• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/09/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2018
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 26/2015/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 29 tháng 7 năm 2015


THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 24/2013/TT-BNNPTNT NGÀY 06/5/2013 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUY ĐỊNH VỀ TRỒNG RỪNG THAY THẾ KHI CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC

________________

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/03/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2013/TT- BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác
1. Khoản 2 Điều 2 được sửa đổi như sau:
“2. Có phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác, với diện tích trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hoặc chứng từ nộp tiền trồng rừng thay thế”.
2. Khoản 1 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân là chủ dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác chịu trách nhiệm tổ chức lập phương án trồng rừng thay thế (sau đây viết tắt là phương án) trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt. Trường hợp diện tích rừng chuyển sang mục đích khác nằm trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì lập các phương án riêng đối với từng tỉnh.
a) Trường hợp các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trước khi Thông tư số 24/2013/TT- BNNPTNT ngày 06/5/2013 có hiệu lực thi hành thì không nhất thiết phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp danh sách, diện tích phải trồng rừng thay thế của các dự án này, xây dựng 0.1 Phương án trồng rừng thay thế chung trên địa bàn toàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Phương án lập theo mẫu tại Phụ lục 03 kèm theo Thông tư này.
b) Trường hợp các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích kinh doanh, chủ dự án không có điều kiện tự tổ chức trồng rừng thay thế mà thực hiện việc nộp tiền để trồng rừng thay thế thì không phải lập phương án trồng rừng thay thế, tổ chức thực hiện theo Khoản 5 Điều này”.
3. Điểm a Khoản 2 Điều 3 được sửa đổi như sau:
“a) Tên Phương án đầu tư trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích khác”.
4. Khoản 2 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Hội đồng thẩm định phương án gồm: đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có diện tích đất trồng rừng thay thế, tổ chức khoa học có liên quan, số thành viên Hội đồng tối thiểu là 5 (năm), một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ tịch Hội đồng.
Trường hợp Phương án trồng rừng thay thế có tổng diện tích dưới 50 hecta thì không nhất thiết thành lập Hội đồng thẩm định Phương án với đầy đủ thành phần quy định trên đây. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định số lượng thành phần Hội đồng thẩm định phù hợp”.
5. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Giải quyết trồng rừng thay thế đối với các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích kinh doanh mà chủ dự án không có điều kiện tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế.
1. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn:
a) Đối với dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng trước thời điểm Thông tư số   24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các dự án trồng rừng thay thế thực hiện việc nộp tiền trồng rừng thay thế chậm nhất trước ngày 30/9/2015.
b) Đối với dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sau thời điểm Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 có hiệu lực thi hành, chủ dự án có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế.
Hồ sơ gồm: Văn bản của chủ dự án đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế; thuyết minh dự án đầu tư có thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng (gửi kèm văn bản).
Số lượng và cách thức nộp hồ sơ: 01 bộ, nộp trực tiếp hoặc qua  đường bưu điện.
Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của chủ dự án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho chủ dự án biết để thực hiện.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đơn giá trồng rừng, tổng số tiền, thời gian chủ dự án phải nộp để trồng rừng thay thế. Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo đơn vị đồng/ha (bao gồm cả chi phí khảo sát, thiết kế, xây dựng rừng, chi phí quản lý đến khi thành rừng) theo mức dự toán trồng rừng bình quân trên địa bàn tỉnh tại thời điểm chủ dự án nộp tiền.
d) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tiếp nhận, quản lý số tiền trồng rừng thay thế, giải ngân theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế.
2. Trường hợp địa phương không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế:
a) Đối với dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng trước thời điểm Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định các dự án trồng rừng thay thế thực hiện việc nộp tiền trồng rừng thay thế chậm nhất trước ngày 30/9/2015.
b) Đối với dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sau thời điểm Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 có hiệu lực thi hành, chủ dự án có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của chủ dự án. Hồ sơ gồm: Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; danh sách các dự án thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế (gửi kèm văn bản) được lập theo mẫu tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.
Số lượng và cách thức nộp hồ sơ: 01 bộ, nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
d) Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, bố trí diện tích trồng rừng thay thế trên địa bàn của địa phương khác trong phạm vi cả nước; quyết định đơn giá trồng rừng, tổng số tiền, thời gian chủ dự án phải nộp để trồng rừng thay thế; thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan và chủ dự án biết để thực hiện.
đ) Đơn giá trồng rừng thay thế được tính theo đơn vị đồng/ha (bao gồm cả chi phí khảo sát, thiết kế, xây dựng rừng, chi phí quản lý đến khi thành rừng) theo mức dự toán trồng rừng bình quân tại thời điểm chủ dự án nộp tiền.
e) Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương tiếp nhận, quản lý số tiền trồng rừng thay thế, giải ngân theo phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức trồng rừng thay thế.
3. Số tiền nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng để trồng rừng thay thế chỉ được bố trí trồng rừng phòng hộ, đặc dụng.”
6. Bổ sung Phụ lục 03: Phương án trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang xây dựng công trình công cộng; Phụ lục 04: Danh sách các dự án thực hiện nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.
Điều 2. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2015.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời thông tin về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hà Công Tuấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.