• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/11/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 31/12/1996
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 388/HĐBT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 20 tháng 11 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;

Để sắp xếp lại và chấn chỉnh tổ chức các doanh nghiệp Nhà nước trong điều kiện chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và trong khi chưa có các luật về doanh nghiệp Nhà nước;

Theo quyết định của kỳ họp Hội đồng Bộ trưởng ngày 25-26 tháng 9 năm 1991.

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.

Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 2.

Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương và địa phương trực tiếp quản lý. Các doanh nghiệp Nhà nước đã được thành lập trước ngày ban hành Nghị định này đều phải làm thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy chế này.

Điều 3.

Quy chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp Nhà nước không có vốn đầu tư của nước ngoài hoặc vốn góp của các thành phần kinh tế khác ở trong nước. Các doanh nghiệp Nhà nước có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhà nước có vốn góp của các thành phần kinh tế khác, áp dụng theo Luật Công ty.

Điều 4.

Các ông Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng; các ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 5.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

Các quy định trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

QUY CHẾ

VỀ THÀNH LẬP VÀ GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

(Ban hành kèm theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20-11-1991

của Hội đồng Bộ trưởng)

Điều 1.

Doanh nghiệp Nhà nước là tổ chức kinh doanh do Nhà nước thành lập, đầu tư vốn và quản lý với tư cách chủ sở hữu.

Doanh nghiệp Nhà nước là một pháp nhân kinh tế; hoạt động theo pháp luật và bình đẳng trước pháp luật.

Điều 2.

Doanh nghiệp hoạt động theo định hướng của Nhà nước; thực hiện hạch toán kinh tế.

Điều 3.

Doanh nghiệp có nhiệm vụ:

1. Kinh doanh theo đúng ngành nghề đã đăng ký và mục đích thành lập doanh nghiệp.

2. Bảo toàn và phát triển vốn được giao.

3. Thực hiện các nhiệm vụ và nghĩa vụ Nhà nước giao.

4. Thực hiện phân phối theo lao động; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân viên chức; bồi dưỡng và nâng cao trình độ văn hoá, khoa học - kỹ thuật và chuyên môn cho công nhân viên chức.

5. Bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tròn nghĩa vụ quốc phòng.

Điều 4.

Việc thành lập doanh nghiệp phải được:

1. Bộ trưởng Bộ chủ quản hoặc Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị;

2. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc người được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng uỷ quyền xem xét, ra quyết định thành lập;

3. Sau khi doanh nghiệp Nhà nước được thành lập, cơ quan đề nghị thành lập (cơ quan sáng lập) là cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp của doanh nghiệp.

Điều 5.

Cơ quan đề nghị thành lập doanh nghiệp Nhà nước phải lập hồ sơ xin thành lập. Hồ sơ gồm:

1. Đơn xin thành lập doanh nghiệp, trong đơn nêu rõ:

Tên cơ quan đề nghị thành lập doanh nghiệp,

Tên gọi, trụ sở dự định của doanh nghiệp,

Mục tiêu, ngành, nghề kinh doanh chính,

Mức vốn pháp định.

2. Chứng nhận của cơ quan tài chính về nguồn và mức vốn pháp định được cấp.

3. Luận chứng kinh tế - kỹ thuật về thành lập doanh nghiệp; đề án kinh doanh của doanh nghiệp; và văn bản giám định các luận chứng đó.

4. Điều lệ tổ chức quản lý doanh nghiệp.

5. Ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật đối với các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ra quết định thành lập (nếu cơ quan sáng lập là Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh), hoặc của Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở, (nếu cơ quan sáng lập là Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật) theo chức năng của mình về việc thành lập doanh nghiệp.

Điều 6.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập doanh nghiệp lập Hội đồng thẩm định trước khi ra quyết định thành lập doanh nghiệp nhà nước.

a) Những doanh nghiệp có trị giá tài sản, doanh số lớn hoặc có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập sau khi Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước đã xem xét hồ sơ và nhất trí đề nghị.

b) Những doanh nghiệp khác, nếu trực thuộc Trung ương, do Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ra quyết định thành lập; nếu trực thuộc địa phương, do Bộ trưởng quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật tương ứng ra quyết định thành lập.

Điều 7.

Trong thời hạn 60 ngaỳ, kể từ ngày ra quyết định thành lập, doanh nghiệp Nhà nước phải đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.

Kể từ khi được đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và được tiến hành hoạt động kinh doanh.

Điều 8.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, Trọng tài kinh tế gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kèm theo hồ sơ của doanh nghiệp cho các cơ quan thuế, tài chính, thống kê và cơ quan quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật.

Điều 9.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải đăng báo hàng ngày của Trung ương và của địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở trong 5 số liên tiếp về các điểm chủ yếu sau đây:

1. Tên doanh nghiệp.

2. Trụ sở của doanh nghiệp; số tài khoản; ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản; số điện thoại, điện báo, điện tín viễn thông.

3. Mục tiêu, ngành nghề kinh doanh.

4. Ngày quyết định thành lập, ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, số đăng ký kinh doanh.

5. Thời diểm bắt đầu hoạt động.

Trường hợp đặc biệt được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc người được uỷ quyền ra quyết định thành lập cho phép và ghi rõ trong quyết định thành lập, doanh nghiệp không phải đăng báo.

Điều 10.

Nếu có nhu cầu đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, doanh nghiệp phải:

1. Xin giấy phép của Uỷ ban Nhân dân tỉnh thành phố nơi đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và đăng ký kinh doanh tại Trọng tài kinh tế cùng cấp như quy định tại Điều 7 Quy chế này.

2. Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp về việc mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chi nhánh hoặc văn phòng đại diện được cấp giấy đăng ký.

3. Trường hợp đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thực hiện quy định riêng của Nhà nước.

Điều 11.

Doanh nghiệp được mở đại lý ở các địa phương trong nước để mua bán sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ cho mình. Khi lập đại lý, doanh nghiệp phải có hợp đồng kinh tế với đại lý. Đại lý phải đăng ký kinh doanh với Uỷ ban Nhân dân địa phương theo pháp luật.

Điều 12.

Việc thay đổi mục tiêu, ngành kinh doanh và các nội dung khác trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp phải được cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên trực tiếp và cơ quan ra quyết định thành lập cho phép. Doanh nghiệp phải đăng ký lại với Trọng tài kinh tế nhà nước, đồng thời phải đăng báo theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.

Điều 13.

Cơ quan ra quyết định thành lập doanh nghiệp Nhà nước có quyền ra quyết định giải thể doanh nghiệp.

Điều 14.

Mọi thủ tục giải thể doanh nghiệp Nhà nước theo đúng những quy định tại Quyết định 315-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 01 tháng 9 năm 1990 về chấn chỉnh và tổ chức lại sản xuất và kinh doanh trong khu vực kinh tế quốc doanh và Quyết định 330-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 23 tháng 10 năm 1991 về sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Quyết định 315-HĐBT./.

 

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.