• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/08/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2012
BỘ THƯƠNG MẠI-BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 14/2005/TTLT-BTM-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 11 tháng 7 năm 2005

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn

_______________________

 

Căn cứ Pháp lệnh số 07/1998/PL-UBTVQH10 ngày 20 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế;

Căn cứ Công ước Viên năm 1985 về bảo vệ tầng ô-dôn và Nghị định thư Montreal năm 1987 về các chất làm suy giảm tầng ô dôn và các văn kiện sửa đổi, bổ sung của Nghị định thư Montreal đã được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn tham gia;

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

Căn cứ Nghị định số 91/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2001 - 2005;

Căn cứ Quyết định số 41/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về cấp phép nhập khẩu hàng hóa;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 286/TTg-KTTH ngày 22 tháng 3 năm 2005 về quản lý xuất nhập khấu các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và thiết bị làm lạnh dùng CFC,

Liên tịch Bộ Thương mại và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo quy định của Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn như sau:

I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU, TẠM NHẬP - TÁI XUẤT CÁC CHẤT LÀM SUY GIẢM TẦNG Ô DÔN

1. Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, xác nhận đăng ký cho các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô dôn thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (dưới đây gọi tắt là Nghị định thư), áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp tham gia vào một trong các hoạt động nêu trên trong lãnh thổ Việt Nam.

2. Các chất làm suy giảm tầng ô-dôn được quản lý theo Thông tư này là các chất nêu tại Phụ lục 1 của Thông tư này (các chất thuộc Phụ lục A, B Nghị định thư mà Việt Nam phải cấp phép và hạn ngạch nhập khẩu theo nghĩa vụ loại trừ dần đến năm 2010) và các chất nêu tại Phụ lục 2 của Thông tư này (các chất thuộc Phụ lục C Nghị định thư Việt Nam tạm thời chưa phải cấp phép nhập khẩu cho đến năm 2015).

3. Việc quản lý nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn thực hiện theo nguyên tắc sau:

a) Các doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khấu, tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn phải đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận đã đăng ký;

b) Việc nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 thực hiện theo giấy phép nhập khẩu của Bộ Thương mại;

c) Việc nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 dạng tái chế và các chất thuộc Phụ lục 2; việc xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất các chất thuộc Phụ lục 1 và Phụ lục 2 làm thủ tục tại Cơ quan Hải quan trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp có xác nhận đã đăng ký của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

II. HẠN NGẠCH NHẬP KHẨU CÁC CHẤT THUỘC PHỤ LỤC 1

1. Bộ Thương mại cấp hạn ngạch nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 Thông tư này theo nghĩa vụ loại trừ dần của Việt Nam đến năm 2010 do Nghị định thư quy định. Tổng hạn ngạch nhập khẩu từng năm đến năm 2010 cho từng nhóm chất như sau:

Tên nhóm chất

Tổng hạn ngạch năm 2005 (tấn)

Tổng hạn ngạch năm 2006 (tấn)

Tổng hạn ngạch năm 2007 (tấn)

Tổng hạn ngạch năm 2008 (tấn)

Tổng hạn ngạch năm 2009 (tấn)

Tổng hạn ngạch năm 2010 (tấn)

CFC

240

200

75

40

10

0

Halon

1,8

1,8

1,8

1,8

1,8

0

CTC

0,19

0,19

0,19

0,19

0,19

0

 

2. Các chất thuộc Phụ lục 1 không bị tính vào hạn ngạch khi ở dạng tái chế, xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất.

3. Hạn ngạch nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 Thông tư này chỉ được cấp cho các doanh nghiệp đã có hoạt động nhập khẩu các chất này trong 3 năm trước ngày Thông tư này có hiệu lực.

4. Các doanh nghiệp nhập khẩu các chất theo hạn ngạch nhưng sau đó xuất khẩu (trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu), nếu có chứng từ chứng minh và có nhu cầu nhập khẩu tiếp thì sẽ được cấp hạn ngạch bổ sung không vượt quá lượng đã xuất khẩu.

5. Hạn ngạch nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 không được phép chuyển nhượng. Chất được cấp hạn ngạch phải được nhập khẩu vào Việt Nam trước ngày 31 tháng 12 của năm cấp phép. Sau ngày này, lượng nhập khẩu sẽ được tính vào hạn ngạch của năm tiếp theo.

III . THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀ CẤP GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU, TẠM NHẬP - TÁI XUẤT CÁC CHẤT LÀM SUY GIẢM TẦNG Ô-DÔN

1. Thủ tục đăng ký nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tại Bộ Tài nguyên và Môi trưởng

a) Các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 gửi hồ sơ về Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm:

- 03 bản đăng ký nhập khẩu theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề phù hợp;

- Bản sao Chứng nhận đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu do Cục Hải quan tỉnh, thành phố cấp;

- Bản sao ít nhất một Tờ khai hải quan đã làm thủ tục nhập khẩu một trong các chất thuộc Phụ lục 1 trong khoảng thời gian 3 năm trước ngày Thông tư này có hiệu lực đối với các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1.

Các bản sao do Giám đốc doanh nghiệp xác nhận và chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận.

b) Các doanh nghiệp đăng ký nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 2 và Phụ lục 1 dạng tái chế, xuất khẩu; tạm nhập - tái xuất các chất thuộc Phụ lục 1 và Phụ lục 2 gửi hồ sơ về Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm:

- 03 bản đăng ký theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư này;

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề phù hợp;

- Bản sao Chứng nhận đăng ký mã số kinh doanh xuất nhập khẩu do Cục Hải quan tỉnh, thành phố cấp;

- Tài liệu chứng minh là chất tái chế đối với các chất thuộc Phụ lục 1 dạng tái chế.

Các bản sao do Giám đốc doanh nghiệp xác nhận và chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp, trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, có trách nhiệm xác nhận vào bản đăng ký và gửi trả doanh nghiệp 02 bản, lưu 01 bản.

2. Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 tại Bộ Thương mại.

a) Doanh nghiệp nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 gửi đăng ký nhập khẩu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này về Bộ Thương mại để làm thủ tục cấp phép.

b) Bộ Thương mại sau khi tiếp nhận đăng ký của doanh nghiệp, trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu cho doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục 5 Thông tư này.

3. Hồ sơ nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất xuất trình với Cơ quan Hải quan.

a) Hồ sơ nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 (trừ dạng tái chế):

- Giấy phép nhập khẩu do Bộ Thương mại cấp;

- Các giấy tờ khác theo quy định hải quan.

b) Hồ sơ nhập khẩu các chất thuộc Phụ lục 1 dạng tái chế, các chất thuộc Phụ lục 2; hồ sơ xuất khẩu, tạm nhập - tái xuất các chất thuộc Phụ lục 1 và Phụ lục 2:

- Đăng ký của doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận theo mẫu tại Phụ lục 4 của Thông tư này;

- Các giấy tờ khác theo quy định hải quan.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

1 Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các doanh nghiệp phản ánh về Bộ Thương mại và Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Thương mại
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài nguyên và Môi trường
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Phan Thế Ruệ

Nguyễn Công Thành

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.