• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 05/03/2020
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 01/2020/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 20 tháng 1 năm 2020

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ 

___________________________

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;    

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV).

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BKHCN-BNV:

1. Bổ sung Điều 1a như sau:

“Điều 1a. Giải thích từ ngữ:

1. Tạp chí quốc tế có uy tín là các tạp chí được quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ.

2. Tạp chí ISI có uy tín là các tạp chí được quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia tài trợ.

3. Tạp chí khoa học trong nước có uy tín là những tạp chí khoa học trong nước có mã số chuẩn quốc tế ISSN, thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng giáo sư ngành, liên ngành hằng năm của Hội đồng giáo sư nhà nước.

4. Bài báo khoa học là công trình khoa học của tác giả đã được công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN, thể hiện rõ ý tưởng khoa học, nội dung cần thiết của vấn đề nghiên cứu, tình hình nghiên cứu trong nước và quốc tế, những đóng góp chính về lý thuyết và ứng dụng; phương pháp, phương tiện nghiên cứu, nguồn tư liệu trích dẫn và tài liệu tham khảo.

5. Sách chuyên khảo là công trình khoa học trình bày kết quả nghiên cứu chuyên sâu và tương đối toàn diện về một vấn đề khoa học chuyên ngành.

6. Giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học duyệt, lựa chọn hoặc được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

7. Dự án, công trình, đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật là các dự án, công trình, đồ án phát triển, ứng dụng, triển khai công nghệ hoặc các nhiệm vụ khác thuộc phạm vi ngành kỹ thuật, kinh tế - kỹ thuật viên chức đảm nhiệm, được phân theo loại và cấp (nhóm) tại quy định của pháp luật chuyên ngành”.

2. Bổ sung Điều 3a như sau:

Điều 3a. Kết quả hoạt động chuyên môn được tính điểm quy đổi

1. Kết quả hoạt động chuyên môn được tính điểm quy đổi gồm:

a) Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp được nghiệm thu ở mức đạt trở lên;

b) Kết quả quyền sở hữu trí tuệ, gồm:

- Tác giả của sáng chế được cấp Bằng độc quyền sáng chế;

- Tác giả của Giải pháp hữu ích được cấp Bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn;

- Tác giả của Giống cây trồng được cấp Bằng bảo hộ.

c) Bài báo khoa học;

d) Sách chuyên khảo, giáo trình;

đ) Kết quả thực hiện các dự án, công trình, đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật.

2. Mỗi kết quả hoạt động chuyên môn được quy đổi tại khoản 1 Điều này phải có nội dung phù hợp với chuyên ngành khoa học và công nghệ mà viên chức đang hoạt động, phù hợp với vị trí việc làm, chức trách mà viên chức đang đảm nhiệm. Việc tính điểm quy đổi được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Bài báo khoa học, sách chuyên khảo, giáo trình đã công bố có nội dung trùng lặp từ 30% trở lên với công trình khác của cùng tác giả chỉ được tính điểm quy đổi một lần.

4. Kết quả hoạt động chuyên môn quy đổi có nhiều tác giả tham gia thì tác giả chính được hưởng 1/3 số điểm, số điểm còn lại được chia theo giá trị đóng góp của từng thành viên tham gia. Trường hợp không thể xác định cụ thể giá trị đóng góp của mỗi người thì số điểm còn lại được chia đều cho các thành viên tham gia.

5. Không thực hiện tính điểm quy đổi đối với sách chuyên khảo, bài báo khoa học được hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được tính điểm quy đổi”.

3. Sửa đổi điểm d và đ, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 4 như sau:

“d) Có năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Đã chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (hoặc chủ nhiệm ít nhất 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và tham gia ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc là tác giả chính hoặc chủ biên của ít nhất 01 sách chuyên khảo và tác giả chính của ít nhất 02 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín, trong đó có 01 bài được đăng trên tạp chí ISI có uy tín.

đ) Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) thì trong thời gian giữ hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc tương đương phải đạt được kết quả khoa học và công nghệ quy định tại điểm d khoản 3 Điều này hoặc phải đạt ít nhất 05 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 03 điểm được quy đổi từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên hoặc công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và ít nhất 02 điểm được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thi thăng hạng nghiên cứu viên cao cấp (hạng I).

e) Có kinh nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Viên chức thăng hạng từ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) lên chức danh nghiên cứu viên cao cấp (hạng I) phải có thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) tối thiểu là 02 năm”.

4. Sửa đổi điểm d và đ, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 5 như sau:

“d) Có năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh và chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác.

Đã chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh (hoặc chủ nhiệm ít nhất 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và tham gia ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc tham gia nhóm tác giả của ít nhất 01 sách chuyên khảo và là tác giả chính của ít nhất 01 bài báo khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín.

đ) Viên chức dự thi thăng hạng chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) thì trong thời gian giữ hạng chức danh nghiên cứu viên (hạng III) hoặc tương đương phải đạt kết quả khoa học và công nghệ quy định tại điểm d khoản 3 Điều này hoặc phải đạt ít nhất 03 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 01 điểm được quy đổi từ kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên hoặc công bố bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và ít nhất 01 điểm được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thi thăng hạng nghiên cứu viên chính (hạng II).

e) Có kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Viên chức thăng hạng từ chức danh nghiên cứu viên lên chức danh nghiên cứu viên chính (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh nghiên cứu viên (hạng III) tối thiểu là 02 năm”.

5. Sửa đổi điểm d khoản 3 Điều 6 như sau:

“d) Có năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở và tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác.

Trong thời gian giữ chức danh nghiên cứu viên, chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và là tác giả của ít nhất 01 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học trong nước có uy tín”.

6. Sửa đổi điểm d và đ, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 8 như sau:

“d) Có năng lực chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc dự án, công trình, đồ án cấp I thuộc chuyên ngành kỹ thuật và chủ trì, tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc dự án, công trình, đồ án các cấp thuộc chuyên ngành kỹ thuật.

Đã tham gia ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (hoặc chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh) được nghiệm thu ở mức đạt trở lên và chủ nhiệm ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc là tác giả của ít nhất 01 bằng độc quyền sáng chế và 01 giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn; hoặc làm giám đốc quản lý, chủ trì, chủ nhiệm ít nhất 01 dự án, công trình, đồ án cấp I thuộc chuyên ngành kỹ thuật và làm giám đốc quản lý, chủ trì, chủ nhiệm ít nhất 02 dự án, công trình, đồ án cấp II thuộc chuyên ngành kỹ thuật được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; hoặc làm chủ nhiệm, chủ  trì thiết kế của ít nhất 01 dự án, công trình cấp I và làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế của ít nhất 02 dự án, công trình cấp II được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

đ) Viên chức dự thi thăng hạng kỹ sư cao cấp (hạng I) thì trong thời gian giữ hạng chức danh kỹ sư chính (hạng II) hoặc tương đương phải có kết quả hoạt động chuyên môn quy định tại điểm d khoản 3 Điều này hoặc phải đạt ít nhất 04 điểm quy đổi từ kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 02 điểm là điểm quy đổi từ kết quả chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ trở lên hoặc làm giám đốc quản lý, chủ trì dự án, công trình, đồ án từ cấp II trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật hoặc tác giả của bài báo khoa học, sáng chế được cấp bằng độc quyền, giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn và ít nhất 01 điểm quy đổi được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thi thăng hạng kỹ sư cao cấp (hạng I).

e) Có kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ và tổ chức thực hiện các dự án, công trình, đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật. Viên chức thăng hạng từ chức danh kỹ sư chính (hạng II) lên chức danh kỹ sư cao cấp (hạng I) phải có thời gian giữ chức danh kỹ sư chính (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm, trong đó thời gian giữ chức danh kỹ sư chính (hạng II) gần nhất tối thiểu là 02 năm”.

7. Sửa đổi điểm d và đ, bổ sung điểm e khoản 3 Điều 9 như sau:

“d) Có năng lực chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh hoặc dự án, công trình, đồ án cấp II thuộc chuyên ngành kỹ thuật và chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc dự án, công trình, đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật các cấp.

Đã chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc tham gia ít nhất 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc là tác giả của ít nhất 01 giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn; hoặc làm giám đốc quản lý, chủ trì, chủ nhiệm ít nhất 01 dự án, công trình, đồ án cấp II thuộc chuyên ngành kỹ thuật và làm giám đốc quản lý, chủ trì, chủ nhiệm ít nhất 01 dự án, công trình, đồ án cấp III thuộc chuyên ngành kỹ thuật được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; hoặc làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế của ít nhất 01 dự án, công trình cấp II và làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế của ít nhất 02 dự án, công trình cấp III được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

đ) Đối với viên chức dự thi thăng hạng kỹ sư chính (hạng II) thì trong thời gian giữ hạng chức danh kỹ sư (hạng III) hoặc tương đương phải có kết quả hoạt động chuyên môn quy định tại điểm d khoản 3 Điều này hoặc phải đạt ít nhất 02 điểm quy đổi kết quả hoạt động chuyên môn, trong đó có ít nhất 01 điểm được quy đổi từ kết quả chủ trì, tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên hoặc dự án, công trình, đồ án từ cấp III trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật; hoặc là tác giả của giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền và được ứng dụng trong thực tiễn, bài báo khoa học được công bố và ít nhất 01 điểm được thực hiện trong hai năm cuối tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thi thăng hạng kỹ sư chính (hạng II).

e) Có kinh nghiệm triển khai hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, tổ chức thực hiện các dự án, công trình, đồ án thuộc chuyên ngành kỹ thuật. Viên chức thăng hạng từ chức danh kỹ sư (hạng III) lên chức danh kỹ sư chính (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh kỹ sư (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh kỹ sư (hạng III) tối thiểu là 02 năm”.

8. Sửa đổi điểm d khoản 3 Điều 10 như sau:

“d) Có năng lực chủ trì tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc dự án, công trình, đồ án cấp III thuộc chuyên ngành kỹ thuật.

Trong thời gian giữ chức danh kỹ sư (hạng III), chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở được nghiệm thu ở mức đạt trở lên; hoặc làm giám đốc quản lý, chủ trì ít nhất 01 dự án, công trình, đồ án cấp III thuộc chuyên ngành kỹ thuật, được hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; hoặc làm chủ nhiệm, chủ trì thiết kế ít nhất 01 dự án, công trình cấp III được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 3 năm 2020.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn hoặc xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Văn Tùng

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.