• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 07/05/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2010
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 02/2008/TT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Yên Bái, ngày 4 tháng 4 năm 2008

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về cấp giấy phép băng tần

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện;

Căn cứ Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện;

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy phép băng tần cho các tổ chức, doanh nghiệp như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn việc cấp giấy phép băng tần cho các doanh nghiệp viễn thông có giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, các tổ chức, doanh nghiệp chủ mạng viễn thông dùng riêng, mạng nội bộ có sử dụng tần số vô tuyến điện.

2. Cơ quan cấp giấy phép băng tần

2.1. Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp nhận, xử lý hồ sơ, cấp, thu hồi giấy phép băng tần.

2.2. Theo từng thời kỳ trên cơ sở quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố các đoạn băng tần được xem xét cấp giấy phép băng tần và hình thức cấp phép băng tần.

3. Hồ sơ xin cấp giấy phép băng tần

Tổ chức, doanh nghiệp xin cấp giấy phép băng tần phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính hợp pháp của các tài liệu trong hồ sơ liên quan.

3.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép băng tần đối với mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng đã có giấy phép thiết lập mạng

3.1.1. Hồ sơ được lập thành 3 bộ (1 bộ là bản chính, 2 bộ là bản sao) gồm:

a) Đơn xin cấp phép (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1);

b) Bản sao Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông đối với mạng viễn thông công cộng; Bản sao giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng đối với mạng viễn thông dùng riêng.

3.1.2. Riêng đối với các doanh nghiệp viễn thông trúng tuyển giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, hồ sơ xin cấp giấy phép băng tần chính là hồ sơ thi tuyển trúng tuyển.

3.2. Hồ sơ xin cấp giấy phép băng tần đối với mạng viễn thông dùng riêng loại không phải cấp giấy phép thiết lập mạng và mạng nội bộ

Hồ sơ được lập thành 3 bộ (1 bộ là bản chính, 2 bộ là bản sao) gồm:

3.2.1. Đơn xin cấp phép kèm theo Đề án xin sử dụng băng tần số để thiết lập mạng thông tin vô tuyến điện, trong đó nêu rõ:

- Đoạn băng tần sử dụng;

- Công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ sử dụng (bắt buộc phải ghi chi tiết các thông tin về phát xạ giả, phát xạ trong băng, phát xạ ngoài băng);

- Mục đích, phạm vi hoạt động;

- Cấu hình mạng;

- Phạm vi phủ sóng.

3.2.2. Bản sao có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật Quyết định thành lập đối với tổ chức, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp trong nước hoặc Giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc Bên nước ngoài trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

4. Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép

4.1. Việc sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép băng tần (trừ thay đổi về băng tần, độ rộng băng tần) được thực hiện trong các trường hợp sau:

4.1.1. Khi có yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp về việc sửa đổi bổ sung nội dung giấy phép.

4.1.2. Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả phổ tần số vô tuyến điện.

4.2. Hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép

Trong thời gian hiệu lực của giấy phép, nếu tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép phải làm hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung. Hồ sơ được lập thành 2 bộ (1 bộ là bản chính, 1 bộ là bản sao) gồm:

a) Đơn xin sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép;

b) Báo cáo chi tiết nội dung sửa đổi, bổ sung và các tài liệu có liên quan.

5. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép băng tần

Trước khi giấy phép băng tần hết hạn 90 ngày, nếu tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện và có yêu cầu tiếp tục sử dụng thì phải làm lại hồ sơ như trường hợp xin cấp phép mới.

Cục Tần số vô tuyến điện cấp lại giấy phép băng tần trên cơ sở Quy hoạch, kế hoạch phát triển viễn thông và Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng đối với trường hợp phải có giấy phép thiết lập mạng.

6. Nơi tiếp nhận hồ sơ và giao nhận giấy phép

Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông, 115 Trần Duy Hưng, thành phố Hà Nội.

7. Trình tự, thủ tục giải quyết cấp giấy phép băng tần

Khi nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép băng tần, Cục Tần số vô tuyến điện xem xét cấp phép theo trình tự, thủ tục như sau:

7.1. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ xin cấp phép

7.1.1. Tính hợp lệ của hồ sơ được xác định thông qua :

a) Số lượng bộ hồ sơ cần phải nộp và những đầu mục văn bản cần phải có trong mỗi bộ hồ sơ theo qui định;

b) Việc khai đủ nội dung và sự thống nhất giữa các giấy tờ trong hồ sơ xin cấp giấy phép băng tần.

7.1.2. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo cho tổ chức, doanh nghiệp bằng văn bản (theo mẫu quy định tại Phụ lục 2) về những nội dung cần bổ sung, sửa đổi và hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

7.2. Ấn định băng tần cho các tổ chức, doanh nghiệp xin cấp phép

7.2.1. Việc ấn định băng tần cho các tổ chức, doanh nghiệp chủ mạng viễn thông dùng riêng, mạng nội bộ và mạng viễn thông công cộng trong trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thi tuyển thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về thi tuyển.

7.2.2. Việc ấn định băng tần cho các tổ chức, doanh nghiệp chủ mạng viễn thông dùng riêng, mạng nội bộ và mạng viễn thông công cộng trong trường hợp Bộ Thông tin và Truyền thông không tổ chức thi tuyển, thực hiện theo các bước sau:

a) Hồ sơ đến trước được ấn định băng tần trước căn cứ vào ngày Cục Tần số vô tuyến điện nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép băng tần.

b) Xem xét việc tuân thủ các quy hoạch tần số liên quan.

c) Xem xét việc phù hợp với nội dung của giấy phép thiết lập mạng (trong trường hợp mạng phải có giấy phép thiết lập mạng).

d) Dựa theo đề nghị tại hồ sơ xin cấp phép với điều kiện khả thi về băng tần.

7.3. Cấp giấy phép băng tần

7.3.1. Cục Tần số vô tuyến điện xem xét và hoàn thành xét cấp mới giấy phép (theo mẫu quy định tại Phụ lục 3) trong thời hạn không quá 45 ngày, cấp sửa đổi, bổ sung nội dung giấy phép trong thời hạn không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

7.3.2. Trường hợp từ chối cấp giấy phép, Cục Tần số vô tuyến điện thông báo bằng văn bản cho tổ chức, doanh nghiệp.

7.3.3. Giấy phép băng tần cấp cho tổ chức, doanh nghiệp được đăng tải trên Website của Cục Tần số vô tuyến điện (www.rfd.gov.vn)

8. Nội dung giấy phép băng tần

Giấy phép băng tần có các nội dung cơ bản sau:

8.1. Tên tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép.

8.2. Thời hạn của giấy phép: giấy phép được cấp với thời hạn được đề nghị trong hồ sơ xin cấp phép nhưng tối đa không quá thời hạn của Giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc Giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng (đối với mạng phải cấp giấy phép thiết lập mạng) và không quá 15 năm.

8.3. Mục đích sử dụng:

8.3.1. Đối với mạng viễn thông công cộng: ghi như giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông.

8.3.2. Đối với mạng viễn thông dùng riêng (hoặc mạng nội bộ): thiết lập mạng viễn thông dùng riêng (hoặc mạng nội bộ) vô tuyến để đảm bảo thông tin cho các thành viên của mạng.

8.4. Phạm vi phủ sóng:

8.4.1. Đối với mạng viễn thông công cộng: ghi theo phạm vi cung cấp dịch vụ (hoặc phạm vi phủ sóng) được quy định trong giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông.

8.4.2. Đối với mạng viễn thông dùng riêng: ghi theo phạm vi hoạt động của giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng vô tuyến (đối với mạng phải cấp giấy phép thiết lập mạng) hoặc theo phạm vi phủ sóng trên cơ sở đề nghị trong hồ sơ xin cấp phép.

8.4.3. Đối với mạng nội bộ: ghi theo phạm vi hoạt động của mạng nội bộ.

8.5. Đoạn băng tần được cấp phép: là đoạn băng tần (đã bao gồm băng tần bảo vệ) được ấn định theo qui định tại khoản 7.2.

8.6. Các giới hạn phát xạ: bao gồm các giới hạn phát xạ trong băng tần và ngoài băng tần được cấp phép; phát xạ ngoài phạm vi phủ sóng. Cục Tần số vô tuyến điện quy định cụ thể các giới hạn phát xạ nêu trên dựa trên qui chuẩn kỹ thuật; trường hợp chưa có qui chuẩn kỹ thuật thì áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và khả năng của công nghệ để đảm bảo giảm thiểu khả năng gây can nhiễu tới các băng tần lân cận.

8.7. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép: tổ chức, doanh nghiệp được cấp giấy phép băng tần phải tuân thủ trách nhiệm được quy định tại Mục 11 của Thông tư này.

9. Thu, nộp phí, lệ phí tần số vô tuyến điện

9.1. Mức thu phí, lệ phí tần số vô tuyến điện thực hiện theo qui định của Bộ Tài chính.

9.2. Phí sử dụng tần số của năm đầu tiên (tính cho thời hạn 12 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực) và lệ phí cấp giấy phép nộp một lần trước khi tổ chức, doanh nghiệp nhận giấy phép.

9.3. Phí sử dụng tần số của các năm tiếp theo (tính cho thời hạn 12 tháng) nộp một lần hàng năm, trước ngày đầu tiên sử dụng tần số của năm đó.

10. Thu hồi giấy phép

10.1. Cục Tần số vô tuyến điện thu hồi giấy phép băng tần đã cấp trong các trường hợp sau:

10.1.1. Tổ chức, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc giấy phép thiết lập mạng viễn thông dùng riêng.

10.1.2. Đối với các mạng viễn thông dùng riêng không cần giấy phép thiết lập mạng và mạng nội bộ nếu sau thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp giấy phép băng tần mà tổ chức, doanh nghiệp không triển khai trên thực tế các nội dung quy định trong giấy phép băng tần.

10.1.3. Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số không đúng mục đích theo qui định của giấy phép.

10.1.4. Tổ chức, doanh nghiệp không nộp phí, lệ phí tần số vô tuyến điện bị xử phạt vi phạm hành chính theo qui định của pháp luật về phí, lệ phí mà tại quyết định xử phạt đó có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.

10.1.5. Tổ chức, doanh nghiệp bị xử phạt theo quy định của Nghị định 142/2004/NĐ-CP ngày 08/07/2004 của Chính phủ qui định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện mà tại quyết định xử phạt đó có áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép.

10.1.6. Khi quyết định điều chỉnh Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện yêu cầu phải thu hồi băng tần.

10.2. Cục Tần số vô tuyến điện ra quyết định thu hồi giấy phép băng tần theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

10.3. Kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp phải chấm dứt việc sử dụng băng tần được cấp; chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hậu quả do bị thu hồi giấy phép (trừ trường hợp thu hồi do điều chỉnh quy hoạch).

11. Trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép

11.1. Chấp hành các quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện, không gây nhiễu có hại và phải chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông và tần số vô tuyến điện;

11.2. Khai thác theo đúng các điều kiện quy định trong giấy phép;

11.3. Nộp lệ phí cấp giấy phép và phí sử dụng tần số đầy đủ, đúng hạn;

11.4. Trước khi đưa thiết bị vô tuyến điện vào khai thác, tổ chức, doanh nghiệp phải đăng ký danh mục các thiết bị phát sóng vô tuyến điện sử dụng trong mạng kèm theo các tham số kỹ thuật, khai thác (theo mẫu quy định tại Phụ lục 5). Trong quá trình khai thác, tổ chức, doanh nghiệp báo cáo theo định kỳ và bổ sung kịp thời khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý;

11.5. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin;

11.6. Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép áp dụng các biện pháp phòng, tránh và xử lý can nhiễu hoặc tuân theo các quyết định của cơ quan quản lý trong trường hợp các bên liên quan không đi đến được thoả thuận phối hợp;

11.7. Tham gia và tuân thủ các thỏa thuận về phối hợp tần số biên giới do cơ quan quản lý tổ chức, ký kết;

11.8. Trả lại băng tần ngay sau khi giấy phép băng tần hết hiệu lực mà không được cấp lại;

11.9. Trách nhiệm đền bù giải phóng băng tần (trong trường hợp cần thiết) theo quy định tại Điều 6, khoản 3, điểm c, Nghị định 24/2004/NĐ-CP ngày 14/01/2004 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện.

12. Tổ chức thực hiện

12.1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

12.2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Nam Thắng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.