• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 09/03/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 20/10/2009
CHÍNH PHỦ
Số: 08/2001/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 22 tháng 2 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

______________________________

 CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 13/1999/QH10 ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Căn cứ Điều 11 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 01 năm 1989;

Để tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo quyền kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh mà trong quá trình hoạt động có liên quan nhiều đến an ninh, trật tự an toàn xã hội (sau đây gọi chung là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự).

Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam trong những ngành, nghề quy định tại Điều 2 Nghị định này không phân biệt thành phần kinh tế đều phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 2. Những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm:

1. Nhóm những ngành, nghề kinh doanh có "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự":

a) Nghề khắc dấu;

b) Nghề sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, cho thuê súng săn; sản xuất, kinh doanh đạn súng săn; sản xuất, kinh doanh công cụ hỗ trợ;

c) Nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và những nghề sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

d) Kinh doanh khí đốt, chất lỏng dễ cháy; kinh doanh các toà nhà cao trên 10 tầng dùng làm khách sạn, nhà ở, văn phòng làm việc.

2. Nhóm những ngành, nghề kinh doanh phải cam kết thực hiện các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự:

a) Cho thuê lưu trú; cho người nước ngoài thuê nhà;

b) Hoạt động in;

c) Dịch vụ cầm đồ;

d) Kinh doanh karaoke; vũ trường; xoa bóp (massage).

3. Điều kiện về an ninh, trật tự đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ Chính phủ có quy định tại văn bản riêng.

4. Căn cứ vào tình hình, yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong từng thời kỳ, Bộ Công an có trách nhiệm báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định điều chỉnh các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự cho phù hợp.

Điều 3. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để xâm hại đến an ninh, trật tự an toàn xã hội hoặc thực hiện các hành vi trái pháp luật khác.

 

Chương II

ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ THỦ TỤC

VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LÀM NGÀNH,

NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 4. Các điều kiện về an ninh, trật tự gồm:

1. Điều kiện của chủ thể kinh doanh:

Người đứng đầu cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự phải có lý lịch rõ ràng và không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người chưa thành niên; người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

b) Người bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố xét xử;

c) Người đang bị Toà án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, cấm cư trú, người đang chấp hành hình phạt tù, đang bị quản chế hoặc đang chấp hành một trong các biện pháp xử lý hành chính khác: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính;

d) Người có tiền án mà chưa được xoá án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng và các tội khác có liên quan trực tiếp tới ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

2. Điều kiện về cơ sở kinh doanh:

a) Đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, phòng nổ, phòng độc và vệ sinh môi trường;

b) Đảm bảo về trật tự, an toàn công cộng;

c) Địa điểm kinh doanh không nằm trong khu vực cấm theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự chỉ được hoạt động kinh doanh, sau khi được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" (đối với nhóm nghề quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này) hoặc đã cam kết thực hiện đúng các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự với cơ quan Công an cấp tỉnh hoặc cấp huyện (đối với nhóm nghề quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này).

Điều 6. Hồ sơ đề nghị cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" bao gồm:

1. Đơn đề nghị cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự";

2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

3. Bản khai lý lịch của người đứng đầu cơ sở kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự.

Ngoài các giấy tờ quy định chung trên đây, căn cứ vào các điều kiện về an ninh, trật tự được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định này Bộ Công an quy định hồ sơ cho từng ngành, nghề cho phù hợp.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an hoặc Công an cấp tỉnh có trách nhiệm cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" cho tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Trường hợp không đủ điều kiện thì cơ quan Công an phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do để tổ chức, cá nhân xin kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh biết.

Điều 7. Khi cơ sở kinh doanh bị phá sản; ngừng hoạt động; giải thể; sáp nhập không kinh doanh ngành, nghề quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thì giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự hết hiệu lực. Trong trường hợp thay đổi ngành, nghề kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này thay đổi địa điểm kinh doanh hoặc thay người đứng đầu thì phải khai báo bổ sung hồ sơ với cơ quan công an đã cấp giấy xác nhận để cấp đổi giấy mới.

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" phải nộp một khoản lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 8. Tổ chức, cá nhân làm những ngành, nghề quy định ở khoản 2 Điều 2 Nghị định này, khi nộp bản cam kết cho cơ quan Công an cấp tỉnh hoặc cấp huyện gửi kèm theo các loại giấy tờ sau đây:

1. Bản khai lý lịch của người đứng đầu cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự;

2. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Ngoài các giấy tờ quy định chung trên đây, căn cứ vào yêu cầu bảo vệ an ninh trật tự, Bộ Công an quy định cụ thể hồ sơ cho từng ngành, nghề cho phù hợp.

Điều 9. Các tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự phải chấp hành đầy đủ các quy định sau đây trong quá trình hoạt động:

1. Có văn bản thông báo cho cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi đặt cơ sở kinh doanh thời gian chính thức hoạt động kinh doanh;

2. Thực hiện các quy định về an ninh, trật tự theo Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Công an đối với từng loại ngành, nghề cụ thể;

3. Có trách nhiệm phát hiện và kịp thời báo cho cơ quan Công an về các vụ việc hoặc nghi vấn có liên quan đến an ninh, trật tự trong quá trình kinh doanh;

4. Chấp hành việc hướng dẫn và kiểm tra về an ninh, trật tự của cơ quan Công an có thẩm quyền.

Điều 10. Người đứng đầu cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ sở do mình phụ trách.

 

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CÁC BỘ, NGÀNH, UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

TRONG VIỆC QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH

CÓ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ

Điều 11. Bộ Công an:

1. Thống nhất quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Nghị định này trên phạm vi cả nước;

2. Ban hành văn bản hệ thống biểu mẫu phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại nghị định này;

3. Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự cho lực lượng bảo vệ của các cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự;

4. Quy định chế độ thông tin, báo cáo việc thực hiện các quy định về an ninh, trật tự đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định này;

5. Hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" và tiếp nhận cam kết thực hiện các quy định, điều kiện về an ninh, trật tự cho tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự;

6. Hướng dẫn lực lựợng Công an các cấp tiến hành kiểm tra về an ninh, trật tự các cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo các nội dung sau đây:

a) Kiểm tra các giấy tờ hợp lệ về hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh trật tự; nội dung kinh doanh ghi trong giấy phép với thực tế của cơ sở đang hoạt động kinh doanh;

b) Kiểm tra việc chấp hành các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Công an đối với từng loại nghề;

c) Kiểm tra người và phương tiện có liên quan đến hoạt động của các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định.

d) Việc kiểm tra phải thực hiện đúng thủ tục kiểm tra quy định hiện hành của Chính phủ về thanh tra kiểm tra doanh nghiệp.

Điều 12. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an:

1. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương, cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức, cá nhân xin đăng ký kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự theo đúng quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài xin đầu tư vào lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định này;

Điều 13. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc thu và sử dụng lệ phí cấp "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự" cho các tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 14. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự do Bộ, ngành và địa phương mình quản lý.

 

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Nghị định này, được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Tổ chức, cá nhân làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự vi phạm quy định của Nghị định này và quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi "Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự", hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện sai các quy định của pháp luật trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Tổ chức, cá nhân làm nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự đã được cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự" theo Nghị định số 17/CP ngày 23 tháng 12 năm 1992 của Chính phủ, nếu đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này thì vẫn được tiếp tục kinh doanh, mà không phải làm bản cam kết hoặc cấp lại "Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự". Nhưng trong quá trình hoạt động kinh doanh, phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an.

Điều 19. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 17/CP ngày 23 tháng 12 năm 1992 của Chính phủ về việc quản lý các nghề kinh doanh đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

Điều 20. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.