• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2016
CHÍNH PHỦ
Số: 115/2015/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vĩnh Long, ngày 11 tháng 11 năm 2015

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết một sđiều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc

________________________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo him xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một ln đối với người lao động;

Theo đnghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một sđiều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

e) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

g) Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với các hợp đồng sau:

a) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

b) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

c) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;

d) Hợp đồng cá nhân.

Các đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.

3. Người lao động quy định tại Nghị định này thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Riêng người lao động quy định tại các Điểm e và g Khoản 1 và các Điểm a, c và d Khoản 2 Điều này chỉ thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất.

4. Người lao động quy định tại các Điểm a và b Khoản 1 Điều này là người giúp việc gia đình và người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hằng tháng dưới đây thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:

a) Người đang hưởng lương hưu hằng tháng;

b) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;

c) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

d) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng (sau đây gọi là Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg); Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động (sau đây gọi là Quyết định số 613/QĐ-TTg);

đ) Quân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

5. Người sử dụng lao động quy định tại Khoản 3 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chương II

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Mục 1

CHẾ ĐỘ THAI SẢN CỦA LAO ĐỘNG NỮ MANG THAI HỘ VÀ NGƯỜI MẸ NHỜ MANG THAI HỘ

Điều 3. Chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ

Chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

2. Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3. Lao động nữ mang thai hộ khi sinh con mà có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội thì được hưởng các chế độ sau:

a) Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con;

b) Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội;

Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ là thời điểm ghi trong văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

c) Sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này, trong 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 41 của Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con.

4. Khi lao động nữ mang thai hộ sinh con thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội.

5. Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ.

Trường hợp lao động nữ mang thai hộ đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

6. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này lao động nữ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp lao động nữ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 4. Chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ

Chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng các chế độ sau:

a) Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này;

Trường hợp lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau, thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

b) Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 01 tháng;

Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

c) Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết hoặc gặp rủi ro mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền khi con chưa đủ 06 tháng tuổi thì người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Trường hợp người cha nhờ mang thai hộ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng quy định tại Điểm c Khoản này đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Trường hợp sau khi sinh con, nếu con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết thì người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Mức hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ.

3. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian này người mẹ nhờ mang thai hộ và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm nhận con thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Điều 5. Thủ tục hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ

1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, bao gồm:

a) Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú;

b) Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

2. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ khi sinh con, bao gồm:

a) Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

b) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

c) Danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập;

d) Trường hợp con chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì có thêm bản sao giấy chứng tử của con;

đ) Trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì có thêm trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ;

e) Trong trường hợp sau khi sinh con mà lao động nữ mang thai hộ chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử của lao động nữ mang thai hộ;

g) Trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì có thêm giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

3. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ thực hiện theo quy định tại Điều 103 của Luật Bảo hiểm xã hội.

4. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người mẹ nhờ mang thai hộ khi lao động nữ mang thai hộ sinh con, bao gồm:

a) Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định tại Điều 96 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ;

b) Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;

c) Danh sách người lao động hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập;

d) Trong trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử;

đ) Trong trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con thì có thêm giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

e) Trong trường hợp con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử của con.

5. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người chồng khi lao động nữ mang thai hộ sinh con theo quy định tại Khoản 4 Điều 101 của Luật Bảo hiểm xã hội.

6. Giải quyết hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội.

a) Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điểm a Khoản 1, các Điểm a, b, d, đ, e và g Khoản 2 và các Điểm a, b, d, đ và e Khoản 4 và Khoản 5 Điều này cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

c) Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Việc giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định được thực hiện theo quy định tại Điều 116 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Mục 2

CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

Điều 6. Điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò được hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội. Công việc khai thác than trong hầm lò do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu.

Điều 7. Mức lương hưu hằng tháng

Mức lương hưu hằng tháng tại Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

2. Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính như sau:

a) Người lao động nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;

c) Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Năm nghỉ hưu

Số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 45%

2018

16 năm

2019

17 năm

2020

18 năm

2021

19 năm

Từ 2022 trở đi

20 năm

 

3. Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu quy định tại Khoản 3 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội được xác định như sau:

a) Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ;

b) Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ;

c) Người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định này thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi;

d) Trường hợp hồ sơ của người lao động không xác định được ngày, tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để tính tuổi làm cơ sở tính số năm nghỉ hưu trước tuổi.

Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

5. Hồ sơ, giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại Điều 109 và các Khoản 3, 4 Điều 110 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 9. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần quy định tại Điều 62 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

a) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

c) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

d) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

đ) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

e) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

g) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

2. Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

3. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều này căn cứ vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp chưa đủ số năm quy định tại Khoản 1 Điều này thì tính bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

4. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên theo các mức tiền lương thuộc công việc sau đây chuyển sang làm công việc khác mà đóng bảo hiểm xã hội có mức lương thấp hơn thì khi nghỉ hưu được lấy mức lương cao nhất của công việc nêu tại Điểm a dưới đây hoặc mức tiền lương trước khi chuyển ngành tương ứng với số năm quy định tại Khoản 1 Điều này để tính mức bình quân tiền lương làm cơ sở tính hưởng lương hưu:

a) Đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định;

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân, sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân chuyển ngành làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

5. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng bảo hiểm xã hội.

6. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành nghề không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu không có phụ cấp thâm niên nghề thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu, cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) tính theo thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp thâm niên nghề, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm cơ sở tính lương hưu.

Trường hợp người lao động chuyển sang ngành nghề được hưởng phụ cấp thâm niên nghề và trong tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu đã có phụ cấp thâm niên nghề thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 10. Điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội

Việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh như quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm

=

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm

x

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

 

a) Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm và được xác định bằng biểu thức sau:

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm t

=

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người lao động hưởng bảo hiểm xã hội tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%

 

Trong đó:

- t là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh;

- Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm t được lấy tròn hai số lẻ và mức thấp nhất bằng 1 (một).

b) Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của các năm trước năm 1995 được lấy bằng mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm 1994.

3. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, trên cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều này và chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm do Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Điều 11. Chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chế độ hưu trí đối với người trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Điều 71 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Thời gian tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Người lao động có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều này.

3. Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 4 Điều này.

4. Mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần được tính theo công thức sau:

Mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội

=

Tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

+

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

x

Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

+

Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

                 
 

Trong đó:

- Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 9 của Nghị định này.

- Mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là mức thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 79 của Luật Bảo hiểm xã hội.

5. Người lao động có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì:

a) Điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được thực hiện theo các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54, Điều 55 của Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 6 của Nghị định này;

b) Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở, trừ đối tượng quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.

6. Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo quy định tại Điều 58 của Luật Bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 4 Điều này.

7. Bảo hiểm xã hội một lần của người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính trên cơ sở mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 4 Điều này.

Mục 3

CHẾ ĐỘ TỬ TUẤT

Điều 12. Chế độ tử tuất đối với thân nhân của người lao động chết mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Chế độ tử tuất đối với thân nhân của người lao động chết mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Điều 71 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Thời gian tính hưởng chế độ tử tuất là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc.

2. Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chết thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên;

b) Người lao động có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên;

c) Người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Người đang hưởng lương hưu; hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

3. Người quy định tại Khoản 2 Điều này bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng Tòa án tuyên bố là đã chết.

4. Người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì thân nhân đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng:

a) Đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên;

Trường hợp người lao động còn thiếu tối đa không quá 6 tháng để đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, thì thân nhân được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi chết;

b) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

d) Đang hưởng lương hưu mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên.

Mức trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật bảo hiểm xã hội.

5. Thân nhân của người lao động bị chết được hưởng trợ cấp tuất một lần thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Người lao động chết không thuộc quy định tại Khoản 4 Điều này;

b) Người lao động chết thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này nhưng không có thân nhân hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội.

c) Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

6. Mức trợ cấp tuất một lần:

a) Đối với thân nhân của người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều 70 của Luật Bảo hiểm xã hội và được tính trên cơ sở mức bình quân thu nhập và tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Khoản 4 Điều 11 của Nghị định này.

b) Đối với thân nhân người đang hưởng lương hưu chết được tính theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 của Luật Bảo hiểm xã hội.

c) Đối với thân nhân người lao động đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì trợ cấp tuất một lần được giải quyết như đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì mức trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang hưởng.

Điều 13. Chế độ tử tuất đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp tuất hằng tháng

1. Người đang hưởng lương hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người đang hưởng lương hưu chết, đồng thời thân nhân được nhận trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần theo quy định tại Mục 5 Chương III của Luật bảo hiểm xã hội và quy định tại Mục 3 Chương II của Nghị định này.

2. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì:

a) Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động chết;

b) Thân nhân theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại Điều 68 của Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp không có thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần bằng 3 tháng mức trợ cấp mất sức lao động hằng tháng đang hưởng trước khi chết.

3. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đã nghỉ việc mà chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người đang hưởng trợ cấp chết, đồng thời thân nhân được hưởng trợ cấp tuất như sau:

a) Đối với người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chết thì thân nhân đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;

b) Đối với trường hợp đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi chết không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này mà có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì thực hiện chế độ tử tuất đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội chết.

4. Người vừa hưởng lương hưu vừa hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi chết thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất như người đang hưởng lương hưu chết.

5. Thân nhân dưới 18 tuổi đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 được tiếp tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng cho đến khi đủ 18 tuổi, trừ trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Điều 14. Giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân là thành viên khác và trợ cấp tuất một lần

1. Thân nhân là thành viên khác trong gia đình quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 67 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 18 tuổi được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng cho đến khi đủ 18 tuổi, không cần điều kiện bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

2. Trường hợp có nhiều thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất một lần thì các thân nhân phải có biên bản thống nhất cử người đại diện nhận trợ cấp.

Chương III

QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Điều 15. Mức đóng và phương thức đóng của người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

1. Người lao động quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, trong thời gian hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thì mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất như sau:

a) Bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó của người lao động, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

b) Bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

2. Phương thức đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.

3. Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có phu nhân hoặc phu quân có trách nhiệm:

a) Thu tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của phu nhân hoặc phu quân theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;

b) Thực hiện thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều 97 và Khoản 1 Điều 99 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 16. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điều 88 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Các trường hợp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;

b) Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

2. Điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

Người sử dụng lao động thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi có một trong các điều kiện sau:

a) Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên;

b) Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

3. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, người sử dụng lao động vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người sử dụng lao động và người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí và tử tuất hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thực hiện đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng để giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian tạm dừng đóng.

b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại Điểm a Khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội.

4. Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người lao động và người sử dụng lao động đảm bảo điều kiện quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này. Thời điểm tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tính từ tháng người sử dụng lao động có văn bản đề nghị.

5. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam được thực hiện như sau:

a) Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội;

b) Sau thời gian tạm giam, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.

Trường hợp người lao động là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thì người lao động và người sử dụng lao động thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội.

Các trường hợp khác thì việc đóng bù thông qua người sử dụng lao động trên cơ sở tiền đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đảm bảo;

c) Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội;

d) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì không thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị tạm giam.

6. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này, khi tạm thời bị mất việc làm được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài xác nhận thì thời gian này được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Sau thời gian tạm thời mất việc làm nếu người lao động trở lại làm việc thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội theo quy định, không thực hiện việc đóng bù bảo hiểm xã hội cho thời gian bị mất việc làm tạm thời.

7. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác định số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tạm thời nghỉ việc, giá trị tài sản bị thiệt hại quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 17. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do đại hội thành viên quyết định.

Điều 18. Truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Khoản 4 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người sử dụng lao động trừ các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật Bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:

1. Các trường hợp truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động, người sử dụng lao động bao gồm:

a) Điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động;

b) Đóng bù thời gian chưa đóng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động.

2. Số tiền truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:

a) Đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này số tiền truy thu không phải tính lãi chậm đóng.

Trường hợp sau 6 tháng kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng bảo hiểm xã hội thì số tiền truy thu bảo hiểm xã hội được tính bao gồm số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

b) Lãi suất truy thu được lấy bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề của năm tính truy thu.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Điều 19. Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội

1. Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về các hình thức đầu tư và cơ cấu đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội trên cơ sở đề nghị của cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội theo quyết định của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội. Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.

3. Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội được bổ sung vào quỹ bảo hiểm xã hội, trích chi phí quản lý bảo hiểm xã hội.

Chương IV

QUY ĐỊNH CHUYỂN TIẾP

Điều 20. Quy định chuyển tiếp đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016

1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền tuất hằng tháng, trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc, người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động hiện đang hưởng trợ cấp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì vẫn thực hiện theo quy định trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Chính phủ.

2. Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này đang bị dừng hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì việc giải quyết tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện theo các quy định trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Điều 21. Phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội

1. Đối tượng áp dụng

a) Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần hoặc chết kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, mà trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực;

b) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 đang hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú có phụ cấp khu vực.

2. Chế độ hưởng

a) Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.

Thân nhân của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần mà bị chết từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở về sau thì ngoài trợ cấp tuất theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.

b) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, thường trú tại nơi có phụ cấp khu vực thì được tiếp tục hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương cơ sở) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.

Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thay đổi nơi thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực thì được hưởng mức phụ cấp khu vực theo mức phụ cấp khu vực tại nơi thường trú mới; trường hợp nơi thường trú mới không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực.

Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thường trú tại nơi không có phụ cấp khu vực và không hưởng phụ cấp khu vực mà từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thay đổi nơi thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực thì cũng không được hưởng phụ cấp khu vực.

3. Cách tính mức trợ cấp một lần:

Đối với trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này thì mức trợ cấp một lần được tính theo thời gian, tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hệ số phụ cấp khu vực và mức tiền lương cơ sở tại thời điểm giải quyết. Hệ số phụ cấp khu vực được xác định như sau:

a) Đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến 31 tháng 12 năm 2006 thì hệ số phụ cấp khu vực tính trợ cấp một lần là hệ số phụ cấp khu vực thực tế đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội;

b) Đối với thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì hệ số phụ cấp khu vực được tính theo hệ số phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật về phụ cấp khu vực;

c) Đối với thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 và chiến trường K trước ngày 31 tháng 8 năm 1989 thì được áp dụng mức phụ cấp khu vực hệ số 0,7 để tính trợ cấp một lần.

4. Nguồn kinh phí thực hiện chi trả chế độ trợ cấp một lần và phụ cấp khu vực đối với đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này như sau:

a) Ngân sách nhà nước chi trả chế độ trợ cấp một lần đối với thời gian công tác ở nơi có phụ cấp khu vực trước ngày 01 tháng 01 năm 1995; chế độ phụ cấp khu vực đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng thuộc đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo;

b) Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả chế độ trợ cấp một lần đối với thời gian công tác từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở đi có đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả phụ cấp khu vực; chế độ phụ cấp khu vực đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng thuộc đối tượng do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo.

Điều 22. Chế độ đối với người đang hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày trước ngày 01 tháng 01 năm 2016

Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành đang hưởng chế độ ốm đau trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 vẫn đang hưởng trợ cấp ốm đau thì được tiếp tục thực hiện chế độ ốm đau theo các quy định trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Điều 23. Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội

1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

c) Người đang hưởng trợ cấp bệnh binh, sau đó có thời gian tham gia công tác và đóng bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ bệnh binh còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian công tác tính hưởng chế độ bệnh binh không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15 tháng 12 năm 1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đã được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội:

a) Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ ngày 31 tháng 12 năm 1960 trở về trước;

b) Điểm a Khoản 1 Điều 1 của Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước;

c) Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân là người dân tộc ít người thuộc Quân khu 7, Quân khu 9, tham gia kháng chiến chống Mỹ, về địa phương trước ngày 10 tháng 01 năm 1982;

d) Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;

đ) Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;

e) Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương;

g) Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15 tháng 12 năm 1993 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân dân được tính hưởng bảo hiểm xã hội.

3. Người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01 tháng 11 năm 1987 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm, chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 vẫn còn có tên trong danh sách lao động của đơn vị thì được tính thời gian công tác trước khi nghỉ chờ việc để tính hưởng bảo hiểm xã hội.

4. Người lao động thuộc biên chế của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được cơ quan, đơn vị cử đi công tác, học tập, làm việc có thời hạn đã xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài, đã về nước nhưng không đúng hạn hoặc về nước đúng thời hạn nhưng đơn vị cũ không bố trí, sắp xếp được việc làm và đối tượng lao động xã hội được cử đi hợp tác lao động sau khi về nước tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được xem xét, giải quyết như sau:

a) Thời gian làm việc trong nước trước khi đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài và thời gian ở nước ngoài trong thời hạn cho phép trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp phục viên, xuất ngũ hoặc bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Thời gian làm việc từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 trở đi, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần hoặc trợ cấp phục viên, xuất ngũ thì được tính hưởng bảo hiểm xã hội.

5. Đối tượng là lao động xã hội được cử đi hợp tác lao động sau khi về nước tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian công tác tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều này.

Trường hợp học sinh học nghề chuyển sang hợp tác lao động theo Hiệp định Chính phủ thì thời gian học nghề không được tính là thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội.

6. Không áp dụng quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều này đối với các trường hợp vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất về nước hoặc bị kỷ luật buộc phải về nước hoặc bị phạt tù giam trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.

7. Đối với trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì cơ quan quản lý người lao động giải trình lý do bị mất, xác nhận về quá trình công tác, diễn biến tiền lương, việc chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần báo cáo Bộ, ngành chủ quản ở Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận và có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, quyết định.

Điều 24. Chế độ đối với người đang hưởng trợ cấp hằng tháng mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa được tính hưởng bảo hiểm xã hội

Người lao động có đủ điều kiện hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 613/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian công tác đã được tính hưởng trợ cấp mất sức lao động) đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được hưởng một chế độ có mức hưởng cao hơn. Đối với người lao động chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, nếu có nguyện vọng thì được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu với mức cao hơn.

Trường hợp người lao động hưởng trợ cấp hằng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg và Quyết định số 613/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì thực hiện giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian công tác đã được tính hưởng trợ cấp mất sức lao động).

Điều 25. Chế độ đối với người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng

1. Người lao động có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên và có quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 2003 thì được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Cán bộ cấp xã giữ chức danh quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của Chính phủ đã có quyết định hoặc giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng trợ cấp hằng tháng của cơ quan bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp hằng tháng khi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi.

Điều 26. Quy định chuyển đổi tiền lương bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng bảo hiểm xã hội

Người lao động có tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ thì việc đóng bảo hiểm xã hội và ghi sổ bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:

1. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng đồng Việt Nam trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 02 tháng 01 cho 06 tháng đầu năm và ngày 01 tháng 07 cho 06 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỷ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

2. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội là tiền lương bằng đồng Việt Nam được tính theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 27. Quy định Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội

1. Hằng năm, ngân sách nhà nước cấp đủ, kịp thời cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam khoản kinh phí để thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, bao gồm:

a) Lương hưu;

b) Trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

c) Trợ cấp công nhân cao su; trợ cấp hằng tháng đối với người hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động;

d) Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng; trợ cấp phục vụ;

đ) Cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình;

e) Trợ cấp tuất;

g) Trợ cấp mai táng;

h) Đóng bảo hiểm y tế theo chế độ;

i) Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động;

k) Phụ cấp khu vực;

l) Chi phí chi trả.

2. Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

Điều 28. Quy định đối với người lao động đủ điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016

1. Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì vẫn hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Người lao động nữ sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 1970 trở về trước, nam sinh từ ngày 31 tháng 12 năm 1965 trở về trước và có kết luận của Hội đồng giám định y khoa bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 mà đề nghị được hưởng lương hưu kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì chế độ hưu trí được thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

3. Người lao động chết trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì chế độ tử tuất thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

4. Người lao động đủ điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 thì vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

2. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:

a) Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;

b) Nghị định số 83/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định;

c) Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ thực hiện chế độ phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

d) Quyết định số 107/2007/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tính thời gian để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân thuộc biên chế các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang đã xuất cảnh hợp pháp nhưng không về nước đúng hạn.

Điều 30. Trách nhiệm tổ chức thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm đảm bảo ngân sách để thực hiện chế độ quy định tại Điều 27 của Nghị định này.

3. Hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm công bố mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề.

4. Hằng năm, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp kịp thời chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.