• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 28/02/2001
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 50/1998/TTLT/BTC-BKHCNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 15 tháng 4 năm 1998

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn công tác quản lý Tài chính

đối với nguồn kinh phí thu hồi từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ

 

Thực hiện Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ "Qui định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán Ngân sách Nhà nước" hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước và Quyết định số 419/TTg ngày 21/7/1995 về cơ chế quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 32 TC/HCSN ngày 13/6/1997 "Hướng dẫn quản lý tài chính các Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1996-2000". Để thống nhất công tác quản lý tài chính đối với kinh phí thu hồi từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Liên Bộ Tài chính và Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn như sau:

 

PHẦN I
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG

1. Kinh phí thu hồi từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của các Bộ, Ngành và địa phương là nguồn thu của Ngân sách Nhà nước, được đầu tư trở lại cho các hoạt động khoa học công nghệ, được quản lý theo qui định của Luật Ngân sách Nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Kinh phí thu hồi được nộp vào tài khoản chuyên thu mở tại Kho bạc Nhà nước. ở Trung ương do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ KHCNMT) làm chủ tài khoản, ở địa phương do Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Sở KHCNMT) làm chủ tài khoản. Cuối năm nếu chưa chi hết được chuyển số dư sang năm sau tiếp tục sử dụng.

3. Khi phí thu hồi phải sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và có hiệu quả. Định kỳ hàng quý, năm, các Sở KHCNMT lập báo cáo tình hình thu nộp và sử dụng kinh phí thu hồi của địa phương gửi Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp, báo cáo theo chế độ qui định hiện hành; Bộ KHCNMT tổng hợp tình hình thu nộp và sử dụng kinh phí thu hồi của các đơn vị Trung ượng, lập báo cáo tình hình thu nộp và sử dụng kinh phí thu hồi gửi Bộ Tài chính.

 

PHẦN II
NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nguồn thu hồi:

Các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ và địa phương sử dụng kinh phí thu hồi, kinh phí được ngân sách Nhà nước cấp hàng năm có thu hồi kinh phí, bao gồm:

Các Đề tài nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm.

Các Dự án sản xuất thử nghiệm.

Các Dự án nhập công nghệ.

Các Đề tài, Dự án khoa học, công nghệ khác.

2. Nội dung và mức thu:

2.1. Nội dung thu từ các Đề tài, Dự án có thu hồi kinh phí:

Thu do bán các sản phẩm là kết quả thực hiện của các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ.

Tiền thu về bán phế liệu, phế phẩm trong quá trình thực hiện.

Tiền thu về bán vật tư còn thừa sau khi thực hiện.

Tiền thu từ bán tài sản cố định, công cụ lao động và các tài sản khác được mua sắm để phục vụ cho chương trình, đề tài, dự án khi kết thúc.

Thu khác (nếu có).

2.2. Mức thu hồi:

Mức thu hồi kinh phí đối với các Đề tài, Dự án có thu hồi kinh phí được qui định từ 80% đến 100% mức Nhà nước đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn kinh phí thu hồi cho dự án. Riêng đối với các địa phương, những trường hợp đặc biệt, Sở KHCNMT phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá có thể trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) xem xét quyết định mức thu hồi thấp hơn mức quy định chung tại Thông tư này, nhưng không được thấp hơn 50% mức kinh phí được ngân sách Nhà nước cấp.

Đối với các Dự án nhập công nghệ: Mức kinh phí thu hồi được qui định từ 70% đến 100% phần kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp.

Mức thu hồi cụ thể được thể hiện trong các hợp đồng ký kết giữa Bộ KHCNMT, Bộ chủ quản và các Sở KHCNMT với chủ nhiệm Đề tài, Dự án, có sự tham gia của các cơ quan tài chính đồng cấp.

3. Nội dung chi:

Kinh phí thu hồi được chi cho các nội dung sau:

Chi cho các dự án sản xuất thử nghiệm.

Chi cho các nhiệm vụ đột xuất theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Các khoản chi phí cho công tác quản lý và thu hồi của các đơn vị làm nhiệm vụ thu hồi, được tính vào dự toán chi ngân sách hàng năm của đơn vị và do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Công tác quản lý tài chính:

Công tác lập dự toán, cấp phát kinh phí và quyết toán khoản kinh phí thu hồi được thực hiện theo các qui định chung về lập dự toán, cấp phát và quyết toán ngân sách Nhà nước theo đúng qui định của Luật Ngân sách Nhà nước, các chế độ tài chính hiện hành khác và hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung như sau:

4.1. Lập dự toán:

địa phương: Hàng năm, căn cứ vào khả năng thu hồi từ các Đề tài, Dự án khoa học và công nghệ của địa phương và tình hình ký kết các hợp đồng khoa học và công nghệ, Sở KHCNMT lập dự toán thu, chi kinh phí thu hồi, tổng hợp vào dự toán kinh phí khoa học, công nghệ và môi trường chung của địa phương gửi Sở Tài chính - Vật giá và Bộ KHCNMT.

Trung ương: Hàng năm, căn cứ vào khả năng thu hồi từ các Đề tài, Dự án khoa học và công nghệ của Trung ương và tình hình ký kết các hợp đồng khoa học và công nghệ, báo cáo tình hình thu hồi và sử dụng kinh phí của các địa phương, Bộ KHCNMT lập dự toán thu, chi kinh phí thu hồi của Trung ương và của cả nước, tổng hợp chung vào dự toán kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ và môi trường gửi Bộ Tài chính. Từ năm 1999, dự toán chi từ nguồn kinh phí thu hồi được giao cùng với dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm theo Luật Ngân sách Nhà nước.

4.2. Công tác thu, nộp kinh phí thu hồi:

Trung ương: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường mở một tài khoản chuyên thu tại Kho bạc Nhà nước Trung ương để theo dõi, quản lý các khoản kinh phí thu hồi phát sinh từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của Trung ương, có theo dõi chi tiết cho từng Bộ, Ngành và chịu trách nhiệm thực hiện công tác thu hồi kinh phí theo đúng tiến độ đã qui định trong hợp đồng ký kết.

địa phương: Các Sở KHCNMT mở tài khoản chuyên thu tại Kho bạc tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) để theo dõi và quản lý các khoản kinh phí thu hồi phát sinh từ các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của địa phương và chịu trách nhiệm thực hiện công tác thu hồi kinh phí theo đúng tiến độ đã qui định trong hợp đồng ký kết.

Các đơn vị thực hiện Đề tài, Dự án khoa học, công nghệ phải thu hồi kinh phí, có trách nhiệm nộp khoản kinh phí thu hồi đầy đủ, đúng thời gian đã ghi trong hợp đồng vào tài khoản chuyên thu do Bộ KHCNMT (đối với khối Trung ương), Sở KHCNMT (đối với khối địa phương) mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương và các tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương). Các cơ quan chủ quản của các đơn vị thực hiện Đề tài, Dự án khoa học, công nghệ phải thu hồi kinh phí có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác thu hồi kinh phí theo đúng hợp đồng đã ký kết.

4.3. Công tác cấp phát kinh phí từ nguồn thu hồi:

Căn cứ vào kinh phí thu hồi từ tài khoản chuyên thu đã nộp vào ngân sách Nhà nước, dự toán chi được duyệt và các hợp đồng đã ký kết; cơ quan tài chính cấp phát kinh phí trực tiếp cho các đơn vị thực hiện Đề tài, Dự án (hoặc cấp qua cơ quan chủ quản của các đơn vị thực hiện Đề tài, Dự án) theo tiến độ đã ghi trong hợp đồng. Đối với các Đề tài, Dự án của Trung ương nhưng thực hiện ở địa phương, Bộ Tài chính sẽ cấp kinh phí về địa phương thực hiện bằng hình thức cấp kinh phí uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá, để cấp lại cho đơn vị thực hiện Đề tài, Dự án.

Đối với các Đề tài, Dự án thực hiện trên 1 (một) năm, các đơn vị thực hiện Đề tài, Dự án phải báo cáo kết quả thực hiện và quyết toán kinh phí năm trước, thì mới được cấp phát tiếp kinh phí năm sau.

4.4. Chế độ báo cáo quyết toán:

Chế độ kế toán, mẫu biểu và quyết toán kinh phí quý, năm thực hiện theo Quyết định số 999 TC/QĐCĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ trưởng Bộ Tài chính "Về việc ban hành Hệ thống Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp" và Thông tư số 09 TC/NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn thực hiện việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước".

Đối với nguồn kinh phí thu hồi do Trung ương quản lý: Các cơ quan chủ trì Đề tài, Dự án khoa học, công nghệ báo cáo quyết toán của từng Đề tài, Dự án gửi Bộ chủ quản, để tổng hợp báo cáo quyết toán gửi Bộ Tài chính. Đối với nguồn kinh phí do Ngân sách Trung ương cấp uỷ quyền về Sở Tài chính - Vật giá, cơ quan chủ trì Đề tài, Dự án khoa học, công nghệ báo cáo quyết toán với Sở Tài chính - Vật giá để Sở Tài chính - Vật giá tổng hợp quyết toán gửi Bộ Tài chính.

Đối với nguồn kinh phí thu hồi do địa phương quản lý: Các cơ quan thực hiện Đề tài, Dự án khoa học, công nghệ báo cáo quyết toán từng Đề tài, Dự án gửi Sở chủ quản, để tổng hợp báo cáo quyết toán gửi Sở Tài chính - Vật giá.

Riêng các Đề tài, Dự án đã ký hợp đồng và nhận kinh phí từ ngân sách Nhà nước từ năm 1997 về trước: Đối với các Đề tài, Dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương thì các đơn vị thực hiện Đề tài, Dự án chịu trách nhiệm quyết toán với Bộ KHCNMT, để tổng hợp quyết toán gửi Bộ Tài chính. Đối với các Đề tài, Dự án sử dụng nguồn ngân sách địa phương thì các đơn vị thực hiện Đề tài, Dự án chịu trách nhiệm quyết toán với Sở Tài chính - Vật giá.

4.5. Công tác kiểm tra tài chính:

Hàng năm Bộ KHCNMT, Sở KHCNMT phối hợp với cơ quan tài chính đồng cấp, cơ quan chủ quản, tiến hành kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất tình hình sử dụng kinh phí của các Đề tài, Dự án khoa học, công nghệ từ nguồn kinh phí thu hồi. Trường hợp sử dụng kinh phí sai mục đích, kém hiệu quả sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện Đề tài, Dự án và thu hồi toàn bộ kinh phí đã cấp.

 

PHẦN III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, thay thế Thông tư liên Bộ số 1308/TC-KHKT ngày 24/11/1990 của Uỷ ban khoa học Nhà nước - Bộ Tài chính "Hướng dẫn chế độ thu hồi kinh phí đối với hoạt động khoa học và công nghệ" và Thông tư số 1291/KHCNMT-TC ngày 8/10/1992 của liên Bộ KHCNMT - Bộ Tài chính "Hướng dẫn trích lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của Bộ, tỉnh, thành phố", và thay thế điểm 6 Phần II Thông tư số 32 TC/HCSN ngày 13/6/1997 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn quản lý tài chính các Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 1996-2000"; áp dụng cho cả phần kinh phí đã thực hiện của năm 1996, 1997 cho các đề tài triển khai thực nghiệm, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc các Bộ, Ngành. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chủ trì Đề tài, Dự án kịp thời phản ảnh về Bộ Tài chính, Bộ KHCNMT để nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Tào Hữu Phùng

Phạm Khôi Nguyên

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.