• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 14/06/2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 113/2005/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 20 tháng 5 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết

số 39/NQ-TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh

tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên

hải Trung Bộ đến năm 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 39 /NQ-TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố : Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 39/NQ-TW NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 2004
CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG, AN NINH VÙNG
BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 113/2005/QĐ-TTg
ngày 20 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để chỉ đạo và điều hành thực hiện các hoạt động đầu tư phát triển và quản lý phát triển làm căn cứ để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế định hướng các hoạt động của mình, đảm bảo đưa vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong nước, trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế; cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân trong vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

A. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

I. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, gắn quy hoạch với kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Xác định rõ những vấn đề về an ninh, quốc phòng cần phải điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010.

Trên cơ sở các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sản phẩm đã có, các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý theo chức năng của mình và trình Thủ tướng Chính phủ vào quý III năm 2005.

Yêu cầu về rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phải đạt được là:

- Quán triệt và cụ thể hoá các nội dung theo tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW, cập nhật, bổ sung phù hợp với điều kiện mới.

- Xác định rõ trong quy hoạch về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội (giao thông, điện, thuỷ lợi, khu công nghiệp, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, các công trình văn hoá…) đối với các ngành sản suất kinh doanh chỉ nêu định hướng và xác định lĩnh vực cần ưu tiên tập trung đầu tư phát triển, đề ra các chính sách để các thành phần kinh tế đầu tư phát triển.

- Xác định rõ các chương trình, dự án đầu tư trong 5 năm tới, nhu cầu về vốn và cơ cấu vốn đầu tư cho từng chương trình, dự án và các giải pháp, cơ chế chính sách huy động vốn đầu tư. Lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên thực hiện các đề án, dự án quan trọng để đưa vào kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

1. Đối với các Bộ, ngành.

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; Chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế đối ngoại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, trình Chính phủ trong quý III năm 2005.

b) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan nghiên cứu và trình Chính phủ quy hoạch xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị và các khu dân cư vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; quy hoạch xây dựng tổng thể mặt bằng cho các khu kinh tế, các đô thị mới Nghi Sơn, Lam Sơn (Thanh hoá), Hoàng Mai, Nghĩa Đàn (Nghệ An), Vũng áng (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Điện Ngọc - Điện Nam (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi), Hoà Hiệp (Phú Yên), Văn Phong (Khánh Hoà); quy hoạch mạng lưới cấp nước sinh hoạt ở các thị xã, thị trấn, thị tứ và khu vực nông thôn.

c) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành công nghiệp (nhất là đối với công nghiệp cơ khí đóng tàu, vật liệu xây dựng, sản xuất điện); phối hợp với Bộ Giao thông vận tải bổ sung quy hoạch tuyến dẫn nhiên liệu lên Tây Nguyên; quy hoạch phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực của vùng; khẩn trương hoàn thành chiến lược phát triển ngành dầu khí làm cơ sở cho việc xây dựng phát triển quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch phát triển các trung tâm lọc - hoá dầu.

Thực hiện các chương trình hành động của ngành như : phát triển công nghiệp, đẩy mạnh sản xuất; tăng cường đầu tư phát triển ngành gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; tiếp tục sắp xếp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển nông, lâm, thuỷ lợi, trong đó chú trọng tới củng cố và tăng cường hệ thống nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ ngành nông nghiệp, phát triển hệ thống chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, tập trung vào các sản phẩm cây công nghiệp ngắn ngày, cây cao su, cây điều và lâm sản; quy hoạch phát triển thuỷ lợi bảo đảm phòng, chống lũ, cấp nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái vùng.

đ) Bộ Thuỷ sản phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong vùng nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành thuỷ sản, quy hoạch khai thác, chế biến và nuôi trồng thuỷ sản của vùng.

e) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong vùng nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược và các quy hoạch đã được duyệt : chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển, các quy hoạch phát triển chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, hệ thống cảng hàng không đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; hoàn thiện và đẩy mạnh tiến độ thực hiện để sớm phê duyệt các dự án : quy hoạch chi tiết các nhóm cảng biển còn lại, quy hoạch chi tiết cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, quy hoạch tổng thể mạng đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc đến năm 2020, quy hoạch đường sắt lên Tây Nguyên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, quy hoạch phát triển giao thông vận tải tuyến hành lang biên giới và đường tuần tra biên giới miền Trung đến năm 2010, quy hoạch hệ thống đường ven biển và các quy hoạch khác.

g) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và các địa phương xây dựng trình Chính phủ về rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể các khu vực có liên quan đến mục tiêu quân sự, khu vực phòng thủ; xây dựng khu kinh tế quốc phòng và mạng lưới các đồn biên phòng ở vùng phía Tây đường Hồ Chí Minh của vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu quốc phòng - an ninh và nhu cầu kinh tế dân sinh trên các huyện đảo, xã, đảo đến năm 2010.

h) Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bưu chính, viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc theo hướng hiện đại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

i) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ Đề án phát triển các Trung tâm nghiên cứu khoa học, các phòng thí nghiệm trọng điểm tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

k) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ về rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của vùng đến năm 2010; quy hoạch khai thác, sử dụng tổng hợp và bảo vệ tài nguyên nước các lưu vực sông lớn; Đề án phòng, chống thiên tai vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển của vùng.

l) Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ trong quý III năm 2005 về rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng dịch vụ ngành; Chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu; Đề án mở rộng hợp tác thương mại ngoại vùng.

m) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và trình Chính phủ Đề án rà soát, bổ sung và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề; hướng dẫn các địa phương quy hoạch cơ sở chữa trị, phục hồi người nghiện ma tuý cho các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

n) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ về rà soát quy hoạch và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; Đề án đẩy mạnh thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Đề án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đào tạo cho các trường đại học vùng : Đại học Vinh, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quy Nhơn và Đại học Nha Trang.

o) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ quy hoạch phát triển y tế vùng; các trung tâm y tế chất lượng cao, chuyên sâu trong vùng; y tế cơ sở của các địa phương; Đề án nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm, bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS tại các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

p) Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ Đề án đầu tư tôn tạo các di tích văn hoá, di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến; bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hoá được UNESCO công nhận; Đề án đầu tư xây dựng mạng lưới thiết chế văn hoá - thông tin cấp xã, phường và xóm, thôn, bản ở các tỉnh; xây dựng kế hoạch bảo tồn phát triển văn hoá - thông tin các dân tộc thiểu số vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

q) Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển và xây dựng kế hoạch đầu tư đến năm 2010 hệ thống các khu du lịch hiện đại chất lượng cao; phát triển các khu vui chơi, giải trí trong các khu kinh tế và trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Đề án phát triển các tour du lịch miền Trung gắn với du lịch vùng Tây Nguyên và khu vực các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công; Chương trình xúc tiến quảng bá du lịch miền Trung.

r) Đài Truyền hình Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, và Bộ Văn hoá - Thông tin thẩm định trước khi trình Chính phủ Đề án mở rộng mạng phủ sóng truyền hình tới các huyện miền núi, biên giới phía Tây; kế hoạch và lộ trình triển khai tăng thời lượng phát sóng truyền hình bằng tiếng dân tộc đối với vùng.

s) Đài Tiếng nói Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và Bộ Văn hoá - Thông tin thẩm định trước khi trình Chính phủ Đề án mở rộng mạng phủ sóng truyền thanh tới các huyện miền núi, biên giới phía Tây; kế hoạch và lộ trình triển khai tăng thời lượng phát sóng truyền thanh bằng tiếng dân tộc đối với vùng.

t) Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chủ trì xây dựng và trình Chính phủ Đề án tăng cường chăm sóc sức khoẻ sinh sản kế hoạch hoá gia đình và nâng cao chất lượng dân số, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

u) Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ Đề án phát triển kinh tế - xã hội khu vực các dân tộc thiểu số rất ít người của vùng; Đề án định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc; Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số; chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với các xã vùng miền núi, biên giới.

v) Các Bộ, ngành khác theo chức năng của mình tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển của ngành trên vùng.

2. Đối với các địa phương.

Uỷ ban nhân dân các địa phương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát lại các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần Nghị quyết số 39/NQ-TW, đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể của địa phương đến năm 2010, trong đó xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, giải pháp về huy động và sử dụng vốn cho từng chương trình, dự án trình Chính phủ. Cập nhật các dự báo, xem xét lại các khả năng hiện thực, xác định lại cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo phát triển bền vững. Công khai hoá các quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, kể cả các khu công nghiệp nhỏ, làng nghề và các vùng sản xuất cây, con đặc sản có chất lượng và năng suất cao.

Rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu công nghiệp, hệ thống các đô thị và khu dân cư trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng chung của quốc gia… Nêu rõ nhu cầu, cơ cấu đầu tư và giải pháp huy động vốn thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm đã được duyệt để đưa vào đầu tư và các dự án chương trình đang trong giai đoạn xây dựng trình Chính phủ phê duyệt để đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2010.

II. Xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2006 - 2010 của ngành và địa phương trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội.

 

Tiếp tục đầu tư hoàn thành dứt điểm các dự án thực hiện trên vùng từ nay đến năm 2010, đồng thời tiến hành các hoạt động chuẩn bị tiền đề cho đầu tư hạ tầng quan trọng sau năm 2010. Cụ thể là:

1. Kết cấu hạ tầng kinh tế.

Ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, cảng biển, các công trình thuỷ lợi đầu mối có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất, hạ tầng du lịch và các ngành kinh tế khác.

a) Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương huy động các nguồn vốn, từng bước triển khai thực hiện các dự án chính như : đường bộ cao tốc Hà Nội - Ninh Bình - Vinh, Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Hà Lam - Khâm Đức; nhánh đường Đông Trường Sơn; đường ven biển của vùng; dự án hầm đường bộ Đèo Cả; cảng trung chuyển quốc tế Văn Phong.

- Chủ trì thực hiện, giám sát và đôn đốc các đơn vị liên quan đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư các công trình, dự án xây dựng bằng nguồn vốn ODA, vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ :

Các dự án nâng cấp, khôi phục Quốc lộ 1A đoạn Đông Hà - Quảng Ngãi (WB3), đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang (ADB3); Quốc lộ 9 hành lang Đông Tây (Đông Hà - Lao Bảo, Quảng Trị); Quốc lộ 49B (đoạn km 14 - km 40) (Thừa Thiên Huế); Quốc lộ 47 (cầu vượt Lê Lợi, Thanh Hoá và các cầu đường bộ trên Quốc lộ 1A; Quốc lộ 14D (Quảng Nam); đường Hồ Chí Minh; đường Vũng áng - biên giới Việt Lào; đường Tây Thanh Hoá, Tây Nghệ An; Quốc lộ 7, Quốc lộ 8, Quốc lộ 27, Quốc lộ 217, và các quốc lộ khác; tuyến miền Tây nối 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk. Nâng cấp, mở rộng cảng Cửa Lò, Vũng áng, Tiên Sa, Dung Quất, Quy Nhơn, Nha Trang; nhà ga cảng hàng không sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai; nâng cấp, cải tạo đường sắt tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương trong vùng quản lý thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả các dự án đầu tư ưu tiên các công trình thuỷ lợi theo kế hoạch đến năm 2010, bao gồm :

- Các dự án chuyển tiếp bằng nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng, trái phiếu Chính phủ như dự án hồ Cửa Đạt (Thanh Hoá); nâng cấp hệ thống thuỷ lợi hồ Đò Điểm (Hà Tĩnh); hồ ái Tử (Quảng Trị); hồ Truồi, cụm công trình thuỷ lợi A Lưới, đập Thảo Long (Thừa Thiên Huế); Phú Ninh (Quảng Nam); hồ Đồng Tròn; Định Bình (Bình Định); công trình sau thuỷ điện sông Hinh (Phú Yên); hồ Suối Dầu; hồ Sông Sắt, hồ Sông Trâu, hồ Tân Giang (Ninh Thuận), dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, kiến cố hoá kênh Sông Quao, hồ Lòng Sông (Bình Thuận).

- Các dự án xây dựng mới huy động vốn trong nước bằng hình thức trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách Nhà nước : hồ Bản Mồng (Nghệ An); hồ Rào Đá (Quảng Bình); hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế); hồ Đồng Tiễn (Quảng Nam); hồ Nước Trong (Quảng Ngãi); hệ thống tưới Văn Phong (Bình Định), hồ Mỹ Lâm (Phú Yên), hồ Hoa Sơn, hồ Tà Rục (Khánh Hoà), hồ Tân Mỹ (Ninh Thuận), hồ Tà Pao, hồ Sông Móng (Bình Thuận).

Các dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, chống bồi lấp cửa sông, ven biển và xói lở bờ biển.

c) Bộ Thuỷ sản phối hợp với các địa phương trong vùng quản lý thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả các dự án đầu tư đang thực hiện và chuyển tiếp : Trung tâm giống hải sản quốc gia miền Trung, các Trung tâm sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung trong vùng, phân viện nghiên cứu thuỷ sản Bắc Trung Bộ, dự án thông tin liên lạc phục vụ cho tàu thuyền khai thác hải sản tại ngư trường trọng điểm, dự án xây dựng Trung tâm quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản, dự án xây dựng chợ cá đầu mối, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu neo đậu phòng tránh trú bão vùng, các khu bảo tồn biển.

d) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương tổng hợp, đề xuất danh mục các chương trình, dự án về nâng cấp và xây dựng mới các công trình cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho dân cư được ưu tiên bố trí các nguồn vốn để thực hiện.

đ) Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương luận chứng khả thi dự án đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia. Xây dựng hệ thống điện cho các huyện đảo, xã đảo.

e) Bộ Bưu chính, Viễn thông chủ trì đôn đốc và giám sát thực hiện các dự án đầu tư phát triển hệ thống bưu chính, viễn thông, đảm bảo truyền dẫn liên tỉnh thông suất và dịch vụ Internet đến các trung tâm thành phố, thị xã và thị trấn; đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc tới tất cả các xã.

g) Tổng cục Du lịch phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai xây dựng các khu du lịch; quản lý thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả các dự án đầu tư hạ tầng du lịch theo kế hoạch đến năm 2010.

- Xác định thứ tự ưu tiên đầu tư, đôn đốc thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư và triển khai đúng tiến độ các dự án xây dựng các khu, tuyến du lịch tổng hợp như : Sầm Sơn - Lam Sơn; Kim Liên - Cửa Lò; Phong Nha - Kẻ Bàng; Vĩnh Mốc - Hiền Lương - Khe Sanh; Huế - Cảnh Dương - Hải Vân - Non Nước; Hội An - Mỹ Sơn; Văn Phong - Đại Lãnh; Nha Trang; Hàm Tân - Mũi Né: hệ thống Tháp Chàm từ Quảng Nam đến Bình Thuận cùng với nhiều khu du lịch chuyên đề khác.

h) Bộ Thương mại phối hợp với các địa phương trong vùng nghiên cứu đề xuất các dự án kết cấu hạ tầng thương mại đề nghị nhà nước hỗ trợ đầu tư, bao gồm các dự án xây dựng, cải tạo chợ tại các khu vực cửa khẩu, các địa phương biên giới.

i) Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng bố trí vốn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu (trong đó có các kho ngoại quan) có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá lớn, phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, bưu chính, viễn thông để tăng nguồn thu ngân sách và thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.

k) Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng tuyến đường Trường Sơn Đông theo đúng tiến độ và đúng quy định xây dựng cơ bản hiện hành.

2. Kết cấu hạ tầng xã hội và bố trí dân cư.

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các địa phương vùng thực hiện các dự án phát triển mạng lưới các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của vùng theo quy hoạch; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các trường đại học vùng. Sắp xếp đầu tư xây dựng theo thứ tự ưu tiên và có kế hoạch triển khai cụ thể.

Phối hợp với các địa phương trong vùng thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên tại các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; xây dựng mạng lưới trường học, nhất là mạng lưới trường mầm non, trường dân tộc nội trú và các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề ở các huyện miền núi, hải đảo.

b) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu cấp vùng kỹ thuật cao tại Huế và Đà Nẵng; xây dựng đề án phát triển trung tâm y tế vùng ở Vinh, Nha Trang; xây dựng đề án tổng thể nâng cấp các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện đa khoa huyện và trạm y tế xã.

c) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trong vùng triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới, kết cấu hạ tầng các tuyến dân cư, các trung tâm cụm xã dọc tuyến biên giới Việt - Lào đảm bảo ổn định các nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh - quốc phòng.

d) Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong vùng thực hiện dự án xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá - thông tin cơ sở, bảo tồn phát triển văn hoá - thông tin vùng dân tộc thiểu số, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

đ) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình Chính phủ hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đầu tư các dự án trường dạy nghề các địa phương, trường đào tạo giáo viên dạy nghề khu vực; đầu tư, nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vinh thành trường Đại học Sư phạm kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư cơ sở chữa trị, cai nghiện phục hồi cho các tỉnh trong vùng.

III. Xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2006 - 2010 của ngành và địa phương trong lĩnh vực phát triển các ngành sản phẩm chủ yếu của vùng.

Chương trình đầu tư 5 năm (2006 - 2010) đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ hướng vào mục tiêu thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm trong các ngành kinh tế, tập trung vào các sản phẩm thuỷ điện, xi măng, thép, lọc dầu và dịch vụ du lịch và các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.

1. Bộ Công nghiệp phối hợp với các chủ đầu tư, các địa phương lập kế hoạch, xây dựng giải pháp về vốn và cơ chế phối hợp thực hiện các dự án xây dựng khu liên hợp luyện kim tại Thạch Khê, tỉnh Hà Tỉnh. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách huy động vốn, đặc biệt là từ các nguồn vốn ngoài nhà nước để các công trình trong thời kỳ 2005 - 2010 triển khai theo tiến độ đề ra, trong đó quan trọng nhất là:

- Thực hiện các dự án đầu tư chuyển tiếp. Về thuỷ điện như thuỷ điện Nhạn Hạc và Bản Cốc, Bản Vẽ (Nghệ An), Quảng Trị (Quảng Trị), Bình Điền (Thừa Thiên Huế), A Vương1, Sông Tranh 2 (Quảng Nam), Đại Ninh, Bắc Bình (Bình Thuận), Thượng Kon Tum (Quảng Ngãi), Sông Ba Hạ (Phú Yên). Các công trình khác như Nhà máy bia Hà Nội - Quảng Bình (Quảng Bình), Nhà máy bia (Vĩnh Phúc), Nhà máy bột giấy Thanh Hoá (Thanh Hoá).

- Các dự án đầu tư khởi công mới. Về điện như nhiệt điện Nghi Sơn (Thanh Hoá), Nông Sơn (Quảng Nam); thuỷ điện Cửa Đạt (Thanh Hóa), Thác Muối (Nghệ An), Sông Côn 2 (Quảng Nam), Đak Rinh (Quảng Ngãi), An Khê Kanak (Bình Định), Ea Krông Năng (Phú Yên), La Ngâu, Đan Sách (Bình Thuận). Các công trình khác như nhà máy sản xuất lốp ôtô radian (Đà Nẵng), dự án sản xuất PP, PE (Quảng Ngãi); Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhà máy lọc dầu số 2 (Thành Hoá); Nhà máy cán nóng thép tấm (miền Trung), mỏ Thạch Khê và liên hợp luyện kim (Hà Tĩnh); Nhà máy chế biến pigment (TiO2) (Hà Tĩnh); Nhà máy cán thép dài (Đà Nẵng); Nhà máy lắp ráp và sản xuất linh kiện ô tô Kamaz (Quảng Nam).

- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực triển khai dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, phấn đấu đưa Nhà máy vận hành vào cuối năm 2008, đầu năm 2009, đồng thời tích cực tìm đối tác liên doanh hoặc 100% vốn để xây dựng liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa).

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng dự án sản xuất sản phẩm chủ lực như phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, cây cao su, cây điều, chăn nuôi bò thịt, phát triển khoanh nuôi, tập trung đầu tư trồng rừng phòng hộ. Lập kế hoạch trồng rừng sản xuất và có các chính sách huy động các thành phần kinh tế tham gia trồng và bảo vệ rừng, gắn với công nghiệp chế biến gỗ.

3. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các chủ đầu tư, các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả các dự án đầu tư theo kế hoạch đến năm 2010 các dự án đầu tư chuyển tiếp như dây chuyền 3 xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa), xi măng Sông Gianh (Quảng Bình), xi măng Thạch Mĩ (Quảng Nam).

Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan lập kế hoạch phát triển thêm một số nhà máy xi măng mới như xi măng Nghi Sơn 2 (Thanh Hóa), xi măng Đông Lâm (Thừa Thiên Huế).

Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách huy động vốn đặc biệt là từ các nguồn vốn trong và ngoài nhà nước để lập kế hoạch triển khai chuyển đổi các nhà máy xi măng lò đứng sang công nghệ lò quay.

4. Các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch định hướng và giải pháp phát triển các sản phẩm dịch vụ theo chức năng quản lý của từng Bộ, ngành; tập trung vào các sản phẩm dịch vụ vận tải hàng không, vận tải biển, vận tải bằng đường bộ; viễn thông, tài chính, ngân hàng, các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin và Internet; dịch vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyên ngư.

IV. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ thể chế về quản lý và điều hành thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW

Để thống nhất chỉ đạo và điều hành có hiệu qủa các hoạt động của Chương trình hành động, điều cốt yếu quyết định thành công là hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ thể chế về quản lý và điều hành thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, huy động đủ nguồn lực và xây dựng cho được hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ quản lý và điều hành linh hoạt, có năng lực. Cụ thể Chính phủ giao nhiệm vụ như sau:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng đề xuất các khung cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể cho cả vùng và riêng cho vùng kinh tế trọng điểm, trình Chính phủ trong quý IV năm 2005 :

- Tính toán cân đối nguồn vốn và đề xuất với Chính phủ về cơ chế chính sách ưu tiên hỗ trợ về vốn để thực hiện và đưa vào kế hoạch đầu tư thời kỳ 2006 - 2010. Cơ chế, chính sách quản lý và phân bổ hợp lý nguồn vốn ngân sách cho các địa phương để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 39/NQ-TW.

- Chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vận động xúc tiến đầu tư vào sản xuất công nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch vào khu khuyến khích và phát triển thương mại Chân Mây, khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế tổng hợp Dung Quất, Nhơn Hội, Văn Phong, các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu.

- Cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực.

- Cơ chế, chính sách liên kết trong vùng, giữa vùng kinh tế trọng điểm và ngoài vùng kinh tế trọng điểm, hợp tác liên kết với các vùng khác.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ trong quý IV năm 2005 về cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính đối với vùng đến năm 2010.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, tập trung vào rà soát, chỉnh sửa tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, tín dụng đối với vùng.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao thích nghi với điều kiện sinh thái của vùng.

5. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu đề xuất và trình Chính phủ trong quý IV năm 2005:

- Cơ chế chính sách trong đầu tư phát triển và hợp tác phối hợp sử dụng có hiệu quả các cảng biển ở khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

- Phương thức vận tải đường bộ và vận tải đa phương thức trong khu vực ASEAN.

6. Bộ Thương mại chủ trì xây dựng, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách và trình Chính phủ về phương thức tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường và hoàn thiện cơ chế hoạt động của ngành thương mại ở vùng.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu xây dựng, đề xuất và trình Chính phủ trong quý III năm 2005 về cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi và khuyến khích đầu tư nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh tại vùng.'

8. Bộ Y tế chủ trì, nghiên cứu xây dựng, đề xuất và trình Chính phủ trong quý III năm 2005 về chính sách hỗ trợ đầu tư cho Quỹ khám chữa bệnh người nghèo và tăng cường kết hợp Quân - Dân y trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân tại các huyện miền núi, hải đảo, biên giới phía Tây của các tỉnh trong vùng.

9. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất và trình Chính phủ trong quý IV năm 2005 về chính sách ưu tiên đặc biệt trong bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức cơ sở ở địa phương là vùng cao, vùng biên giới, vùng các xã đặc biệt khó khăn; cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng kế hoạch về kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính các cấp được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003 từ nay đến năm 2010 theo tinh thần cải cách hành chính trong việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

10. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương trong vùng xây dựng và tổ chức triển khai công tác đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010, trình Chính phủ trong quý II năm 2005. Tập trung xây dựng và triển khai công tác đảm bảo an ninh đối với một số lĩnh vực, địa bàn trọng điểm như: đối với chương trình phát triển kinh tế biển; đối với các tỉnh có biên giới giáp Lào; với các tỉnh có các dự án trọng điểm, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài; với các tỉnh phụ cận Tây Nguyên; với các tỉnh trọng điểm về tôn giáo và các tỉnh tập trung đồng bào dân tộc Chăm. Cơ chế phối hợp giữa Bộ Công an với các ngành, địa phương trong việc tìm chọn đối tác, thẩm định các đối tác nước ngoài tham gia đầu tư kinh tế vùng. Chính sách và cơ chế quản lý nâng cao hiệu quả công tác phòng và chống các tệ nạn ma tuý, mại dâm và buôn bán phụ nữ qua biên giới, buôn bán tiền giả, vận chuyển và buôn bán vũ khí qua biên giới. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phối hợp lực lượng và củng cố chính quyền cơ sở để xử lý, ngăn chặn các hoạt động ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

11. Bộ Tư pháp rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế điều hành, chính sách ưu tiên phát triển vùng khó khăn trong các lĩnh vực đầu tư, phân bổ và quản lý sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, định hướng thị trường và hỗ trợ về khoa học và công nghệ cho phát triển, xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng.

12. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển dạy nghề, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội và cai nghiện phục hồi cho các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

13. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, đề xuất bổ sung chính sách tổ chức hoạt động và hưởng thụ văn hoá - thông tin vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

14. Bộ Thuỷ sản chủ trì đề xuất chính sách phát triển nguồn nhân lực, cơ chế chính sách quản lý các cảng cá, chợ cá đầu mối, hệ thống thông tin nghề cá, nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, vùng giống tập trung, chính sách quản lý chất lượng sản phẩm thuỷ sản chế biến, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất thuỷ sản vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và chính sách nuôi trồng thuỷ sản trên biển.

V. Thông tin tuyên truyền về Nghị quyết

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài phát thanh - truyền hình các địa phương, tổ chức phổ biến rộng rãi về Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, các quy hoạch, kế hoạch và các chương trình trọng điểm cần triển khai trên địa bàn vùng tới các tổ chức Đảng, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với đội ngũ doanh nhân….

B. TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Căn cứ vào Chương trình hành động của Chính phủ, các ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý được giao trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đã có, xác định các dự án, đề án, chương trình ưu tiên, các nguồn lực cần huy động, những chính sách cần điều chỉnh hoặc ban hành bổ sung và kế hoạch đầu tư, thời gian thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ từ nay đến năm 2010.

1. Trên cơ sở tiếp tục cụ thể hóa về thực hiện những nội dung chủ yếu được nêu ra trong Chương trình hành động của Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương mình; thực hiện các đề án, dự án, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách và bộ máy theo sự phân công của Chính phủ.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ đã nêu trong Chương trình hành động, kịp thời đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình cụ thể và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chương trình hành động này.

3. Các Bộ, ngành được phân công chủ trì thực hiện các Chương trình, dự án, đề án, xây dựng chính sách chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng và báo cáo kết quả đúng theo tiến độ thời gian đã quy định tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

4. Trên cơ sở quy hoạch của các ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách, về vốn đầu tư... để triển khai thực hiện ngay trong kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.