• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/06/1992
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 196-CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 5 tháng 6 năm 1992

QUYẾT ĐỊNH CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Về việc chuyển các tổ chức kinh tế đã đăng ký và đang hoạt động theo quyết định số 268/CT ngày 30-7-1990 sang đăng ký và hoạt động theo loại doanh nghiệp mới phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành

 

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;

Căn cứ hệ thống pháp luật hiện hành quy định việc thành lập, đăng ký và hoạt động của các loại doanh nghiệp;

Căn cứ kết luận rút ra từ đợt kiểm tra thực hiện Quyết định số 268/CT ngày 30 tháng 7 năm 1990;

Để việc thành lập, đăng ký và hoạt động của các doanh nghiệp đều được quản lý thống nhất theo hệ thống pháp luật hiện hành,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Tất cả các tổ chức kinh tế đã thành lập, đăng ký và đang hoạt động theo Quyết định số 268-CT ngày 30 tháng 7 năm 1990, nay phải đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành về các loại doanh nghiệp mà đăng ký lại : mỗi tổ chức kinh tế có điều kiện phù hợp với loại doanh nghiệp nào thì phải làm thủ tục thành lập, đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành đối với loại doanh nghiệp ấy, cụ thể như sau:

- Nếu tổ chức thành doanh nghiệp Nhà nước, thì thực hiện theo đúng quy trình đã xác định trong Nghị định số 388-HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 và Nghị định số 156-HĐBT ngày 7 tháng 5 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Nếu tổ chức thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần, thì thực hiện theo luật Công ty ngày 21 tháng 12 năm 1990 và Nghị định số 222-HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Nếu tổ chức thành hợp tác xã và tổ hợp tác thì thực hiện theo các Nghị định số 28-HĐBT ngày 9 tháng 3 năm 1988, số 146-HĐBT ngày 24 tháng 9 năm 1988 và Quyết định số 49-HĐBT ngày 22 tháng 5 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Nếu tổ chức thành doanh nghiệp tư nhân thì thực hiện theo Luật doanh nghiệp tư nhân ngày 21 tháng 12 năm 1990 và Nghị định số 221-HĐBT ngày 23 tháng 7 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng. Cá nhân và nhóm kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định số 221-HĐBT vừa nêu, thì thực hiện theo Nghị định số 66-HĐBT ngày 2 tháng 3 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng.

Điều 2. - Các cơ quan Nhà nước đoàn thể, viện nghiên cứu trường học, tổ chức xã hội, v.v... đã quyết định thành lập các tổ chức kinh tế theo quyết định số 268-CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 hoặc theo các văn bản trước đó đều có nhiệm vụ xem xét lại và tiến hành các công việc cần thiết để chuyển các tổ chức kinh tế hiện do mình quản lý sang các loại doanh nghiệp mới nói ở Điều 1 Quyết định này.

Điều 3. - Các tổ chức kinh tế đã thành lập theo quyết định số 92-CT ngày 22 thánng 4 năm 1989 chưa đăng ký lại theo Quyết định số 268- CT, các tổ chức kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ hoặc thuộc bất kỳ cơ quan nào khác được thành lập trên cơ sở vận dụng các Quyết định số 92- CT và số 268-CT, từ nay cũng đều chuyển hẳn sang một hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đang được pháp luật cho phép theo đúng Quyết định này.

Điều 4.- 5 tháng sau ngày ký quyết định này, các tổ chức kinh tế đã đăng ký và đang hoạt động theo các Quyết định số 92-CT và số 268-CT hoặc vận dụng các quyết định đó đều phải hoàn tất thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động vào loại doanh nghiệp phù hợp nói ở Điều 1 trên đây. Đồng thời phải giải quyết xong các tồn tại về tổ chức cũng như hoạt động (hoàn thành và thanh lý các hợp đồng, không ký kết những hợp đồng mới mà thời gian hoàn thành vượt quá thời hạn phải chuyển sang loại doanh nghiệp phù hợp, thành toán công nợ v.v...) để chuyển sang loại doanh nghiệp mới hoặc phải giải thể nếu không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động.

Điều 5.- Quá thời hạn nói ở Điều 4 trên đây, các tổ chức kinh tế được thành lập theo Quyết định số 268-CT hoặc vận dụng quyết định số 268-CT (kể cả với các cơ sở dịch vụ đời sống của các doanh nghiệp tự lập ra, không thuộc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) đều không được phép hoạt động nữa, mà phải thu hồi con dấu, phong toả tài khoản, rút giấp phép kinh doanh, kể cả giấp phép xuất - nhập khẩu (nếu có). Ban chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương đôn đốc các cơ quan chức năng kiểm soát thị trường của Nhà nước tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện tổ chức kinh tế nào hoạt động mà không có giấy phép theo quy định mới thì kiên quyết xử lý theo pháp luật.

Điều 6. - Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc thi hành quyết định này; chỉ đạo các cơ quan tài chính ở các cấp, các ngành quản lý chặt chẽ tài sản của Nhà nước mà các tổ chức kinh tế theo Quyết định số 286-CT đang sử dụng, không để tài sản bị thất thoát hoặc lợi dụng, biển thủ khi các tổ chức kinh tế này chuyển sang doanh nghiệp mới hoặc bị giải thể; đồng thời có quy định cụ thể việc đánh giá tài sản, việc phân phối lợi nhuận và xử lý các vấn đề tài chính khác của các tổ chức kinh tế sau khi đã chuyển sang loại doanh nghiệp mới, bảo đảm lợi ích của các chủ sở hữu các tài sản trong doanh nghiệp.

Điều 7. - Quyết định này thay thế Quyết định số 268-CT ngày 30 tháng 7 năm 1990 và có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 8. - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức việc thi hành Quyết định này.

 

Chủ tịch hội đồng bộ trưởng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.