• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/2018
BỘ CÔNG AN
Số: 17/2018/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 15 tháng 5 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 ngày 11 năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đối tượng, loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được trang bị; thẩm quyền trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an; điều chuyển, điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân.

Điều 2. Nguyên tắc trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quy định tại Thông tư này và quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Bảo đảm đúng thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị.

3. Vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công tác.

Chương II

TRANG BỊ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Mục 1

TRANG BỊ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG,

CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Điều 3. Đối tượng được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bao gồm:

a) Đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an;

b) Trại giam, trại tạm giam;

c) Học viện, trường Công an nhân dân; Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân làm công tác đào tạo, huấn luyện;

d) Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh);

đ) Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

e) Công an xã, phường, thị trấn.

2. Đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, bao gồm:

a) Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao Công an nhân dân;

b) Học viện, trường Công an nhân dân;

c) Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân có huấn luyện thi đấu thể thao.

3. Đối tượng quy định tại các điểm a, d và đ khoản 1 Điều này được trang bị vật liệu nổ quân dụng.

Điều 4. Loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trang bị

1. Các đối tượng quy định tại Điều 3 Thông tư này căn cứ tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ công tác đề xuất cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này xem xét, quyết định trang bị cụ thể loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, cụ thể:

a) Các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 3 Thông tư này được xem xét trang bị loại vũ khí, công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, bom, mìn, lựu đạn, các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, đạn sử dụng cho các loại súng được trang bị;

b) Đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 3 Thông tư này được xem xét trang bị loại vũ khí, công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay, găng tay bắt dao, áo giáp, dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, khóa số tám, các loại vũ khí thô sơ;

c) Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này được trang bị các loại vũ khí thể thao;

d) Đối tượng quy định tại các điểm a, d và đ khoản 1 Điều 3 Thông tư này được trang bị vật liệu nổ quân dụng.

2. Công an các đơn vị, địa phương căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này lập dự trù số lượng, loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cần trang bị gửi cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Điều 5. Thẩm quyền trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho toàn lực lượng Công an nhân dân; quyết định trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương mới được thành lập.

2. Thủ trưởng cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an quyết định trang bị bổ sung vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết gọn là Giám đốc Công an cấp tỉnh) căn cứ loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ đã được trang bị để quyết định trang bị cụ thể loại, số lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương thuộc phạm vi quản lý.

4. Trường hợp Công an cấp tỉnh khi có nhu cầu trang bị bổ sung vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ bằng nguồn kinh phí của địa phương thì Giám đốc Công an cấp tỉnh phải có báo cáo gửi cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Điều 6. Điều chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Điều chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ là việc thu lại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của Công an các đơn vị, địa phương đã được trang bị để bổ sung cho Công an các đơn vị, địa phương khác.

2. Thẩm quyền điều chuyển

a) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định điều chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ từ Công an đơn vị, địa phương này sang Công an đơn vị, địa phương khác trên phạm vi toàn quốc khi xảy ra tình trạng khẩn cấp hoặc khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp hoặc khi có tình huống đột xuất khác như thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm, lụt, bão hoặc phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu theo đề nghị của cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an;

b) Thủ trưởng cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an quyết định điều chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản này từ Công an đơn vị, địa phương này sang Công an đơn vị, địa phương khác sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an;

c) Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương quyết định điều chuyển vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ giữa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

3. Sau khi có quyết định điều chuyển của cấp có thẩm quyền, Công an các đơn vị, địa phương phải lập biên bản bàn giao, trong đó ghi rõ chủng loại, số lượng, chất lượng, số hiệu, nước sản xuất, thiết bị, phụ tùng kèm theo của vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được điều chuyển. Biên bản phải có chữ ký của cán bộ trực tiếp giao, nhận và xác nhận của lãnh đạo đơn vị các bên có liên quan.

4. Công an các đơn vị, địa phương sau khi tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quyết định điều chuyển phải có văn bản đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng, giấy xác nhận đăng ký theo quy định.

Điều 7. Điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ

1. Điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ là việc chuyển tạm thời vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ của Công an đơn vị, địa phương này sang Công an đơn vị, địa phương khác trong một thời gian nhất định. Khi thực hiện xong nhiệm vụ sẽ chuyển trả về Công an đơn vị, địa phương trước đó đã điều động.

2. Thẩm quyền điều động

a) Bộ trưởng Bộ Công an quyết định điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ từ Bộ Công an sang các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài ngành Công an;

b) Thủ trưởng cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an quyết định điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ từ Công an đơn vị, địa phương này sang Công an đơn vị, địa phương khác sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Công an;

c) Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương quyết định điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ giữa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

3. Sau khi có quyết định điều động của cấp có thẩm quyền, Công an các đơn vị, địa phương phải lập biên bản bàn giao, trong đó ghi rõ loại, số lượng, chất lượng, số hiệu, nước sản xuất, thiết bị, phụ tùng kèm theo của vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ được điều động. Biên bản phải có chữ ký của cán bộ trực tiếp giao, nhận và xác nhận của lãnh đạo đơn vị các bên có liên quan.

Mục 2

TRANG BỊ VŨ KHÍ, CÔNG CỤ HỖ TRỢ CHO ĐỐI TƯỢNG KHÁC

THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ CÔNG AN

Điều 8. Đối tượng, loại vũ khí trang bị

1. Cơ yếu thuộc Bộ Ngoại giao, Cơ yếu trong cơ quan của Đảng, cơ quan của Nhà nước ở trung ương và địa phương được trang bị: súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.

2. Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục Kiểm lâm vùng, Hạt Kiểm lâm quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ, Kiểm lâm vùng, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng, Trạm Kiểm lâm địa bàn, Trạm Kiểm lâm cửa rừng được trang bị: súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.

3. Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư Vùng, Chi đội Kiểm ngư, Trạm Kiểm ngư, Đội tàu Kiểm ngư được trang bị: súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng máy có cỡ nòng đến 14,5mm, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.

4. Lực lượng An ninh hàng không được trang bị: súng ngắn, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.

5. Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, lực lượng điều tra chống buôn lậu, Hải quan cửa khẩu thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được trang bị: súng ngắn, súng tiểu liên, đạn sử dụng cho loại súng này và các loại vũ khí thô sơ.

6. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao được trang bị: súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này.

7. Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động được trang bị các loại vũ khí thô sơ.

8. Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động, Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, các cơ quan, tổ chức khác được cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao được trang bị: súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay, đạn sử dụng cho các loại súng này và các loại vũ khí thô sơ dùng để luyện tập thi đấu thể thao.

Điều 9. Đối tượng, loại công cụ hỗ trợ trang bị

1. Đối tượng quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 8 Thông tư này và Cơ sở cai nghiện ma túy được trang bị các loại công cụ hỗ trợ.

2. Đối tượng được trang bị các loại công cụ hỗ trợ, trừ động vật nghiệp vụ, bao gồm:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 8 Thông tư này;

b) Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Cục thi hành án dân sự ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chi cục thi hành án dân sự ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

c) Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ, doanh nghiệp có tổ chức thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách;

d) Lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản;

đ) Lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải;

e) Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường.

3. Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ, bao gồm:

a) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao;

b) Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan nhà nước; mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa, xã hội; trên tàu hỏa; ngân hàng; bệnh viện; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh vàng, đá quý, ngoại hối, tiền Việt Nam thì căn cứ tính chất, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ để xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: súng bắn điện, súng bắn đạn nổ, cao su, hơi cay và đạn sử dụng cho các loại súng này; phương tiện xịt hơi cay; dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao;

c) Đối với lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại vườn thú; khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; khu bảo tồn loài, sinh cảnh thì được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: súng bắn chất gây mê, dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, áo giáp, găng tay bắt dao.

4. Ban bảo vệ dân phố được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp, găng tay bắt dao.

5. Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại sau: dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG CÔNG TÁC TRANG BỊ, QUẢN LÝ VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ QUÂN DỤNG, CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội

1. Tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

2. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

3. Tổ chức thực hiện việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ; cấp giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

4. Tổ chức đào tạo, tập huấn, huấn luyện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng được trang bị theo thẩm quyền quản lý của Bộ Công an.

5. Tổng hợp, báo cáo về công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định.

Điều 11. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an

1. Lập kế hoạch trang bị, tổ chức tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

2. Tổng hợp, báo cáo về công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý.

3. Cơ quan quản lý về trang bị và kho vận thuộc Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Lập kế hoạch trang bị, cấp phát vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân;

b) Lập biểu định mức, tỷ lệ và cơ cấu trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho Công an các đơn vị, địa phương; tính lượng dự trữ vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ để tại kho của Bộ Công an;

c) Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ;

d) Kiểm tra, đánh giá chất lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền để thanh lý, tiêu hủy theo quy định;

đ) Tổ chức kiểm tra công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ tại Công an các đơn vị, địa phương.

Điều 12. Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Lập kế hoạch trang bị, tổ chức tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, điều động vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

2. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ.

3. Kiểm tra, đánh giá chất lượng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và báo cáo cấp có thẩm quyền để thanh lý, tiêu hủy theo quy định.

4. Chỉ đạo thực hiện việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền.

5. Tổ chức đào tạo, tập huấn, huấn luyện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng được trang bị theo thẩm quyền.

6. Tổng hợp, báo cáo về công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an

1. Lập kế hoạch trang bị, tổ chức tiếp nhận, cấp phát, điều chuyển, điều động, thu hồi các loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

2. Thực hiện việc quản lý, bảo quản, sử dụng, sửa chữa, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định.

3. Phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn, huấn luyện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho các đối tượng được trang bị thuộc phạm vi quản lý.

4. Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra trong công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định; kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý.

5. Tổng hợp, báo cáo về công tác trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

2. Thông tư này bãi bỏ:

a) Thông tư số 06/2014/TT-BCA ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong Công an nhân dân;

b) Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BVHTTDL-BCA ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - Bộ Công an quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thể thao trong tập luyện và thi đấu thể thao;

c) Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-BNNPTNT-BCA ngày 22 tháng 01 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công an quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của lực lượng Kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách;

d) Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNNPTNT-BCA ngày 13 tháng 01 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Công an quy định về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của của lực lượng Kiểm ngư.

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

2. Công an các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội) để kịp thời hướng dẫn.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Tô Lâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.