• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/08/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 23/06/2005
BỘ TƯ PHÁP-BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
Số: 12/TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 26 tháng 7 năm 1993

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn

và tổ chức cơ quan Tư pháp đại phương

_____________

 

Ngày 4 tháng 6 năm 1993, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp, trong đó có quy định về hệ thống tổ chức tư pháp ở địa phương. Để thi hành Nghị định số 38-CP, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cơ quan tư pháp địa phương như sau:

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA SỞ TƯ PHÁP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý Nhà nước về công tác tư pháp trong phạm vi địa phương và chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

Sở Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý thống nhất việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân:

a) Chủ trì việc soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân;

b) Được Uỷ ban nhân dân uỷ nhiệm xem xét và có ý kiến về mặt pháp lý của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan khác Uỷ ban nhân dân soạn thảo trước khi trình Uỷ ban nhân dân quyết định ban hành;

c) Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án Luật, Pháp lệnh theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân và Bộ Tư pháp;

d) Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân về nghiệp vụ trong việc rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.

2. Quản lý các Toà án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về mặt tổ chức theo sự phân cấp của Bộ Tư pháp;

3. Quản lý công tác thi hành án dân sự địa phương theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự, Nghị định số 30-CP của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý công tác thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên, và sự hướng dẫn của Bộ Tư pháp;

4. Quản lý tổ chức và hoạt động của các đoàn luật sư, các tổ chức tư vấn luật theo quy định của Bộ Tư pháp;

5. Quản lý các hoạt động công chứng, giám định tư pháp theo quy định của Bộ Tư pháp; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra thực hiện công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện một số công tác hộ tịch thuộc thẩm quyền;

6. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn và ngắn hạn ở địa phương, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong các trường học;

7. Bồi dưỡng kiến thức pháp lý và hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp địa phương;

8. Chỉ đạo và tổng kết hoạt động hoà giải trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

9. Thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, vào tình hình cụ thể của địa phương, quy mô tổ chức, khối lượng công việc và khả năng cán bộ để quyết định cơ cấu bộ máy và biên chế của Sở Tư pháp theo nguyên tắc tổ chức gọn nhẹ, gồm những công chức chuyên môn được đào tạo đúng ngành nghề, có đủ tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức hành chính do Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Sở Tư pháp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi thống nhất ý kiến bằng văn bản với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Riêng biên chế của Phòng thi hành án thuộc Sở Tư pháp do Bộ Tư pháp quy định ngoài biên chế của địa phương.

II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨCCỦA PHÒNG TƯ PHÁP QUẬN,HUYỆN, THỊ XÃ,THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH

Phòng Tư pháp là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có chức năng giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện quản lý Nhà nước các công việc về tư pháp trong phạm vi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và chịu sự chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Tư pháp.

Phòng Tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Uỷ ban nhân dân quản lý thống nhất việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:

a) Soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luậttheo sự phân công của Uỷ ban nhân dân;

b) Được Uỷ ban nhân dân uỷ nhiệm xem xét và có ý kiến về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan khác của Uỷ ban nhân dân soạn thảo trước khi trình Uỷ ban nhân dân ban hành;

c) Thường xuyên rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân ban hành;

d) Tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh theo sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và hướng dẫn của Giám đốc Sở Tư pháp.

2. Giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quản lý Nhà nước về công tác thi hành án dân sự ở địa phương; tổ chức và kiểm tra hoạt động thi hành án của Đội thi hành án;

3. Quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ công tác hộ tịch, lý lịch tư pháp và thống kê tư pháp;

4. Giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện một số hành vi công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng;

5. Hướng dẫn nghiệp vụ và chỉ đạo hoạt động của các tổ hoà giải;

6. Tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân; phối hợp với Phòng Giáo dục và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy pháp luật trong nhà trường.

Tổ chức và biên chế của Phòng Tư pháp:

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tư pháp đã được quy định, vào quy mô tổ chức, khối lượng công việc và khả năng cán bộ của địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể cơ cấu bộ máy và biên chế của Phòng Tư pháp trong tổng biên chế hành chính của địa phương.

Việc bố trí cán bộ phải theo tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức hành chính do Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó phòng Tư pháp do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định sau khi thống nhất ý kiến bằng văn bản với Giám đốc Sở Tư pháp.

Riêng biên chế của Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp do Bộ Tư pháp quy định ngoài biên chế của địa phương.

III. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BAN TƯ PHÁP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Tư pháp.

Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý Nhà nước về các công việc tư pháp;

2. Giúp Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn soạn thảo, ban hành các quyết định, chỉ thị để thi hành các quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

3. Thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân;

4. Thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch, quản lý lý lịch tư pháp và thống kê tư pháp;

5. Hướng dẫn, quản lý hoạt động của các tổ hoà giải;

6. Tổ chức phối hợp việc thi hành án ở địa phương theo sự chỉ đạo của Đội thi hành án

Tổ chức của Ban Tư pháp xã , phương , thị trấn được quy định như sau:.

Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn do một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phụ trách.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức quy định trong Thông tư này, Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Trưởng ban Ban tổ chức chính quyền tỉnh lập đề án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bộ máy và biên chế Sở Tư pháp, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp cấp dưới.

Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có những vướng mắc cần báo cáo ngay cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ Trưởng - Trưởng Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ để xử lý kịp thời./.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp

Bộ trưởng (Trưởng ban) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Đình Lộc

Phan Ngọc Tường

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.