• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/09/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 10/02/2022
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 62/2006/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 16 tháng 8 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp

giai đoạn 2006 - 2020

______________________________

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ  Pháp lệnh giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI thông qua ngày 24/3/2004;

Căn cứ  Quyết định số 17/2006/QĐ-TTg ngày 20/01/ 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 225/1999/QĐ-TTg ngày 10/12/1999 về Chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp đến năm 2010;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu của Chiến lược:

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng ngành giống lâm nghiệp hiện đại, đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng cao phục vụ nhu cầu trồng rừng; áp dụng khoa học công nghệ mới theo hướng sử dụng ưu thế lai, từng bước áp dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống, giữ được tính đa dạng sinh học; hình thành hệ thống sản xuất và dịch vụ giống cây lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu về cung cấp giống: đến năm 2010 bảo đảm cung cấp 60% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 40% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng; đến năm 2015 bảo đảm cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận, trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng.

- Mục tiêu về quản lý giống: đến hết năm 2006 xây dựng và hoàn thiện đầy đủ các văn bản có liên quan đến quản lý giống cây lâm nghiệp, đến hết năm 2008 cơ bản hoàn thành các tiêu chuẩn kỹ thuật về giống cây lâm nghiệp; hoàn thiện bộ máy và công cụ quản lý đủ để kiểm soát chất lượng giống cây lâm nghiệp theo thủ tục giám sát chuỗi hành trình giống đối với các loài cây trồng chính vào năm 2007.

- Mục tiêu về nghiên cứu giống: chọn tạo được nhiều giống mới có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất lợi. Đảm bảo rừng được trồng từ sau năm 2020, đối với cây mọc nhanh năng suất bình quân 30m3/ha/năm, cây gỗ lớn đạt 15m3/ha/năm.

- Mục tiêu về nguồn lực: Đến năm 2010, về cơ bản bảo đảm đủ cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giống bao gồm cả nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống. Trang thiết bị, vật tư kỹ thuật quan trọng được hiện đại ngang bằng với các nước trong khu vực. Hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống theo hướng xã hội hoá nghề giống cây lâm nghiệp với nhiều thành phần tham gia (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình và cá nhân).

2. Nội dung của Chiến lược:

2.1 Định hướng về sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp

a) Loài cây ưu tiên phát triển giống:

- Nhóm cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế:

+ Gỗ lớn: Dầu rái, Tếch, Xoan ta, Thông caribea, Sao đen, Keo các loại.

+ Gỗ nhỏ: Các giống được công nhận của các loài Bạch đàn, Keo, Tràm.

- Nhóm loài cây trồng làm giàu rừng, trồng bổ sung trong khoanh nuôi rừng: Giổi xanh, Giổi nhung, Lát hoa, Re gừng, Chiêu liêu, Sồi phảng, Huỷnh, Vạng trứng, Xoan đào, Muồng đen.

- Nhóm loài cây lâm sản ngoài gỗ: Quế, Hồi, Sở, Trám, Tre trúc, Song mây, Trầm gió, Thông nhựa.

- Nhóm loài cây trồng rừng phòng hộ: Phòng hộ đầu nguồn gồm các loài cây như trong làm giàu rừng; phòng hộ đất cát ven biển: Xoan chịu hạn, Trôm, Phi lao, Keo chịu hạn; phòng hộ đất ngập nước: Tràm, Đước, Vẹt,  Mấm trắng.

b) Xây dựng hệ thống nguồn giống

- Quy hoạch hệ thống nguồn giống trong phạm vi cả nước trên cơ sở rà soát đăng ký lại nguồn giống hiện có.

- Tuyển chọn bổ sung nguồn giống mới để tác động chuyển hoá (khoảng 2.700 ha).

- Xây dựng khoảng 2.900 ha rừng giống, vườn giống mới chất lượng cao theo hướng: rừng giống cho các loài cây có biến dị di truyền không lớn hoặc trồng trên diện tích nhỏ, trên cơ sở chọn lọc cây trội để lấy vật liệu nhân giống; vườn giống hữu tính cho các loài cây bản địa dài ngày để vừa cung cấp giống được cải thiện vừa bảo tồn nguồn gen; vườn giống vô tính cho các loài cây mọc nhanh bản địa hoặc nhập nội có khả năng nhân giống sinh dưỡng, để nhanh chóng có giống chất lượng cao và cung cấp vật liệu gốc.

- Tổ chức đăng ký và cấp chứng chỉ cho rừng giống, vườn giống đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp

- Nhập giống: bao gồm cả nhập giống còn thiếu và giống mới cho chương trình phát triển rừng trong tương lai.

- Cập nhật thông tin hệ thống nguồn giống hàng năm

c)  Xây dựng hệ thống vườn ươm, nuôi cấy mô: Trên cơ sở số lượng cây con sản xuất hàng năm 760 triệu cây các loại từ hạt, giâm hom, nuôi cấy mô.

- Xây dựng 3 vườn ươm bằng công nghệ nhân giống và công nghệ vườn ươm hiện đại ở 3 vùng Bắc Bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ

- Những tỉnh có diện tích trồng rừng lớn ≥ 10.000ha/năm có thể xây dựng một vườn ươm quy mô lớn (công suất ≥ 1 triệu cây/năm ).

- Số lượng vườn ươm nhân giống:

+ Vườn ươm từ hạt: đã có 135, xây dựng thêm 65 vườn công suất 1triệu cây/năm.

+ Vườn ươm giâm hom: đã có 192, xây dựng thêm 158

+ Phòng nuôi cấy mô: Đã có 43, xây dựng thêm 57

d) Thiết lập và đi vào hoạt động mạng lưới giống lâm nghiệp với sự điều phối đồng bộ, thống nhất

- Các thành viên trong mạng lưới giống gồm: cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Sở Nông nghiệp và PTNT); cơ quan nghiên cứu, phát triển; chủ nguồn giống; đơn vị sản xuất giống (hạt giống và cây con); đơn vị dịch vụ giống và người sử dụng giống.

- Hoạt động mạng lưới giống lâm nghiệp trên cơ sở quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn giống đã được tuyển chọn và công nhận, có sự phối hợp chặt chẽ của mọi thành phần có liên quan từ chủ nguồn giống, nhà sản xuất giống, người cung ứng giống đến người sử dụng giống dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đảm bảo đưa giống tốt đến người sử dụng, nâng cao chất lượng và năng suất rừng trồng.

2.2 Định hướng nghiên cứu giống cây lâm nghiệp

Tập trung vào các loài cây trồng rừng ưu tiên để nâng cao năng suất lên 20-50% so với hiện nay, coi trọng cả cây nguyên liệu mọc nhanh, cây gỗ lớn và cây lâm sản ngoài gỗ, cây nhập nội và cây bản địa; giải quyết đồng bộ nghiên cứu chọn tạo giống và nhân giống  với nghiên  cứu biện  pháp lâm  sinh để  thâm canh  tăng năng  suất  rừng trồng; kế thừa các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống của giai đoạn trước và các tiến bộ kỹ thuật về giống của nước ngoài (công nghệ sinh học, công nghệ gen và giống mới có năng suất cao).

Giai đoạn 2006-2010: tập trung chọn lọc cây trội, khảo nghiệm hậu thế và khảo nghiệm dòng vô tính; ưu tiên cho nghiên cứu lai giống trong đó chú trọng cả lai giống theo phương pháp truyền thống và cả áp dụng công nghệ sinh học; xây dựng rừng giống và vườn giống cho các loài cây trồng lâm nghiệp chính; nhanh chóng nhập giống mới có năng suất cao, đưa tỷ lệ giống được cải thiện lên hơn 40%, cuối giai đoạn năng suất rừng trồng bình quân đạt 25m3 /ha/năm đối với gỗ nhỏ và 10 m3/ha/năm đối với gỗ lớn.

Giai đoạn 2010 - 2020, đưa tỷ lệ giống được cải thiện lên hơn 50%, tập trung thích đáng cho chọn tạo giống một số loài cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ, áp dụng rộng rãi công nghệ sinh học vào chọn tạo giống và các phương pháp hiện đại trong nhân giống và bảo quản hạt giống. Cuối giai đoạn đạt năng suất rừng trồng bình quân 30m3/ha/năm đối với gỗ nhỏ và 15m3/ha/năm đối với gỗ lớn.

a). về lĩnh vực hoạt động:

- Đối với các loài cây mọc nhanh, cơ bản đã qua giai đoạn khảo nghiệm loài và xuất xứ, thời gian tới tập trung vào việc chọn cây trội, nhân giống sinh dưỡng, khảo nghiệm hậu thế và khảo nghiệm dòng vô tính; xây dựng rừng giống, vườn giống theo hướng cải thiện từ thấp lên cao.

- Tập trung nghiên cứu về lai giống để tạo bước đột phá về năng suất và chất lượng giống từ năm 2006-2020. Đầu tư thích đáng cho nghiên cứu công nghệ sinh học để sau 2010 lai giống ở mức độ phân tử, biến nạp gen, nhân giống tiền phôi và phôi vô tính, xác định gen kiểm soát sinh trưởng, chất lượng gỗ và tính chống chịu.

b). Về thiết bị:

- Đầu tư chiều sâu cho 1-2 phòng thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học mới vào chọn giống.

- Đầu tư 1-2 cơ sở nhân giống sinh dưỡng hiện đại.

- Đầu tư đồng bộ 1-2 cơ sở bảo quản giống hiện đại

3. Các giải pháp chủ yếu

3.1. Giải pháp về quản lý và tổ chức sản xuất.

- Rà soát lại toàn bộ các văn bản có liên quan đến quản lý giống để bãi bỏ những văn bản không còn phù hợp, hoàn thiện những văn bản chưa hoàn chỉnh và xây dựng mới những văn bản còn thiếu.

- Thực hiện quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên phạm vi cả nước để đảm bảo quản lý chất lượng di truyền của giống cây lâm nghiệp.

- áp dụng hệ thống thông tin, tin học để quản lý thống nhất giống cây lâm

nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

- Hệ thống quản lý sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp được thực hiện ở cả 2 cấp Trung ương và cấp tỉnh:

+ Cấp trung ương: Cục Lâm nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát sản xuất, cung ứng và chất lượng giống toàn quốc; Quy hoạch hệ thống nguồn giống và vườn ươm quy mô lớn; Chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, điều phối các hoạt động sản xuất và cung ứng giống hàng năm; Hướng dẫn quản lý và cập nhật hồ sơ nguồn giống. Hội đồng khoa học kỹ thuật giống và các đơn vị nghiên cứu thực nghiệm, các phòng kiểm nghiệm chất lượng giống hỗ trợ cho Cục lâm nghiệp.

+ Cấp địa phương: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nơi có Chi Cục Lâm nghiệp thì Sở giao cho Chi Cục Lâm nghiệp) chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát sản xuất, cung ứng và chất lượng giống trên địa bàn tỉnh, điều phối sản xuất và cung ứng giống. Hội đồng khoa học kỹ thuật giống và đơn vị nghiên cứu, phòng kiểm nghiệm chất lượng giống thuộc tỉnh hỗ trợ cho Sở.

3.2. Về tổ chức  sản xuất, cung ứng giống

- Các hoạt động tuyển chọn cây giống, xây dựng rừng giống, vườn giống có thể nhiều thành phần kinh tế cùng thực hiện, nhưng nhà nước có những chính sách đầu tư duy trì và phát triển để tạo vật liệu giống tốt. Nhà nước nắm giữ những nguồn giống cây lâm nghiệp chính.

- Hoạt động sản xuất hạt giống, tạo cây con do các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế thị trường.

- Tổ chức hệ thống thông tin bằng công nghệ tin học trong điều hành cung cầu về giống, nhằm mục đích giống tốt được sử dụng rộng rãi. 

3.3. Giải pháp về khoa học công nghệ:

- Hình thành Trung tâm công nghệ sinh học lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp với trang thiết bị nghiên cứu thí nghiệm đồng bộ, hiện đại và đủ đội ngũ cán bộ nghiên cứu chuyên sâu thành thạo.

- Gắn trách nhiệm của các Trung tâm nghiên cứu vùng thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp với thực tế sản xuất lâm nghiệp của các địa phương về việc chọn tạo giống và phổ cập giống mới trên địa bàn.

- Tập trung thực hiện các đề tài nghiên cứu, các dự án về cải thiện giống để nâng cao năng suất, chất lượng và tính chống chịu cho  một số  loài cây  ưu tiên  làm nguyên liệu  công nghiệp  và sản xuất đồ mộc, cây bản địa có giá trị kinh tế cao và cây đặc sản.

- Trong hệ thống cơ quan nghiên cứu lâm nghiệp của nhà nước cần phân công hình thành các chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia nghiên cứu sâu và dài hạn theo từng loài cây hoặc nhóm loài cây trồng rừng chính.

- Các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện đều được tham gia thực hiện các đề tài và dự án về giống trên cơ sở đấu thầu theo các quy định hiện hành để tăng tính hiệu quả của các đề tài và dự án.

3.4. Giải pháp về nguồn lực:

- Đào tạo đủ cán bộ chuyên sâu về giống cây rừng: 4-5 tiến sỹ và 7-8 thạc sỹ chuyên ngành di truyền và cải thiện giống cho 1 giai đoạn 5 năm; đào tạo đại học trong nước chuyên sâu về cải thiện giống cây rừng, đào tạo ở nước ngoài chuyên ngành công nghệ sinh học hiện đại; đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề về kỹ thuật nhân giống sinh dưỡng và tập huấn ngắn hạn để bổ sung kiến thức về chọn giống và nhân giống cho cán bộ đang làm công tác giống có trình độ kỹ sư ở các địa phương.

- Xây dựng phòng thí nghiệm và khu nhân giống trọng điểm, nguồn giống và vườn ươm đủ để cung cấp giống có chất lượng cho trồng rừng.

- Tăng cường năng lực nghiên cứu cho Trung tâm công nghệ sinh học lâm nghiệp, Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng, năng lực đào tạo cho các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.

- Tăng  cường năng  lực về nghiên  cứu giống lâm  nghiệp cho các Trung tâm đã hoạt động có hiệu quả của tỉnh, Tổng Công ty và Công ty hoạt động lâm nghiệp.

- Xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu, thông tin và phổ cập về giống lâm nghiệp.

3.5.  Về cơ chế chính sách:

a). Chính sách đầu tư và tín dụng:

- Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu về giống cây lâm nghiệp; xây dựng hệ thống nguồn giống (rừng giống, vườn giống), vườn ươm công nghệ cao trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt; đầu tư cho đào tạo, đào tạo lại cán bộ làm công tác giống; đầu tư cho công tác khuyến lâm.

- Vốn tín dụng ưu đãi giành cho sản xuất giống thương mại của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để nuôi dưỡng, quản lý nguồn giống, sản xuất và phát triển giống công nghệ cao.

b). Chính sách về đất đai và thuế:

- ưu tiên giành đất tốt cho nghiên cứu khảo nghiệm và xây dựng nguồn giống.

- Chủ kinh doanh giống được nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; miễn giảm thuế theo quy định của các luật thuế hiện hành của Nhà nước.

3.6. Về hợp tác quốc tế:

- Tranh thủ sự hỗ trợ từ các tổ chức Quốc tế cho nghiên cứu cải thiện giống, bảo tồn nguồn gen cây rừng, tăng cường năng lực về giống và quản lý  giống, xây dựng thể chế, chính sách giống và phát triển nguồn giống chất lượng cao.

- ưu tiên hợp tác nghiên cứu, đào tạo và trao đổi giống với Australia và Trung Quốc là những nước có những vùng có điều kiện tự nhiên gần giống với

Việt Nam và có trình độ phát triển về giống lâm nghiệp khá cao.

4. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chiến lược và các Dự án ưu tiên:

4.1. Tổng nhu cầu kinh phí cho cả giai đoạn 2006-2020: 778,9 tỷ đồng, trong đó:

a). Ngân sách nhà nước đầu tư cho

- Nghiên cứu, đào tạo: 180 tỷ đồng

+ Đào tạo: 35 tỷ đồng (Trung ương: 25 tỷ, Địa phương: 10 tỷ)

+ Đề tài nghiên cứu: 70 tỷ đồng (Trung ương: 50 tỷ, Địa phương: 20 tỷ)

+ Phòng thí nghiệm trọng điểm: 75 tỷ đồng (TW: 65 tỷ, ĐP: 10 tỷ)

- Phục vụ sản xuất:  200,9 tỷ đồng

+ Xây dựng nguồn giống: 124,7 tỷ đồng (TW: 40 tỷ, ĐP: 84,7 tỷ)

+ Xây dựng vườn ươm công nghệ cao: 76,2 tỷ (TW: 50 tỷ, ĐP: 26,2 tỷ)

Các dự án ưu tiên: 143 tỷ đồng

b). Các nguồn kinh phí khác:

- Vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp đóng góp: 200 tỷ đồng

- Các dự án Quốc tế về giống: 55 tỷ đồng

4.2. Nguồn vốn:

Sử dụng vốn từ  chương trình giống, chương trình công nghệ sinh học, Dự án 661, nguồn vốn sự nghiệp khoa học, nguồn vốn sự nghiệp đào tạo của Bộ, dự án hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế, vốn từ chương trình hỗ trợ ngành lâm nghiệp (Quỹ TFF), vốn tín dụng và vốn doanh nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a). Giao Cục Lâm nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020:

-  Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy và chính sách hỗ trợ phát triển về giống lâm nghiệp.

- Chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động về giống lâm nghiệp trong phạm vi cả nước để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý giống; hình thành hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát chặt chẽ. Quy hoạch hệ thống nguồn giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao trong phạm vi toàn quốc, đảm bảo cung cấp đầy đủ giống chất lượng tốt cho kế hoạch trồng rừng hàng năm.

- Hỗ trợ các tỉnh về đào tạo cán bộ, trang thiết bị tin học nhằm tăng cường năng lực quản lý giống lâm nghiệp.

b). Giao Vụ Kế hoạch:

- Lập kế hoạch hàng năm cho các hoạt động phục vụ sản xuất, nghiên cứu về giống lâm nghiệp, đảm bảo vốn cấp cho các hoạt động này.

c). Giao Vụ Khoa học và Công nghệ:

-  Xây dựng kế hoạch và kiểm tra giám sát việc thực hiện các chương trình dự án về công nghệ sinh học LN, các đề tài nghiên cứu giống cây lâm nghiệp.

- Thực hiện công nhận giống mới theo Quy chế quản lý giống lâm nghiệp.

d). Giao Vụ Hợp tác quốc tế:

- Tìm kiếm sự hỗ trợ của các dự án quốc tế để tạo thêm nguồn lực cho giống cây trồng lâm nghiệp.

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở liên quan tổ chức thực hiện Chiến lược giống cây trồng lâm nghiệp trên phạm vi của tỉnh:

- Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giống, trọng tâm là Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp ( những tỉnh có Chi Cục Lâm nghiệp thì giao cho Chi Cục Lâm nghiệp trực tiếp triển khai thực hiện Quy chế).

- Hình thành bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách về quản lý giống cây lâm nghiệp có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giống lâm nghiệp.

- Xây dựng và quản lý nguồn giống được cải thiện di truyền trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp giống có kiểm soát trong tỉnh và cho các tỉnh khác.

- Phát  triển kinh  doanh giống  cây trồng  lâm nghiệp  theo hướng xã hội

hoá với nhiều thành phần kinh tế.

3. Các cơ quan, đơn vị khác

Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể để phối hợp thực hiện Chiến lược:

a) Các đơn vị nghiên cứu các cấp ( Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam Trung tâm nghiên cứu giống, Trung tâm công nghệ sinh học) tập trung vào việc tuyển chọn, lai tạo, khảo nghiệm các loài cây mới có năng suất và tính chống chịu phù hợp với vùng sinh thái.

b) Các đơn vị đào tạo lâm nghiệp (Trường Đại học và Trung học lâm nghiệp, Trường công nhân kỹ thuật) tập trung đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo cán bộ chuyên về giống lâm nghiệp: chuyên sâu về tuyển chọn, lai tạo giống mới, công nghệ sinh học, công nghệ gen, di truyền phân tử; các kỹ thuật viên về nhân giống, kỹ thuật về quản lý vườn ươm.

c) Các đơn vị khác tham gia vào việc bảo tồn nguồn gen, phát hiện loài có giá trị kinh tế, điều tra tuyển chọn cây trội, sản xuất và cung ứng giống tốt góp phần nâng cao chất lượng nguồn giống cây rừng, nâng cao giá trị của rừng trồng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.

Điều 4. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Khoa học Công nghệ, Hợp tác quốc tế, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm Lâm, Cục Quản lý xây dựng công trình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)


Cao Đức Phát

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.