• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/11/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 15/07/2016
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 63/2005/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 13 tháng 10 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Về việc Ban hành Quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 1243/NN-TY-QĐ ngày 24 tháng 7 năm 1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ban hành Quy định cụ thể việc tiêm phòng bắt buộc đối với từng bệnh, từng loại động vật.

Điều 3. Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

 

VỀ TIÊM PHÒNG BẮT BUỘC VẮC XIN CHO GIA SÚC, GIA CẦM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005

của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy định này được áp dụng đối với gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng tại các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở chăn nuôi động vật tập trung.

2. Tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo Quy định này.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

1. Gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm phòng là gia súc, gia cầm trong vùng quy định phải tiêm phòng và có đủ điều kiện để tiêm phòng (không tính gia súc đang mắc bệnh, có chửa kỳ cuối, gia súc mới sinh).

2. Tiêm phòng định kỳ là tiêm phòng vào thời gian nhất định được quy định trong năm tuỳ theo từng bệnh.

3. Tiêm phòng bổ sung là tiêm phòng ngoài thời gian tiêm định kỳ đối với gia súc mới sinh đến độ tuổi tiêm phòng, gia súc mới nhập đàn, gia súc chưa được tiêm trong lần tiêm định kỳ.

4. Tiêm phòng khẩn cấp là tiêm phòng khi xảy ra dịch bệnh.

Điều 3. Các bệnh phải tiêm phòng, tỷ lệ tiêm phòng

1. Các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc, bao gồm:

a) Bệnh Lở mồm long móng;

b) Bệnh Dịch tả lợn;

c) Bệnh Nhiệt thán;

d) Bệnh Tụ huyết trùng trâu bò, lợn;

đ) Bệnh Dại;

e) Bệnh Niu cát xơn;

g) Bệnh Dịch tả vịt.

2. Những bệnh khác: tiêm phòng để khống chế, thanh toán dịch bệnh theo đề nghị của Cục Thú y.

3. Đối với các bệnh quy định tại khoản 1 Điều này tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm.

Chương II

TIÊM PHÒNG ĐỐI VỚI TỪNG BỆNH

Điều 4. Bệnh Lở mồm long móng

1. Đối tượng tiêm phòng bao gồm trâu, bò, dê, cừu, lợn nái, lợn đực giống.

2. Phạm vi tiêm phòng:

a) Tiêm phòng định kỳ đối với các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) có biên giới với các nước khác; các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) đã xảy ra dịch trong vòng 2 năm trước đó.

Tiêm 2 lần trong năm, lần sau cách lần trước 6 tháng; thời gian tiêm vào tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10 hàng năm.

b) Tiêm phòng khẩn cấp khi có dịch xảy ra: tiêm gia súc mẫn cảm với bệnh tại các thôn, ấp, xã, huyện xung quanh nơi xảy ra dịch, tiêm từ ngoài vào trong. Chi cục Thú y quyết định vùng tiêm tuỳ theo tính chất lây lan của bệnh.

3. Chế độ tiêm phòng:

a) Đối với vùng biên giới tiêm liên tục 5 năm. Thời gian tiêm có thể kéo dài, vùng tiêm có thể thu hẹp tuỳ theo tình hình dịch bệnh tại nơi đó và tình hình dịch bệnh ở nước láng giềng.

b) Đối với vùng ổ dịch cũ (bao gồm vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp) không thuộc vùng biên giới; tiêm liên tục trong 2 năm, sau đó không tiêm nữa nếu trong thời gian 2 năm đó không xảy ra dịch.

c) Những tỉnh nằm trong vùng dự kiến thanh toán bệnh không phải tiêm phòng.

4. Liều lượng, đường tiêm, gia súc trong diện tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin và Cục Thú y.

Điều 5. Bệnh Dịch tả lợn

1. Đối tượng tiêm phòng: tất cả các loại lợn trong diện tiêm phòng

2. Phạm vi tiêm phòng: Các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình trong phạm vi cả nước.

3. Tiêm phòng định kỳ mỗi năm 2 lần vào tháng 3 - 4 và 9 - 10 hàng năm.

4. Tiêm phòng bổ sung đối với lợn mới sinh, mới nhập về chưa được tiêm trong thời gian tiêm định kỳ.

5. Tiêm phòng khẩn cấp: khi có dịch xảy ra, tiêm thẳng vào ổ dịch trong phạm vi xã có dịch.

6. Liều lượng, đường tiêm, lợn trong diện tiêm theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

Điều 6. Bệnh Nhiệt thán

1. Đối tượng tiêm phòng: trâu, bò, ngựa.

2. Phạm vi tiêm phòng: các tỉnh có dịch trong thời gian 10 năm tính từ ổ dịch cuối cùng.

3. Tiêm phòng định kỳ mỗi năm 2 lần vào tháng 3 - 4 và 9 - 10 hàng năm.

4. Tiêm phòng bổ sung gia súc mới sinh, gia súc thuộc diện tiêm phòng mới nhập về.

5. Liều lượng, đường tiêm, gia súc trong diện tiêm theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

Điều 7: Bệnh Tụ huyết trùng

1. Đối tượng tiêm phòng: trâu, bò, lợn.

2. Phạm vi tiêm phòng: các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình trong phạm vi cả nước.

3. Tiêm phòng định kỳ mỗi năm 2 lần vào tháng 3 - 4 và 9 - 10 hàng năm.

4. Tiêm phòng bổ sung gia súc mới sinh, gia súc thuộc diện tiêm phòng mới nhập về.

5. Liều lượng, đường tiêm, gia súc trong diện tiêm theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

Điều 8. Bệnh Dại

1. Đối tượng tiêm phòng: chó, mèo nuôi.

2. Phạm vi tiêm phòng: cá nhân, tổ chức trong phạm vi cả nước.

3. Tiêm phòng định kỳ mỗi năm 1 lần bằng vắc xin tế bào.

4. Tiêm phòng bổ sung cho chó, mèo mới sinh.

5. Liều lượng, đường tiêm, gia súc trong diện tiêm theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

Điều 9. Bệnh Niu cát xơn

1. Đối tượng tiêm phòng: gà các lứa tuổi.

2. Phạm vi tiêm phòng: các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình trong phạm vi cả nước.

3. Tiêm phòng định kỳ mỗi năm 2 lần. Tuỳ theo lứa tuổi gà, loại vắc xin có thể nhỏ vắc xin vào mắt, mũi hoặc tiêm đối với chăn nuôi hộ gia đình, cá nhân. Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung tiêm phòng theo lịch.

4. Liều lượng, đường tiêm, gia cầm trong diện tiêm theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

Điều 10. Bệnh Dịch tả vịt

1. Đối tượng tiêm phòng: vịt, ngan các lứa tuổi.

2. Phạm vi tiêm phòng: các cơ sở chăn nuôi tập trung, chăn nuôi hộ gia đình trong phạm vi cả nước.

3. Tiêm phòng định kỳ mỗi năm 2 lần, tuỳ theo lứa tuổi.

4. Liều lượng, đường tiêm, gia cầm trong diện tiêm theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

Chương III

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thú y và các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm

1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi động vật phải nghiêm chỉnh chấp hành bản Quy định này.

2. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tiêm phòng, hướng dẫn việc sử dụng, bảo quản vắc xin.

3. Cục Thú y có trách nhiệm hướng dẫn việc tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm khi có dịch bệnh xảy ra.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Bùi Bá Bổng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.