• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/10/1993
CHÍNH PHỦ
Số: 67-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 7 tháng 10 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản ngày 28 tháng 7 năm 1989 và Nghị định số 95/HĐBT ngày 25-3-1992 về việc thi hành Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế quản lý các hoạt động điều tra địa chất, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý.

Điều 2.- Nghị định này thay thế Quyết định số 333-CT ngày 23-10-1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc tổ chức quản lý các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý.

Điều 3.- Bộ trưởng các Bộ Công nghiệp nặng, Tài chính, Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước căn cứ Nghị định này, ban hành các Thông tư hướng dẫn thay thế Quy chế hướng dẫn thực hiện Quyết định số 333-CT ngày 23-10-1991 và các Quy chế tạm thời đã ban hành trước đây.

Điều 4.- Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT, KHAI THÁC MỎ,

CHẾ TÁC VÀ BUÔN BÁN ĐÁ QUÝ

(Ban hành kèm theo Nghị định số 67-CP ngày 7-10-1993 của Chính phủ)

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đá quý nói trong Quy chế này là các loại ngọc tự nhiên như kim cương, rubi, saphia. emơrốt...

Điều 2. Việc khai thác đá quý cũng như việc thành lập doanh nghiệp khai thác đá quý phải được phép của Thủ tướng Chính phủ.

Mọi hoạt động điều tra địa chất, khai thác, chế tác, buôn bán đá quý (kể cả xuất nhập khẩu) đều phải tuân theo các quy định của Quy chế này, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước các lĩnh vực tương ứng và của chính quyền địa phương các cấp.

Điều 3. Bộ Công nghiệp nặng thống nhất quản lý Nhà nước công tác điều tra địa chất, khai thác mỏ, bảo vệ tài nguyên đá quý, bảo vệ môi trường có liên quan đến khai thác đá quý.

Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý Nhà nước các hoạt động chế tác, buôn bán, tổ chức thị trường đá quý ở trong nước và cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đá quý.

Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành các loại thuế liên quan đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh đá quý; chủ trì Hội đồng đấu thầu khai thác đá quý.

Bộ Nội vụ ban hành và kiểm tra, giám sát việc thi hành quy chế bảo vệ các hoạt động điều tra địa chất, thăm dò, khai thác mỏ, chế tác và buôn bán đá quý.

Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư tổ chức thẩm định để cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư nước ngoài, phối hợp với các ngành, các địa phương có liên quan giám sát kiểm tra hoạt động của các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác - chế tác - buôn bán đá quý.

Điều 4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn lãnh thổ theo luật định, giám sát, kiểm soát việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường, việc các tổ chức và cá nhân khai thác, kinh doanh đá quý thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo luật định; kiểm tra, giám sát việc thi hành và xử lý theo pháp luật các hoạt động trái phép trong điều tra địa chất, thăm dò, khai thác các mỏ đá quý, chế tác và buôn bán đá quý theo các điều khoản của Quy chế này và các quy định khác của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Uỷ ban nhân dân các địa phương có nhiệm vụ bảo vệ các khu vực có đá quý kể cả khu vực chưa có giấy phép khai thác, ngăn chặn việc khai thác và buôn bán đá quý trái phép.

Điều 5. Các tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam có năng lực pháp lý, đủ những điều kiện về tài chính và sản xuất kinh doanh theo các quy định của Bộ Công nghiệp nặng và Ngân hàng Nhà nước muốn khai thác, chế tác và buôn bán đá quý phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định.

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cũng như bảo hộ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đã được Nhà nước cho phép khai thác, chế tác, buôn bán đá quý.

Điều 6. Nhà nước khuyến khích các tổ chức kinh tế và tư nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực khai thác, chế tác và kinh doanh đá quý dưới mọi hình thức theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

 

II. CÔNG TÁC ĐIỀU TRA ĐỊA CHẤT, ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG THĂM DÒ CÁC MỎ ĐÁ QUÝ

Điều 7. Bộ Công nghiệp nặng tổ chức thực hiện công tác điều tra địa chất, đánh giá tiềm năng và triển vọng đá quý trong phạm vi cả nước làm cơ sở cho việc lập quy hoạch phát triển ngành đá quý theo kế hoạch Nhà nước bằng vốn do Nhà nước cấp. Việc thăm dò đánh giá trữ lượng công nghiệp các mỏ đá quý trong các diện tích được cấp phép khai thác do các doanh nghiệp khai thác bỏ vốn thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng xem xét và quyết định nhiệm vụ điều tra địa chất đá quý phù hợp với quy hoạch phát triển ngành. Kết quả điều tra phải đánh giá được triển vọng, tiềm năng, khoanh được những diện tích có giá trị làm cơ sở cho việc tổ chức đấu thầu khai thác.

Tài liệu địa chất về đá quý được quản lý và sử dụng theo chế độ tài liệu mật của Nhà nước. Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, lưu trữ, sử dụng tài liệu địa chất về đá quý phải chịu trách nhiệm giữ gìn bí mật tài liệu theo quy chế bảo vệ bí mật Nhà nước.

Các đơn vị địa chất làm nhiệm vụ điều tra, tìm kiếm đá quý hoạt động ở địa phương nào có trách nhiệm phối hợp với chính quyền, công an địa phương đó tổ chức công tác bảo vệ theo tinh thần Nghị định số 223-HĐBT ngày 19-6-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Các đơn vị địa chất này không được khai thác, buôn bán đá quý dưới mọi hình thức.

 

III. KHAI THÁC MỎ ĐÁ QUÝ

Điều 8. Theo kết quả điều tra địa chất nói tại Điều 7, Bộ Công nghiệp nặng khoanh định các khu mỏ đá quý, xếp hạng mỏ theo giá trị tài nguyên và điều kiện kinh tế - kỹ thuật khai thác làm cơ sở cho việc phân lô đấu thầu.

Trừ những "mỏ" hoặc "lô" đất chứa đá quý đã được cấp phép khai thác trước ngày ban hành Quy chế này và trường hợp quy định ở Điều 15 việc cấp phép khai thác các "mỏ" hoặc "lô" đất có đá quý đều phải thông qua đấu thầu.

Đấu thầu khai thác các mỏ, các lô đất chứa đá quý là việc tổ chức chọn doanh nghiệp (hoặc cá nhân) cam kết trả cho Nhà nước một lần hoặc nhiều lần trị giá tài nguyên đá quý thô và khoáng sản cộng sinh có thể khai thác được từ lô đất đưa đấu thầu (sau khi trừ chi phí khai thác hợp lý cộng thuế lợi tức, cộng lợi nhuận để lại cho doanh nghiệp, cộng các loại lệ phí khác theo chế độ quy định). Doanh nghiệp trúng thầu là doanh nghiệp trả giá cao nhất trong số doanh nghiệp dự thầu kết hợp với việc có đề án khai thác và bảo vệ môi trường tốt nhất. Trừ thuế tài nguyên và tiền thuê đất, doanh nghiệp trúng thầu vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo luật, theo giấy phép và hợp đồng quy định. Trường hợp rủi ro lớn được kiểm toán trong sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp trúng thầu có thể được xét giảm tiền mua thầu hoặc miễn giảm các loại thuế theo luật định. Thẩm quyền xét giảm tiền mua thầu hoặc miễn giảm thuế do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng và Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Mọi tổ chức kinh tế, cá nhân người Việt Nam và nước ngoài có đủ các điều kiện cần thiết để khai thác mỏ đá quý theo quy định của Bộ Công nghiệp nặng đều được tham gia đấu thầu khai thác đá quý.

Trong các lần đấu thầu tiếp theo, doanh nghiệp đang khai thác được ưu tiên khi đấu thầu các lô đất trong diện tích bảo vệ được giao hoặc lô đất bên cạnh diện tích đang được phép khai thác.

Điều 9. Các doanh nghiệp dự thầu khai thác đá quý được Bộ Công nghiệp nặng cung cấp thông tin, tài liệu địa chất kinh tế mỏ, được nghiên cứu thực tế mỏ theo quy chế đấu thầu.

Điều 10. Mức giá đấu thầu do Hội đồng đấu thầu quy định tuỳ mỏ cụ thể.

Quy chế đấu thầu do Bộ Tài chính ban hành sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Công nghiệp nặng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ, Trọng tài kinh tế và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có mỏ đá quý.

Việc tổ chức và điều hành đấu thầu do Hội đồng đấu thầu khai thác đá quý thực hiện, bảo đảm khách quan trung thực và đúng pháp luật.

Điều 11. Các doanh nghiệp khai thác, chế tác và buôn bán đá quý nói tại Điều 5, Điều 6 của Quy chế này được quyền bình đẳng dự thầu các lô đất chứa đá quý.

Doanh nghiệp trúng thầu sau khi được Thủ tướng Chính phủ chuẩn y cho phép khai thác, đã làm xong thủ tục tài chính theo quy định sẽ được cấp giấy phép khai thác, giấy phép sử dụng đất theo Luật Đất đai.

Chậm nhất một năm kể từ khi được cấp giấy phép khai thác, doanh nghiệp phải đưa mỏ vào hoạt động.

Điều 12. Việc khai thác đá quý phải thực hiện công nghệ hợp lý để giảm đến mức tối thiểu những tác hại đến môi trường trước hết là môi trường nước, đất, rừng và phải thực hiện đề án phục hồi quản lý môi trường.

Tất cả các doanh nghiệp khai thác đá quý phải ký quỹ tiền phục hồi quản lý môi trường theo luận chứng kinh tế - kỹ thuật và được rút dần tiền để thực hiện các công việc bảo vệ môi trường.

Điều 13. Các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến bảo vệ sản phẩm tại mỏ, kiểm soát chặt chẽ việc phân loại, cất giữ bảo quản và vận chuyển sản phẩm đá quý.

Điều 14. Nhà nước dành quyền mua những viên đá quý có giá trị đặc biệt, trước mắt quy định những viên đá quý đạt tiêu chuẩn ngọc có trọng lượng từ 50 carat trở lên đối với rubi, từ 100 carat trở lên đối với saphia thuộc loại Nhà nước dành quyền mua của bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào khai thác hoặc thu lượm được. Giá mua những viên ngọc quý theo giá thị trường. Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào cố tình giấu diếm những viên ngọc có giá trị đặc biệt thuộc loại này sẽ bị xử phạt.

Điều 15. Đối với những khu vực đặc biệt hoặc vùng mỏ có đặc điểm riêng theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, việc giao mỏ, giao đất thăm dò khai thác đá quý trong trường hợp này được Thủ tướng Chính phủ xem xét riêng.

Điều 16. Chủ khai thác được chuyển quyền thừa kế khai thác, được chuyển nhượng khu vực khai thác với sự chuẩn y của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp khu mỏ đang khai thác bị Nhà nước thu hồi hoặc trưng dụng do nhu cầu an ninh quốc gia, chủ khai thác được Nhà nước đền bù thiệt hại và có thể được cấp khu vực khai thác khác. Chủ khai thác mỏ được pháp luật bảo vệ khi quyền sử dụng hợp pháp khu vực khai thác mỏ bị xâm phạm.

Khu vực khai thác sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ khai thác khi chủ khai thác vi phạm các cam kết với Nhà nước hoặc vi phạm pháp luật.

 

IV. GIA CÔNG CHẾ TÁC VÀ BUÔN BÁN ĐÁ QUÝ

Điều 17. Mọi tổ chức kinh tế và công dân Việt Nam có đủ điều kiện gia công chế tác, buôn bán đá quý theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động đều có thể gia công chế tác, làm đồ trang sức có gắn đá quý và buôn bán đá quý, kể cả hợp đồng gia công với nước ngoài.

Điều 18. Các tổ chức kinh tế và tư nhân nước ngoài nuốn kinh doanh chế tác và buôn bán đá quý ở Việt Nam phải xin phép Ngân hàng Nhà nước và được Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cấp giây phép hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Điều 19. Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý thị trường đá quý trong nước, xuất nhập khẩu đá quý và mở các cửa hàng kinh doanh đá quý ở nước ngoài.

Nhà nước khuyến khích việc xuất khẩu đá quý đã qua gia công chế tác và nhập khẩu các đá quý, đá bán quý vào Việt Nam để gia công chế tác xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục xin xuất khẩu hoặc nhập khẩu đá quý.

Điều 20. Việc mua bán đá quý dưới dạng nguyên liệu trên lãnh thổ Việt Nam đều phải thực hiện tại các trung tâm hoặc cửa hàng mua bán đá quý có giấy phép hoạt động. Nghiêm cấm việc mua bán trao đổi đá quý bên ngoài thị trường hợp pháp dưới mọi hình thức.

Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Uỷ ban nhân dân địa phương tổ chức quản lý các cơ sở mua bán đá quý, ban hành quy chế về tổ chức hoạt động của các trung tâm hoặc chợ, cửa hàng mua bán đá quý.

Điều 21. Căn cứ vào khung thuế do Quốc hội ban hành, Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành mức thuế xuất nhập khẩu áp dụng cho đá quý thô và đá quý đã qua chế tác; chế độ thu lệ phí trong việc mua bán và xuất nhập khẩu đá quý.

Điều 22. Nhà nước khuyến khích các trung tâm khoa học, các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu kiểm định chất lượng đá quý của các doanh nghiệp phát triển hoặc ứng dụng công nghệ gia công chế tác, kiểm định chất lượng đá quý; có chính sách ưu đãi về tài chính đối với các hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực gia công chế tác đá quý theo tinh thần nội dung Nghị định số 35-HĐBT ngày 28-1-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Điều 23. Bộ Thương mại, Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương phối hợp với Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu tranh chống kinh doanh trái phép và chống buôn lậu đá quý. Việc tổ chức các cơ sở mua bán đá quý nguyên liệu phải tiến hành đồng thời với việc giải toả các tụ điểm bán đá quý bất hợp pháp tại các vùng mỏ và các địa phương.

 

V. KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 24. Mọi hoạt động điều tra địa chất về đá quý không tuân theo những quy định của Bộ Công nghiệp nặng, việc cung cấp các thông tin địa chất về đá quý vì những mục đích cá nhân hoặc cục bộ là những hoạt động trái phép phải bị xử lý nghiêm minh theo luật pháp hiện hành.

Điều 25. Các xí nghiệp khai thác đá quý do các tỉnh và các Bộ, ngành thành lập mà chưa được phép của Thủ tướng Chính phủ phải làm lại các thủ tục theo Quy chế này và theo Nghị định số 95-HĐBT ngày 25-3-1992 về việc thi hành Pháp lệnh về Tài nguyên khoáng sản.

Điều 26. Việc buôn bán, xuất nhập khẩu đá quý không theo các quy chế của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo luật định.

Cá nhân hoặc tổ chức vi phạm tuỳ theo mức độ nặng hay nhẹ sẽ bị xử lý theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân). Trong mọi trường hợp, số đá quý buôn bán trái phép đều bị tịch thu và nộp Kho bạc Nhà nước hoặc Chi cục kho bạc tỉnh, thành phố chờ xử lý.

Cá nhân hoặc tổ chức có công trong việc phát hiện, tố giác và ngăn chặn các vụ buôn lậu đá quý được khen thưởng vật chất và tinh thần theo chế độ hiện hành.

Điều 27. Cá nhân hoặc tổ chức làm công tác bảo vệ các doanh nghiệp đá quý nếu lợi dùng chức vụ, quyền hạn xâm phạm tài sản Nhà nước và của công dân hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước và công dân thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà phải bồi thường thiệt hại và bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân) theo quy định của pháp luật.

 

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, mọi quy định về nội dung trên đã ban hành trước đây trái với Quy chế này đều bị bãi bỏ.

Điều 29. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày ban hành Quy chế này, Bộ trưởng các Bộ Công nghiệp nặng, Tài chính, Nội vụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.