• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/07/2008
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 06/2008/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 19 tháng 5 năm 2008

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá;

Căn cứ Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá,

Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự, thủ tục công bố sản phẩm phù hợp quy chuẩn, kiểm tra nhà nước và quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp bao gồm: trách nhiệm công bố sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phù hợp quy chuẩn, đảm bảo chất lượng; kiểm tra nhà nước về chất lượng và quản lý chất lượng vật liệu nổ công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Thông tư này là các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam; các đơn vị hoạt động dịch vụ thử nghiệm chất lượng vật liệu nổ công nghiệp.

Các quy định tại Thông tư này chưa áp dụng đối với vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu dùng cho thăm dò và khai thác dầu khí.

3. Nguyên tắc quản lý chất lượng các sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp

a) Vật liệu nổ công nghiệp là sản phẩm, hàng hoá phải chứng nhận hợp quy bao gồm:

- Vật liệu nổ công nghiệp đã có Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) phải chứng nhận hợp quy theo QCVN;

- Trường hợp vật liệu nổ công nghiệp có Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) mà chưa được chuyển đổi thành QCVN thì áp dụng TCVN đó để chứng nhận hợp quy tương tự như áp dụng QCVN;

- Đối với vật liệu nổ công nghiệp chưa có QCVN thì quy định được áp dụng để chứng nhận hợp quy là tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn khác sau khi được Bộ Công Thương đánh giá, thẩm định và cho phép sử dụng làm quy chuẩn tạm thời để chứng nhận.

b) Thủ tục đánh giá, cho phép sử dụng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn khác làm quy chuẩn tạm thời để chứng nhận hợp quy đối với vật liệu nổ công nghiệp quy định tại khoản 5 Mục II Thông tư này.

Các đơn vị kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện chứng nhận hợp quy trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

c) Vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu là sản phẩm hàng hoá thuộc danh mục hàng hoá phải kiểm tra nhà nước về chất lượng theo Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đơn vị nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp để cung ứng tại thị trường Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng vật liệu nổ đảm bảo các chất lượng đã đăng ký và chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm đối với khách hàng.

II. CÔNG BỐ, CHỨNG NHẬN SẢN PHẨM VẬT LIỆU NỔ CÔNG

NGHIỆP PHÙ HỢP QUY CHUẨN

1. Công bố sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phù hợp QCVN

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp đã có QCVN hoặc TCVN (chưa được chuyển đổi thành QCVN) phải thực hiện việc công bố sản phẩm phù hợp quy chuẩn theo nguyên tắc tại khoản 3 Mục I.

2. Công bố sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phù hợp tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn khác

Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp chưa có QCVN có thể công bố sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn khác tại Việt Nam (ngoài TCVN) trên cơ sở đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, đánh giá và chấp nhận việc sử dụng tiêu chuẩn đó như quy chuẩn tạm thời cho hoạt động công bố của doanh nghiệp.

3. Trình tự, thủ tục thực hiện chứng nhận sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phù hợp quy chuẩn

Sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phải chứng nhận phù hợp quy chuẩn thực hiện theo các bước sau:

a) Kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp theo phương thức chứng nhận mẫu điển hình và đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng:

- Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện việc thử nghiệm, đánh giá sản phẩm phù hợp quy chuẩn tương ứng tại các đơn vị thử nghiệm do Bộ Công Thương chỉ định tại Phụ lục 1 Thông tư này;

- Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm.

b) Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp công bố sản phẩm phù hợp quy chuẩn bằng văn bản và các hồ sơ liên quan gửi về Bộ Công Thương;

c) Bộ Công Thương ra văn bản tiếp nhận công bố.

4. Nội dung và thủ tục công bố phù hợp tiêu chuẩn

a) Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp phải lập hồ sơ công bố phù hợp quy chuẩn bao gồm:

- Bản Công bố phù hợp (theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 Thông tư này);

- Giấy chứng nhận thử nghiệm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phù hợp quy chuẩn do đơn vị thử nghiệm được chỉ định thực hiện đối với vật liệu nổ công nghiệp sản xuất trong nước hoặc Giấy chứng nhận thử nghiệm phù hợp quy chuẩn của lô sản phẩm nhập khẩu gần nhất đối với vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu;

- Các tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến sản phẩm, hàng hoá (tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn khác); các quy chuẩn kỹ thuật khác;

- Biên bản kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng do Bộ Công Thương thực hiện theo các yêu cầu quy định tại TCVN 6174:1997 và các điều kiện quy định về hệ thống quản lý chất lượng quy định tại Mục III Thông tư này đối với vật liệu nổ công nghiệp sản xuất trong nước hoặc Quyết định đưa sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp được phép sử dụng tại Việt Nam đối với vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu;

- Bản mô tả chung về sản phẩm, hàng hoá (tính năng, công dụng);

- Bản hướng dẫn sử dụng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp;

Trường hợp doanh nghiệp sản xuất có mười (10) năm sản xuất vật liệu nổ công nghiệp đảm bảo chất lượng và đã được kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đối với các sản phẩm khác có cùng điều kiện sản xuất, Bộ Công Thương có thể xem xét, miễn giảm việc kiểm tra tại chỗ điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm.

b) Gửi hồ sơ công bố tới Bộ Công Thương

Trường hợp các đơn vị thử nghiệm do Bộ Công Thương chỉ định không có khả năng thực hiện thử nghiệm đánh giá sự phù hợp của một hoặc nhiều chỉ tiêu công bố, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể tự thực hiện thử nghiệm hoặc thuê đơn vị thử nghiệm phù hợp thực hiện các chỉ tiêu này và sử dụng kết quả thử nghiệm đó trong hồ sơ gửi Bộ Công Thương.

5. Thủ tục tiếp nhận công bố

Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý và tiếp nhận công bố phù hợp quy chuẩn đối với sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp.

a) Đối với sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp đã có trong Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất và sử dụng tại Việt Nam, các chỉ tiêu kỹ thuật quy định tại Quyết định đưa sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp vào Danh mục được phép sản xuất và sử dụng tại Việt Nam được coi là quy chuẩn tạm thời làm căn cứ cho việc công bố phù hợp quy chuẩn.

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ công bố phù hợp của doanh nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương gửi văn bản tiếp nhận bản công bố phù hợp cho doanh nghiệp.

Mẫu giấy xác nhận tiếp nhận công bố quy định tại Phụ lục 3 Thông tư này;

b) Đối với sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp lần đầu tiên được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ thành lập Hội đồng Khoa học công nghệ để thẩm định. Việc công bố phù hợp quy chuẩn được thực hiện cùng với thủ tục đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới. Thủ tục đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới theo quy định tại TCVN 6174:1997;

c) Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ Công Thương trong quá trình thực hiện đánh giá, khảo nghiệm sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới đồng thời đánh giá quy chuẩn công bố phù hợp của sản phẩm:

- Nếu sản phẩm công bố phù hợp TCVN (chưa được chuyển đổi thành QCVN), việc đánh giá nhằm xác định sự phù hợp của sản phẩm với quy chuẩn;

- Nếu sản phẩm công bố phù hợp tiêu chuẩn khác, Hội đồng Khoa học công nghệ sẽ xem xét các chỉ tiêu kỹ thuật sản phẩm đảm bảo phù hợp với các quy định của nhà nước, các yêu cầu kỹ thuật, an toàn khi sử dụng và đề nghị Bộ Công Thương chấp nhận như một quy chuẩn tạm thời áp dụng cho sản phẩm.

Nội dung đánh giá được quy định chi tiết tại Phụ lục 4 Thông tư này.

d) Quyết định đưa sản phẩm mới vào Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất và sử dụng tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, đồng thời sẽ nêu rõ quy chuẩn sản phẩm vật liệu nổ phải chứng nhận phù hợp;

đ) Hồ sơ đánh giá sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới được sử dụng thay cho hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm phù hợp quy chuẩn.

Bộ Công Thương cấp cho doanh nghiệp bản xác nhận công bố quy chuẩn sản phẩm đồng thời với việc cấp Quyết định đưa sản phẩm vật liệu nổ mới vào danh mục được phép sản xuất và sử dụng tại Việt Nam.

6. Sử dụng Dấu phù hợp quy chuẩn

a) Sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp, sau khi công bố và nhận được bản tiếp nhận công bố của Bộ Công Thương phải được in, gắn hoặc dán dấu phù hợp quy chuẩn lên sản phẩm hoặc bao bì trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường.

Dấu phù hợp quy chuẩn phải được in trong sổ tay hướng dẫn sử dụng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp;

b) Hình thức và kích thước của Dấu công bố phù hợp quy chuẩn theo quy định tại Phụ lục 1 Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

c) Tuỳ theo kích cỡ hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá, dấu phù hợp quy chuẩn có thể được phóng to hoặc thu nhỏ nhưng phải đảm bảo đúng tỷ lệ quy định. Kích thước toàn bộ không nhỏ hơn 01cm x 01 cm. Mầu sắc của dấu phù hợp quy chuẩn do doanh nghiệp tự lựa chọn nhưng phải rõ ràng, dễ nhận biết và bền vững.

7. Kiểm tra, giám sát sản phẩm vật liệu nổ sau chứng nhận phù hợp quy chuẩn

a) Ngoài việc gửi mẫu điển hình kiểm tra lần đầu tại phòng thử nghiệm được chỉ định để đánh giá phù hợp quy chuẩn phục vụ mục tiêu công bố, doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm gửi mẫu hoặc đề nghị đơn vị thử nghiệm lấy mẫu định kỳ theo khối lượng hoặc lô sản phẩm để kiểm tra tại các đơn vị thử nghiệm được chỉ định.

Chu kỳ lấy mẫu đại diện theo khối lượng sản phẩm xuất xưởng được quy định tại Phụ lục 5 Thông tư này.

Chỉ tiêu thử nghiệm được quy định tại QCVN hoặc các TCVN (chưa được chuyển đổi thành QCVN) và các quy chuẩn khác tương ứng với sản phẩm;

b) Doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá đối với mỗi lô hàng nhập khẩu;

c) Kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phải được lưu giữ tại doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát chất lượng vật liệu nổ công nghiệp sau công bố trong khoảng thời gian tối thiểu bằng 02 lần thời gian bảo hành sản phẩm;

d) Việc kiểm tra tại chỗ bao gồm kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, kiểm tra hồ sơ, trang thiết bị kiểm soát chất lượng đối với nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm theo từng ca sản xuất, kiểm tra chất lượng mẫu sản phẩm, kiểm tra điều kiện cất giữ đảm bảo chất lượng sản phẩm, hệ thống phân phối, bảo hành đảm bảo chất lượng sản phẩm phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.

III. YÊU CẦU ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

1. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng vật liệu nổ công nghiệp

a) Không được công bố sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp phù hợp quy chuẩn nếu vật liệu nổ đó chưa đáp ứng đầy đủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa được chuyển đổi sang quy chuẩn hoặc quy chuẩn tạm thời tương ứng;

b) Trong quá trình sản xuất hoặc lưu thông vật liệu nổ công nghiệp nếu doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện sản xuất phù hợp với nội dung đã công bố hoặc sản phẩm vật liệu nổ được phát hiện không còn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa được chuyển đổi thành quy chuẩn hoặc quy chuẩn tạm thời tương ứng, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp phải kịp thời báo cáo với Bộ Công Thương đồng thời tiến hành các biện pháp sau:

- Tạm ngừng việc xuất xưởng, xuất kho và tiến hành thu hồi các vật liệu nổ công nghiệp không phù hợp đang lưu thông trên thị trường;

- Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp;

c) Sau khi đã khắc phục sự không phù hợp, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ phải báo cáo Bộ Công Thương trước khi tiếp tục đưa sản phẩm ra lưu thông;

d) Sau khi công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm duy trì liên tục tính phù hợp của sản phẩm với quy định tương ứng, duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ tại doanh nghiệp, đồng thời hoàn toàn chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý và người tiêu dùng về tính phù hợp này;

đ) Đảm bảo kiểm soát được sản phẩm sản xuất ra bằng hệ thống ký hiệu, mã hiệu ghi trên nhãn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp;

e) Doanh nghiệp chịu trách nhiệm lưu giữ hồ sơ công bố phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước;

g) Doanh nghiệp phải thực hiện việc công bố lại tiêu chuẩn sản phẩm khi có bất cứ sự thay đổi nào về nội dung so với bản công bố phù hợp quy chuẩn đã công bố.

2. Yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng

a) Doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000;

b) Chậm nhất đến ngày 01 tháng 01 năm 2010, các doanh nghiệp chưa áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 phải thực hiện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng này.

3. Yêu cầu về trang thiết bị thử nghiệm, kiểm tra chất lượng đối với đơn vị sản xuất vật liệu nổ công nghiệp

a) Cơ sở sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải có trang thiết bị kiểm tra chất lượng thành phẩm và bán thành phẩm để đảm bảo các sản phẩm xuất xưởng luôn đạt chỉ tiêu chất lượng đã công bố, tối thiểu bao gồm các trang thiết bị thử nghiệm xác định các chỉ tiêu sau đây:

- Thiết bị đo tốc độ nổ, theo TCVN 6422:1998;

- Thiết bị xác định khả năng công phá của thuốc nổ, theo TCVN 6421:1998 hoặc TCVN 6423:1998;

- Dụng cụ, thiết bị xác định khoảng cách truyền nổ, theo TCVN 6425:1998;

- Thiết bị, dụng cụ xác định tỷ trọng, độ ẩm của thuốc nổ (đối với thuốc nổ amonit);

- Các dụng cụ đo độ bền kéo, dãn dài; tốc độ nổ, cháy, máy đo thời gian vi sai (đối với các đơn vị sản xuất phụ kiện nổ);

b) Các chỉ tiêu chất lượng khác của sản phẩm, nếu cơ sở không đủ điều kiện trang bị toàn bộ các trang thiết bị thử nghiệm có thể thuê đơn vị thử nghiệm được chỉ định thực hiện các phép thử theo tiêu chuẩn công bố;

c) Các thiết bị phải được hiệu chuẩn theo quy định, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ và lập hồ sơ theo dõi.

4. Yêu cầu về tiêu chuẩn nguyên vật liệu

a) Các doanh nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam hiện có hoặc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn riêng trên cơ sở các tiêu chuẩn Việt Nam hiện có đối với các nguyên vật liệu sản xuất thuốc nổ và thường xuyên thực hiện kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật của nguyên vật liệu;

b) Các tiêu chuẩn nguyên vật liệu, kết quả kiểm tra thường kỳ chất lượng nguyên vật liệu theo lô sản xuất phải được lập thành hồ sơ và lưu giữ tại đơn vị trong khoảng thời gian tối thiểu bằng 02 lần thời gian bảo hành đối với sản phẩm chính của nguyên liệu đó.

5. Yêu cầu về hồ sơ phương pháp thử nghiệm, kết quả thử nghiệm

a) Các đơn vị, bộ phận chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguyên vật liệu sản xuất vật liệu nổ công nghiệp phải xây dựng, lưu giữ hồ sơ về phương pháp thử và kết quả kiểm tra, thử nghiệm trong quá trình sản xuất;

b) Các kết quả thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm theo ca hoặc lô sản phẩm phải được ghi sổ hoặc lập hồ sơ theo dõi. Các hồ sơ kết quả thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm phải được lưu trong khoảng thời gian tối thiểu bằng 02 lần thời gian bảo hành đối với sản phẩm đó.

6. Yêu cầu về hệ thống đảm bảo chất lượng cho khách hàng

a) Doanh nghiệp kinh doanh cung ứng vật liệu nổ công nghiệp với khối lượng trên 5000 tấn/năm trên địa bàn bán kính tương đương 150 km phải có kho cung ứng và địa điểm bảo hành, giải quyết khiếu nại của khách hàng về chất lượng vật liệu nổ công nghiệp trong địa bàn đó;

b) Nhân viên tại địa điểm bảo hành phải nắm được đầy đủ các tính năng kỹ thuật, đặc tính cháy nổ của sản phẩm vật liệu nổ cung cấp, đảm bảo hướng dẫn cho người sử dụng sử dụng đúng chủng loại, mục đích sử dụng và có nghiệp vụ theo dõi, đánh giá chất lượng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng trong thời hạn bảo hành, đơn vị sản xuất, cung ứng có trách nhiệm thu hồi, xử lý sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp, bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

d) Nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng sau thời hạn bảo hành, đơn vị sản xuất, cung ứng có trách nhiệm phối hợp với khách hàng thu hồi, xử lý vật liệu nổ công nghiệp.

IV. YÊU CẦU ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI

PHÒNG THỬ NGHIỆM VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

1. Yêu cầu về cơ sở pháp lý

Các đơn vị thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp được chỉ định là các phòng thử nghiệm vật liệu nổ có đăng ký chức năng và các giấy phép hoạt động liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp theo quy định tại Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); được Bộ Công Thương chỉ định theo trình tự quy định tại Thông tư số 02/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn về điều kiện và thủ tục chỉ định tổ chức thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

2. Đảm bảo điều kiện vật chất, kỹ thuật

Đơn vị thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp được chỉ định phải áp dụng và có chứng chỉ công nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN/ISO/IEC 17025.

Có đầy đủ trang thiết bị thử nghiệm đảm bảo kiểm tra được các thông số cơ bản về các chỉ tiêu chất lượng vật liệu nổ công nghiệp.

3. Báo cáo

Hàng năm các đơn vị thử nghiệm được chỉ định lập báo cáo về hoạt động kiểm tra thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp phù hợp quy chuẩn và các thử nghiệm khác gửi về Bộ Công Thương trước ngày 15 tháng 3 năm sau.

V. KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG

VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

1. Kiểm tra nhà nước đối với chất lượng vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu

a) Trước khi hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp về đến cửa khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp với đơn vị thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp được Bộ Công Thương chỉ định theo mẫu tại Phụ lục 6 Thông tư này;

b) Cơ quan Hải quan thực hiện việc kiểm tra quy cách, nhãn mác sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp tương ứng với bản khai báo của doanh nghiệp và tài liệu kỹ thuật gửi kèm theo hàng hoá;

Tuỳ theo yêu cầu kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu, Cơ quan Hải quan có thể tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên, niêm phong, giao cho doanh nghiệp nhập khẩu mang đi thử nghiệm tại đơn vị thử nghiệm đã đăng ký và cho phép doanh nghiệp chuyển hàng hoá về nơi cất giữ thuận tiện;

c) Doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp sau khi đưa sản phẩm về nơi cất giữ thuận tiện có trách nhiệm lấy mẫu, gửi mẫu thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố của sản phẩm tại đơn vị thử nghiệm đã đăng ký thử nghiệm.

Trường hợp mẫu vật liệu nổ công nghiệp đã được cơ quan Hải quan lấy, dán niêm phong, doanh nghiệp nhập khẩu không phải lấy thêm mẫu thử nghiệm mà có trách nhiệm bảo quản và chuyển nguyên mẫu về đơn vị thử nghiệm đã đăng ký để thử nghiệm;

d) Đơn vị thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp có trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp của các chỉ tiêu chất lượng mẫu thử, gửi kết quả thử nghiệm cho doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, hải quan cửa khẩu nhập hàng và các cơ quan liên quan theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 Thông tư này;

đ) Doanh nghiệp chỉ được phép đưa hàng hoá vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu vào kinh doanh, sử dụng khi kết quả kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm phù hợp với quy chuẩn đã công bố.

2. Kiểm tra, giám sát đối với chất lượng vật liệu nổ công nghiệp sản xuất trong nước

a) Định kỳ hoặc bất thường, Bộ Công Thương chủ động hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành kiểm tra mẫu điển hình sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp;

b) Mẫu vật liệu nổ công nghiệp dùng để kiểm tra chất lượng sản phẩm là mẫu được lấy bất kỳ tại kho của đơn vị sản xuất, đơn vị cung ứng chính, trong thời hạn sử dụng của sản phẩm. Mẫu được niêm phong gửi về đơn vị thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do Bộ Công Thương chỉ định. Số lượng mẫu thử nghiệm tuỳ theo yêu cầu thử nghiệm do đơn vị thử nghiệm được chỉ định quy định;

c) Trừ trường hợp có khiếu nại hoặc có biểu hiện nghi vấn về các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm, việc lấy mẫu, kiểm tra mẫu ngẫu nhiên sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp được tiến hành không quá một lần trong một năm;

d) Kết quả kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp được gửi về Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương 01 bản và doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp 01 bản.

VI. BÁO CÁO CHẤT LƯỢNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Trách nhiệm báo cáo

Tháng 3 hàng năm, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp tập hợp tình hình quản lý chất lượng báo cáo về Bộ Công Thương. Nội dung báo cáo bao gồm:

- Các kết quả kiểm tra quy định tại khoản 10 Mục II của Thông tư này;

- Số lượng vật liệu nổ công nghiệp đã sản xuất, tình hình chất lượng nguyên liệu, thành phẩm vật liệu nổ công nghiệp;

- Các sự cố về chất lượng, khiếu nại của khách hàng (nếu có);

- Các biện pháp xử lý hàng hoá kém chất lượng đã thực hiện.

2. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về công bố phù hợp quy chuẩn chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Tổ chức thực hiện

Giao Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Tham mưu giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp;

b) Hàng năm xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố bổ sung Danh mục sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất và sử dụng tại Việt Nam;

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn Việt Nam về chỉ tiêu chất lượng, phương pháp thử đối với sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp;

d) Tổ chức tiếp nhận hồ sơ công bố phù hợp quy chuẩn của các sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp, cấp giấy xác nhận công bố chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp cho các doanh nghiệp công bố;

đ) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc đảm bảo chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp tại các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về công bố quy chuẩn theo quy định tại Thông tư này và các quy định hiện hành khác có liên quan;

e) Phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến việc công bố chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp;

g) Kiểm tra, giám sát hoạt động thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp tại các đơn vị thử nghiệm được chỉ định kiểm tra chất lượng sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp.

2. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương (Vụ Khoa học và Công nghệ) để kịp thời xử lý./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hữu Hào

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.