• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2006
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 99/2006/TT-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 6 tháng 11 năm 2006

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng

 ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg,

ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ

____________________

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP, ngày 18/7/2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

 

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn chi tiết một số điều theo quy định tại Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng của Thông tư là cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư thôn; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam.

Mục 2. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Quy định việc phân chia, xác định ranh giới đơn vị quản lý rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp

1.1. Rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp được phân chia thành các đơn vị quản lý: Tiểu khu, khoảnh, lô theo quy định tại điều 42, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

Tiểu khu có diện tích không lớn hơn 1.000 hecta, trong cùng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Thứ tự tiểu khu được ghi số bằng chữ số Ả Rập trong phạm vi của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), từ tiểu khu số 1 đến tiểu khu cuối cùng (ví dụ: Tiểu khu 1, Tiểu khu 2).

Khoảnh có diện tích không lớn hơn 100 hecta, trong cùng đơn vị hành chính cấp xã. Thứ tự khoảnh được ghi số bằng chữ số Ả Rập, từ Khoảnh 1 đến khoảnh cuối cùng, trong phạm vi từng tiểu khu (ví dụ: Khoảnh 1, Khoảnh 2).

Lô có diện tích không lớn hơn 10 hecta, có trạng thái rừng hoặc đất lâm nghiệp tương đối đồng nhất, cùng địa bàn trong cấp xã. Thứ tự lô được ghi bằng chữ cái Việt Nam trong phạm vi từng khoảnh (ví dụ: Lô a, Lô b). Trong cùng một khoảnh, tên các lô rừng không được trùng nhau.

Số thứ tự của tiểu khu, khoảnh, lô về cơ bản được ghi số theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, trừ trường hợp được bổ sung sau này.

1.2. Việc xác định mốc ranh giới, bảng chỉ dẫn thực hiện theo Quy chế xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng, ban hành kèm theo Quyết định số 3013/1997/QĐ-BNN & PTNT, ngày 20/11/1997 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

1.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc có thể uỷ quyền cho Chi cục Lâm nghiệp ở nơi có Chi cục Lâm nghiệp) thống  nhất quản lý các đơn vị quản lý rừng và đất lâm nghiệp, quyết định việc thiết lập, điều chỉnh ranh giới, đơn vị quản lý rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo đề nghị của các tổ chức tư vấn về điều tra, quy hoạch rừng tại địa phương.

2. Tiêu chí rừng nghèo kiệt và các loại rừng nghèo kiệt được phép cải tạo; biện pháp, trình tự, thủ tục cải tạo rừng

2.1. Cải tạo rừng tự nhiên theo Thông tư này được hiểu là việc trồng lại rừng trên các khu rừng tự nhiên nghèo kiệt, có năng suất, chất lượng thấp để thay thế bằng rừng trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và phòng hộ, bảo vệ môi trường cao hơn.

2.2. Rừng tự nhiên được xem xét để được phép cải tạo là rừng tự nhiên thoái hoá hoặc phát triển kém, không có hoặc ít có khả năng phục hồi và phát triển, nếu áp dụng các biện pháp lâm sinh như: Nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng, khoanh nuôi tái sinh sẽ đạt  hiệu quả thấp, cụ thể:

a) Đối với rừng gỗ thuần loại:

- Cây gỗ tái sinh mục đích có chiều cao nhỏ hơn 5 mét và đường kính bình quân dưới 6 cen-ti-met, có mật độ nhỏ hơn 800 cây trên một hecta.

- Trữ lượng gỗ nhỏ hơn 50 mét khối trên một hecta.

b) Đối với rừng tre, nứa thuần loại:

- Rừng nứa, giang, lồ ô đường kính bình quân dưới 3 cen-ti-met, có mật độ nhỏ hơn 8.000 cây trên một hecta.

- Rừng vầu, tre, luồng có đường kính lớn hơn 3 cen-ti-met, mật độ nhỏ hơn 3.000 cây trên một hecta.

c) Đối với rừng hỗn giao tre nứa và gỗ, tùy mức độ hỗn giao cụ thể để quy định. Thí dụ: Nếu 1/2 là tre, nứa; 1/2 là gỗ, thì rừng nghèo kiệt có thể cải tạo là rừng có cây gỗ tái sinh có mật độ dưới 400 cây (hoặc gỗ có trữ lượng dưới 25 mét khối) và nứa có đường kính nhỏ hơn 3 cen-ti-met, có mật độ dưới 8.000 cây trên một hecta (hoặc vầu, tre có mật độ dưới 1.500 cây trên một hecta).

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định về loài cây mục đích, áp dụng tiêu chí về trữ lượng hoặc mật độ cây để quyết định cải tạo rừng phù hợp với thực tế của địa phương.

2.3. Biện pháp cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Tuỳ theo điều kiện tự nhiên và đặc tính cây trồng mà áp dụng một trong hai phương thức sau:

- Cải tạo cục bộ: Là trồng lại rừng theo băng hoặc đám.

- Cải tạo toàn diện: Là thay toàn bộ lâm phần hiện tại bằng cách trồng lại rừng mới cây có mục đích, trên toàn bộ diện tích lô.

2.4. Trình tự, thủ tục cải tạo rừng.

a) Việc cải tạo rừng: Đối với tổ chức phải lập dự án; đối với hộ gia đình và cá nhân phải có đơn đề nghị cải tạo rừng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Đối với các chủ rừng là các Vườn quốc gia, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ rừng lập tờ trình, Cục Lâm nghiệp thẩm định, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

c) Đối với các chủ rừng khác: Chủ rừng lập dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

d) Chủ rừng là hộ gia đình có yêu cầu cải tạo rừng dưới 5 hecta, có đơn đề nghị cải tạo rừng, có xác nhận của kiểm lâm địa bàn và Ủy ban nhân dân xã, gửi về Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã xem xét, quyết định. Nếu cải tạo từ 5 hecta trở lên thì Uỷ ban nhân dân huyện gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi quyết định phê duyệt.

3. Tiêu chí rừng trồng không thành rừng

Rừng trồng không thành rừng: Là lô rừng sau thời kỳ đầu tư chăm sóc theo quy định, có tỉ lệ cây sống dưới 50% so với quy phạm trồng rừng đã được quy định, hay so với mật độ thiết kế trồng nếu không có quy phạm trồng rừng đối với loài cây đó và không có khả năng khép tán, mật độ cây phân bố không đồng đều trên lô, chiều cao cây bình quân dưới 2 mét, đường kính gốc bình quân dưới 2 cen-ti-met.

4. Tiêu chí rừng phòng hộ đạt tiêu chuẩn

4.1. Rừng phòng hộ đầu nguồn: Phải tạo thành vùng tập trung, có cấu trúc hỗn loài, nhiều tầng tán, có độ tàn che từ 0,6 trở lên. Đảm bảo duy trì, điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, giảm xói mòn.

4.2. Rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay: Phải có ít nhất một đai rừng chính rộng tối thiểu 20 mét, kết hợp với các đai rừng phụ tạo thành ô khép kín; rừng phòng hộ đối với sản xuất nông nghiệp và các công trình kinh tế được trồng theo băng, theo hàng, mỗi đai, băng rừng gồm nhiều hàng cây, khép tán theo cả bề mặt cũng như theo chiều thẳng đứng. Đảm bảo phát huy tác dụng ngăn chặn hoặc làm suy giảm tác hại của gió, cát.

4.3. Rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển: Phải có ít nhất một đai rừng rộng tối thiểu 30 mét, gồm nhiều hàng cây khép tán. Các đai rừng có cửa so le nhau theo hướng sóng chính; cây rừng đã khép tán, hệ rễ phát triển đảm bảo phát huy tác dụng chắn sóng, ổn định đất, tăng khả năng bồi lấp bờ biển, ngăn chặn hoặc giảm sạt lở.   

4.4. Rừng phòng hộ bảo vệ môi trường: Là hệ thống các đai rừng, dải rừng và hệ thống cây xanh xen kẽ các khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch. Bảo đảm chống ô nhiễm không khí, tạo môi trường trong sạch, kết hợp với vui chơi giải trí, tham quan du lịch.

5. Các biện pháp lâm sinh và định mức kinh tế - kỹ thuật để phát triển rừng sản xuất

Trong những năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các quy trình, quy phạm kỹ thuật lâm sinh cho một số loài cây trồng. Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh hướng dẫn thực hiện cho phù hợp. Loài cây trồng nào chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì tuỳ theo đặc điểm và điều kiện tự nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình hoặc hướng dẫn biện pháp kỹ thuật lâm sinh để thực hiện.

6. Quy định về việc xây dựng công trình hạ tầng, tỉ lệ diện tích đất được xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất

6.1. Đối với rừng đặc dụng:

a) Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: Được lập các tuyến đường mòn, lều trú chân, cắm biển chỉ dẫn để tuần tra kết hợp phục vụ dịch vụ du lịch sinh thái. Tuyệt đối không được làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng. Tuyến đường mòn quy định tối đa không quá 1,5 mét chiều rộng. Trong xây dựng, không được có những hành vi xâm hại đến sinh cảnh sống của những loài động vật.

b) Trong phân khu phục hồi sinh thái: Được mở các đường trục chính, xây dựng công trình để bảo vệ và phát triển rừng kết hợp phục vụ các hoạt động dịch vụ - du lịch. Mức độ tác động của các công trình hạ tầng phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái tối đa là 20% tổng diện tích được thuê môi trường rừng đặc dụng đối với diện tích thuê từ 50 ha trở xuống, trong đó cho phép sử dụng 5% diện tích được thuê để xây dựng các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng, 15% diện tích còn lại được làm đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe; Đối với diện tích thuê lớn hơn 50 hecta, mức độ tác động tối đa là 15% tổng diện tích được thuê, trong đó cho phép sử dụng 5% diện tích được thuê để xây dựng các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng, 10% diện tích còn lại được làm đường mòn, điểm dừng chân, bãi đỗ xe. Phần diện tích được thuê các công trình hạ tầng phải được xác định rõ trên bản đồ và phân định rõ ngoài thực địa, thông qua hệ thống biển báo.

c) Trong phân khu dịch vụ hành chính, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu khoa học: Tỉ lệ diện tích đất được xây dựng các công trình kiến trúc cơ sở hạ tầng không vượt quá 20% diện tích để phục vụ du lịch.

6.2. Đối với rừng phòng hộ:

- Nếu không có sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp thì thực hiện như quy định tại tiết b, điểm 6.1.

- Nếu có sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp kinh doanh du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng trên phần diện tích không có rừng thì diện tích cả 2 loại không vượt quá 25% diện tích trên đất rừng ngập mặn hoặc không quá 20% diện tích đối với những khu vực phòng hộ đầu nguồn, chắn gió, chắn cát bay.

Ngoài ra, các khu rừng phòng hộ vẫn phải đảm bảo về tiêu chí như quy định tại khoản 4, Mục II Thông tư này.

6.3. Đối với rừng sản xuất:

- Nếu không có sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp thì thực hiện như quy định tại tiết c, điểm 6.1.

- Nếu có sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trên phần diện tích không có rừng thì diện tích cả 2 loại không vượt quá 25% diện tích.

7. Quy định việc sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ

7.1. Không thực hiện sản xuất kết hợp nông - ngư nghiệp ở những vùng phòng hộ rất xung yếu, đỉnh núi, trong phạm vi 30 mét ven sông, suối hoặc những nơi có độ dốc trên 30 độ.

7.2. Các Ban quản lý rừng phòng hộ có trách nhiệm quy hoạch, xác định vị trí, ranh giới đất đai và phối hợp với các cơ quan khuyến lâm, khuyến nông hướng dẫn các mô hình sản xuất kết hợp lâm, nông, ngư nghiệp cụ thể cho từng khu rừng phòng hộ. Những nơi sản xuất kết hợp phải là nơi đất tốt, thuận lợi cho việc tưới tiêu. Các mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ là các mô hình canh tác bền vững trên đất dốc ở vùng đồi núi, hoặc các mô hình canh tác tổng hợp ở vùng ven biển. Loài cây và vật nuôi trong các mô hình sản xuất kết hợp lâm, nông, ngư nghiệp là những loài  không gây xói lở đất, có tác dụng cố định bãi cát, thích hợp với điều kiện môi trường, không gây thoái hoá đất đai, không gây tình trạng sa mạc hoá.

7.3. Các chủ rừng thực hiện sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ được hưởng toàn bộ thành quả từ quá trình sản xuất kết hợp trong rừng phòng hộ. Các chủ rừng thực hiện sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về quản lý bảo vệ rừng phòng hộ.

Diện tích sản xuất kết hợp được quy định cụ thể như sau:

- Chủ rừng là tổ chức được sử dụng diện tích đất chưa có rừng để sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp theo quy hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được sử dụng không quá 25% diện tích đất không có rừng trên đất rừng ngập mặn hoặc không quá 20% diện tích không có rừng đối với khu vực phòng hộ đầu nguồn, chắn gió, chắn cát bay để sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp.

Vị trí khu vực sản xuất kết hợp trong rừng phải ổn định trong suốt kỳ quy hoạch rừng.

7.4. Các chủ rừng thực hiện sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ, không được thực hiện những hoạt động gây ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng và phát triển của khu rừng phòng hộ, hoặc làm đảo lộn quá trình sinh thái tự nhiên của khu rừng, như đắp đê cản trở lưu thông của thủy triều ở vùng ven biển, hoặc đắp đập gây tích đọng nước ở vùng đồi núi. Chủ rừng vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, làm tổn hại tới tài nguyên rừng thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

7.5. Việc kết hợp sản xuất lâm - nông – ngư nghiệp trong rừng phòng hộ phải thực hiện theo quy hoạch được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hoặc uỷ quyền cho Chi cục Lâm nghiệp) phê duyệt. Trong quy hoạch phải quy định rõ tỉ lệ, quy mô các công trình nhà, đường, công trình phụ trợ phù hợp với quy định hiện hành.

Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

8. Quy định khai thác lâm sản trong rừng trồng theo mức độ xung yếu về phòng hộ của rừng sản xuất

8.1. Việc khai thác gỗ và lâm sản khác từ rừng tự nhiên thực hiện theo quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN, ngày 07/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

8.2. Đối với rừng sản xuất là rừng trồng có mức độ ít xung yếu về phòng hộ, được khai thác trắng toàn diện theo lô rừng.

8.3. Đối với rừng sản xuất là rừng trồng có mức độ xung yếu về phòng hộ, được khai thác 50% diện tích theo băng hoặc theo đám, cụ thể:

- Chiều rộng băng khai thác không quá 60 mét. Băng khai thác, băng chừa bố trí song song với đường đồng mức và không liền kề nhau;

- Diện tích đám khai thác lớn nhất không quá 5 hecta, không được khai thác 2 đám liền kề nhau;

- Chỉ khai thác tiếp các băng, đám chừa sau khi đã trồng rừng khép tán trên băng, đám đã chặt.

9. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý và sử dụng tài nguyên trong rừng đặc dụng

9.1. Ban quản lý rừng đặc dụng phải lập hồ sơ quản lý rừng: Hồ sơ quản lý bao gồm số liệu về diện tích rừng và tình trạng rừng, tình hình quản lý rừng và bản đồ kèm theo thể hiện đến lô, khoảnh và tiểu khu rừng. Hồ sơ phải đảm bảo cập nhật thường xuyên, kịp thời, được lưu giữ và quản lý dưới dạng tài liệu trên giấy và dữ liệu trên máy tính, gồm các nội dung sau:

a) Lập bản đồ: Bản đồ dùng để quản lý rừng đặc dụng là bản đồ địa hình chính xác, có  tỷ lệ 1/10.000 đối với các khu rừng đặc dụng có diện tích dưới 5.000 hecta; 1/25.000 đối với khu rừng đặc dụng từ 5.000 hecta đến 10.000 hecta; 1/50.000 đối với khu rừng có diện tích trên 10.000 hecta, có đầy đủ chi tiết địa hình, địa vật làm căn cứ để phân chia hệ thống đường ranh giới đến mức tiểu khu, khoảnh, lô.

b) Phân chia các phân khu chức năng rừng đặc dụng: Việc phân chia các phân khu rừng đặc dụng được thực hiện theo Điều 14 của Quyết định 186/2006/QĐ-TTg; các đơn vị quản lý rừng như tiểu khu, khoảnh, lô được quy định tại điểm 1.1, khoản 1, Mục II Thông tư này.

9.2. Ban quản lý các khu rừng đặc dụng có trách nhiệm thu thập thông tin cho từng lô, khoảnh, tiểu khu gồm các nội dung sau: Diện tích; trạng thái rừng, độ che phủ, loài thực vật ưu thế, loài động vật xuất hiện trong khoảnh và dấu hiệu ghi nhận, thông tin về các loài sinh vật xâm hại, các số liệu phải được lưu trữ trên giấy, máy tính và được cập nhật vào bản đồ.

9.3. Ban quản lý rừng đặc dụng phải xác định các vùng ưu tiên quản lý, bảo vệ rừng, theo dõi diễn thế sinh thái tự nhiên của rừng. Đối với các phân khu được quy hoạch phục vụ cho phát triển du lịch như phân khu dịch vụ hành chính, các tuyến du lịch sinh thái, cần xem xét các tác động làm ảnh hưởng đến diễn thế tự nhiên của khu rừng và đề xuất các phương án quản lý, bảo vệ rừng.

9.4. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ sử dụng tài nguyên trong rừng đặc dụng:

a) Chặt nuôi dưỡng rừng: Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép chặt nuôi dưỡng rừng đối với những khu rừng đặc dụng thuộc Bộ quản lý, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép chặt nuôi dưỡng rừng đối với những khu rừng đặc dụng thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý thì chủ rừng tiến hành thiết kế.

Nội dung thiết kế:

- Xác định rõ ranh giới, diện tích theo lô, khoảnh, tiểu khu;

- Tính toán khối lượng sản phẩm có thể tận dụng theo kích thước, loài cây, nhóm gỗ;

- Lập hồ sơ thiết kế các biện pháp lâm sinh (chặt nuôi dưỡng rừng).

Thủ tục trình duyệt:

- Cục Lâm nghiệp phê duyệt hồ sơ thiết kế chặt nuôi dưỡng rừng cho những khu rừng đặc dụng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồ sơ thiết kế chặt nuôi dưỡng rừng cho những khu rừng đặc dụng do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.

Những nguyên tắc trong quá trình chặt nuôi dưỡng rừng:

- Chặt nuôi dưỡng rừng phải tuân thủ các quy trình, quy phạm nhằm đảm bảo tái sinh, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cây còn lại, không mở đường vận xuất, vận chuyển và kho bãi mới mà phải lợi dụng các công trình đã có hoặc đường mòn để vận xuất, vận chuyển.

- Chặt nuôi dưỡng rừng phải đúng địa điểm, đúng diện tích, đúng đối tượng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cấp phép. Nghiêm cấm lợi dụng chặt gỗ nơi khác đưa vào khu vực được phép chặt nuôi dưỡng.

b) Khai thác tận thu:

Lập hồ sơ tận thu (đối với những khu rừng có cây rừng bị chết khô, gãy đổ trong các phân khu hành chính, dịch vụ và phục hồi sinh thái).

Sau khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép tận thu đối với những khu rừng đặc dụng do Bộ quản lý, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép tận thu đối với những khu rừng đặc dụng do tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, chủ rừng tiến hành thu gom ở từng lô, gỗ được tập kết tại đường phân lô, khoảnh, tiểu khu, sau đó thống kê cụ thể số lóng, số khúc, số cây, số tấm; đo kích thước, tính khối lượng theo chủng loại gỗ cho từng lô, khoảnh, tiểu khu.

Thủ tục trình duyệt:

- Cục Lâm nghiệp phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp phép tận thu cho những khu rừng đặc dụng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp phép tận thu những khu rừng đặc dụng thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý.

Tổ chức tận thu:

- Tận thu phải đúng địa điểm, diện tích, đối tượng đã được cấp có thẩm quyền cho phép.

- Nghiêm cấm lợi dụng đưa gỗ nơi khác vào khu vực được phép tận thu.

10. Quy định thả động vật hoang dã vào rừng

10.1. Động vật hoang dã bị bắt giữ do vi phạm pháp luật: Nếu còn khoẻ mạnh, không có bệnh tật phải khẩn trương xử lý để thả chúng về môi trường thiên nhiên phù hợp với vùng sinh cảnh, nguồn thức ăn của từng loài. Trong trường hợp động vật hoang dã không được khoẻ mạnh (bị ốm, bị thương) lập biên bản chuyển giao về các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã (nếu có điều kiện) để chăm sóc, cứu hộ rồi thả về môi trường tự nhiên.

Trường hợp động vật hoang dã bị chết hoặc bị thương không thể cứu chữa được thì lập biên bản bàn giao cho cơ quan nghiên cứu khoa học xử lý làm tiêu bản để phục vụ đào tạo nghiên cứu khoa học (nếu có) hoặc tổ chức tiêu huỷ bảo đảm làm sạch môi trường, hoặc hoá giá để tiêu thụ (nếu có đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm).

10.2. Động vật hoang dã từ Trung tâm cứu hộ: Trước khi chuyển giao thả về môi trường tự nhiên trình tự thủ tục như sau:

- Văn bản tiếp nhận chuyển giao động vật hoang dã của ban quản lý khu bảo tồn.

- Hội đồng giám định Trung tâm cứu hộ lập biên bản giám định động vật hoang dã đủ điều kiện sống trong môi trường tự nhiên. Nội dung trong biên bản giám định cần ghi đầy đủ tên loài động vật, tình trạng sức khoẻ, tập tính sinh học.

- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về thả động vật hoang dã; biên bản kiểm dịch của cơ quan thú y và giấy phép vận chuyển động vật hoang dã theo quy định hiện hành.

11. Quy định việc lưu giữ, sưu tầm mẫu vật, nguồn gen sinh vật rừng trong khu rừng đặc dụng

11.1. Ban quản lý khu rừng đặc dụng được phép tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, thu thập mẫu vật nguồn gen sinh vật rừng theo kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các khu rừng đặc dụng trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Bộ phê duyệt kế hoạch. Đối với các khu rừng đặc dụng trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh thì Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch.

11.2. Các Tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành thu thập mẫu vật phải có chương trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền phê duyệt (cấp Trường, Viện trở lên), trong đó có thể hiện nội dung thu thập mẫu vật, nguồn gen. Việc nghiên cứu khoa học, giảng dạy, thực tập trong rừng đặc dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP.

11.3. Đối với mẫu vật của những loài động, thực vật hoang dã thông thường, muốn thu thập nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học, phải được ban quản lý các khu rừng đặc dụng hay đơn vị chủ quản lý các khu rừng đó thống nhất cho phép. Đối với mẫu vật của những loài động, thực vật rừng quý hiếm, muốn thu thập nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học, phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

11.4. Việc sưu tầm mẫu vật, nguồn gen phải chịu sự giám sát của Ban quản lý khu rừng đặc dụng, hay đơn vị trực tiếp quản lý khu rừng đó. Đối với mẫu vật, nguồn gen của động, thực vật hoang dã thông thường thì đơn vị, tổ chức nghiên cứu khoa học được phép thu mỗi loại mẫu vật của một loài 3 mẫu. Trường hợp đặc biệt cần thu số lượng mẫu nhiều thì phải có ý kiến của Ban quản lý rừng đặc dụng. Các mẫu sau nghiên cứu định loại khoa học phải được trả lại Ban quản lý rừng đặc dụng một mẫu (đối với các Ban quản lý rừng có nhà bảo tàng đủ khả năng lưu giữ mẫu vật). Đối với các nghiên cứu khác như phân tích hoá học, sinh, y học phải có báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu gửi cho ban quản lý rừng đặc dụng chậm nhất 90 ngày kể từ ngày thu mẫu.

11.5. Mẫu vật động, thực vật hoang dã không có khả năng giám định khoa học trong nước, tổ chức, cá nhân muốn giám định khoa học tại nước ngoài phải được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Số lượng mẫu vật gửi đi giám định tối đa là 03 mẫu mỗi loại của một loài (trường hợp đặc biệt phải có giải trình khoa học). Sau khi giám định, phải trả về Việt Nam ít nhất 02 mẫu đã xuất khẩu kèm theo kết quả giám định.

11.6. Bản quyền đối với mẫu vật, nguồn gen thu thập trong rừng đặc dụng do ban quản lý khu rừng đặc dụng thoả thuận với tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học và được quy định cụ thể trong chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học.

11.7. Việc thu thập mẫu vật, nguồn gen giống cây trồng lâm nghiệp phải tuân theo quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 89/2005/QĐ-BNN, ngày 29/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mục 3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,  Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm thực hiện thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hứa Đức Nhị

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.