• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/1990
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 33-TC/CN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 31 tháng 7 năm 1990

THÔNG TƯ CỦA BỘ TÀI CHÍNH
Quy định chế độ khấu hao tài sản cố định

Thực hiện Quyết định số 144-HĐBT ngày 10/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về chấn chỉnh quản lý tài chính của các Xí nghiệp quốc doanh, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về chế độ khấu hao TSCĐ cho phù hợp với tình hình hiện nay như sau:

 

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tất cả các TSCĐ hiện có ở các tổ chức kinh tế, các xí nghiệp quốc doanh, hạch toán kinh tế độc lập, có tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ nghiên cứu khoa học... đều phải thực hiện việc khấu hao và trích khấu hao vào giá thành sản phẩm hoặc phí lưu thông (dưới đây gọi chung là giá thành) để hình thành nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sửa chữa lớn TSCĐ và mua sắm, đổi mới thay thế TSCĐ.

Những TSCĐ hiện có sau đây ở xí nghiệp không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp thì không phải trích khấu hao tài sản cố định:

TSCĐ không cần dùng, chưa cần dùng đã có quyết định của cơ quan cấp trên cho phép xí nghiệp được đưa vào cất giữ bảo quản, điều động cho xí nghiệp khác, hoặc xí nghiệp đã làm thủ tục báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để đưa vào bảo quản cất giữ, điều động cho các đơn vị khác sử dụng.

TSCĐ thuộc dự trữ Nhà nước giao cho xí nghiệp bảo quản giữ hộ.

TSCĐ của các đơn vị hành chính sự nghiệp không hạch toán kinh tế, của các công trình quốc phòng, an ninh.

TSCĐ thuộc đối tượng phục vụ chung cho nhu cầu của xã hội: Như đường sá, cầu cống, đê đập...

2. Giá trị mới của TSCĐ được xác định như sau:

a. TSCĐ có trước thời điểm kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ, ngày 01/01/1990 thì nguyên giá TSCĐ được xác định lại theo giá kiểm kê tại thời điểm 01/01/1990 hoặc đã được xác định theo những thông số tính toán được quy định trong các Quyết định số 40-VGNN/TKK ngày 06/10/1989. Thông tư số 668a-VGNN/KK ngày 17/11/1989 và các Thông tư hướng dẫn khác của Uỷ ban Vật giá Nhà nước.

b. TSCĐ mới được mua sắm công trình xây dựng cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 01/01/1990 thì được tính theo nguyên giá thực mua cộng với chi phí lắp đặt, bảo quản (nếu có).

3. Những TSCĐ được hình thành từ nguồn vốn khấu hao cơ bản để lại cho xí nghiệp của TSCĐ thuộc vốn ngân sách Nhà nước cấp phải được coi là TSCĐ thuộc nguồn vốn ngân sách cấp và coi như ngân sách Nhà nước cấp (không được coi là TSCĐ thuộc nguồn vốn bổ sung của xí nghiệp).

 

II. TRÍCH KHẤU HAO TSCĐ

1. Tỷ lệ khâu hao

a. Tỷ lệ khấu hao cơ bản:

Tất cả các tài sản cố định, nhóm TSCĐ thuộc mọi nguồn vốn đầu tư (bao gồm vốn ngân sách Nhà nước cấp vốn tự bổ sung vốn tín dụng, vốn vay, vốn liên doanh liên kết), sử dụng phổ biến ở các ngành kinh tế, kỹ thuật, thì đều tính theo tỷ lệ thống nhất đã quy định trong Quyết định số 507-TC/ĐT ngày 22/6/1987 của Bộ Tài chính.

Những TSCĐ chuyên dùng, không thông dụng không có trong danh mục quy định của Bộ Tài chính, thì cơ quan quản lý cấp trên của xí nghiệp quy định trực tiếp tỷ lệ khâu hao cơ bản của TSCĐ này, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính theo nguyên tắc phản ánh đúng mức độ hao mòn thực tế của TSCĐ.

b. Tỷ lệ khấu hao sửa chữa lớn:

Căn cứ vào nhu cầu sửa chữa lớn định kỳ của mỗi loại TSCĐ trong năm kế hoạch, xí nghiệp xác định tỷ lệ trích khấu hao SCL theo đúng chi phí thực tế hợp lý về sửa chữa lớn để tính vào giá thành sản phẩm.

c. Tỷ lệ khấu hao cơ bản theo quy định tại Quyết định số 507-TC/ĐT là mức khấu hao chung và tỷ lệ tối thiểu. Những xí nghiệp nào do nâng cao được công suất sử dụng máy móc thiết bị, tăng khối lượng sản phẩm, tăng thêm lãi, thì được phép tăng mức khấu hao cơ bản để rút ngắn thời gian thu hồi vốn.

Mọi trường hợp áp dụng khác tỷ lệ khấu hao quy định như nói ở điểm a trên đây, đều phải báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên và cơ quan tài chính.

Nghiêm cấm các xí nghiệp thực hiện việc khấu hao nhanh TSCĐ một cách giả tạo để giảm lãi nộp ngân sách hoặc khấu hao nhanh TSCĐ đầu tư bằng vốn tự bổ sung, vốn vay và vốn liên doanh thông qua việc giảm tỷ lệ khâu hao cơ bản của TSCĐ đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước để tăng tỷ lệ khấu hao cơ bản của TSCĐ đầu tư bằng vốn tự bổ sung, vốn vay, và vốn liên doanh.

Các xí nghiệp phải lập bảng kê chi tiết các loại TSCĐ, tỷ lệ khấu hao và mức khấu hao theo các nguồn vốn hình thành TSCĐ (vốn ngân sách, vốn vay, vốn tự bổ sung...). Đây là tài liệu để xác nhận mức khấu hao đúng, đủ vào giá thành sản phẩm để tính đúng lợi nhuận và sử dụng đúng tiền trích khấu hao TSCĐ ở xí nghiệp.

2. Giá trị TSCĐ làm căn cứ để trích khấu hao TSCĐ được xác định như sau:

Các xí nghiệp thực hiện việc tính và trích khấu hao TSCĐ có trước 01/01/1990 theo nguyên giá mới của TSCĐ đã được xác định lại theo mặt bằng giá kiểm kê 01/01/1990. Và theo giá trị thực tế của TSCĐ đã được mua sắm, hình thành sau ngày 01/01/1990.

3. Nộp và sử dụng vốn khấu hao cơ bản, vốn tự bổ sung về đầu tư XDCB.

Các xí nghiệp có TSCĐ đang hoạt động được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, chưa khấu hao hết giá trị vốn ban đầu thì vẫn được thực hiện việc nộp khấu hao cơ bản vào ngân sách Nhà nước theo tỷ lệ quy định của Thông tư số 33-TC/CN ngày 1/9/1989 của Bộ Tài chính.

Đối với các TSCĐ được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, đã khấu hao hết giá trị vốn đầu tư vẫn còn sử dụng được, thì xí nghiệp vẫn tiếp tục trích khấu hao cơ bản và phần khấu hấu hao cơ bản đó, xí nghiệp được giữ lại toàn bộ để đưa vào vốn tự bổ sung về đầu tư xây dựng cơ bản của xí nghiệp.

Việc sử dụng vốn tự bổ sung về đầu tư XDCB của xí nghiệp và vốn khấu hao cơ bản của TSCĐ thuộc vốn ngân sách Nhà nước để lại cho xí nghiệp vẫn thực hiện theo những quy định hiện hành, nghĩa là xí nghiệp được phép chủ động sử dụng nguồn vốn tự bổ sung về đầu tư XDCB chiều sâu, đổi mới TSCĐ duy trì và nâng cao năng lực sản xuất của xí nghiệp.

 

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Số trích KHCB để lại xí nghiệp của những TSCĐ thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp, và coi như ngân sách Nhà nước cấp (của TSCĐ đầu tư bằng nguồn vốn KHCB Nhà nước để lại xí nghiệp) dùng mua sắm TSCĐ từ trước tới nay và từ nay trở đi đều phải được hạch toán là TSCĐ thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp.

2. Thông tư này có hiệu lực từ 01 tháng 07 năm 1990.

Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các ngành, xí nghiệp phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hồ Tế

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.