• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/09/1996
  • Ngày hết hiệu lực: 25/12/1999
BỘ XÂY DỰNG
Số: 05-BXD/KTQH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 18 tháng 9 năm 1996

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng

_____________________

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04 tháng 03 năm 1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ các Nghị định số 91/CP ngày 17 tháng 8 năm 1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 191/CP ngày 28 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ ban hành Quy chế hình thành, thẩm định và thực hiện dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài và Nghị định số 42/CP ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng;

Bộ Xây dựng hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng các công trình như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Mục đích của việc cấp giấy phép xây dựng:

1.1. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

1.2. Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường đô thị, các di sản văn hoá lịch sử và các công trình kiến trúc có giá trị;

1.3. Bảo đảm việc xây dựng và sử dụng công trình theo quy định pháp luật và quy hoạch xây dựng;

1.4. Làm căn cứ để đăng ký sở hữu hoặc sử dụng công trình.

2. Đối tượng cấp giấy phép xây dựng và phạm vi áp dụng.

Tất cả các công trình trước khi tiến hành xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo trong đô thị và tại những khu vực ngoài đô thị có quy hoạch để xây dựng và phát triển đô thị, thì đều phải có giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp sau đây được miễn giấy phép xây dựng:

2.1. Công trình thuộc dự án nhóm A đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật, nhưng trước khi khởi công xây dựng chủ đầu tư phải gửi một bộ hồ sơ thiết kế công trình (giai đoạn thiết kế kỹ thuật) với nội dung như hồ sơ xin phép xây dựng các loại công trình quy định tại mục 1, Phần II Thông tư này đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đến cơ quan được uỷ quyền cấp giấy phép xây dựng, nơi có công trình xây dựng để kiểm tra, theo dõi và lưu trữ;

2.2. Các trường hợp sửa chữa nhỏ như trát vá, quét vôi, đảo ngói, lát nền, thay cửa (trừ trường hợp mở cửa ra đường phố chính) và các cải tạo, sửa chữa, lắp đặt các thiết bị, đường ống kỹ thuật trong nhà và trong khuôn viên, trang trí nội thất không làm ảnh hưởng xấu đến kết cấu công trình các nhà lân cận và bộ mặt kiến trúc đường phố.

3. Căn cứ để xét cấp giấy phép xây dựng:

3.1. Giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật; 3.2. Giấy tờ hợp lệ xác nhận về quyền sở hữu công trình đối với trường hợp xin cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình hiện có;

Đối với các công trình di tích văn hoá, lịch sử được xếp hạng và các công trình kiến trúc có giá trị được công nhận phải giữ gìn, bảo vệ, nếu có yêu cầu phải phá dỡ trước khi tu bổ, tôn tạo, cải tạo, xây dựng lại thì phải có giấy phép phá dỡ do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sở tại cấp và sự chấp thuận của cơ quan quản lý văn hoá thông tin cấp có thẩm quyền;

3.3. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành;

3.4. Quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt; quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng của Nhà nước hoặc của nước ngoài được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép sử dụng;

3.5. Các văn bản pháp luật có liên quan.

4. Trách nhiệm của cơ quan và cán bộ, công chức trong việc cấp giấy phép xây dựng:

4.1. Đối với cơ quan cấp giấy phép xây dựng:

a) Phải có đủ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

b) Chuẩn bị đầy đủ các căn cứ cấp giấy phép xây dựng;

c) Niêm yết công khai trình tự và các thủ tục hành chính về cấp giấy phép xây dựng tại nơi tiếp dân;

d) Có lịch tiếp dân và giải quyết kịp thời các khiếu tố, khiếu nại của các tổ chức và công dân về việc cấp phép xây dựng;

e) Khi tổ chức, cá nhân xin phép xây dựng có những vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, phải cử cán bộ, công chức có thẩm quyền hướng dẫn và trực tiếp giải quyết vướng mắc đó;

f) Sau khi cấp phép xây dựng, phải tổ chức kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện xây dựng theo giấy phép đã cấp; phát hiện và có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật;

g) Phải đảm bảo thời hạn xét cấp giấy phép xây dựng theo quy định:

- Đối với nhà ở tư nhân có quy mô nhỏ thì thời gian xét cấp giấy phép xây dựng không quá 30 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

- Đối với các công trình khác thì thời gian xét cấp giấy phép xây dựng không quá 45 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

- Trường hợp nhà có nguy cơ sụp đổ, có sự xác nhận của phòng quản lý xây dựng của quận, huyện thì thời gian xét cấp giấy phép xây dựng không quá 10 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

- Đối với các công trình có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì thời gian xét cấp giấy phép xây dựng không quá 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

h) Chịu trách nhiệm về chuyên môn thuộc lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc đô thị do việc cấp giấy phép xây dựng gây ra;

i) Thu và sử dụng lệ phí cấp giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật;

4.2. Đối với cán bộ, công chức cấp giấy phép xây dựng:

Cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ giải quyết việc cấp giấy phép xây dựng phải có đủ các tiêu chuẩn tối thiểu sau:

a) Tốt nghiệp đại học ngành kiến trúc hoặc xây dựng;

b) Phải được tuyển dụng qua thi tuyển hoặc kiểm tra sát hạch đối với người mới vào làm việc và phải qua lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý;

c) Phải nắm vững pháp luật về xây dựng và quản lý đô thị, trình tự, thủ tục hành chính và có năng lực tổ chức thực hiện, giải quyết nhanh gọn công việc theo nhiệm vụ được phân công; tôn trọng kỷ luật, có phong cách làm việc, ý thức và thái độ phục vụ tận tình nhân dân;

d) Phải chịu trách nhiệm về kết quả phần việc của mình được giao thực hiện trong việc giải quyết cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.

5. Trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân xin phép xây dựng.

5.1. Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định pháp luật và giấy phép xây dựng được cấp;

5.2. Báo cáo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền biết để có biện pháp xử lý đối với các cán bộ, công chức thuộc cơ quan cấp giấy phép xây dựng có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu hoặc tiêu cực.

5.3. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hậu quả gây ra, nếu thực hiện không đúng giấy phép xây dựng được cấp;

5.4. Chịu trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại cho chủ sở hữu các công trình có trên mặt đất, ngầm và trên không có liên quan do việc xây dựng công trình của mình gây ra.

6. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiết kế, thẩm định thiết kế và thi công:

Tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế, thẩm định thiết kế và thi công công trình phải chịu trách nhiệm về kết quả công việc của mình thực hiện theo quy định của pháp luật.

II. THỦ TỤC VÀ HỒ SƠ XIN CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG

1. Hồ sơ xin cấp phép xây dựng các công trình riêng lẻ:

1.1. Nhà ở

1.1.1. Hồ sơ xin phép xây dựng mới nhà ở, gồm:

a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do chủ đầu tư đứng tên;

b) Bản sao hợp pháp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất hoặc những giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, kèm theo trích lục bản đồ tỷ lệ 1/200-1/500.

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí công trình;

- Mặt bằng lô đất tỷ lệ 1/200 - 1/500;

- Mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200;

- Sơ đồ hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải, tỷ lệ 1/100 - 1/200.

1.1.2. Hồ sơ xin phép cải tạo, sửa chữa, mở rộng nhà ở hiện có:

a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do chủ đầu tư đứng tên;

b) Bản sao hợp pháp giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, kèm theo trích lục bản đồ tỷ lệ 1/200 - 1/500.

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí công trình;

- Mặt bằng lô đất tỷ lệ 1/200 - 1/500;

- Mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200.

- Sơ đồ hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải tỷ lệ 1/100 - 1/200.

d) ảnh chụp khổ 9x12 cm mặt chính công trình có không gian liền kề trước khi cải tạo, sửa chữa và mở rộng.

1.1.3. Hồ sơ xin phép cải tạo, sửa chữa, mở rộng nhà ở, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý hoặc thuộc các hình thức sở hữu khác: a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do đại diện hợp pháp chủ sở hữu nhà đứng tên;

b) Bản sao hợp pháp giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, kèm theo bản đồ trích lục tỷ lệ 1/200 - 1/500.

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí công trình;

- Mặt bằng lô đất tỷ lệ 1/200 - 1/500;

- Mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200.

- Sơ độ hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải, tỷ lệ 1/100 - 1/200.

d) ảnh chụp khổ 9x12cm mặt chính công trình có không gian liền kề trước khi cải tạo, sửa chữa và mở rộng;

1.1.4. Hồ sơ thiết kế nhà ở đã nói tại các điểm 1.1.1, 1.1.2 và 1.1.3, khoản 1.1, mục 1, phần II Thông tư này được lập và thẩm định, phê duyệt như sau:

a) Đối với nhà ở có chiều cao từ 3 tầng trở xuống (một trệt + 2 lầu) và có diện tích sàn không quá 200 m2, thì chủ đầu tư có thể tự lập hồ sơ thiết kế theo quy định và phải tự chịu trách nhiệm về an toàn, bền vững công trình của mình.

b) Đối với các loại nhà ở còn lại, tuỳ theo quy mô, tính chất công trình hồ sơ thiết kế phải được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định hiện hành;

c) Khi tiếp nhận hồ sơ xin phép xây dựng nhà ở của dân, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải cử cán bộ, công chức có năng lực và thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ xin phép xây dựng; nếu có những thành phần hồ sơ không đạt yêu cầu chuyên môn quy định, thì người tiếp nhận hồ sơ phải chỉ ra ngay những thiếu sót và nói rõ yêu cầu cụ thể cần điều chỉnh, bổ sung để người xin phép xây dựng có căn cứ hoàn chỉnh hồ sơ xin phép xây dựng theo đúng quy định.

1.2. Công trình công nghiệp, dịch vụ và các công trình dân dụng không phải nhà ở.

1.2.1. Hồ sơ xin phép xây dựng công trình trên đất mới được giao hoặc thuê:

a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do chủ đầu tư đứng tên;

b) Bản sao hợp pháp giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất, hợp đồng thuế đất kèm theo trích lục bản đồ tỷ lệ 1/200 - 1/500.

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí công trình;

- Mặt bằng lô đất, tỷ lệ 1/200 - 1/500;

- Mặt bằng các tầng tỷ lệ 1/100 - 1/200.

- Các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200;

- Sơ đồ hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải tỷ lệ 1/100-1/200.

d) Bản sao quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với các dự án đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước thì phải có bản sao văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình của tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân thẩm định thiết kế kỹ thuật.

1.2.2. Hồ sơ xin phép xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo công trình trên khu đất hiện có đang sử dụng hợp pháp:

a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do chủ đầu tư đứng tên;

b) Bản sao hợp pháp giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất và sở hữu công trình, kèm theo trích lục bản đồ tỷ lệ 1/200 - 1/500;

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí công trình;

- Mặt bằng lô đất tỷ lệ 1/200 - 1/500;

- Mặt bằng các tầng, mặt cắt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200.

- Sơ đồ hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải tỷ lệ 1/100 - 1/200.

d) Bản sao quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình của tổ chức tư vấn có tư cách pháp nhân thẩm định thiết kế kỹ thuật (đối với các dự án đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước).

e) Đối với công trình cải tạo, sửa chữa phải có ảnh chụp khổ 9x12 cm mặt chính công trình có không gian liền kề trước khi cải tạo, sửa chữa.

g) Các yêu cầu khác:

- Đối với công trình có yêu cầu thay đổi chức năng, mục đích sử dụng đất, nhưng không thay đổi ranh giới đất, thì phải được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 23 Luật đất đai.

- Đối với các công trình di tích văn hoá, lịch sử hoặc kiến trúc có giá trị được Nhà nước công nhận, xếp hạng phải có giấy phép phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1.3. Công trình có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài:

1.3.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng các công trình có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài gồm:

a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do chủ đầu tư đứng tên.

b) Bản sao hợp pháp quyết định cho thuê đất hoặc Hợp đồng thuê đất, kèm theo trích lục bản đồ tỷ lệ 1/200 - 1/500;

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí công trình;

- Mặt bằng lô đất tỷ lệ 1/200-1/500;

- Mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200.

- Sơ đồ hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải tỷ lệ 1/100 - 1/200.

d) Bản sao Giấy phép đầu tư và Văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hiện hành.

1.3.2. Đối với các công trình của các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế thì tuân thủ theo Hiệp định mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết (nếu có).

1.4. Công trình tôn giáo:

Hồ sơ xin phép xây dựng các công trình tôn giáo, gồm:

a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do chủ đầu tư đứng tên;

b) Bản sao hợp pháp giấy tờ về quyền sử dụng đất, kèm theo trích lục bản đồ tỷ lệ 1/200 - 1/500;

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mỗi bộ gồm:

- Sơ đồ vị trí công trình;

- Mặt bằng lô đất tỷ lệ 1/200 - 1/500;

- Mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200.

- Sơ đồ hệ thống thoát nước mưa và xử lý nước thải tỷ lệ 1/100 - 1/200.

d) Bản sao văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định hiện hành.

e) Văn bản chấp thuận của Ban tôn giáo cấp tỉnh.

1.5. Công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

1.5.1. Hồ sơ xin phép xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nếu là công trình kiến trúc như nhà ga, nhà máy nước, trạm biến thế, bưu điện, tháp truyền hình v.v... thì lập theo quy định như đối với các công trình nhà ở, công nghiệp, dịch vụ và các công trình dân dụng.

1.5.2. Đối với các công trình cơ sở hạ tầng xây dựng theo tuyến như đường sá, đường dây tải điện, các tuyến cấp thoát nước, dẫn khí v. v... thì hồ sơ xin phép xây dựng gồm:

a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do chủ đầu tư đứng tên;

b) Quyết định giao đất hoặc hợp đồng thuê đất kèm theo trích lục bản đồ khu đất tỷ lệ 1/500 - 1/2000;

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế, mỗi bộ gồm:

- Mặt bằng vị trí tuyến công trình tỷ lệ 1/2000 - 1/5000;

- Mặt bằng tổng thể công trình tỷ lệ 1/500;

- Mặt cắt chủ yếu thể hiện bố trí tổng hợp đường dây, đường ống tỷ lệ 1/100 - 1/200.

d) Bản sao quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1.6. Công trình xây dựng để sử dụng tạm thời như lán trại công trường, trưng bày triển lãm, công trình quảng cáo, công trình phụ trợ phục vụ thi công v.v...

Tuỳ theo qui mô, tính chất và thời gian sử dụng, hồ sơ xin cấp phép xây dựng có thể giảm bớt so với các công trình xây dựng kiên cố khác để đảm bảo việc xây dựng nhanh chóng.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qui định mức độ giảm bớt các thành phần hồ sơ xin phép xây dựng các loại công trình này.

Đối với việc xây dựng các công trình quảng cáo, trước khi xin giấy phép xây dựng, phải có văn bản chấp thuận của Sở Văn hoá - Thông tin về nội dung quảng cáo.

2. Hồ sơ xin phép xây dựng các công trình tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu dân cư tập trung.

2.1. Hồ sơ xin phép xây dựng công trình hoặc cụm công trình theo các dự án riêng lẻ.

Đối với các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoặc các công trình nhà ở, dịch vụ, sản xuất kinh doanh và các loại công trình khác do từng chủ đầu tư xây dựng trên các lô đất được giao hoặc được thuê lại để thực hiện xây dựng theo các dự án riêng lẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu dân cư tập trung, thì hồ sơ xin phép xây dựng được lập như đối với các công trình đã qui định tại mục 1, phần II Thông tư này.

2.2. Hồ sơ xin phép xây dựng cho toàn bộ dự án hoặc một phần dự án.

2.2.1. Đối tượng và điều kiện áp dụng.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng, các dự án phát triển nhà và các dự án xây dựng các khu đô thị tập trung khác, việc cấp giấy phép xây dựng có thể tiến hành một lần (nếu cả dự án chỉ thực hiện theo một giai đoạn) với điều kiện chủ đầu tư phải chuẩn bị đủ hồ sơ thiết kế kỹ thuật các hạng mục công trình có trong dự án khi xin phép xây dựng hoặc nhiều lần nếu dự án thực hiện theo nhiều giai đoạn theo phân kỳ đầu tư.

2.2.2. Hồ sơ xin phép xây dựng cho dự án thực hiện theo một giai đoạn:

a) Đơn xin phép xây dựng (theo mẫu), do chủ đầu tư đứng tên;

b) Quyết định giao đất hoặc hợp đồng cho thuê đất, kèm theo trích lục bản đồ khu đất tỷ lệ 1/500;

c) Ba bộ hồ sơ thiết kế của các công trình do tổ chức hoặc cá nhân có giấy phép hành nghề lập, mỗi bộ gồm:

- Đối với các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

+ Mặt bằng tổng thể (có định vị và cắm mốc từng công trình) toàn khu đất xây dựng theo dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tỷ lệ 1/200 - 1/500;

+ Mặt bằng từng công trình tỷ lệ 1/200 - 1/500, kèm theo các mặt cắt chủ yếu thể hiện bố trí tổng hợp đường dây đường ống tỷ lệ 1/100 - 1/200.

- Đối với công trình xây dựng trên mặt đất (nhà ở, sản xuất, dịch vụ, kinh doanh):

+ Sơ đồ vị trí công trình;

+ Mặt bằng lô đất tỷ lệ 1/200 - 1/500;

+ Mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chủ yếu công trình, tỷ lệ 1/100 - 1/200;

+ Sơ đồ hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải của các công trình trên mặt đất tỷ lệ 1/100 - 1/200.

Đối với các công trình xây dựng theo một mẫu thống nhất, thì chỉ thể hiện các bản vẽ thiết kế kỹ thuật của một công trình và ghi rõ các công trình khác trong dự án cũng áp dụng mẫu đó.

d) Bản sao các văn bản thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật của cơ quan nhà nước thẩm quyền.

2.2.3. Hồ sơ xin phép xây dựng cho dự án thực hiện theo nhiều giai đoạn:

Đối với dự án thực hiện theo nhiều giai đoạn, thì hồ sơ xin phép xây dựng mỗi giai đoạn cũng được lập như hồ sơ xin phép xây dựng cho dự án thực hiện theo một giai đoạn như đã quy định tại điểm 2.2.2 khoản 2.2 mục 2, phần II Thông tư này.

3. Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng

3.1. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép xây dựng các công trình thuộc lãnh thổ mình quản lý.

Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng thành phố (đối với các địa phương đã có Kiến trúc sư trưởng), giúp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc cấp giấy phép xây dựng và thẩm định hồ sơ xin phép xây dựng để trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép xây dựng theo đúng quy định pháp luật;

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW có thể uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng (đối với các địa phương đã có Kiến trúc sư trưởng) trực tiếp cấp giấy phép xây dựng các công trình thuộc địa phương mình.

Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng, khi được uỷ quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật và phải thường xuyên báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết về tình hình cấp giấy phép xây dựng tại địa phương mình.

3.2. Chủ tịch UBND thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân và các công trình có quy mô nhỏ theo sự phân cấp của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Khi được phân cấp cấp giấy phép xây dựng Chủ tịch UBND thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện phải chuẩn bị đủ cán bộ hiểu biết nghiệp vụ chuyên môn, các căn cứ và điều kiện cấp giấy phép xây dựng.

Khi cấp giấy phép xây dựng các công trình được phân cấp, Chủ tịch UBND các thành phố trực thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện phải thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật và sự chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn của Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng thành phố (đối với địa phương đã có Kiến trúc sư trưởng) và phải thường xuyên báo cáo về tình hình cấp giấy phép xây dựng cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thông báo cho Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng thành phố (đối với các địa phương đã có Kiến trúc sư trưởng).

Căn cứ điều kiền cụ thể của mỗi địa phương Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng (đối với các địa phương đã có Kiến trúc sư trưởng) lập phương án tổ chức việc cấp phép xây dựng, trong đó phải phân loại và phân định rõ từng khu vực, vị trí các công trình và thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đối với từng khu vực và từng loại công trình để Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Đối với các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh việc quy định về cấp phép xây dựng, phân định khu vực và phân loại các công trình để phân cấp cấp phép xây dựng do Chủ tịch UBND thành phố ban hành, sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

3.3. Ban quản lý khu chế xuất hoặc khu công nghiệp tập trung cấp giấy phép xây dựng các công trình trong phạm vi ranh giới khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung do Chính phủ thành lập theo đúng quy định pháp luật và sự hướng dẫn nghiệp vụ của Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng thành phố (đối với địa phương đã có Kiến trúc sư trưởng) và phải báo cáo thường xuyên tình hình cấp phép xây dựng cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời thông báo cho Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng thành phố (đối với các địa phương đã có Kiến trúc sự trưởng) biết.

III. TRÌNH TỰ CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG VÀ KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN GIẤY PHÉP XÂY DỰNG

Trình tự cấp giấy phép xây dựng và theo dõi quá trình thực hiện giấy phép xây dựng được tiến hành như sau:

1. Tiếp nhận và phân loại hồ sơ xin phép xây dựng

Cơ quan cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có nhiệm vụ cử cán bộ có đủ thẩm quyền và năng lực tiếp nhận hồ sơ xin phép xây dựng, kiểm tra nội dung và quy cách hồ sơ, sau đó phân loại ghi vào sổ theo dõi.

Khi nhận đầy đủ hồ sơ, người tiếp nhận hồ sơ phải ghi mã số vào phiếu nhận, có chữ ký của bên giao, bên nhận hồ sơ và có giấy hẹn ngày giải quyết. Phiếu nhận hồ sơ làm thành 2 bản, một giao cho chủ đầu tư và một bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Trong thời gian tối đa là 7 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, người tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng phải trực tiếp thông báo bằng văn bản cho đương sự biết về yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ. Chủ đầu tư có quyền đề nghị người tiếp nhận hồ sơ giải thích rõ những yêu cầu cần bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ và người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm đáp ứng đề nghị đó của đương sự. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời gian thụ lý hồ sơ.

Trường hợp từ chối cấp giấy phép xây dựng, thì người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ xin giấy phép xây dựng phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối cho đương sự biết.

2. Tham vấn ý kiến các tổ chức có liên quan.

Tuỳ theo yêu cầu, đặc điểm của từng công trình, cơ quan cấp giấy phép xây dựng gửi văn bản tham vấn ý kiến cho các tổ chức có liên quan như: địa chính, văn hoá, y tế, công nghệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, giao thông công chính, quốc phòng... và chính quyền cơ sở sở tại.

Sau 10 ngày kể từ khi nhận được công văn xin ý kiến tham vấn, các tổ chức và cá nhân được hỏi ý kiến phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

Đối với những công trình lớn, phức tạp, ở vị trí quan trọng trong đô thị, có yêu cầu cao về mỹ quan kiến trúc, nghệ thuật, bảo vệ cảnh quan, môi trường thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức lấy ý kiến tư vấn của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch cấp tỉnh.

3. Giải quyết các khiếu nại

Khi nhận được khiếu nại trong việc cấp giấy phép xây dựng thì cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải cử cán bộ có đủ khả năng và thẩm quyền nhận đơn và trả lời cho chủ đầu tư.

Trường hợp chủ đầu tư vẫn không thống nhất với ý kiến trả lời của người đại diện cơ quan cấp giấy phép xây dựng, thì Thủ trưởng cơ quan cấp giấy phép xây dựng (Chủ tịch UBND quận, huyện, Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng) phải trực tiếp gặp và giải quyết khiếu nại đó của dân hoặc chủ đầu tư; nếu chủ đầu tư vẫn không thống nhất với cách giải quyết của Thủ trưởng cơ quan cấp giấy phép xây dựng, thì khiếu nại lên cơ quan cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

4. Thẩm tra hồ sơ, quyết định cấp giấy phép và thu lệ phí.

Căn cứ vào hồ sơ xin phép xây dựng, các ý kiến tham vấn, chứng chỉ quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại thực địa để quyết định hoặc từ chối cấp giấy phép xây dựng.

Giấy phép xây dựng được lập thành 2 bản chính, một bản cấp cho chủ đầu tư và một bản lưu ở cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Trường hợp giấy phép xây dựng bị mất thì chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng biết để xử lý.

Trước khi giao giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng thu lệ phí theo quy định của Nhà nước.

Trước khi khởi công, chủ đầu tư phải thông báo ngày khởi công cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng và chính quyền sở tại cấp phường biết.

Trong thời hạn 12 tháng kể từ khi nhận được giấy phép xây dựng mà công trình vẫn chưa có điều kiện khởi công thì chủ đầu tư phải xin phép gia hạn. Thời hạn gia hạn thêm là 12 tháng, quá thời hạn trên, giấy phép xây dựng không có giá trị.

5. Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện giấy phép xây dựng

Các chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định tại giấy phép xây dựng.

Khi có nhu cầu thay đổi, bổ sung những nội dung ghi trong giấy phép xây dựng, thì chủ đầu tư phải xin thay đổi giấy phép xây dựng, trong đó phải giải trình rõ lý do và nội dung sửa đổi.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng xem xét và quyết định sửa đổi, bổ sung giấy phép xây dựng trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày khi nhận được văn bản giải trình của chủ đầu tư.

Khi tiến hành định vị công trình, xác định cao độ nền cốt ‘0.00, xây móng và công trình ngầm, chủ đầu tư phải báo cáo cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng để cử cán bộ đến kiểm tra tại hiện trường, đóng dấu, ký tên và xác nhận việc thi công công trình theo đúng giấy phép xây dựng đã cấp. Sau 3 ngày kể từ khi nhận được giấy báo của chủ đầu tư, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải cử người đến kiểm tra, xác minh tại hiện trường. Nếu quá 3 ngày mà vẫn không có cán bộ, công chức của cơ quan cấp giấy phép đến, thì chủ đầu tư được tiếp tục triển khai việc thi công công trình. Mọi sai sót do việc kiểm tra chậm trễ gây ra, cơ quan cấp giấy phép phải chịu trách nhiệm.

Các giai đoạn thi công còn lại thì chủ đầu tư phải thi công theo đúng giấy phép xây dựng được cấp. Trường hợp chủ đầu tư xây dựng sai với quy định của giấy phép xây dựng thì phải được xử lý theo quy định pháp luật, sau đó mới được tiếp tục thi công.

Khi công tình đã được xây dựng xong, phải tiến hành nghiệm thu theo đúng quy định của Bộ Xây dựng tại Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng. Cơ quan cấp giấy phép xây dựng xác nhận công trình đã xây dựng đúng giấy phép xây dựng được cấp để làm căn cứ cho chủ đầu tư đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình và khai thác sử dụng công trình.

6. Lưu trữ hồ sơ xin phép xây dựng và hoàn công

Cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ cấp giấy phép xây dựng và hồ sơ hoàn công để quản lý chặt chẽ việc cải tạo và xây dựng các công trình.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc cấp giấy phép xây dựng đảm bảo nhanh gọn, chặt chẽ, chính xác, thường xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý, uốn nắn kịp thời những sai sót và các hành vi tiêu cực;

2. Giám đốc Sở Xây dựng hoặc Kiến trúc sư trưởng thành phố (đối với các địa phương đã có Kiến trúc sư trưởng) căn cứ vào quy định tại Nghị định 91/CP ngày 17/8/1994, Nghị định 191/CP ngày 28/12/1994, Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ và Thông tư này giúp Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thực hiện cấp giấy phép xây dựng tại địa phương;

3. Chủ tịch UBND các thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, huyện khi được phân cấp cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm kiện toàn công tác tổ chức và chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng đúng với quy định pháp luật;

4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này đều không có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng để nghiên cứu giải quyết.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Ngô Xuân Lộc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.