lễ phục, trang phục:

Mỗi nhiệm kỳ Quốc hội, cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội; cán bộ công chức, người lao động Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trực tiếp phục vụ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội) được cấp tiền may 01 bộ lễ phục với mức chi 5.000.000 đồng/bộ.

Ngoài ra, cán bộ, công chức và người lao động làm công tác tiếp dân, lễ tân, bảo vệ, lái xe, vệ sinh… được cấp trang phục phục vụ công tác theo quyết định của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

3. Chi tiền trợ cấp lễ, tết, ăn trưa cho cán bộ, công chức, người lao động:

Tiền trợ cấp lễ, tết, ăn trưa và các chế độ phúc lợi khác đối với cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội được trích từ quỹ cơ quan do các đơn vị sự nghiệp công lập đóng góp và được bổ sung từ nguồn kinh phí tự chủ. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định mức chi cụ thể và việc trích nộp quỹ cơ quan từ các đơn vị sự nghiệp công lập.

Mức chi ăn trưa hàng tháng, trợ cấp lễ, tết của cán bộ, công chức, người lao động thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân hưởng lương từ ngân sách Trung ương thực hiện trong phạm vi dự toán kinh phí được giao đối với bộ máy văn phòng giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội hàng năm, theo mức chi của địa phương; riêng đối với tiền ăn trưa hàng tháng, trong trường hợp địa phương không quy định thì Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội căn cứ khả năng cân đối nguồn kinh phí trên quyết định, nhưng không quá mức chi đối với cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội.

Điều 14. Chế độ chi khác phục vụ hoạt động Quốc hội

1. Chế độ chi đối với chuyên gia để phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tuỳ theo nội dung và tính cấp thiết của chuyên đề, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ký hợp đồng với chuyên gia với mức chi tối đa là 4.000.000 đồng/bài.

2. Xin ý kiến bằng văn bản các cá nhân liên quan đối với các văn bản có nội dung phức tạp: mức chi từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng/người/lần, tổng mức chi xin ý kiến một cá nhân tối đa là 1.000.000 đồng/văn bản.

Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định việc xin ý kiến.

3. Chế độ chi công tác tổng kết nhiệm kỳ; chi xây dựng nội dung thông tin tuyên truyền hoạt động Quốc hội; chi phục vụ hoạt động Quốc hội ngoài các nội dung chi và mức chi đã được quy định trong Nghị quyết này đối với cán bộ, công chức và người lao động giao Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

4. Chế độ tặng quà đối với các đối tượng chính sách - xã hội:

Chế độ tặng quà được thực hiện đối với các đối tượng sau: Các đối tượng chính sách được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, có đóng góp đối với hoạt động Quốc hội; gia đình và cá nhân gặp rủi ro do thiên tai; các tập thể thuộc diện chính sách xã hội, như trại điều dưỡng thương, bệnh binh, trại trẻ mồ côi, người khuyết tật; trường dân tộc nội trú, các đơn vị bộ đội, công an ở biên giới, hải đảo …, khi đoàn tổ chức thăm hỏi thì được tặng quà. Mức giá trị quà tặng tối đa cho mỗi lần thăm hỏi được quy định cụ thể như sau:

a) Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội tặng quà theo kế hoạch, chương trình công tác.

b) Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội: tặng quà cho tập thể mức cao nhất là 6.000.000/đồng/lần; tặng quà cho cá nhân mức cao nhất là 1.000.000 đồng/lần.

c) Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và tương đương, Phó Trưởng ban các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội: tặng quà cho tập thể mức cao nhất là 3.000.000 đồng/lần; tặng quà cho cá nhân mức cao nhất là 700.000 đồng/lần.

d) Đại biểu Quốc hội là Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp: tặng quà cho tập thể mức cao nhất là 2.000.000 đồng/lần; tặng quà cho cá nhân tối đa là 500.000 đồng/lần.

e) Tổng số tiền quà tặng cụ thể như sau:

- Đối với các cơ quan của Quốc hội: tối đa là 250.000.000 đồng/năm. Riêng Hội đồng dân tộc; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: tối đa là 300.000.000 đồng/năm;

- Đối với các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có biên giới giáp với biên giới các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc và các Đoàn đại biểu Quốc hội 5 tỉnh Tây nguyên: tối đa là 150.000.000 đồng/năm;

- Đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội còn lại: tối đa là 120.000.000 đồng/năm.

5. Chế độ tặng quà lưu niệm:

Đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, người lao động được tặng quà lưu niệm khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, mức chi thực hiện theo chế độ chi tổng kết nhiệm kỳ.

Cán bộ, công chức, người lao động công tác tại Văn phòng Quốc hội và các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trực tiếp giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội) khi chuyển công tác sang cơ quan khác, nghỉ hưu được tặng quà lưu niệm với mức chi tối đa là 1.500.000 đồng.

6. Chế độ thăm hỏi trợ cấp:

a) Đối với đại biểu Quốc hội:

- Đại biểu Quốc hội khi ốm đau được chi tiền thăm hỏi 1.000.000 đồng/người/lần. Trường hợp bị bệnh hiểm nghèo thì mức chi trợ cấp không vượt quá 5.000.000 đồng/người/lần, chi không quá 2 lần/người/năm.

- Chi thăm hỏi ốm đau, các vị nguyên là đại biểu Quốc hội: 1.000.000 đồng/người/lần.

- Các đối tượng sau nếu từ trần thì gia đình được trợ cấp 2.000.000 đồng:

+ Đại biểu Quốc hội, nguyên đại biểu Quốc hội;

+ Cha, mẹ đẻ; cha, mẹ vợ (chồng); vợ (chồng) của đại biểu Quốc hội.

- Chi phục vụ tang lễ do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quyết định.

b) Đối với cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (trực tiếp giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội):

- Chế độ thăm hỏi ốm đau, trợ cấp đối với cán bộ, công chức, người lao động đương nhiệm, nghỉ hưu được áp dụng như đối với đại biểu Quốc hội.

Riêng trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn thì tuỳ theo hoàn cảnh, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thủ trưởng các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội quyết định mức trợ cấp nhưng không vượt quá 5.000.000 đồng/người.

7. Kinh phí hàng năm chi cho các hoạt động văn hoá, thể thao, các hoạt động nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn:

Các năm bình thường được trích 0,3%, những năm có nhiều sự kiện quan trọng, có nhiều ngày lễ được trích 0,5% trên tổng số kinh phí chi thường xuyên.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

2. Nghị quyết 773/2009/NQ-UBTVQH12 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

3. Định kỳ hai năm một lần, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm rà soát các định mức của Nghị quyết này báo cáo xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi quyết định điều chỉnh.

TM. Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.